Khủng hoảng khí hậu đã đến

LÊ MY 26/09/2020 17:09 GMT+7

TTCT - "Sống trong sự dự báo về một viễn cảnh sụp đổ toàn cầu có thể khiến chúng ta không nhìn thấy thực tế rằng: dần dần và ngấm ngầm, cuộc khủng hoảng khí hậu đã đến".

Người dân quan sát đám cháy từ một vườn nho ở Healdsburg. Ảnh: AFP
Người dân quan sát đám cháy từ một vườn nho ở Healdsburg. Ảnh: AFP

Suốt một tháng qua, những hình ảnh và thông tin từ bang California của Mỹ thật không khỏi làm thế giới “ngạt thở”: hàng loạt vụ cháy rừng lớn cùng lúc thiêu rụi tài sản và cảnh quan, hơn 64.000 người buộc phải sơ tán, bầu trời màu cam kỳ dị và những đám mây đầy khói bụi, bão sấm sét và vòi rồng lửa… Đã có câu hỏi: chừng ấy dấu hiệu liệu đã đủ liên tưởng đến cảnh tận thế trong phim chưa?

Bình thường hay bất thường?

Trong thập niên qua, gắn liền với hạn hán và nắng nóng, California đang sống trong kỷ nguyên của những đám cháy siêu lớn (megafire). Cháy rừng trở thành chuyện đến hẹn lại lên và nhiều người Mỹ vẫn chấp nhận việc xây lại nhà trên đống tro tàn.

Năm nay, các bang ven biển gần đó như Oregon và Washington cũng đang chứng kiến những vụ cháy kỷ lục. Theo báo cáo cập nhật hằng ngày của Trung tâm Cứu hỏa liên ngành quốc gia Mỹ, tính đến 14-9, tròn một tháng cháy rừng xảy ra, tổng cộng 87 đám cháy lớn đã thiêu rụi diện tích hơn 18.600km2 ở 10 bang (gấp 9 lần diện tích TP.HCM).

Thế nhưng hầu hết tin tức về cháy rừng trên truyền hình Mỹ không đề cập đến mối liên hệ với khủng hoảng khí hậu, theo một phân tích mới đây của Media Matters (Mỹ). Trong cả tháng 8, chỉ có 4% tin tức phát sóng đề cập đến khủng hoảng khí hậu. Con số tăng lên 15% trong dịp nghỉ lễ Lao động của Mỹ từ ngày 5 đến 8-9.

Các thông điệp về khí hậu thường ngụ ý rằng chúng ta còn một số năm tháng nhất định để cứu lấy mình trước khi quá muộn. Tuy nhiên, “sống trong sự dự báo về một viễn cảnh sụp đổ toàn cầu có thể khiến chúng ta không nhìn thấy thực tế rằng: dần dần và ngấm ngầm, cuộc khủng hoảng khí hậu đã đến” - Alastair Gee và Dani Anguiano, đồng tác giả sách Fire in Paradise: An American Tragedy (tạm dịch: Lửa nơi thiên đường - một bi kịch nước Mỹ), viết trên Guardian.

Lầm tưởng đó thể hiện rõ ở những khu vực như California, nơi các đám cháy rừng cực độ đang trở thành cuộc sống “bình thường mới” với người dân, nhưng là hiện tượng đầy bất thường với giới khoa học. Điều này không hoàn toàn bất ngờ, như hai tác giả giải thích trong bài viết: “Theo thuyết đường cơ sở thay đổi (shifting baselines) trong sinh thái học, chúng ta không nhận thấy sự suy thoái của thế giới tự nhiên bởi vì chúng ta từng chút một quen với nó, giống như một con ếch nằm trong nước nóng. Chúng ta nghĩ rằng mọi thứ đã luôn như vậy”.

Nhưng thực tế thì khác. “Chưa có tiền lệ” có lẽ là cụm từ được các chuyên gia sử dụng nhiều nhất để mô tả những đám cháy rừng khổng lồ đang diễn ra ở miền Tây nước Mỹ. Quy mô, tốc độ và thời điểm của các vụ cháy, cùng với đại dịch COVID-19, đã tạo ra thảm họa có một không hai.

Cháy rừng đã thiêu rụi một phần bang Oregon. Ảnh: Getty Images
Cháy rừng đã thiêu rụi một phần bang Oregon. Ảnh: Getty Images

Dấu hiệu của thảm họa

Theo tạp chí Vox, công thức cơ bản của thảm họa cháy rừng là: sau một loạt đợt khô nóng kéo dài trên diện rộng, cây cối và bụi rậm sẽ trở thành đống bùi nhùi lý tưởng để mồi lửa. Khu vực khô hạn càng lớn, vật liệu đốt cháy càng nhiều. Tất cả những gì còn thiếu là một tia lửa. Với trường hợp của California, hỏa hoạn bùng phát từ ngày 15-8 khi hơn 1.200 tia sét đánh trúng khu vực này chỉ trong vòng 72 giờ.

Về thời điểm, nhiều đám cháy bùng phát cùng một lúc là điều hiếm khi xảy ra. Theo lẽ thường, trải dài khắp bờ Tây, các đám cháy lần lượt xảy ra vào các thời điểm khác nhau trong năm, với đỉnh điểm rơi vào giữa mùa hè ở phía bắc và di chuyển xuống phía nam vào mùa thu.

Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi những cơn gió xuất hiện quá sớm vào tháng 9, làm cháy rừng thêm lan nhanh. Thông thường, gió từ đất liền ra biển trở nên mạnh hơn vào cuối mùa thu, khi không khí lạnh tràn xuống các bang nội địa phía tây. Nhưng năm nay, cái lạnh không chỉ đến sớm mà còn… lạnh kỷ lục và có tuyết trên dãy núi Rockies. Sự tương phản với nhiệt độ nóng kỷ lục ở bờ Tây đã khuếch đại áp suất không khí tạo ra gió, theo báo Washington Post.

Về quy mô và tốc độ, điểm nổi bật của các vụ cháy rừng tại Mỹ là khả năng lan rộng đến hàng trăm kilômet vuông chỉ trong vài giờ. Điều đó cho thấy lượng “bùi nhùi” không hề nhỏ. Lấy bang Oregon làm ví dụ, trong vòng 3 ngày, hơn 3.600km2 (nhỉnh hơn diện tích Hà Nội) đã bị thiêu rụi.

Jason Cox, người phát ngôn của Sở Lâm nghiệp Oregon, trả lời Vox qua email rằng từ đầu thế kỷ 21, Oregon đã chứng kiến 11 vụ cháy khủng nhưng chưa bao giờ nhiều hơn 2 vụ trong một năm. Thế mà giờ đây “chỉ trong vài ngày đã có 5 vụ cháy rừng khủng đang diễn ra”.

Một điểm bất thường khác của thảm họa cháy rừng lần này là lửa vẫn cháy mạnh dù mặt trời đã lặn, theo Vox. Trước đây, buổi tối là thời cơ để dập lửa vì nhiệt độ giảm, độ ẩm tương đối tăng lên. Nhưng nguyên tắc đó không còn đúng ở California nữa. Đám cháy Bear Fire trong 24 giờ đã thiêu rụi gần 405km2 với sức hủy diệt đáng kể diễn ra xuyên đêm.

Buổi sáng ở San Francisco. Ảnh: Reuters
Buổi sáng ở San Francisco. Ảnh: Reuters

Nguyên nhân gốc rễ

Theo tạp chí khoa học Scientific American, các chuyên gia cho rằng chính biến đổi khí hậu do con người gây ra đã làm trầm trọng các vụ cháy rừng hiện nay. Nhiệt độ tăng, lượng mưa giảm, băng tuyết tan sớm hơn dẫn đến nguồn đất và thảm thực vật khô cằn.

Đầu năm nay, Daniel Swain, nhà khoa học khí hậu tại Đại học California - Los Angeles (Mỹ) và đồng nghiệp công bố một nghiên cứu cho biết biến đổi khí hậu đã làm tăng gấp đôi số ngày có nguy cơ cháy rừng cao ở California. Theo đó, nhiệt độ trên toàn bang này đã tăng 1 độ C kể từ năm 1980, trong khi lượng mưa giảm 30%.

Cái nóng được dự báo sẽ tồi tệ hơn theo thời gian. Theo Michael Wehner - nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley (Mỹ), các mô hình khí hậu ước tính rằng nhiệt độ trung bình của bang California sẽ tăng 1,7 độ C vào năm 2050, trừ khi thế giới cắt giảm mạnh lượng khí thải nhà kính. Ngay cả khi giảm lượng khí thải, ông nói với Scientific American nhiệt độ trung bình vẫn tăng nhẹ vào giữa thế kỷ này.

Còn theo tạp chí khoa học Earth’s Future, các khu vực phía bắc California (bao gồm San Jose, San Francisco) và vùng núi Sierra Nevada có thể sẽ chứng kiến nhiều vụ hỏa hoạn nhất liên quan trực tiếp đến biến đổi khí hậu trong những thập niên tới.

Ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi hai dạng hành động: những thay đổi ngay lập tức để giảm lượng khí thải và các mối đe dọa trước mắt, bên cạnh là sự thích nghi lâu dài với một khí hậu khắc nghiệt hơn. Bang California là một điển hình của dạng hành động thứ nhất.

Hôm 11-9, đứng giữa một bối cảnh kỳ dị gồm những thân cây bị cháy trụi và mặt đất phủ đầy tro xám, thống đốc bang Gavin Newsom đã bình luận về biến đổi khí hậu và thề sẽ đẩy nhanh các mục tiêu của bang về giảm khí nhà kính.

“Dữ liệu chính nó là bằng chứng, những trải nghiệm của chúng tôi ở bang California chỉ nhấn mạnh thực tế về sự tàn phá của biến đổi khí hậu - Hãng thông tấn AP dẫn lời Newsom - Mẹ thiên nhiên là vật lý, sinh học và hóa học. Bà ấy sẽ trụ đến cuối và bà ấy sẽ thành công. Đó là thực tế mà chúng ta đang phải đối mặt… Cuộc tranh luận xung quanh chuyện biến đổi khí hậu (có thật hay không) đã kết thúc”.

Cuối cùng, Newsom đã kêu gọi cử tri loại bỏ các chính trị gia nào dám phủ nhận tác động của biến đổi khí hậu. Trong số đó, ai cũng biết, là Tổng thống Mỹ Donald Trump.■

Nhiều thiên niên kỷ qua, thế giới tự nhiên của California đã thích nghi với cháy rừng. Một số loài cây cần sức nóng của lửa để hạt giống bắt đầu sinh trưởng. Các dân tộc bản địa đã duy trì mối quan hệ tốt đẹp với “bà hỏa”. Họ chủ động đốt thực bì (phương pháp đốt có kiểm soát) để làm giảm nguồn vật liệu cháy. Trong khi đó, người California hiện đại lại cố gắng nhanh chóng dập tắt những đám cháy nhỏ, dẫn đến sự tích tụ của bụi rậm, tạo thành một hộp bùi nhùi khổng lồ sẵn sàng bắt lửa.

COVID-19 khiến cháy rừng trầm trọng hơn.

Theo Vox, đại dịch đã khiến việc tuyển dụng lính cứu hỏa trở nên khó khăn hơn và buộc những người đang làm nhiệm vụ phải thực hiện thêm các biện pháp y tế hạn chế sự lây lan của virus. Washington, Oregon và California thường nhờ lực lượng tù nhân tham gia chữa cháy. Nhưng bởi vì corona hoành hành trong các nhà tù, một số tù nhân đã được thả, trong khi những người khác đang điều trị hoặc bị cách ly. Một số quốc gia cũng miễn cưỡng gửi lực lượng cứu trợ đến Mỹ vì nước này đang xử lý đại dịch khá kém.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận