Việt Nam cần sớm có lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp

TUẤN PHÙNG 27/10/2020 18:10 GMT+7

TTCT - Rừng Tây Nguyên khi đó giấu được 13 sư đoàn mà đối phương không phát hiện được. Nhưng mấy năm trước tôi từng đi kiểm tra ở Tây Nguyên bằng đường bộ lẫn máy bay thấy rừng bây giờ thưa thớt, giấu một đại đội 100 người cũng khó

Cứu hộ ở vùng sạt lở núi tại Đoàn Kinh tế - quốc phòng 337 (Quảng Trị), nơi có 22 người gặp nạn. Ảnh: Trường Trung
Cứu hộ ở vùng sạt lở núi tại Đoàn Kinh tế - quốc phòng 337 (Quảng Trị), nơi có 22 người gặp nạn. Ảnh: Trường Trung

Công tác tổ chức cứu hộ, cứu nạn của VN hiện đang được tổ chức như thế nào? TTCT trò chuyện với trung tướng Phạm Hoài Giang, nguyên cục trưởng Cục Cứu hộ - cứu nạn (Bộ Quốc phòng), nguyên chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN).

Trung tướng Phạm Hoài Giang cho biết: Năm 1996, Thủ tướng đã quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia TKCN, nay là Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN. Đây là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác TKCN giữa các bộ ngành và địa phương; hợp tác với các nước về TKCN.

Một phó thủ tướng làm chủ tịch ủy ban, tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN làm phó chủ tịch thường trực và các phó chủ tịch: phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, thứ trưởng Bộ Công an, thứ trưởng Bộ GTVT, thứ trưởng Bộ NN&PTNT và một số thứ trưởng các bộ là ủy viên ủy ban. Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực ủy ban nên Bộ Quốc phòng mới thành lập Cục Cứu hộ - cứu nạn, là cục tác chiến trong thời bình giúp cho thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương chỉ đạo toàn quân thực hiện công tác phòng chống thiên tai và TKCN. Cục này kiêm văn phòng ủy ban, giúp lãnh đạo ủy ban thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ giao về công tác TKCN.

Lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn được tổ chức, hoạt động ra sao, thưa ông?

Hiện có lực lượng TKCN chuyên trách và kiêm nhiệm. Chuyên trách có Trung tâm quốc gia TKCN đường không (thuộc Bộ Quốc phòng), Trung tâm phối hợp TKCN hàng hải VN (thuộc Bộ GTVT), Trung tâm cấp cứu mỏ của Tập đoàn Than - khoáng sản VN, Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu… Kiêm nhiệm có đơn vị ứng cứu sập đổ công trình; ứng phó sự cố hóa chất… là các đơn vị công binh, hóa học của Bộ Quốc phòng.

Phương tiện, thiết bị phục vụ cứu hộ, cứu nạn chủ yếu là những phương tiện, thiết bị của các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Quốc phòng, có tính lưỡng dụng phục vụ tác chiến lẫn quốc kế dân sinh và TKCN: máy bay trực thăng, máy bay tuần thám Casa; tàu thuyền hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư đều huy động làm nhiệm vụ TKCN khi cần; các phương tiện, thiết bị của công binh sử dụng cho ứng cứu sập đổ công trình; trang thiết bị của bộ đội hóa học ứng phó sự cố hóa chất; sử dụng phương tiện, thiết bị của Bộ GTVT, Công thương, Công an phục vụ TKCN. Ủy ban cũng đã mua 6 máy bay trực thăng Mi 171 phục vụ TKCN…

Khi xảy ra sự cố, tai nạn, quy trình cứu hộ cứu nạn thực hiện ra sao?

Công tác cứu hộ, cứu nạn có giờ vàng, vì để kéo dài thì nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của người gặp nạn. Vì vậy khi xảy ra sự cố thì nơi xảy ra sự cố đầu tiên phải tự khắc phục, đồng thời báo nạn qua nhiều kênh. Trường hợp sự cố, tai nạn xảy ra trên đất liền trước hết vẫn phải thực hiện phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Tiếp đó, lực lượng của tỉnh, trung ương sẽ xuống, nhưng những lực lượng từ nơi khác đến hiện trường dù bằng máy bay cũng lâu hơn sự tiếp cận của lực lượng tại chỗ. Các nước sang làm việc với ta đã rất tâm đắc với phương châm “4 tại chỗ” rất thực tế và hiệu quả này.

Với tàu thuyền gặp nạn trên biển, nhất là ở xa bờ, cách tốt nhất và hiệu quả nhất là phải báo thẳng về Trung tâm Quốc gia chỉ huy TKCN. Tùy tình hình thực tế, ủy ban sẽ điều phương tiện hoạt động gần nhất với tàu bị nạn đến ứng cứu, lệnh cho những tàu của hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư hoạt động gần đó nhất đi cứu nạn. Trên biển cần báo cáo và xử lý vượt cấp vì trong tình huống này cấp huyện, tỉnh không thể nhanh bằng trung ương được, và họ cũng không có phương tiện để cứu hộ.

Người dân thắc mắc tại sao có trực thăng cứu nạn mà nhiều vụ không bay vào cứu ngay được? Có trở ngại gì về phương tiện, khả năng vận hành không, thưa ông?

Máy bay trực thăng rất cơ động nhưng không thể bay trong mọi điều kiện thời tiết. Trong trường hợp mưa gió bão, mây mù, máy bay không thể hoạt động được vì rất nguy hiểm. Khi tôi còn làm cục trưởng Cục Cứu hộ - cứu nạn thấy rằng không lúc nào Bộ Quốc phòng hay Thủ tướng tiếc chi phí một chuyến bay cứu hộ. Nếu có tình huống cứu nạn mà sử dụng máy bay được sẽ sử dụng ngay. Chúng ta thường xuyên điều máy bay trực thăng từ Tân Sơn Nhất ra Trường Sa đưa ngư dân bị bệnh, tai nạn lao động trên biển về bờ cứu chữa. Trước đây chưa có hệ thống truyền hình hướng dẫn phẫu thuật cho y tế ở đảo Trường Sa, khi có ngư dân đau ruột thừa cũng đưa trực thăng ra chở về bờ để mổ.

Khi có sự cố, rất nhiều phương án cứu nạn được đưa ra để chọn phương án khả thi, phù hợp điều kiện thực tế nhất. Nhiều khi không phải như trên phim, cứ có máy bay là bay cứu nạn được. Vừa rồi tàu Vietship 01 gặp nạn gần bờ nhưng thời tiết xấu không thể cho trực thăng ra ngay, phải chờ tới khi ngớt gió mạnh thì mới treo máy bay được để thả dây cứu người. Ở Rào Trăng 3, là vùng núi cao, mưa gió, trời mù mịt không quan sát được rõ ràng thì máy bay không có tác dụng gì.

Đợt lũ vừa qua nước ngập nhanh, người dân Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh kêu cứu rất nhiều nhưng lực lượng ứng cứu nạn có hạn. Nơi hay bị lũ lụt thì người dân có sẵn xuồng, thuyền. Nhưng nơi đô thị ít khi ngập thì không duy trì phương tiện. Như vậy “4 tại chỗ” cũng có hạn chế?

Người dân ở nông thôn, vùng có sông nước, thuyền là phương tiện đi lại, sản xuất thì họ có thể huy động trong cứu hộ cứu nạn. Nhưng người dân thành phố, đồng bằng ít khi ngập lụt, yêu cầu chuẩn bị sẵn thuyền là khó vì họ ở nhà ống, chung cư, nếu có thuyền thì cũng không quen sử dụng khi nước lớn, chảy xiết.


Chúng ta vẫn chuẩn bị phương tiện dự trữ cho các lực lượng liên quan như ở trung tâm dự trữ quốc gia dù mất công bảo quản. Tương tự, ở địa phương cần phải có dữ trự, bảo quản và có lực lượng để khi có chuyện là dùng được ngay, không phải sắm để làm cảnh, đến khi cần dùng phương tiện đã hỏng thì rất lãng phí. Nhiều người nói những nơi nào có nguy cơ thấp thì không cần chuẩn bị “4 tại chỗ” nhưng dù xác suất xảy ra 1% thì bà con, chính quyền nơi đó vẫn phải chuẩn bị, bởi nếu xảy ra vào đúng 1% đó thì sao?

Việt Nam chịu nhiều thiên tai, địa hình bị chia cắt bởi sông ngòi. Theo ông, có cần xây dựng lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuyên biệt và đủ mạnh thay vì kiêm nhiệm?

Hiện nay một số nước có lực lượng này. Nước Nga có Bộ Tình trạng khẩn cấp chuyên thực hiện công việc cứu hộ, cứu nạn. Trung Quốc cũng mới thành lập Bộ Tình trạng khẩn cấp.

Xu thế hiện nay, an toàn dân sự là việc rất quan trọng. Khi hoạt động kinh tế - xã hội ngày càng phát triển thì ngoài thiên tai cực đoan, nhân tai cũng xảy ra nhiều. Trước đây chủ yếu nhà 3-5 tầng nhưng bây giờ có nhiều nhà siêu cao tầng, hạ tầng đô thị, giao thông, khai thác khoáng sản, dầu khí đều tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cần cứu hộ, cứu nạn.

Để đảm bảo an toàn đời sống xã hội, chúng ta cần sớm hình thành các lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuyên trách có trình độ, kỹ năng chuyên nghiệp. Nếu chỉ hô hào quyết tâm mà trong các vụ sập đổ công trình không có trang thiết bị nâng, dỡ thì không thể dùng tay bê ra. Tôi mong trong thời gian không xa nữa chúng ta có lực lượng chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn cao và trang thiết bị cứu nạn hiện đại. Việc này cần kinh phí lớn nên trước mắt có thể tận dụng các đơn vị quân đội đã được đào tạo công việc này. Mình đi từng bước để hình thành chứ chưa có điều kiện tách riêng một phần của quân đội hoặc các bộ phận có nhiệm vụ tương đồng ở các ngành khác để thành lập lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp như các nước.

Thực tế có những khi xảy ra sự cố, chúng ta điều nhân lực, phương tiện đi cứu nhưng không thành do nhiều lý do khác nhau. Theo ông, chúng ta phải phòng là chính chứ không phải tập trung đi giải quyết hậu quả là chính?

Đầu tiên, đến mùa mưa bão, người dân cần đề phòng, chuẩn bị ứng phó, khi thiên tai xảy ra thì bà con chòm xóm giúp đỡ nhau. Tiếp đó mới đến chính quyền huyện, tỉnh, trung ương. Cách này giúp chúng ta giảm thiểu nhiều thiệt hại.

Nhưng thiên tai vẫn xảy ra, gây hậu quả lớn. Nhiều đêm tôi suy nghĩ do thời gian qua, mối quan tâm tới môi trường của chúng ta chưa được tốt lắm cũng là một trong những nguyên nhân. Tháng 3-1975 khi thực hiện chiến dịch Tây Nguyên, chúng tôi đi cả ngày không hết rừng, ngẩng đầu nhìn ngọn cây mà rơi cả mũ tai bèo vì cây cao quá, đi cả ngày không có ánh nắng mặt trời. Rừng Tây Nguyên khi đó giấu được 13 sư đoàn mà đối phương không phát hiện được. Nhưng mấy năm trước tôi từng đi kiểm tra ở Tây Nguyên bằng đường bộ lẫn máy bay thấy rừng bây giờ thưa thớt, giấu một đại đội 100 người cũng khó. Trước đây có rừng nhiều thì rễ cây giữ đất, giảm tốc độ dòng chảy, chống sạt lở. Bây giờ cây không còn thì mưa xuống, lũ đổ về nhanh, đất bị xói mòn, thấm nhão, gây sạt lở.

Một cái dở nữa là khi làm đường qua đồi núi, vì thiếu tiền nên ta cứ bạt đất, nổ mìn phá đá, đào khoét núi. Các nước để nguyên địa hình tự nhiên, làm cầu cạn không bạt phá gây ảnh hưởng kết cấu tự nhiên đã ổn định hàng trăm, hàng ngàn năm. Chúng ta tác động vào thiên nhiên như thế có khi bị thiên nhiên đáp trả nhiều hơn. Đào, bạt núi, phía trên lại không còn cây để giữ đất, khi mưa xuống sẽ tăng sạt lở. Nhiều người dân cũng bạt núi làm nhà nên vào mùa mưa thường xảy ra những vụ lở đất sập nhà, chết người.■

"Khi hoạt động kinh tế xã hội ngày càng phát triển thì ngoài thiên tai cực đoan, nhân tai cũng xảy ra nhiều, do vậy an toàn dân sự là việc rất quan trọng". Trung tướng Phạm Hoài Giang


 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận