Philip Van và những bức ảnh về người Sài Gòn lãng mạn

VY DUNG - HỮU HẠNH 24/09/2020 17:09 GMT+7

TTCT - Gần 2 năm sống ở Sài Gòn, tối nào Philip cũng mang theo chiếc máy ảnh nhỏ gọn, lang thang hàng tiếng đồng hồ khắp các đường phố. Ông ngạc nhiên thấy rất nhiều người đổ ra sông vào những tối mát trời. Họ ăn uống, câu cá, nhảy tango và hôn nhau bên dòng sông, nơi con nước phản chiếu ánh sáng đủ sắc màu của thành phố. “Người Sài Gòn lãng mạn thế đấy!” - ông ghi lại những khoảnh khắc nên thơ bất ngờ ấy, kể lại hào hứng.

Nhiều tác phẩm của nhiếp ảnh gia người Bỉ - Philip Vandenberghe - giới thiệu qua triển lãm Saigon Still Stories (*) khiến người xem bất ngờ: “Sài Gòn đây ư?”. Ông mang đến những góc nhìn độc đáo, bởi Philip không chỉ là một nhiếp ảnh gia.

Nhiếp ảnh gia Philip Vandenberghe
Nhiếp ảnh gia Philip Vandenberghe (Ảnh: Hữu Hạnh)

Sinh ra trong một ngôi làng nhỏ ở Bỉ, từ bé Philip đã yêu thích nhiếp ảnh, văn chương, mơ mộng khám phá cả thế giới. Thập niên 1990, ông đến Paris, Berlin rồi New York, bắt đầu với những tác phẩm ảnh đen trắng, nhưng thành công hơn ở vai trò nhà văn và biên kịch. Ông xuất bản 4 quyển tiểu thuyết, dấn thân sang lĩnh vực quảng cáo, làm phim... Đam mê nhiếp ảnh cứ thế gác lại.

Mãi đến năm 2000, Philip sang châu Á rồi đến Việt Nam, mang theo chiếc máy ảnh Olympus compact và bước vào hành trình xuyên Việt. Ông vẫn nhớ như in chuyến đi “dữ dội” đó: hai gã châu Âu trên một chiếc scooter, rong ruổi suốt 3 tuần từ Hà Nội vào TP.HCM, rồi lại ngược ra Hà Nội.

“Chúng tôi đến Hạ Long, khuân chiếc scooter lên thuyền rồi đến một đảo nhỏ. Cả vịnh khi đó chỉ có khoảng 5 tàu đánh cá địa phương” - ông nhớ lại. Đấy cũng là hành trình giúp ông sống lại tình yêu nhiếp ảnh ngày xưa.

Từ đó, nhiếp ảnh là cách để Philip cảm nhận trọn vẹn một vùng đất mới. “Quá trình đi và chụp với tôi giống như thiền định, kết nối tâm hồn mình với thế giới bên ngoài sâu sắc hơn. Tôi có thể nhớ chính xác từng chi tiết khi chụp ảnh: thời gian, địa điểm, khung cảnh, con người, thời tiết, màu sắc, mùi vị, những cảm xúc... Một sự kết nối tuyệt diệu!”.

Là nhiếp ảnh gia đường phố, Philip cứ đi, rộng mở trái tim và đôi mắt, luôn nhận lại những trải nghiệm bất ngờ. “Có một thời điểm kỳ diệu sau bữa tối và trước giờ đi ngủ, lũ trẻ được thỏa sức vui chơi trên hè phố, ca hát và làm chủ thế giới của chúng trong lúc người lớn bận rộn ăn uống hay hát karaoke. Những cảm xúc và năng lượng hồn nhiên của chúng cuốn hút tôi” - Philip kể về những đứa trẻ trong bộ ảnh Children in black and night.

Bức ảnh “Những lá bài” trong bộ Children in Black and Night.
Bức ảnh “Những lá bài” trong bộ Children in Black and Night.

“Các em rất dễ thương, luôn giơ tay chữ V chào tôi, tôi đáp lại bằng cách hỏi: “Cháu tên gì?”. Nhưng sau đó, tôi để các em quên sự hiện diện của tôi đi, quay lại chìm đắm trong thế giới của riêng chúng. Đó mới là đời sống thực sự” - ông kể tiếp. Ông biến mình trở nên vô hình để ghi lại những khoảnh khắc tự nhiên nhất.

 

Với bộ ảnh Saigon Still Stories, Philip cảm nhận thành phố qua góc nhìn của một nhà biên kịch. Những bức ảnh đậm chất đời thường, ẩn giấu những cú twist thú vị trong những dòng phụ đề.

Đó là cảnh một nhà sư đang chưng dọn trong chùa, hàng tá trái táo lăn lóc dưới đất và dòng phụ đề ít nhiều đánh đố: “Chỉ một quả táo sẽ không kể chuyện”.

Bức ảnh “Chỉ một quả táo sẽ không kể chuyện”.
Bức ảnh “Chỉ một quả táo sẽ không kể chuyện”.

Một người phụ nữ sải bước vào chợ nhưng lại dõi mắt theo ai đó bên ngoài khung hình, và “Người mẹ nào mà không để ý đến nhan sắc của con gái?”.

 

Hay bức ảnh người đàn ông ngồi che dù và câu thoại: “Dù điếc, tôi vẫn nghe được tiếng mưa”.

 

Cách Philip bắt đúng khoảnh khắc kịch tính, gieo vào ảnh những lời thoại không biết là của nhân vật trong khung hình hay đến từ ai... khiến bức ảnh tĩnh bỗng trở nên gợi mở như thể cắt ra từ một bộ phim one-shot. Cả câu chuyện ngưng đọng trong một khung hình khiến người xem phải dừng lại, suy ngẫm và tự dựng lên bộ phim của riêng mình trên bối cảnh Sài Gòn.

 

Philip đã mang Saigon Still Stories đến triển lãm cá nhân ở Concertgebouw, Bruges (Bỉ) vào đầu tháng 2-2020, vừa kịp quay lại Sài Gòn ngay trước khi đại dịch COVID-19 bùng nổ. “Thời điểm đó tôi nghĩ thật may mình đã ở Việt Nam” - ông nói.

Vì giãn cách xã hội, không thể ra ngoài chụp ảnh đường phố như thường lệ, ông đành dành thời gian quan sát, chụp ảnh những vật dụng quen thuộc ngay trong căn hộ trên tầng áp mái ở đường Cô Giang, quận 1 và tạo nên bộ ảnh trừu tượng Take a deep look inside.

Tác phẩm “Blue” trong bộ ảnh Take a deep look inside.
Tác phẩm “Blue” trong bộ ảnh Take a deep look inside.

Nhìn sâu vào bên trong, những chiếc ghế nhựa, đôi giày, ống hút, tách trà... bỗng trở nên khác lạ. “Đó là một khám phá bất ngờ cho sự hội ngộ của con người nhiếp ảnh và họa sĩ trong tôi. Vẻ đẹp luôn có thể tìm thấy từ bất kỳ đâu, ngay trước mắt bạn” - ông nói.

Đấy cũng là cái tứ để Philip thực hiện bộ ảnh còn lại về Sài Gòn - From Where I’m Sitting. Những câu chuyện tự nhiên diễn ra xung quanh, ông chụp bằng điện thoại từ nơi đang ngồi ăn tối hay uống cà phê: “Tôi ngồi im, chờ đợi mọi thứ xảy ra. Đơn giản và thú vị. Bạn có thể gọi đó là sự tĩnh tâm, kiên nhẫn hay chỉ là đang tìm kiếm tình yêu”.

Bức ảnh “Màu vàng” trong bộ Saigon Riverside.
Bức ảnh “Màu vàng” trong bộ Saigon Riverside.

Một đứa trẻ ngủ quên trong lòng người cha đang ăn tối, một ông chủ quán say sưa theo dõi phim truyền hình. Những bức ảnh hết sức đời thường, ẩn chứa sự sống đầy năng lượng và cảm xúc.

“Thỉnh thoảng có người hỏi tôi sử dụng ống kính và máy ảnh gì? Tôi trả lời rằng tôi chụp ảnh bằng chính đôi mắt của mình. Đó là một cách nói vui, bởi có nhiều nhiếp ảnh gia bây giờ quá chú trọng đến thiết bị mà quên đi khoảnh khắc thực tại - điều quan trọng nhất” - ông nói.■

(*) Đang trưng bày tại Noirfoto Gallery, quận 2, TP.HCM đến ngày 26-9.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận