Chuyện học thời nay

NGUYỄN VŨ 20/11/2020 23:10 GMT+7

TTCT - Ngành giáo dục rõ ràng chưa chuẩn bị để hiểu được một thế giới học tập mới nằm trên không gian ảo, cũng chưa biết phải thay đổi mình như thế nào để thích ứng với một thế giới mới mẻ đang và sẽ đến.

 
 

 

1. Cuối tháng 10 vừa qua, Google vừa cho ra mắt một báo cáo về xu hướng tìm kiếm thông tin ở Việt Nam năm 2020 (Vietnam’s Search for tomorrow), nội dung chính nói về chuyện tìm kiếm thông tin để mua sắm, giải trí nhưng cũng cho thấy nhiều điểm đáng chú ý trong một số nội dung tìm kiếm liên quan đến giáo dục.

Theo báo cáo này, giáo dục nay đã chuyển lên mạng là chính bởi thế hệ Z (là thế hệ sinh ra từ năm 1996 đến năm 2005) nay chủ yếu sử dụng Internet để “tối đa hóa việc học, chia sẻ nguồn lực, tìm câu trả lời và tìm sự trợ giảng bổ sung”. Những tìm kiếm liên quan đến “học trực tuyến” đã tăng đến 150% so với cùng kỳ 2019. 

Báo cáo cho biết học online trải rộng từ lớp 2 đến lớp 12 chứ không chỉ có ở lớp lớn như trước. Và học online giờ đây liên quan cả học toán, học ngoại ngữ, làm trắc nghiệm trực tuyến đủ các môn.

Đây là một xu hướng vừa đáng mừng vừa đáng lo. Mừng là bởi các học sinh nay đã biết khai thác nguồn thông tin phong phú vô tận trên Internet để phục vụ việc học. Lo là trong khi nền giáo dục chính thống còn loay hoay với việc thay sách giáo khoa in trên giấy, chưa nắm bắt được xu hướng này để có những thay đổi về cách dạy, nội dung dạy, hay ít nhất cũng là bày các em cách khai thác tài nguyên Internet, chắc hẳn các em sẽ phải ngụp lặn trong một đống bùi nhùi, vàng thau lẫn lộn.

Chỉ mấy năm gần đây thôi, Internet, trí tuệ nhân tạo, điện thoại thông minh đã có những đột phá rất bất ngờ cho những ai bỏ lơ một thời gian không theo dõi. 

Lấy ví dụ, ứng dụng Assistant của Google bằng tiếng Việt nay nghe tiếng nói của cả ba miền rất chính xác, tìm thông tin nhanh cực kỳ và trả lời như thể nó là một kẻ biết tuốt. Cứ đưa máy cho một học sinh lớp 5 để em ấy hỏi đáp với máy, chúng ta sẽ bất ngờ vì trí thông minh của ứng dụng và sự thích nghi cực kỳ nhanh chóng của trẻ con trước các ứng dụng mới mẻ này. 

Người lớn chúng ta thích hỏi máy những câu “vớ vẩn” như thể thử thách máy (từ đây lên Mặt trăng bao xa?), nhưng bọn trẻ hỏi thì khác: chúng hỏi ngay điều chúng quan tâm, liên quan đến nội dung chúng đang học ở lớp. Chẳng mấy chốc, bọn trẻ sẽ quen với Assistant, sẽ đem Assistant vào lớp. Thầy cô đã chuẩn bị cho một tình huống như thế chưa?

Ngạc nhiên trước sự tiến bộ vượt bậc của Google Translate, tôi hỏi một người bạn từng đi dạy tiếng Anh, có công cụ này rồi, liệu có cần dạy cho học sinh môn tiếng Anh hay bất kỳ ngoại ngữ nào ở lớp? Bạn tôi quả quyết “dạy chứ sao không!”, ngày xưa có máy tính cộng trừ nhân chia như gió, chúng ta vẫn dạy các em tính toán đó thôi. Vấn đề là phải thay đổi cách dạy, thay đổi nội dung dạy, thay đổi kỹ năng chúng ta muốn các em nắm vững. 

Thay đổi như thế nào là một câu hỏi rất thời sự nhưng dường như giới chức giáo dục của chúng ta chưa quan tâm. Cứ nhìn vào chuyện họ vẫn còn loay hoay viết đính chính cho một cuốn sách giáo khoa mới phát hành thì thấy.

Nhắc đến hai ứng dụng nhiều người biết là Google Assistant và Google Translate là để minh họa cho việc kiến thức ngày nay nằm sẵn ở đầu ngón tay, hỏi là biết. Như vậy chuyện dạy phải chuyển từ dạy kiến thức sang dạy kỹ năng. Thế nhưng với các nhà nghiên cứu giáo dục trên thế giới, một mâu thuẫn cực kỳ lớn đang ám ảnh những người làm giáo dục: thế hệ hiện nay chưa biết kiến thức nào sẽ được sử dụng trong 10 năm, 20 năm nữa; kỹ năng nào là cần có cho người sẽ trưởng thành, sẽ ra đời trong vòng 10 năm, 20 năm nữa. 

Chưa biết cả kiến thức lẫn kỹ năng làm sao thiết kế chương trình dạy và học cho chính những người bắt đầu bước vào nhà trường và sẽ ra đời trong vòng mươi năm nữa? Ngành giáo dục rõ ràng chưa chuẩn bị để hiểu được một thế giới học tập mới nằm trên không gian ảo, cũng chưa biết phải thay đổi mình như thế nào để thích ứng với một thế giới mới mẻ như thế.

2. Trong báo cáo về xu hướng tìm kiếm ở Việt Nam của Google, thoạt nghe về xu hướng ngày càng sử dụng điện thoại di động và Internet để “quản lý tài chính” hay “bảo vệ sức khỏe”, ta có thể tưởng đây là xu hướng tích cực, được Google quảng bá như một lợi ích mà dịch vụ tìm kiếm thông tin của họ đem lại. 

Nhưng đọc tiếp, mới biết “quản lý tài chính” ở đây bao gồm cả mức tăng chóng mặt đến 300% cho việc tìm kiếm các “app vay tiền”, tức cũng nhờ Internet mà các ứng dụng cho vay tiền biến tướng, cho vay nặng lãi xâm nhập vào tận nhà người dân, nhất là thanh niên ở nông thôn khi nền giáo dục không giúp họ miễn dịch trước các chiêu trò lừa đảo, dụ dỗ người dùng trên thế giới mạng.

Biết đến bao giờ nền giáo dục của chúng ta thích nghi với tình hình mới để cho ra đời các môn như quản lý tài chính cá nhân, trong đó giới thiệu các hình thức giao dịch tài chính trên Internet như ngân hàng ảo, ứng dụng cho vay... kết hợp với kiến thức nền cần thiết như lãi suất kép, chuyện lãi mẹ đẻ lãi con, giá trị thời gian của tiền bạc... 

Làm sao chương trình có thể giúp học sinh nhận biết đâu là tin giả, đâu là tin thật; ý kiến nào đang dựa vào thiên kiến, bình luận nào đang đánh vào cảm xúc, đâu là sự độc quyền chân lý, đâu là một dạng “đầu gấu” bắt nạt qua mạng?

3. Calling Bullshit: The Art of Skepticism in a Data-Driven World là một cuốn sách mới ra mắt vào tháng 8-2020, nhan đề có thể tạm dịch là “Vạch mặt nói xạo: Nghệ thuật hoài nghi trong một thế giới vận hành bằng dữ liệu”. 

Theo tác giả, nói xạo giờ đã trở thành một nghệ thuật lan tràn cả trên báo chí, khoa học, khởi nghiệp nấp dưới một lớp ngôn từ hoa mỹ, kiểu như lời giới thiệu: “Sứ mệnh của chúng tôi là chức năng hóa các giải pháp song phương để tận dụng nguồn nhân lực chưa khai thác hết” - nói cách khác, chúng tôi chỉ là công ty chuyên cung cấp nhân viên thời vụ! Đây là một cuốn sách thú vị vì nó vạch mặt nói xạo khắp nơi, bày cho người ta cách biết đâu là nói xạo, cách phản bác lời nói xạo.

Điều đáng nói hai tác giả, Carl Bergstrom và Jevin West, là giáo sư đại học cùng đứng lớp một môn gọi là “Vạch mặt ba xạo” ở Đại học Washington, với mục đích bày cho sinh viên cách phát hiện và lột trần các lời ba xạo mà theo họ đang tràn ngập thế giới. Họ cho rằng đây chính là kỹ năng có ích nhất cho sinh viên khi ra đời. Cuốn sách là đúc kết từ môn học này.

Có lẽ sẽ không thực tế khi trông chờ nền giáo dục nước ta cũng có những môn học như thế. Nhưng tại sao không thể đòi hỏi nhà trường đừng dạy “làm văn” nữa mà hãy dạy cách sử dụng ngôn ngữ, cách hiểu các tầng lớp ngữ nghĩa của văn bản, cách diễn đạt ý tưởng của mình thật thuyết phục nhất. 

Tại sao không thể đòi hỏi nhà trường đừng bắt học sinh môn tiếng Anh đổi từ câu chủ động sang câu thụ động, cách chia động từ cho đúng. Tại sao không soạn sách cho cập nhật để học sinh tiếp cận những từ ngữ đang dần phổ biến trong cuộc sống hiện nay? 

Những loại kiến thức hay kỹ năng này không bao giờ sợ bị cũ vì nó sẽ là cái nền để các em tự xây dựng khung nền kiến thức của riêng mình; là liều thuốc miễn dịch để các em vô nhiễm trước các thông tin sai lạc, thông tin giả, thông tin bóp méo đang từ Internet lan xuống cuộc sống. Đó là điều tối thiểu cần làm để đưa việc dạy việc học vào thế kỷ 21.

Người lớn chúng ta thích hỏi máy những câu “vớ vẩn” như thể thử thách máy (từ đây lên Mặt trăng bao xa?), nhưng bọn trẻ hỏi thì khác: chúng hỏi ngay điều chúng quan tâm, liên quan đến nội dung chúng đang học ở lớp. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận