Thế khó đang chờ ông Biden

ANH NGUYỄN 15/11/2020 00:11 GMT+7

TTCT - Sau khi tất cả đã lắng xuống, việc giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hóa ra có thể là chuyện dễ với ông Joe Biden và chính quyền mới. Những thách thức lớn nhất vẫn đang ở phía trước.

Tổng thống tân cử Joe Biden (phải) sẽ kế thừa nhiều chính sách và nhân sự của thời Obama? Ảnh: Reuters
Tổng thống tân cử Joe Biden (phải) sẽ kế thừa nhiều chính sách và nhân sự của thời Obama? Ảnh: Reuters

Không phải ngẫu nhiên mà Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Mỹ, bị phe Dân chủ đặt cho biệt danh “Moscow Mitch” sau khi ông bảo vệ quyết liệt Tổng thống Donald Trump trong chiến dịch luận tội năm ngoái. Đó chỉ là một trong vô số lần McConnell “bắn hạ” thành công chính sách của phe Dân chủ.

6 trong 8 năm Barack Obama cầm quyền, phe Dân chủ mất đa số ở Quốc hội (từ năm 2010), ông McConnell đã chặn đứng hầu như mọi sáng kiến từ Nhà Trắng.

Mục tiêu của ông là phá hoại nhiệm kỳ của Obama bất chấp tất cả, bao gồm làm chuyện “lưỡng bại câu thương” - không thông qua cả những luật có lợi cho phe Cộng hòa. Obama và McConnell sau này coi như không nhìn mặt nhau.

Khi Obama cần người đàm phán với Thượng viện, ông luôn cử Joe Biden. McConnell và Biden đã biết nhau từ năm 1985. “Nếu có nhân vật Dân chủ nào thông qua được việc ở Thượng viện, thì đó sẽ là Joe Biden”, Rahm Emanuel, cựu chánh văn phòng Nhà Trắng thời Obama, nói với Financial Times. “Ông hiểu cơ quan đó hơn bất cứ ai ở Washington”.

4 ưu tiên đối nội

Trang web của Biden đã cập nhật 4 lĩnh vực chính sách ông dự kiến tập trung ngay sau khi nhậm chức: COVID-19, hồi phục kinh tế, công bằng sắc tộc, và biến đổi khí hậu.

Nhưng trên thực tế, McConnell nhiều khả năng sẽ không thông qua bất cứ thứ gì Biden muốn. Ông cũng có thể chặn nhân sự nội các nếu nhân vật đó không vừa ý phe Cộng hòa. Có thể nói Biden sẽ bắt đầu nhiệm kỳ với một tay bị trói khi phe Cộng hòa khả năng cao vẫn chi phối Thượng viện (chưa ngã ngũ nhưng Cộng hòa lợi thế trong bầu bổ sung hai ghế ngày 5-1 tới).

Khó khăn nữa là ông Trump tới giờ vẫn tự tuyên bố chiến thắng. Khả năng lớn là quá trình chuyển giao quyền lực sẽ được định đoạt ở tòa án. Ít nhất thì chính quyền ông Trump cũng sẽ không hợp tác trong 10 tuần chuyển giao.

Kể cả ông Trump rút lui, ông Biden vẫn sẽ phải đối mặt những người theo chủ nghĩa Trump cực kỳ đông đảo: khoảng 48% cử tri Mỹ - hơn 71 triệu phiếu - bầu cho ông Trump trong cuộc bầu cử có tỉ lệ đi bầu cao nhất kể từ năm 1900.

“Chúng tôi kỳ vọng một sự bác bỏ chủ nghĩa Trump, chứ không chỉ đánh bại một ứng viên”, Brendan Boyle, hạ nghị sĩ Dân chủ của bang Pennsylvania, thừa nhận. “Đáng tiếc là thông điệp của cử tri là ngược lại”.

Ông Biden sẽ là tổng thống đầu tiên tiếp quản một chính quyền chia rẽ như vậy kể từ thời George H.W. Bush vào năm 1988, nhưng phe Dân chủ mà Bush “cha” làm việc cùng vẫn được coi là thân thiện hơn nhiều so với phe Cộng hòa lúc này.

Định hình nội các mới

Ông Biden dự định sẽ ký một loạt sắc lệnh hành pháp trong ngày đầu nắm quyền, để gỡ bỏ những chính sách của ông Trump. Tổng thống tân cử đã nói ngay sau khi nhậm chức vào trưa 20-1, ông sẽ gửi thư cho Liên Hiệp Quốc thông báo Mỹ trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Ông cũng hứa hành động nhanh để đối phó COVID-19 bằng cách chỉ định “bộ chỉ huy chuỗi cung ứng toàn quốc” và thiết lập “ủy ban xét nghiệm dịch”, tương tự như ủy ban sản xuất thời chiến thời Franklin D. Roosevelt.

Ông còn cam kết xóa bỏ chính sách cấm đi lại đang áp dụng với hầu hết các nước Hồi giáo và gọi điện cho các lãnh đạo thế giới nhằm gây dựng lại niềm tin với các đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Âu hay Đông Bắc Á.

“Mỗi tổng thống đều muốn bắt đầu mạnh mẽ và thực hiện những cam kết tranh cử trước bữa trưa ngày đầu tiên”, Dan Pfeiffer, cố vấn cao cấp của Tổng thống Barack Obama và là người lên kế hoạch cho những ngày đầu tiên của ông Obama trong Nhà Trắng, chia sẻ. “Sắc lệnh hành pháp là cách tốt nhất để làm vậy”.

Đội hình an ninh đối ngoại của chính quyền Biden dự kiến sẽ có mặt nhiều thành viên chủ chốt thời Obama, với hi vọng phục hồi những nguyên tắc về đối ngoại từng bị xóa bỏ bởi chính quyền Trump.

Đội ngũ này gần như chắc chắn sẽ có Antony Blinken, cựu thứ trưởng ngoại giao và phó cố vấn an ninh quốc gia, từng làm cho Biden hồi còn ở Thượng viện từ năm 2002; Avril Haines, nguyên phó giám đốc CIA và thành viên Hội đồng an ninh quốc gia; Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia thời Obama; và Michèle Flournoy, nguyên thứ trưởng quốc phòng.

Trong khi thành tích của những người này đều xuất sắc, một số nhà phân tích đánh giá đội ngũ mới của ông Biden có thể quá cẩn trọng và truyền thống trong khi đang có nhiều áp lực đòi hỏi phe Dân chủ phải đổi mới với các vấn đề như Israel, chi phí quân sự, hoạt động chống khủng bố ở Trung Đông và Bắc Phi.

Cũng có những phàn nàn về mối quan hệ của nhóm này với các tập đoàn lớn khi ông Blinken và bà Flournoy năm 2017 từng thành lập tổ chức tư vấn WestExec, với khẩu hiệu “Mang Phòng tình huống vào phòng họp ban lãnh đạo doanh nghiệp”.

“Họ sẽ đưa vào những nhân vật quen thuộc. Không có khuôn mặt mới ở đây”, John Mearsheimer, giáo sư chính trị tại Đại học Chicago nói. “Ngay cả những khuôn mặt được coi là mới và trẻ, thì giọng điệu cũng y như những người cũ”.

Những người quanh ông Biden có xu hướng né những điều rủi ro, có cách tiếp cận trung tả trong chính sách đối ngoại, theo ông Mearsheimer, tức muốn thúc đẩy vai trò chủ động hơn về kinh tế, đối ngoại, và cả quân sự, của Mỹ.

Các ứng viên cho ghế ngoại trưởng là ông Blinken, bà Rice, và thượng nghị sĩ Chris Coons của Delaware. Bà Flournoy dự kiến sẽ được bổ nhiệm bộ trưởng Quốc phòng.

Được phe Cộng hòa tôn trọng, quá trình phê chuẩn bà sẽ ít bị phản đối, nhưng ông Biden cũng có thể muốn ai đó có kinh nghiệm chính trị hơn là một chiến lược quân sự đơn thuần - đặc biệt khi ông sẽ phải đối đầu với quan điểm của nhóm tự do trong Đảng Dân chủ yêu cầu cắt giảm ngân sách quốc phòng.

Một nhân vật đáng chú ý nữa là cựu ngoại trưởng John Kerry, dù ở tuổi 76 vẫn có thể trở lại, cho vai trò lãnh đạo các vấn đề chống biến đổi khí hậu hoặc đặc phái viên đối ngoại.

Tự do hơn trong đối ngoại?

Nếu ông Biden cảm thấy bị kìm kẹp đối nội, thì ông dự kiến tự do hơn trong chính sách đối ngoại. Một cách để phe Dân chủ thúc đẩy các ưu tiên là lập luận đối phó với mối đe dọa Trung Quốc, điều sẽ dễ được phe Cộng hòa chia sẻ hơn.

Một số quan chức Cộng hòa, như thượng nghị sĩ Marco Rubio, đã đề xuất đưa ra chính sách công nghiệp của Mỹ tập trung vào 5G và trí tuệ nhân tạo để cạnh tranh với Trung Quốc.

“Phe Cộng hòa ở Thượng viện sẽ phải tự hỏi mình là nước Mỹ có thể mất 2-4 năm trì trệ về lập pháp hay không nếu muốn cạnh tranh với Trung Quốc”, Thomas Wright của Viện Brookings nói. “Họ có thể đạt được đồng thuận với phe Cộng hòa về chính sách công nghiệp, hạ tầng và những vấn đề khác mà họ coi là tâm điểm trong cạnh tranh với Trung Quốc”.

Mặc dù vậy, một vấn đề gai góc trong đối ngoại là biến đổi khí hậu. Ông Biden có thể trở lại Hiệp định Paris, nhưng sẽ không thể ép phe Cộng hòa nhượng bộ về năng lượng mới.

Ông có thể tham gia lại WHO, nhưng cần ông McConnell phê chuẩn để Mỹ nối lại việc cấp tiền cho tổ chức này. Ông có thể quay lại bàn đàm phán với Iran, nhưng bất cứ thay đổi nào cũng cần được Thượng viện Mỹ phê chuẩn.

Cốt lõi nhất thì ông Biden sẽ bị kìm kẹp bởi kết quả bầu cử. Ông Trump có thể thua cuộc đua tổng thống, nhưng trên tổng thể toàn quốc thì phe Cộng hòa lại giành thêm dư địa. Sẽ khó có nhiều không gian cho Biden thúc đẩy các chính sách tự do hay quá thiên tả.

Còn phe Cộng hòa được dự báo sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách của Trump khi vẫn có hơn 71 triệu cử tri đã bỏ phiếu cho ông. ■

Nhìn xa hơn, Thượng viện Mỹ sẽ là sân chơi để chuẩn bị cho cuộc đua 2024 với các ứng viên Cộng hòa như Tom Cotton của Arkansas, Ted Cruz của Texas và Josh Hawley của Missouri. Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng là ứng viên nặng ký. Tất cả sẽ nói họ là người kế tục của Trump. Donald Trump Jr. và Ivanka đều cũng có thể tham gia chạy đua.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận