Liên Hiệp Quốc: Hình ảnh một thế giới phân cực

HỮU NGHỊ 02/10/2020 23:10 GMT+7

TTCT - Liên Hiệp Quốc kỷ niệm 75 năm thành lập ngay giữa đại dịch COVID-19 toàn cầu. Kỳ vọng của cuộc họp Đại hội đồng trực tuyến mới rồi là tái khẳng định chủ nghĩa đa phương và thiện chí cũng như tình đoàn kết để đối phó dịch bệnh. Nhưng diễn đàn trên thực tế diễn ra hoàn toàn khác: nó trở thành sân khấu để hai siêu cường kình chống nhau kịch liệt và phân cực cả thế giới…

Ảnh: The Economist
Ảnh: The Economist

Họp trực tuyến cũng có cái hay: tránh được những chạm mặt nảy lửa và trả đũa ngay tức khắc như từng thấy trong các khóa họp trước - mà đình đám nhất có lẽ là khóa năm 1960 với vụ Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev rút giày vỗ lên bàn. Họp trực tuyến còn là những bài diễn văn ghi hình sẵn nên các bên không có điều kiện đốp chát qua lại. 

Theo lịch trình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phát biểu sau Tổng thống Mỹ Donald Trump, chỉ cách một người, nên phải hai ngày sau đại diện Trung Quốc tại LHQ Zhang Jun (Trương Quân) mới có dịp đáp trả: “Tôi buộc phải nói đã quá đủ rồi! Mấy người đã gieo đủ rắc rối cho thế giới rồi!”.

Chia rẽ vì đại dịch

60 năm trước là cao điểm đối đầu giữa hai siêu cường Liên Xô và Mỹ. Nay kịch bản đấy có nguy cơ tái diễn giữa Mỹ và Trung Quốc. 60 năm đủ một vòng đời theo tử vi; có vẻ như siêu cường Mỹ đã hoặc đang bắt đầu “già yếu” hoặc do quá “nước Mỹ trước hết” nên cô độc, trong khi siêu cường mới Trung Quốc đang “lên gân” không chỉ một mình. Ông Zhang đã không ngần ngại “lên lớp” địch thủ: “Mỹ nên hiểu rằng là siêu cường thì phải hành xử như là một siêu cường”.

Lý do khiến đại sứ Zhang “nổi cơn tam bành” là màn “đấu tố” Trung Quốc hôm 22-9 của Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Đại hội đồng LHQ: “Kẻ thù vô hình - virus Trung Quốc - đã cướp đi sinh mạng của vô số người ở 188 quốc gia. Chúng ta phải quy trách nhiệm với quốc gia đã làm phát sinh bệnh dịch lên toàn thế giới: Trung Quốc”.

Bằng cớ ông Trump nêu ra là một thực tế rất đơn giản: “Trong những ngày đầu tiên của dịch, Trung Quốc đã cấm du lịch trong nước trong khi vẫn cho phép các chuyến bay rời khỏi Trung Quốc và lây nhiễm ra thế giới. Trung Quốc lên án lệnh cấm đi lại của tôi với đất nước của họ ngay cả khi họ đã hủy các chuyến bay nội địa và cấm túc công dân của họ trong nhà”.

Nổi đóa vì những cáo giác của ông Trump, ông Zhang phản pháo: “Cho tới giờ, Hoa Kỳ có gần 7 triệu trường hợp được xác nhận [dương tính] và hơn 200.000 ca tử vong. Với hệ thống và công nghệ y tế tiên tiến nhất trên thế giới, tại sao Hoa Kỳ lại có nhiều ca bệnh và tử vong được xác nhận nhất? Nếu ai đó phải chịu trách nhiệm, đó phải là một vài chính trị gia Hoa Kỳ”.

Bài phát biểu ghi hình sẵn của ông Tập Cận Bình, được trình chiếu sau ông Trump một người (tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ), tất nhiên không tham gia tranh cãi hơn thua, mà mang tính hiệu triệu của người ngồi chiếu trên: “Đối mặt với virus, chúng ta phải tăng cường đoàn kết, cùng nhau vượt qua thử thách này. Chúng ta phải tôn trọng khoa học, khẳng định đầy đủ vai trò hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)... Mọi hành vi chính trị hóa và kỳ thị đều phải bị bác bỏ”.

Phản ứng của các nước lớn

Ngày 26-9, một quốc gia khác đã và đang ngất ngư vì COVID-19 là Vương quốc Anh cũng đã lên tiếng. Hôm đó Anh chịu thêm 34 ca tử vong cùng 6.042 ca nhiễm mới, theo ITV. Bài diễn văn của Thủ tướng Anh Boris Johnson không gay gắt như của ông Trump, song vẫn hàm chứa một nghi vấn “hiểu ngầm”.

Rất nhẹ nhàng, rất phớt tỉnh đúng mực Ănglê: “Hãy chữa lành thế giới - theo nghĩa đen và nghĩa bóng”. Chữa lành bằng cách nào? Ông nhẹ nhàng giải thích và nêu ra một yêu cầu: “Hãy bắt đầu với sự thật, vì như ai đó từng nói sự thật sẽ giải thoát ta. Và với gần 1 triệu người đã chết, với những đau khổ kinh tế khổng lồ đã và sẽ còn xảy đến, nhân loại bắt buộc phải trung thực và đạt được sự hiểu biết chung về cách thức mà đại dịch đã bắt đầu và cách nó có thể lây lan...

Không bởi vì tôi muốn đổ lỗi cho bất kỳ quốc gia hoặc chính phủ nào, hoặc để ghi điểm. Tôi chỉ đơn giản tin rằng - với tư cách từng là một bệnh nhân COVID-19 - tất cả chúng ta đều có quyền được biết để chúng ta có thể làm hết sức mình hòng ngăn ngừa dịch bệnh tái phát”.

Tất nhiên, Trung Quốc không đơn độc. Tổng thống Nga Vladimir Putin trong thông điệp ghi hình sẵn hôm 22-9 cũng có đề cập tới dịch COVID-19. Tính đến 22-9, vùng thủ đô Matxcơva của Nga, khu vực trúng dịch nặng nhất, đã đếm được 278.000 ca nhiễm, theo statitsa.com.

Do đang là đồng minh chí cốt với Trung Quốc, ông Putin nói theo cách khác: “Nhiều quốc gia đã và đang giúp đỡ lẫn nhau một cách vị tha và cởi mở. Tuy nhiên, có những trường hợp cho thấy sự thiếu nhân văn, và nếu bạn muốn, thiếu lòng tốt trong các mối quan hệ ở cấp độ chính thức”. Thừa hiểu ông ám chỉ nước nào và đang đồng điệu với nước nào.

Sẵn dịp LHQ đưa ra chủ đề thứ nhì cho khóa họp là quan hệ đa phương, ông Putin bám chặt vào đó: “Chúng tôi tin rằng uy tín của LHQ có thể củng cố và nâng cao vai trò của yếu tố nhân đạo hoặc con người trong các mối quan hệ đa phương và song phương”.

Tất nhiên, ông đề cao vai trò của WHO: “Trước hết, chúng tôi ghi nhận vai trò điều phối trung tâm của WHO, một bộ phận của hệ thống LHQ”. Thừa biết có những chỉ trích, công kích WHO, ông bổ sung: “Chúng tôi tin rằng cần thiết phải tăng cường năng lực về chất lượng [của WHO]”.

Ông còn đề cập tới nhiều vấn đề khác, từ chuyện vaccine tới chuyện hạn chế tên lửa, cải tổ LHQ, và nhất là ý định triệu tập một Thượng đỉnh G5 gồm lãnh đạo 5 nước thường trực Hội đồng bảo an. Có thể tin rằng một Thượng đỉnh G5 sẽ diễn ra sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, biết đâu với một nhân vật khác ở Nhà Trắng đỡ gây “phản cảm” với cả Trung Quốc lẫn Nga hơn.

Tất nhiên, sự cùng chiều giữa Trung Quốc và Nga ở LHQ đã là truyền thống lâu dài, qua nhiều cuộc khủng hoảng, tỉ như vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên và Iran.

Song, nếu biết rằng chỉ hai tuần trước khóa họp Đại hội đồng LHQ, bộ trưởng ngoại giao hai bên đã ký kết một tuyên bố chung đánh dấu hai ngày họp tại Matxcơva (10 và 11-9), có thể giả định có một sự phân công cụ thể: ông Tập nói về vụ dịch COVID và những hứa hẹn; ông Putin nói về các vấn đề khác.

Điều này ít nhiều được phản ánh trong tuyên bố chung Vương Nghị - Sergei Lavrov ngày 11-9: “Đại dịch virus corona đã trở thành thách thức toàn cầu nghiêm trọng nhất trong thời bình. Các bên bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự lan truyền thông tin sai lệch và không chính xác trong bối cảnh của đại dịch mới này.

Điều đó đe dọa sức khỏe và hạnh phúc của con người, an ninh công cộng, sự ổn định và trật tự, đồng thời ngăn cản các quốc gia tìm hiểu thêm về nhau”. Tuyên bố chung còn nêu điều kiện: “Thông tin phổ biến và đánh giá phải dựa trên sự thật và loại trừ sự can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác và các cuộc tấn công phi lý vào hệ thống chính trị và con đường phát triển của họ”.

Thật không thể rõ ràng hơn, khi Nga và Trung Quốc có nhiều vấn đề mà họ đang muốn xử lý trong cuộc chiến thông tin ngày càng dữ dội: nguồn gốc COVID-19, Tân Cương, Alexei Navalny, vai trò của Nga ở Belarus và vô số chuyện khác nữa.

Thành ra, đa phương thì chưa thấy đâu nhưng phân cực chia rẽ thì thật rõ mồn một! ■

Sau Anh, Nga và các nước khác, tới hôm 25-9 mới xuất hiện một bên tạm coi như có vai trò “trung gian” là Liên minh châu Âu (EU). Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tỏ rõ lập trường chung của EU: “Chúng tôi đứng về phía các giá trị cơ bản của dân chủ, nhân quyền, pháp quyền và sự hợp tác. Và chính với chiếc la bàn không thể thay đổi này mà chúng tôi theo đuổi các lợi ích của EU.

Liên minh châu Âu là một lực lượng tự chủ, làm chủ vận mệnh của chính mình”. Có thể hiểu phát biểu của đại diện EU hôm 25-9 như câu trả lời cho tấm gương mà ông Tập nêu cao trước đó: “1,4 tỉ người Trung Quốc... đoàn kết như một, đã trải qua những nỗ lực ngoại hạng để chiến thắng virus”, và cũng là trả lời cho lời hiệu triệu của ông Tập hôm 22-9: “Chúng ta sống trong cùng một ngôi làng toàn hành tinh kết nối và phụ thuộc lẫn nhau. Các nước và các dân tộc gắn chặt với nhau và cùng chia một tương lai chung”.

Câu chuyện “ngôi làng toàn hành tinh” mà ông Tập nay muốn “rao” nghe cũng hay ho như câu chuyện “ngôi nhà chung” cách đây 30 năm khi châu Âu tưởng đã thành một mối để rồi đau đớn vỡ lẽ ra “EU có tới mấy tốc độ”! EU hơn ai hết hiểu rằng từ 2013 tới giờ trong nội bộ khối đã chia làm mấy nhóm rồi, và có cả kẻ đòi chia tay vĩnh viễn - như Anh! "Ngôi nhà toàn cầu", do đó, ít ra tới giờ chỉ là chuyện nói chơi cho vui thôi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận