Đội thuyền nghĩa hiệp trong vùng lũ

QUỐC NAM - NGỌC HIỂN 28/10/2020 07:10 GMT+7

TTCT - Nghe những tiếng kêu cứu xé lòng qua mạng xã hội của những người dân ở vùng rốn lũ Lệ Thủy, Quảng Ninh (Quảng Bình) lúc nước lũ dâng cuồn cuộn trong đêm, gần 100 chiếc thuyền đánh cá của ngư dân vùng biển Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy) và Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) đã lao vào vùng đỉnh lũ cứu người. Ba ngày đêm liền, những chiếc thuyền của ngư dân vùng biển đã cứu được hàng trăm người ở những vùng nước ngập sâu nhất.

Hàng loạt chiếc thuyền cứu hộ của ngư dân đã xuất hiện trên vùng lũ để cứu dân kịp thời. -Ảnh: NGỌC HIỂN

Trong đêm đen, mưa ào ào trút, lũ cuồn cuộn dâng, hàng ngàn tiếng kêu cứu khẩn thiết đã dồn dập chia sẻ lên mạng xã hội: “sắp tới nóc rồi”, “ông bà già mắc kẹt không thoát được”, “không có thuyền cứu là chỉ có nước chết chìm thôi”...

Anh Võ Danh Đồng (38 tuổi, xã Ngư Thủy Bắc) là một trong những ngư dân đầu tiên của vùng biển Ngư Thủy lao về phía tâm lũ trong đêm đó. “Mở FB thấy nhiều người kêu cứu quá, ruột nóng ran. 

Mình có sẵn thuyền mà dân thì đang chới với trên nước lũ, mình không thể ngồi yên được” - anh nói. Anh và con thuyền quần đảo khắp vùng lũ, sau ba ngày, đáy thuyền mòn vẹt.

Để đưa được thuyền vùng biển lên vùng cạn không hề dễ. Giữa đêm, anh Đồng gọi xe tải chạy về bãi neo sát biển. Những thanh niên trong xóm được gọi dậy để hỗ trợ đưa thuyền lên xe. Xóm anh là xóm chài, gần như nhà ai cũng có thuyền. 

Thấy anh quả quyết lao thuyền đi ngược lên vùng lũ cứu dân, nhiều ngư dân khác cũng không cầm lòng được. Thêm nhiều chuyến xe tải được gọi về giữa đêm đen. Thêm nhiều chiếc thuyền biển được chở thẳng lên giáp quốc lộ 1 để tiến vào vùng tâm lũ.

Những làng mạc chìm trong bóng tối, nghe được tiếng kêu cứu nhưng tiếp cận không dễ vì dây điện đứt và giăng chằng chịt, rác và bao nilông trôi nổi quấn thành nùi vào chân vịt. 

Ngư dân xã Ngư Thủy tức tốc kéo thuyền từ vùng biển, lao vào vùng lũ trong đêm đen để cứu dân đang khiển thiết kêu cứu trên mạng. Ảnh: QUỐC NAM

Những ngư dân như anh Đồng lâu nay chỉ quen với những luồng lạch sâu cạn ở sông, rành đường biển hơn trên cạn, cuối cùng vẫn tìm được cách lách đưa thuyền vào sát những mái nhà để cứu người. 

Anh Đồng kể, lúc thuyền anh đến, có những nhà dân chỉ tháo được tấm ngói, giơ tay ra ngoài bật đèn pin xoay xoay ra tín hiệu. Họ phải mang cả dao, bơi vào, dỡ ngói, chặt cây gác mái nhà tạo khoảng trống để đưa những cụ già ra thuyền. 

“Có cụ già bị tai biến không thể di chuyển, mấy anh em tôi lặn xuống nước lũ, mò mẫm mãi mới mở được cửa vào nhà để đưa cụ đến nơi an toàn”, anh nói. 

Đêm đầu tiên vào vùng lũ, ông Trần Văn Dưỡng (58 tuổi, trú thôn Liêm Tiến, xã Ngư Thủy) gặp một thanh niên đang vò đầu bứt tai bên quốc lộ, đoạn gần chỗ tập kết thuyền. Trước mắt người này là biển nước mênh mông. Mọi thuyền bè thời điểm đó đều ngừng hoạt động.

“Chú ấy nói vợ và mẹ đang ở vùng nguy hiểm nhưng nước lũ vẫn tiếp tục lên nhanh. Đang đêm nên không có cách nào vào cứu ra được”, ông Dưỡng kể. 

Thấy vậy, ông Dưỡng cùng hai con trai đẩy chiếc thuyền đã kéo sẵn lên sát mép đường xuống nước, nổ máy, bật đèn pin, chạy dò dẫm từng con sóng, theo chỉ dẫn của thanh niên nọ. Sau hai tiếng đồng hồ, chiếc thuyền của cha con ông Dưỡng trở ra, đưa theo mẹ và vợ của thanh niên nọ ra khỏi đỉnh lũ an toàn. 

Các ngư dân phải dỡ ngói những ngôi nhà ngập lũ để giải thoát người dân. Ảnh: QUỐC NAM

Ông Dưỡng từ chối món quà và số tiền 2 triệu mà người thanh niên cám ơn. “Cha con tui giúp người bị nạn thôi chứ không phải chạy thuyền thuê mô” - ông nói.

Ông Dưỡng cả đời người làm nghề đi biển. Ba ngày liên tục, ông cùng hai người con trai và một người em trai ở trên vùng rốn lũ An Thủy, Tân Thủy, Lộc Thủy để cứu dân. Nhưng không chỉ cánh đàn ông xông xáo.

“Thấy mấy cha con đẩy thuyền đi, ở nhà mấy mẹ con cũng mang hết gạo ra nấu cơm, rang mớ cá khô dự trữ đóng thành hộp. Cứ mỗi sáng mấy cha con ra khỏi nhà là trên thuyền đã có cả trăm hộp cơm như thế. Đi tới đâu phát cho dân tới đó, vừa cứu người vừa cứu đói”, ông Dưỡng kể.

Những người phụ nữ ở nhà ông Dưỡng nói rằng họ không có sức dài vai rộng để chèo thuyền vào vùng lũ giúp dân, nhưng họ có thể ở nhà nấu những phần cơm cho dân vùng lũ qua cơn đói. Họ biết, với những người dân đang lo chạy lũ, một chén cơm nóng cũng đã là một giấc mơ. 

Ba ngày liên tục nấu cơm gửi dân vùng lũ, số gạo dự trữ nhà ông Dưỡng cũng cạn, nhưng cả nhà ai cũng vui. “Giúp được dân lúc nguy nan là hạnh phúc rồi”, ông Dưỡng nói.

Ngư dân hỗ trợ vận chuyển miễn phí hàng cứu trợ để chở đến vùng rốn lũ. Ảnh: NGỌC HIỂN

Ngày thứ ba của trận đại hồng thủy, nước rút dần. Những ngư dân thuê xe tải đưa thuyền về lại biển vì ở một số nơi nước cạn, thuyền biển không còn phù hợp để chạy vùng lũ. 

Đó cũng là thời điểm mà hàng trăm đoàn cứu trợ khắp cả nước bắt đầu tiếp cận khu vực ngã ba Cam Liên để đưa hàng vào giúp dân. Nhưng nhiều đoàn cứu trợ chờ cả ngày trời vẫn chưa có thuyền để đưa hàng vào cứu trợ dân vùng rốn lũ. Một số đoàn khác phải thuê thuyền với giá cao để được đưa hàng vào sớm với dân.

Thấy cảnh này, các ngư dân quyết định để lại hơn chục chiếc thuyền ở bến đò sát ngã ba Cam Liên, giúp chở miễn phí hàng vào cứu trợ cho dân đang bị cô lập bên trong. “Đã lao vào lũ giúp dân thì giúp cho trọn vẹn, cho đến khi hết cảnh ngập thì ngư dân chúng tôi mới về. Tình đồng bào là ở đó” - ông Võ Văn Dũng, một ngư dân, cho biết.

Khi hoàn thành việc cứu hộ trở về, nhiều thuyền bị hư hỏng, mòn vẹt đáy vì chạy vướng chướng ngại vật và gặp nước cạn. Những ngư dân mang thuyền đi sửa. Để khi trời yên biển lặng, họ lại dong thuyền ra khơi... ■

Thuyền hỏng chẳng tiếc

Cũng có mặt trên những chiếc thuyền của ngư dân Ngư Thủy đi cứu người đêm đó, ông Trần Xuân Nhuận - phó chủ tịch HĐND xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) - nói ông cũng bất ngờ vì tinh thần nghĩa hiệp xả thân vì dân của đội thuyền ngư dân.

“Đó là lúc nửa đêm, tình hình quá nguy cấp nên chính quyền địa phương mới kêu gọi. Không ngờ ngư dân hưởng ứng mạnh đến thế” - ông cảm kích. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử mà dân miệt biển lên vùng đồng bằng cứu dân trong lũ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận