Máy bán hàng tự động từ nhà ra phố

TRỌNG NHÂN 14/10/2020 07:10 GMT+7

TTCT - Có mặt ở Việt Nam từ những năm 2005 nhưng mãi đến vài ba năm trở lại đây, các loại máy bán hàng tự động mới bắt đầu khởi sắc, hiện diện khắp nơi, từ những giao lộ nhiều người qua lại, tại trạm xe buýt, bên hông các tòa nhà cao tầng, đến trong khuôn viên các trường đại học, bệnh viện, trung tâm thể thao…

Nguyễn Thị Thanh Huyền - sinh viên năm cuối Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - là khách hàng thường xuyên của 3 chiếc máy bán hàng tự động trong khuôn viên trường. 

Huyền chia sẻ, so với việc xuống căntin hay sang đường vào cửa hàng tiện lợi, máy bán hàng tiện lợi hơn nhiều, chưa kể giá cả ổn định. Chỉ cần hai thao tác: bấm nút chọn loại nước và đưa tiền vào khe, máy lập tức trả lại sản phẩm muốn mua. Tổng thời gian không quá 10 giây với người quen thao tác.

Nếu máy bán hàng tự động thường gắn liền với tiền xu thì ở Việt Nam, loại hình này lại sống được từ khi có công nghệ chấp nhận tiền giấy (polymer).

Công ty cổ phần đầu tư và thương mại VVM là một trong những ông lớn kinh doanh máy bán hàng tự động, đã có mặt trên 30 tỉnh thành. Ông Đào Thanh Tùng - tổng giám đốc VMM - cho biết công ty đang chuyển hướng đặt máy từ ở trong nhà ra ngoài đường, tận dụng tối ưu hạ tầng trên toàn quốc.

Ông Tùng phân tích, từ năm 2007-2008, một số doanh nghiệp đã triển khai máy bán hàng tự động ở Việt Nam nhưng do sử dụng chủ yếu là tiền xu nên nhanh chóng bị lỗi thời. Từ những năm 2013, khi bắt đầu có những máy sử dụng tiền giấy, các máy bán hàng mới rục rịch trở lại, bắt đầu từ những tòa nhà, trường học, bệnh viện, và xuất hiện trên vỉa hè khoảng 3-4 năm trở lại đây.

Năm 2018, tạp chí Nikkei Asian Review từng nhận định máy bán hàng đang bùng nổ ở Việt Nam nhờ có thêm hình thức thanh toán bằng ví điện tử, thông qua quét mã QR bằng smartphone, giải quyết được các phiền toái của tiền giấy, chẳng hạn tiền cũ khó nhận dạng, tốn công nạp/rút tiền từ các máy. Tuy nhiên, con số hiện tổng số chỉ khoảng vài chục ngàn máy trên dân số hơn 90 triệu người. Con số này là rất ít nếu so với Nhật có đến 7 triệu máy, trung bình khoảng 23 người/máy bán hàng tự động.

Ông Đinh Quang Minh, giám đốc Công ty TNHH Máy bán hàng tự động Minh Lâm, cho biết cách đây khoảng 5 năm, người dùng Việt Nam còn dè dặt với các loại máy này, nhưng giờ gần như tất cả khu vực công cộng đều có máy. “10 năm trước khi tôi xin đặt máy bán hàng tự động ở các trường, họ e ngại lắm. Họ hỏi tôi đã có căntin thì cần máy bán hàng làm gì nữa? Còn bây giờ, nhiều trường đích thân gửi thư mời công ty tôi đến lắp đặt máy. Tôi thấy họ thật sự cần, ít nhất là để làm đẹp hình ảnh sân trường” - ông Minh nói.

Khách hàng mua nước tại máy bán hàng tự động trong khuôn viên một trường đại học ở TP.HCM. Ảnh: TRỌNG NHÂN

Bài toán kinh doanh

Với mỗi máy chiếm diện tích 1m2, máy bán hàng tự động ở Việt Nam có thể chứa từ 300 sản phẩm trở lên. Chi phí đầu tư một chiếc máy bán hàng tự động từ 70 - 180 triệu đồng tùy thuộc vào xuất xứ, thương hiệu, kích cỡ và các chức năng muốn thêm.

Theo ông Đào Thanh Tùng, các công ty ở Việt Nam chủ yếu đang nhập hoàn toàn máy từ nước ngoài, một phần vì việc tự làm máy rất tốn kém trong khi thị trường chưa phát triển tương xứng. Trên thị trường hiện có 3 dòng sản phẩm chính từ Trung Quốc, Nhật và Mỹ. Do máy của Trung Quốc thường rẻ, từ 70 - 90 triệu đồng, lại có thể nhận tiền mệnh giá từ 1.000 - 50.000 đồng nên đang được nhiều công ty sử dụng nhất. Dù vậy, nhiều kỹ sư cho rằng không ít dòng máy của Trung Quốc là thế hệ cũ nên việc tích hợp công nghệ mới khó khăn.

Ông Lê Hữu Hiến, giám đốc Công ty Công nghệ tự động Tân Tiến Việt khu vực TP.HCM, đặt bài toán: một trung tâm thể dục thể thao có trung bình 1.000 người qua lại mỗi ngày thì xác suất mua hàng là khoảng 100 người. Mặt hàng thường có giá khoảng 10.000 đồng thì mỗi tháng thu về khoảng 30 triệu đồng. 

Các chi phí cố định bao gồm tiền điện, tiền thuê điểm đặt máy, tổng cộng trên dưới 3 triệu đồng hoặc 10% doanh thu. Sau khi trừ tiếp các khoản chi phí mua hàng, lợi nhuận chủ máy thu về trên doanh thu trung bình một tháng 30 triệu là khoảng 6 triệu. Dĩ nhiên nếu số người mua trên 100 người/ngày và các mặt hàng lớn hơn 10.000 đồng thì tiền thu về sẽ cao hơn.

Trong khi đó, Kootoro là một trong những doanh nghiệp khởi nghiệp về máy bán hàng tự động. Trên 2.000 máy của công ty, chủ yếu ở TP.HCM, có thể cung cấp các loại từ nước uống đóng chai, thức ăn nóng, dừa tươi, gạo và cả sách. Trang web của Kootoro cho biết đã có 3.000 máy lắp đặt khắp thành phố, mỗi điểm có trên 1.000 giao dịch mỗi ngày, với trên 1 triệu người dùng tuổi từ 20 đến 45.

Trung bình doanh thu 1 tháng trên các máy bán hàng Toro - nếu thấp sẽ rơi vào khoảng 8 triệu - 10 triệu đồng/tháng và cao là khoảng 30 triệu - 40 triệu đồng/tháng. Việc bán hàng của máy chỉ chiếm 30-50% doanh thu, những dịch vụ khác sẽ chiếm phần còn lại, chẳng hạn như dịch vụ quảng cáo LCD, quảng cáo trên vỏ máy, tích hợp thêm các tiện ích thanh toán điện nước.

Đại diện Kootoro cho rằng những năm đầu tiên do phải đầu tư rất nhiều về phần cứng, phần mềm, đội ngũ công nghệ nên phải chịu lỗ, đến năm thứ tư, thứ năm mới có hi vọng hòa vốn.

Quan hệ đi trước?

Theo ông Đinh Quang Minh, khi kinh doanh máy bán hàng tự động, quan trọng nhất là phải có đủ tiềm lực và các mối quan hệ để đưa được máy vào nơi mình muốn bán.

Ông Minh kể, trước đây ông có xin phép một số cơ quan chức năng ở TP.HCM khai thác máy bán hàng tự động trên đường phố hay sân bay, bưu điện, bảo tàng, nhưng cuối cùng không đủ kiên nhẫn với các thủ tục hành chính chồng chéo nên bỏ cuộc. Ông Minh sau đó ngỏ ý đến TP Đà Nẵng và được hỗ trợ làm thí điểm. Từ đây, ông bắt đầu mở rộng sang các thành phố du lịch khác như Nha Trang, Vũng Tàu, Hội An…

Theo ông Minh, nhiều tỉnh ở Việt Nam vẫn nặng cơ chế xin cho, do đó các doanh nghiệp dù đang có công nghệ mới có thể giúp địa phương giải quyết nhiều bài toàn xã hội như máy bán hàng tự động nhưng vẫn luôn ở thế của người đi xin.

Khi tất cả đều phải xin, ai “chăm sóc người cho” tốt hơn sẽ chiến thắng. Ông Minh kể có doanh nghiệp máy bán hàng tự động than với ông từng ròng rã xin phép, hoàn thành nhiều loại giấy tờ, tham dự nhiều cuộc họp triển khai suốt 5 năm trời. Nhưng cuối cùng, dự án được giao cho nằm vào tay một đối thủ khác “lót tay” mạnh hơn.

“Các địa phương không tạo điều kiện để doanh nghiệp đưa máy ra thị trường và cho phép đặt ở những nơi công cộng thì dù có các chính sách hỗ trợ khác như miễn giảm thuế cũng sẽ không tác dụng” - ông Minh nói.

 

Tương lai thế nào?

Hiện nay ai cũng có thể bỏ tiền mua máy bán hàng tự động và đặt tại các cửa hàng tư nhân, các chung cư, trường học, bệnh viện, hay thậm chí ra ngoài đường. Quan trọng nhất là việc cá nhân có thể thương thảo với nơi đặt máy để được đặt máy ở các địa điểm mong muốn hay không.

Theo ông Hiến, khi đã đầu tư đặt máy, vị trí là điều quan trọng nhất. “Khi địa điểm càng dễ bán thì càng thu hồi vốn nhanh. Thường thì chỉ sau một tuần là đã biết điểm đó bán được hay không. Ngoài ra, các cá nhân hay công ty có thể xây dựng theo hệ thống. Nếu thành công điểm đầu tiên thì các điểm thứ hai, thứ ba rất dễ” - ông Hiến nói.

Đại diện của Kootoro cũng cho rằng một số doanh nghiệp Việt Nam chưa có đủ thông tin để tiếp cận một kênh phân phối sản phẩm mới như máy bán hàng tự động, nên công ty phải đi thuyết phục bộ phận kinh doanh của từng tổ chức một để nhận được sự đồng ý.

Cách giải quyết mà Kootoro đưa ra là có thể đồng hành với đối tác doanh nghiệp trong một thời gian dài, cho đến khi họ thấy được hiệu quả. Một hướng đi khác là kinh doanh theo hướng nhượng quyền, để phát triển số lượng và tăng quy mô. Điều này không chỉ giúp tăng sự cạnh tranh lẫn nhau mà còn với các cửa hàng tiện lợi hiện đang mọc lên san sát.

Ông Tùng chia sẻ thêm, dù trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn nhưng chiến lược của VVM thời gian tới vẫn là gia tăng số lượng ở tất cả các nơi, cả trong nhà lẫn ngoài đường. Hiện đã phủ sóng khoảng 30 tỉnh thành trên cả nước, VVM đặt mục tiêu trong 5 năm có thể có mặt trên toàn quốc.■

Thường bị đập phá

Khi đưa máy từ trong nhà ra ngoài trời, các doanh nghiệp thường chuẩn bị sẵn tình huống có thể máy sẽ bị đập phá, làm hỏng. Ông Đinh Quang Minh cho biết hằng năm công ty ghi nhận trên dưới 50 vụ đập phá, tốn gần trăm triệu đồng. Các đối tượng gây hại chủ yếu là những người say xỉn, các thanh niên “thích thể hiện” và người bị ảnh hưởng quyền lợi từ máy như người bán hàng rong, hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Theo ông Minh, chính công ty sẽ phải chịu trách nhiệm với máy trước. Có khi công ty không trình báo với công an mà chỉ… âm thầm sửa bởi nếu có phát hiện người phá rối cũng chỉ bị xử phạt hành chính, rất khó lên mức hình sự. “Họ có thể căm ghét rồi đến trả thù bằng nhiều cách khác nhau, đến lúc đó thiệt hại sẽ còn nặng nề hơn” - ông Minh nói.


Máy bán nước tự động trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1, TP.HCM) bị nhiều người vẽ bậy - Ảnh: TRỌNG NHÂN


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận