Lock down lần 2 ở châu Âu: Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh

LÊ QUANG 09/11/2020 21:11 GMT+7

TTCT - Chẳng cần phải đợi đến làn sóng COVID thứ hai hay thứ ba, cả châu Âu đã rên xiết như chưa từng chịu đựng gánh nặng dịch bệnh nào trong lịch sử loài người.

Kinh tế đình trệ
Kinh tế đình trệ

Nói “làn sóng” tức là cũng phải hiểu từ này theo nghĩa đen: nó len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống, nhấn chìm hay cuốn phăng đi một số thành tựu của nền văn minh, làm biến dạng cả những thói quen thâm căn cố đế của con người. Và nếu tin vào nhận định khá bi quan nhưng có cơ sở của nhiều nhà khoa học, đợt lockdown thứ hai vừa bắt đầu ở châu Âu là bằng chứng thuyết phục để phải tin rằng con virus đáng nguyền rủa ấy sẽ không bao giờ biến khỏi thế giới này nữa - cũng là dự đoán của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)?

Đảo lộn từ câu chữ

Duden, lấy tên tác giả của nó là Konrad Duden (1829-1911), là cuốn từ điển tiếng Đức được công nhận là bộ từ vựng mẫu và quy tắc chính tả mẫu cho khoảng 180 triệu người sử dụng tiếng Đức là tiếng mẹ đẻ hoặc ngôn ngữ thứ hai trong chính nước mình (Đức, Áo, Liechtenstein, một phần Thụy Sĩ, Ý, Bỉ, Pháp, Luxemburg… đến tận Nam Phi và Namibia). Có hẳn riêng một nhà xuất bản mang tên Duden và nhiều hội đồng đông đảo các nhà ngôn ngữ học suốt năm không làm gì khác ngoài cãi vã về việc giữ gìn bản sắc của ngôn ngữ này. Họ không chỉ khắt khe từng dấu phẩy để tránh biến dạng ngữ pháp - như tiếng Anh, vốn là chi German Tây, nay được dùng ở cả thế giới ở dạng khác hẳn với tiếng Anh nguyên thủy ở quần đảo Anh - mà còn nỗ lực một cách khá vô vọng tránh sự “xâm thực” bởi thứ từ vựng Anh hổ lốn, không chỉ từ Hoa Kỳ là đầu tàu kinh tế và khoa học của phương Tây mà còn từ Hongkong, Ấn Độ, Singapore... Chẳng thế mà sau 140 năm kể từ khi cuốn từ điển này ra đời mới chỉ có vẻn vẹn 27 lần chỉnh sửa và tái bản!

Vậy mà con virus corona chỉ cần nửa năm đã dễ dàng lọt qua rào cản kín bưng đó với một loạt khái niệm mới trong lần tái bản tháng 8-2020: COVID-19, social distancing (giãn cách xã hội), lockdown (phong tỏa)… Và trong dân gian đột nhiên phổ biến khái niệm Herdenimmunitaet (dịch trực tiếp từ herd immunity hay miễn dịch cộng đồng) vốn chỉ được nhắc đến trong y văn.

Ngôn ngữ luôn là phản chiếu cuộc sống, nhưng không chỉ câu chữ, nếu ngó quanh trong xã hội châu Âu thì ta có cảm giác là không gì trong xã hội bị biến chuyển nhanh và mạnh mẽ như trong đại dịch này. Đột nhiên người Pháp không còn chú ý đến nhà thờ Đức Bà được phục dựng theo cách nào và đào đâu ra tiền, người Anh đang vỗ tay vụ Brexit bỗng hối hận khi thấy bị cô lập khỏi EU. Và nước Đức - vốn ngại khái niệm kỹ trị được người đời ưa gắn cho tộc German - đã trao huân chương công trạng cao nhất cho một nhà vi trùng học và một nữ khoa học gia gốc Việt, chỉ vì họ đều đặn lên sóng và sau vài tuần lễ đã được coi là người lái con thuyền dư luận giữa bể dịch giã đầy hoang mang.

Đảo lộn chính trường

Đã đành là nữ thủ tướng đầu tiên của Đức, bà Angela Merkel, xưa nay vẫn đóng vai trò chính trị gia xuất sắc của mình trong bốn nhiệm kỳ liên tiếp, song trước COVID-19 mấy ai liên tưởng thành tích của bà với chức danh khoa học? Mới chỉ cách đây mấy tháng hay mấy tuần, mỗi lần bà thuyết phục các thống đốc bang đi theo chính sách phòng bệnh của liên bang là lại chịu sự phản kháng từ họ, thậm chí đối với những việc nhỏ như đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Báo chí đã phải thở dài khi so sánh với thời kỳ nước Đức còn là một tập hợp của hàng trăm lãnh địa nho nhỏ như tấm thảm vá chằng vá đụp và chưa có vị tư lệnh nào đủ sức phất cờ.

Nhưng cuộc họp nội các gần đây nhất, ngày 28-10, kéo dài chưa đầy nửa tiếng, đã thống nhất 100% đợt phong tỏa thứ hai, ít nhất là trong cả tháng 11, nhằm trở lại mức kiểm soát của tháng 9. Rất đúng lúc, và rất hi hữu, khi nghe bà Merkel ngỏ lời nặng về cảm xúc khi nhắc đến nhà báo khoa học Mai Thi Nguyen-Kim trước ống kính truyền hình: “Cá nhân tôi không bao giờ có thể diễn đạt được một cách sống động như cô ấy và đồng thời mô tả được niềm tin sâu sắc của tôi, đó là lý do tại sao tôi muốn dẫn lại những lời của cô ở đây: Nếu virus corona biết suy nghĩ, hẳn nó sẽ nói rằng: Tôi đang có một vật chủ hoàn hảo. Loài người sống trên khắp hành tinh. Họ được kết nối mạnh mẽ trên toàn cầu, họ là những sinh vật xã hội. Họ không thể sống mà thiếu đi các mối quan hệ xã hội. Họ là những môn đệ của chủ nghĩa khoái lạc. Họ thích tiệc tùng. Vâng, tôi không thể nào có một vật chủ tuyệt vời hơn”.

Rồi bà tiếp tục trích lời Mai Thi Nguyen-Kim, lần này từ góc độ con người: “Không, con virus kia, mày đã không học được gì từ quá trình tiến hóa hay sao? Loài người chúng tao đã nhiều lần chứng tỏ rằng chúng tao rất giỏi trong việc thích nghi với những tình huống khó khăn. Chúng tao sẽ cho mày thấy rằng mày đã chọn sai vật chủ!”.

Nhắc lại lần nữa, ai theo dõi chính trường Đức sẽ không bao giờ chứng kiến cảnh cãi lộn thô thiển hay thậm chí lao vào đánh đấm nhau trong nghị viện, và cũng hiếm khi chính trị gia mất vẻ điềm tĩnh đến lạnh lùng. Nhưng corona đã khiến không khí tranh luận thiên về cảm tính hơn. Có thể tin là người Đức lần này suy tư hơn khi tụ tập trước màn hình vô tuyến để nghe lời hiệu triệu của nữ thủ tướng. Và nếu họ chuyển sang kênh của Pháp thì sẽ thấy một Tổng thống Macron thất thần khi thông báo lệnh phong tỏa sớm hơn Đức sáu ngày: “Nước Pháp chịu một làn sóng thứ hai mà chúng ta biết là nó sẽ dữ dội hơn, chết chóc hơn làn sóng thứ nhất”. Vâng, người Pháp phóng túng cũng đã bớt lạc quan tếu từ khi Ý ngập ngụa trong thảm họa.

Nội các Đức gặp nhau mỗi tuần vì corona, trên mạng hay ngoài đời
Nội các Đức gặp nhau mỗi tuần vì corona, trên mạng hay ngoài đời

Đảo lộn thế giới

Với 45 triệu người nhiễm bệnh và trên 1,2 triệu người chết (con số cuối tháng 10), thực tế là virus corona đã thâm nhập vào mỗi quốc gia trên hành tinh này, nhưng tỉ trọng của nó phụ thuộc vào vị thế kinh tế của từng nước và do đó không thể không nói đến Hoa Kỳ, bất kể số phiếu bầu được đếm cho đương kim Tổng thống Donald Trump hay người thách thức là Joe Biden. Ở đây không phải chỗ để bàn về không khí chính trị của Mỹ, một thế giới rất riêng, khi nhiều trí thức hàng tinh hoa nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng tuyên bố của tổng thống về “không có biến đổi khí hậu” hay “Đảng Dân chủ (của Biden) sẽ xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Mà chỉ đặt một câu hỏi tu từ: nếu không có corona thì nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump hầu như không phải bàn? Chỉ trong vài tháng, nền kinh tế hùng hậu nhất thế giới chao đảo, con số người chết vì dịch đạt mức kỷ lục và Trump run rẩy trước thống kê không chính thức về sự vượt trội của Biden. Hi vọng ghi điểm cuối cùng với vaccine Mỹ tiêu tan và bây giờ cả nước Mỹ nín thở.

Việc đổi đảng cầm quyền không chỉ liên quan đến Mỹ, mà kéo theo nhiều hệ lụy với EU, thương chiến Trung - Mỹ, NATO... Riêng việc Trump hứa giải ngân cho gói cứu trợ thứ hai “sau khi tôi đắc cử” cho thấy mạng sống của dân Mỹ bị biến thành công cụ chính trị ra sao.

Tháng 5-2020, khi đại dịch corona tạm đạt một đỉnh điểm, Hội đồng EU dự tính kinh tế bị sụt giảm 7,7% cho khối 19 quốc gia dùng tiền euro và 7,4% cho toàn bộ EU. Sau khi có lệnh phong tỏa lần hai ở EU thì con số trên lần lượt được chỉnh sửa thành 8,7% và 8,3%, và ai dám chắc là không còn bị chỉnh sửa lần nữa khi chưa có thuốc trị COVId-19 lẫn thuốc chích ngừa?

Dù thế nào thì cũng không thể so được với cú trượt dốc của kinh tế Mỹ: báo cáo kinh tế của quý 2 năm nay là âm 9,5% so với quý 1 và được coi là con số thê thảm nhất kể từ năm 1875!

Chó cắn áo rách

Chưa thấy Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ra dự báo mới, nhưng thông cáo từ tháng 3-2020 chắc chắn còn nhiều “lạc quan” hơn hôm nay: cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu chắc chắn không tránh khỏi, tối thiểu cũng mang hệ quả trầm trọng như khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009 và có lẽ là cuộc suy thoái tệ hại nhất từ sau đại khủng hoảng hồi thập niên 1930.

Từ hồi tháng 3, trước cửa IMF đã thấy 81 quốc gia có thu nhập tầm trung và thấp “xếp gạch” xin vay tín dụng. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thông báo mỗi tháng lockdown toàn quốc sẽ đem lại suy thoái trung bình 2% cho từng quốc gia. Còn WTO dự tính trong năm 2020 toàn bộ khu vực thương mại thế giới - tùy theo diễn biến đại dịch - sẽ thâm hụt 13 - 32%.

Ngay cả khi cuối năm nay có vaccine hoặc cả trị liệu pháp hữu hiệu chống COVID-19 thì năm 2021 sẽ chưa thể hứa hẹn phục hồi đáng kể. Nếu chỉ nhìn châu Âu, nơi các thống kê ít bị méo mó trong không khí tranh cử so với Hoa Kỳ, các điểm sáng sẽ là Ba Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Luxemburg và Đức, tương lai mù mịt chờ đón Tây Ban Nha, Pháp, Ý và Croatia với trên 10% trượt dốc kinh tế (nhận định của Paolo Gentiloni, cựu thủ tướng Ý).

Như thường lệ, mỗi cuộc khủng hoảng sẽ đào sâu thêm hố ngăn cách giàu - nghèo. Khi châu Âu than thở về các trận túc cầu trong sân vận động vắng bóng khán giả hay nhiều nghệ sĩ phải biểu diễn trên mạng gần như miễn phí để khỏi bị khán giả lãng quên, khi nước Đức với nền y tế hùng hậu bị chiếm trên 50% giường cấp cứu bởi bệnh nhân COVID… thì điều đó vẫn là xa xỉ với những người nghèo nhất của tầng lớp nghèo: người tị nạn Syria sẽ chết đuối nhiều hơn trên hành trình vượt Địa Trung Hải, 6 triệu dân Zimbabwe đang đói sẽ tăng thành 8 triệu, ở Kenya số người chết đói nhiều hơn chết vì COVID-19.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận