Người mẹ quyền lực của thư viện thiếu nhi

PHAN BẢO 23/10/2020 21:30 GMT+7

TTCT - Đã có thời thư viện không phải là nơi dành cho con nít. Một nữ quản thủ thư viện người Mỹ cách đây hơn một thế kỷ đã thay đổi quan niệm đó, khai sinh ra không gian đọc sách dành riêng cho trẻ nhỏ mà ta quá quen thuộc ngày nay.

 

Bà Moore trong phòng đọc sách với thiếu nhi. Ảnh trong sách tranh Miss Moore Thought Otherwise: How Anne Carroll Moore Created Libraries for Children

 

Cho đến cuối thế kỷ 19, thư viện không được xem là môi trường thích hợp cho trẻ em dưới 10 tuổi ở Mỹ. Trẻ con vốn thường lấm bẩn, với những đôi tay không mấy sạch sẽ, khó mà mong chúng sẽ biết trân trọng những cuốn sách. Bọn trẻ lại còn ồn ào, thích chạy nhảy lung tung. Ai lại thích có chúng trong một không gian yên tĩnh, đẹp đẽ vốn chỉ dành để thưởng thức văn học?

Vào những năm 1890, phòng đọc dành cho trẻ em đầu tiên được lập ra, song với mục đích chính là để những vị khách nhí khỏi quấy rầy các độc giả trưởng thành. 

Phòng đọc sách cho trẻ em mà chúng ta biết ngày nay - những không gian ấm cúng với những chiếc ghế êm ái, thoải mái, tranh vẽ trên tường, những buổi đọc sách hoặc kể chuyện được tổ chức thường xuyên - là di sản của Anne Carroll Moore (1871 - 1961), người “có thể nói là đã phát minh ra thư viện dành cho trẻ em”, theo cây bút Jill Lepore của tờ New Yorker.

Trong bài “Người thủ thư đã làm thay đổi văn chương cho trẻ em mãi mãi” trên tạp chí Slate năm 2016, tác giả Laura Miller viết tất cả những thủ thư ở thư viện cho trẻ em đã kế thừa tôn chỉ “bốn tôn trọng” của Moore cho đến ngày nay: tôn trọng trẻ em, tôn trọng sách dành cho trẻ em, tôn trọng đồng nghiệp và tôn trọng nghề thủ thư của trẻ em. Những tiêu chuẩn này chưa từng được đề ra trước khi Moore và cộng sự tiên phong dẫn lối.

 Cô ấy đã khiến thế giới sách dành cho trẻ em trở nên tốt đẹp hơn

(tạp chí Slate)

Người tiên phong

Sinh ra trong gia đình có 7 anh trai tại bang Maine, Anne Carroll Moore là cô em gái út bé bỏng với niềm đam mê đọc sách. Bà theo học Trường Thư viện thuộc Viện Pratt ở Brooklyn (New York), và trong năm cuối tại đây (1896) đã tạo dựng phòng đọc trẻ em đầu tiên mang dấu ấn của mình.

Đó là một không gian đọc luôn chào đón thiếu nhi, với đồ nội thất cỡ trẻ em, góc đọc sách ấm cúng, và các “đặc sản” như giờ kể chuyện, biểu diễn múa rối, chương trình mùa hè, văn học dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên có chất lượng. Nhưng có lẽ quan trọng nhất là các thủ thư ở đây không ngại trẻ nhỏ. Khi phòng đọc thiếu nhi của Moore mở cửa, trẻ em xếp hàng dài vòng quanh khu nhà để chờ được vào.

Để có được thành quả đó, trước đó Moore đã đến thăm các trường mẫu giáo - vốn cũng là một khái niệm mới vào thời điểm đó, tham quan cộng đồng các dân tộc khác nhau tại địa phương và thậm chí hỏi han những đứa trẻ mà bà bắt gặp trên đường phố để khảo sát ý kiến chúng.

Năm 1906, hệ thống Thư viện công cộng New York, lúc đó vẫn còn sơ khai, tuyển Moore làm giám đốc đầu tiên cho “phòng công tác trẻ em” mới được thành lập. Ở vị trí này, Moore không chỉ giám sát các chương trình dành cho trẻ em tại tất cả các thư viện chi nhánh mà còn lên kế hoạch cho Phòng trẻ em trung tâm đặt ở đại bản doanh của hệ thống.

Sau khi chính thức mở cửa vào năm 1911, Phòng trẻ em này trở thành một thiên đường nhỏ với “những chậu hoa păngxê và cây liễu tơ, bàn gỗ sồi và ghế ngồi bên cửa sổ thấp đến mức thậm chí đôi chân ngắn nhất cũng không thể lủng lẳng”, như Jill Lepore mô tả trên New Yorker.

Tấm lòng với trẻ nhập cư

Vào đầu thế kỷ 20, khi có rất nhiều người nhập cư đến New York, Moore nghĩ rằng bà cần mang đến cho những đứa trẻ có nguồn gốc nhập cư niềm tự hào về những điều tươi đẹp của đất nước mà cha mẹ chúng đã ra đi từ đó. Bà chất đầy các kệ bằng sách tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga và tiếng Thụy Điển vì muốn trẻ nhập cư có thể tìm thấy những quyển sách được in bằng tiếng mẹ đẻ của chúng trong thư viện. 

Những bộ sưu tập hằng hà sa số sách thiếu nhi ngoại văn từ đó vẫn được lưu hành tại hệ thống Thư viện công cộng New York đến tận ngày nay. 

Di sản của Moore

Theo Lepore, những gì Moore đã làm cho phòng đọc ở Thư viện công cộng New York là chưa từng có tiền lệ, thậm chí trước đó chưa ai làm được một nửa những gì bà đã làm. Moore thu hút những người kể chuyện và trong năm đầu tiên đã tổ chức khoảng 200 giờ kể chuyện dành cho thiếu nhi ở đó; con số này tăng lên gấp 10 lần chỉ 2 năm sau đó.

Moore cũng đấu tranh và giành được quyền mượn sách cho trẻ em sau khi nhận thấy mọi thư viện chi nhánh ở New York đều có một bộ sưu tập sách dành cho trẻ em song chỉ có thể đọc miễn phí tại chỗ nhưng không được mượn về nhà. Bà trang bị ở mỗi thư viện một cuốn sổ cái lớn màu đen; đứa trẻ nào có thể tự ký tên mình vào đấy nghĩa là đã đủ khả năng để mượn một cuốn sách. Với Moore, việc ký vào sổ cái cũng giống như một minh chứng thể hiện năng lực hành vi dân sự của một công dân.

Moore bãi bỏ giới hạn độ tuổi ở mọi chi nhánh của thư viện ở New York, cho gỡ các biển báo “Giữ im lặng” và thay bằng những khung lọng các tác phẩm minh hoạ sách thiếu nhi. “Việc giáo dục trẻ em bắt đầu từ những kệ sách không gò bó” - Moore căn dặn các nhân viên, và bảo họ đừng kỳ vọng hay yêu cầu sự yên tĩnh tuyệt đối từ các độc giả nhí.

Chẳng bao lâu sau, thư viện trên khắp nước Mỹ triển khai các dịch vụ dành cho trẻ em mà Moore là người tiên phong, cũng như bắt chước mua những cuốn sách bà đã tuyển lựa cho hệ thống Thư viện công cộng New York. 

 “Có thể nói Moore chính là người đã tạo dựng nên bộ mặt của thư viện thiếu nhi như mọi người thấy tại Mỹ ngày nay”

(The Washington Post ngày 14-1  )        

“Bà đầm thép”

Theo Slate, nửa đầu thế kỷ 20 là kỷ nguyên mở đầu của lĩnh vực thư viện dành cho trẻ em và xuất bản sách thiếu nhi. Và Moore là một trong những người có sức ảnh hưởng không thể tranh cãi, nếu không muốn nói là “người thống trị tuyệt đối”. Nói thế là vì ngoài vai trò thủ thư, Moore còn thường xuyên viết chuyên mục đánh giá sách mới cho tờ New York Herald Tribune, và sau đó là Horn Book - một tạp chí có ảnh hưởng lớn dành cho văn học thiếu nhi.

Các tác giả, biên tập viên và nhà xuất bản vì thế tìm đến Moore để xin lời khuyên và hơn hết là sự ưu ái của bà cho những sản phẩm mới nhất của họ. 

Moore, người đã biên soạn một danh sách 2.500 tựa sách tiêu chuẩn trong văn học dành cho trẻ em, còn được cho là có khả năng làm nên hoặc giết chết tên tuổi của một cuốn sách, cũng giống như cách những nhà phê bình sân khấu của tờ New York Times được xem như người quyết định số phận của một vở kịch mới.

Sự tự tin về khả năng và tư cách bình sách của Moore được thể hiện qua con dấu “Không được chuyên gia khuyến nghị mua” mà bà không ngần ngại sử dụng, được cất trong ngăn bàn làm việc, sẵn sàng được ấn vào những tác phẩm bà cho rằng không cần thiết cho trẻ em.

Dù có những cống hiến tuyệt vời, Moore vẫn có lúc dường như bị coi như một “vai phản diện” vì chối bỏ một vài cuốn sách nhất định. “Nhưng cô ấy đã khiến thế giới sách dành cho trẻ em trở nên tốt đẹp hơn. Cô ấy đáng được ghi nhớ vì điều đó, chứ không phải chỉ vì ác cảm cá nhân” - tạp chí Slate bình luận.

Nghỉ hưu ở tuổi 70 vào năm 1941, tầm ảnh hưởng của Moore đối với lĩnh vực thư viện dành cho trẻ em và văn học thiếu nhi vẫn kéo dài nhiều năm sau đó. Moore cũng là người mở đường và hướng dẫn cho nhiều phụ nữ đầy tham vọng, yêu sách, đóng góp nhiều vai trò quan trọng trong ngành sách thiếu nhi đầu và giữa thế kỷ 20.■

Tác phẩm bị ghét

Đầu năm nay, Thư viện công cộng New York đã công bố danh sách 10 cuốn sách được mượn đọc nhiều nhất mọi thời đại để đánh dấu kỷ niệm 125 năm thành lập. Điều kỳ lạ là cuốn sách dành cho trẻ em nổi tiếng Goodnight Moon (Ngủ ngon nhé trăng) không nằm trong danh sách này.

Goodnight Moon - cuốn sách ru em nổi tiếng ở Mỹ, kể chuyện thỏ con lần lượt chúc ngủ ngon mọi thứ xung quanh, từ đồ vật trong phòng đến cả mặt trăng - do Margaret Wise Brown viết lời, được xuất bản vào năm 1947. Mãi đến năm 1972, hơn 10 năm sau khi Moore qua đời, nó mới có mặt trên kệ sách của Thư viện công cộng New York. Lý giải cho việc này, chính thư viện đã thừa nhận trong phần “Tác phẩm đáng vinh danh” (Honorable Mention) phía dưới danh sách thông báo của mình rằng Anne Carroll Moore “ghét” cuốn sách.

“Mọi người lũ lượt tìm đến cô ấy trong thư viện để cho cô ấy xem cuốn sách của họ và nếu cô ấy không thích, cô ấy sẽ nói thẳng với mọi người ngay trước mặt họ” - Betsy Bird, cựu chuyên gia tài liệu thanh thiếu niên tại Thư viện công cộng New York, kể lại với Washington Post.

Đó chính xác là những gì đã xảy ra với Margaret Wise Brown trong lần đầu tiên đến gặp Moore cùng một đồng nghiệp vào năm 1938. Moore từ chối Goodnight Moon có thể vì bất đồng phong cách với Brown: bà yêu thích những câu chuyện cổ tích và ngụ ngôn, còn nữ tác giả chú trọng vào vần điệu và giao tiếp với trẻ em bằng ngôn ngữ của chúng.

Goodnight Moon được bán với giá 1,75 đôla và chỉ tiêu thụ được 6.000 bản vào mùa thu năm 1947. Trong vài năm tiếp theo, quyển sách gần như bị lãng quên, trước khi vụt sáng trở lại từ sau năm 1955. Có giả thuyết nó được truyền miệng ngày càng nhiều trong giới phụ huynh trong bối cảnh bùng nổ trẻ em sau Thế chiến thứ II.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận