Của để dành với dân miền biển

THÁI BÁ DŨNG 25/09/2020 23:09 GMT+7

TTCT - Đại dịch COVID-19 khiến nhà hàng, khách sạn đìu hiu, người kinh doanh như ngồi trên lửa. Nhưng trên các lạch đìa và ngoài biển khơi, những tiếng gọi nhau thả lưới, neo thuyền vui chộn rộn. Nhiều người dân vùng sông nước Hội An (Quảng Nam) đã quay lại nghề cũ từng nuôi sống họ nhiều năm trước.

Anh Lê Công Em cùng vợ thả chài trên cửa sông để kiếm sống chờ dịch qua. Ảnh: B.D.
Anh Lê Công Em cùng vợ thả chài trên cửa sông để kiếm sống chờ dịch qua. Ảnh: B.D.

Buổi trưa giữa tháng 8, trời như lò nung. Ở khu xóm nghèo tổ 1 phường Cẩm An nằm rìa phố cổ Hội An, từng tốp người ngồi chụm lại nói chuyện rôm rả. Nhiều người trong số đó vừa trở về nghỉ ngơi sau chuyến đi biển dài ngày, có người mới dỡ được mẻ cá lớn từ vùng cửa biển.

Hũ gạo cứu đói

Anh Lê Công Em, 36 tuổi, vừa cùng vợ đi gỡ lưới dưới cửa sông Thu Bồn và đem ra chợ bán được hơn 200.000 đồng. Vợ anh Em ngồi ngoài hiên, vừa châm kim vá mảnh lưới lủng vừa nói: “200.000 đồng nếu không có dịch là nhỏ, nhưng giờ số tiền đó quý lắm.

Đồ ăn thì mình tự kiếm được, còn rau cũng tự trồng”. Anh Em tiếp lời: “Kiếm được 200.000 đồng từ sông nước - nghề mà cả chục năm rồi ít người còn làm, mình đem về nuôi con cũng có cảm giác như gạo trong hũ mà ông bà đã để lại cho con cháu, lúc đói như thế này mới lấy ra ăn”.

Chúng tôi đứng ở cửa sông Thu Bồn đoạn giáp ranh biển Cửa Đại. Trong những ngày dịch bệnh, khó mà tìm ra nơi nào nhộn nhịp, vội vã như vậy. Tiếng nổ phành phạch của động cơ tàu ra vào cửa sông, tiếng ngư dân gọi vọng từ tàu cá lên bờ để chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới...

Chẳng giống với những ngày ra biển bình thường, đây là những chuyến ra biển trong những ngày khó khăn, chứa đầy nghĩa tình của bà con ngư dân. Bởi rất nhiều bạn tàu vốn không phải là dân đi biển chuyên nghiệp, họ chỉ mới nhận việc trở lại cách đây vài tháng, hướng ra sóng nước để kiếm cá đong gạo nuôi gia đình.

Trước đó, họ từng là nhân viên nhà hàng, khách sạn, người làm bảo vệ, có người đi phiên dịch cho khách Tây...

Bà con ngư dân trên biển Mỹ Khê, Đà Nẵng kéo lưới kiếm sống trong những ngày dịch bệnh. Ảnh: B.D
Bà con ngư dân trên biển Mỹ Khê, Đà Nẵng kéo lưới kiếm sống trong những ngày dịch bệnh. Ảnh: B.D

Lê Công Em, từng là ngư dân nổi tiếng ở vùng làng chài Phước Trạch (Cẩm An, Hội An), cho biết anh chỉ học hết lớp 9 rồi theo cha ra biển, cha anh vốn là người đi biển kỳ cựu. Nhưng lớn lên ở vùng cửa biển, Em ít thấy người nào làm nghề đi biển mà lại giàu có, ngoại trừ những chủ tàu có vốn lớn. 

Theo lời khuyên của cha, Em đi học tiếng Anh, cách đây 10 năm xin được vào phục vụ trên tàu du lịch của một công ty lữ hành chuyên dòng khách Tây. Em cũng tìm được vợ là nhân viên buồng phòng trong khu du lịch Vinpearl Nam Hội An.

Hai vợ chồng sống bằng đồng lương làm dịch vụ du lịch nhưng từ tháng 4-2020, khi dịch bệnh đến, khách du lịch hụt hẳn, công ty nơi Em làm phải tạm ngưng hoạt động, anh quay về với sông nước để kiếm sống.

Anh trai của Em là Lê Công Anh cũng trở lại với nghề cũ trong những ngày dịch bệnh. Anh cũng từng bỏ nghề đi biển để làm nhân viên một doanh nghiệp du lịch tại Hội An. Khi các doanh nghiệp du lịch ở Hội An đóng cửa tránh dịch, nguồn khách cũng bị cắt đứt.

Để có chi phí sống hằng ngày, Anh sắm ghe cùng mẹ ra sông đánh cá. Vùng sông nước rừng dừa Cẩm Thanh nằm trong vùng đệm khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm là một trong những mô hình kiểu mẫu trong việc cộng đồng cùng Nhà nước bảo vệ môi trường để làm du lịch.

Bởi vậy nguồn tôm cá, hệ sinh thái môi trường luôn được giữ gần như nguyên vẹn, nay dịch đến thì người dân được chính quyền cho phép đánh bắt mưu sinh qua mùa.

Anh Lê Công Em cùng vợ gỡ lại chiếc lờ để xuống cửa sông nhử cua, cá. Ảnh: B.D.
Anh Lê Công Em cùng vợ gỡ lại chiếc lờ để xuống cửa sông nhử cua, cá. Ảnh: B.D.

Sự rộng lượng của biển

Dọc cửa biển Hội An ở phường Cẩm An, khu vực Phước Trạch từng là vùng ngư dân đi biển rất nổi tiếng trong quá khứ. Trước khi du lịch mở cửa, người dân ở đây sống bằng nghề đi biển và làm nông.

Năm 1999, UNESCO chính thức đưa Hội An trở thành di sản văn hóa nhân loại, thay vì sống với nghề nông, ra biển, xuống lạch thả lưới thì 70% người dân Hội An đã chuyển qua nghề làm du lịch. Làng chài Cẩm An, Phước Trạch lụi tàn, người ra biển chỉ còn số ít, thanh niên lớn lên đi học rồi về vào khách sạn, nhà hàng làm du lịch, rất ít người bám biển.

Tưởng như nghề đi biển sẽ mất, nhưng từ nửa năm nay những chuyến tàu nhổ neo khỏi cảng Cửa Đại lại nhiều hơn, số bạn tàu trên mỗi chuyến ra biển cũng đông hơn.

Anh Lê Văn Sinh - 38 tuổi, ở số nhà 203 Phù Đổng Thiên Vương (Hội An) - cho biết anh có vợ và hai con nhỏ. Vợ anh làm nhân viên phục vụ trong một villa du lịch, còn anh làm cho một công ty lữ hành tại Hội An. Anh mất việc trong dịch, vợ anh cũng làm bữa được bữa đứt. Không để hai con nhỏ phải đói, anh ra làng tìm chủ tàu rồi xin đi bạn.

“Từ nhỏ đến lớn mình sống trên biển, ra khơi hàng trăm hải lý đánh cá ngừ, câu mực. Giờ quay lại không có gì khó khăn, chủ tàu và anh em trên chuyến đi cưu mang nhau, mỗi chuyến đi về ít nhiều gì thì chia ra theo phần”, anh nói.

Sinh cho biết không chỉ anh mà nhiều bạn bè, người dân trong làng anh đã mất việc nhiều tháng qua, tất cả đều chọn đi biển bởi đó là nghề truyền thống của làng. “Đi phụ hồ cũng không ổn định, dịch đến công trình cũng đóng cửa. Riêng biển thì thuyền bè vẫn được nhổ neo mỗi ngày, dù không giàu có nhưng biển luôn rộng lượng giúp bà con có cái ăn hằng ngày”, Sinh nói.

Hôm chúng tôi tới, anh vừa trở về sau chuyến đi biển cùng chủ tàu tên Nùng cùng làng. Anh và 10 anh em bạn tàu đi 11 ngày, được chia mỗi người 1 triệu đồng. “Có chuyến trúng thì được chia mỗi người 5-7 triệu đồng. Cứ ra biển là dù không giàu có, dư giả nhưng có cái ăn hằng ngày trong mùa COVID-19”, anh nói.

Ông Nguyễn Hữu Sơn - một chủ tàu đánh cá ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành - cho biết từ khi dịch đến, số lượng bạn xin đi đánh cá của tàu ông cũng thường xuyên hơn. “Trước đây mỗi lần kêu bạn là đau hết cả đầu, kiếm không ra người, nhưng thời gian này thì rất nhiều.

Anh em người khỏe người yếu, họ trở lại biển là vui rồi nên chuyến ít nhiều gì cũng chia nhau, bám lưng nhau mà sống bởi đó là truyền thống cưu mang đói khổ của người dân biển”, ông Sơn nói.

Dịch đến khiến công việc tại công ty du lịch bị tạm ngưng, anh Nguyễn Chung nhiều tháng nay cùng chủ tàu ra biển để đánh cá mưu sinh. Ảnh: B.D
Dịch đến khiến công việc tại công ty du lịch bị tạm ngưng, anh Nguyễn Chung nhiều tháng nay cùng chủ tàu ra biển để đánh cá mưu sinh. Ảnh: B.D

Anh Nguyễn Chung - nhân viên Công ty du lịch Jack Trần Tours Hội An - cũng cho biết đã trở lại nghề biển được mấy tháng nay.

“Lâu nay mình đi làm du lịch quen rồi nên đi biển trở lại cũng say sóng, phải đứng làm việc trên tàu cả ngày lẫn đêm, vất vả nhiều lần so với nghề du lịch nhưng bù lại có cái đắp đổi qua ngày. Những lúc thế này mới thấy thiên nhiên, biển trời rộng lượng với con người”, anh Chung nói.

Trên tàu, người yếu làm việc nhẹ, người khỏe làm việc nặng hơn, chia nhau công việc, mang theo gạo muối dong thuyền, cầu chuyến ra khơi mưa thuận gió hòa để về cá nặng đầy khoang, cưu mang đùm bọc nhau như chính biển vẫn bao la và rộng lượng với con người.■

Sống tử tế với thiên nhiên

Những ngư dân ở dọc biển Cửa Đại, Núi Thành (Quảng Nam) cho biết tại Cù Lao Chàm, khu vực rừng dừa Cẩm Thanh (Hội An), từ khi UNESCO đưa vào danh sách khu dự trữ sinh quyển thế giới thì phân khu bảo tồn được thiết lập, nguồn tôm cá hải sản vẫn được duy trì và nay giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn.

“Ngư dân chúng tôi xưa giờ ra biển tới đánh ở gần bờ thì nguyên tắc bất di bất dịch là không đánh tận diệt, không làm giã cào, không dùng thuốc nổ, mà ngược lại đều góp ý với nhau đánh bắt kiểu sinh tồn gối đầu.

Nhờ vậy nguồn hải sản, tôm cá gần bờ hiện ở Cù Lao Chàm và Cẩm Thanh còn phong phú, bà con khi gặp khó khăn như những tháng dịch bệnh này ra sông đánh bắt cũng chỉ đánh vừa đủ, không xâm phạm khu vực bảo tồn”, anh Lê Công Em nói.

Ông Nguyễn Văn Sơn, chủ tịch UBND TP Hội An, cho rằng chính vì tư duy bảo tồn tự nhiên để phục vụ du lịch đã khiến hệ sinh thái biển, sông nước ở Hội An vẫn được giữ. Trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh này, việc ra biển đánh bắt thủy hải sản là một trong những cách để người dân có thu nhập, khi dịch qua, du lịch trở lại thì người dân quay lại công việc cũ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận