Việt Nam và lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm: Đi đầu về kỹ thuật, đi sau về dịch vụ

TTCT - Từ một nước đi sau khu vực về lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON), Việt Nam đã trở thành nước đứng đầu về lĩnh vực này. Nhưng Thái Lan, Singapore mới là những nước đang thu hút rất nhiều bệnh nhân nước ngoài sử dụng dịch vụ này nhờ du lịch y tế phát triển.

Một bệnh nhân cần hỗ trợ sinh sản ở Trung tâm TTTON Bệnh viện Mỹ Đức. Ảnh: H.M.T.
Một bệnh nhân cần hỗ trợ sinh sản ở Trung tâm TTTON Bệnh viện Mỹ Đức. Ảnh: H.M.T.

Trong tương lai, với sự phát triển của ngành du lịch và năng lực dịch vụ y tế của Việt Nam được cải thiện, TTTON có thể là một dịch vụ y tế tiềm năng của Việt Nam, thu hút được khách hàng từ khu vực và thế giới.

Ưu tiên dịch vụ tốt cho khách nước ngoài

TTTON là kỹ thuật cơ bản của nhóm kỹ thuật điều trị hiếm muộn gọi chung là kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Em bé TTTON đầu tiên trên thế giới ra đời vào năm 1978.

Tại các nước trong khu vực ASEAN, TTTON lần lượt thành công ở Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines trong những năm 1980. Mãi đến năm 1998, em bé TTTON đầu tiên ở Việt Nam mới ra đời, sau thế giới 20 năm và sau các nước trong khu vực từ 10-15 năm.

Tuy nhiên sau đó, nhờ chi phí thấp và hướng phát triển hợp lý, các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ở Việt Nam phát triển rất nhanh và mạnh.

Từ năm 2010, Việt Nam bắt đầu trở thành trung tâm đào tạo về TTTON của khu vực, mỗi năm có 20-30 chuyên viên các nước trong khu vực đến Việt Nam để tìm hiểu và học tập. Từ năm 2017 trở đi, số ca TTTON thực hiện mỗi năm ở Việt Nam đã cao nhất khu vực ASEAN. Năm 2019, cả Việt Nam có gần 35.000 trường hợp TTTON được thực hiện.

Sau Việt Nam, nước có số trường hợp TTTON nhiều nhất trong một năm là Thái Lan. Nhưng quốc gia này đã phát triển rất mạnh mảng du lịch y tế, trong đó TTTON là một dịch vụ phát triển mạnh của du lịch y tế Thái Lan.

Bệnh nhân các nước thường đến Thái Lan làm TTTON do một số kỹ thuật không thực hiện được hay bị cấm ở nước họ. Nhưng các bệnh nhân ở các nước phát triển đến Thái Lan làm TTTON còn một lý do nữa: dịch vụ y tế tốt, ngành du lịch phát triển và chi phí rẻ hơn ở nước họ.

Với điều kiện đó, trong nhiều năm qua ở Thái Lan kỹ thuật TTTON phát triển chủ yếu để thu hút người nước ngoài, vì có thể thu được nhiều lợi nhuận. Ước tính khoảng 60-70% bệnh nhân làm TTTON ở Thái Lan là người nước ngoài.

Singapore cũng mạnh về du lịch y tế. Nhiều người ở các nước phát triển và trong khu vực đến Singapore vì dịch vụ y tế tốt, đi lại và du lịch thuận tiện. Chi phí dịch vụ y tế ở Singapore rất cao và người dân Singapore có thu nhập cao nhất khu vực.

Singapore thu hút nhiều người thuộc giới thu nhập cao từ các nước trong khu vực và Trung Quốc đến để thực hiện TTTON. Ước tính có khoảng 50% trường hợp TTTON ở Singapore là người nước ngoài.

Trong những năm gần đây, theo kinh nghiệm phát triển của Singapore và Thái Lan, dựa trên nền tảng du lịch và y tế phát triển, Malaysia cũng đầu tư nhiều cho du lịch y tế.

Trong đó, TTTON cũng là một dịch vụ y tế thu hút nhiều người nước ngoài đến điều trị. Ước tính khoảng 30-40% trường hợp TTTON ở Malaysia là người từ các nước trong khu vực và Trung Quốc.

Ở Thái Lan, phần lớn các trung tâm TTTON có quy mô lớn, kỹ thuật tốt, có các bác sĩ kinh nghiệm…Khách nước ngoài đến điều trị thường là nhóm khách hàng có thu nhập cao, có khả năng chi trả nhiều hơn.

Điều này dẫn đến các điều kiện và dịch vụ tốt nhất về TTTON được dành cho người nước ngoài. Người dân trong nước có thu nhập thấp hơn thì ít có cơ hội được điều trị, do mặt bằng phí dịch vụ quá cao.

Họ chỉ có thể đến điều trị ở các trung tâm TTTON nhỏ hơn, cơ sở hạ tầng kém hơn, dịch vụ kém hơn và bác sĩ ít kinh nghiệm hơn. Đây là một bất cập lớn khi các nguồn lực y tế tốt nhất của một nước đang phát triển được dành cho người nước ngoài và nhu cầu điều trị của người dân trong nước không được đáp ứng.

Khi nói chuyện với một số đồng nghiệp uy tín trong lĩnh vực TTTON ở Thái Lan, một số người nói với tôi: trước đây nhiều cặp vợ chồng Việt Nam phải sang Thái Lan để điều trị TTTON, nhưng số này đang giảm dần. Họ nói có thể trong tương lai, nhiều người dân Thái Lan sẽ đến Việt Nam để làm TTTON vì kỹ thuật tốt và chi phí thấp hơn.

TTTON ở Indonesia và Philippines ít phát triển hơn và chi phí cũng khá cao. Nhiều người ở hai nước này Singapore, Thái Lan và Malaysia để điều trị TTTON. Ở các nước này, TTTON là một kỹ thuật rất tốn kém nên đa số người dân khó tiếp cận được.

Mặc dù thu nhập của người dân Việt Nam thấp nhưng chi phí TTTON ở Việt Nam lại rẻ hơn các nước trong khu vực nhiều lần, nên nhiều người Việt Nam có cơ hội tiếp cận điều trị hơn. Ước tính trong năm 2019, số trường hợp TTTON của cả Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines cộng lại vẫn ít hơn ở Việt Nam.

Tuy nhiên, so với các nước, ngành du lịch của Việt Nam chưa phát triển bằng, dịch vụ y tế nói chung còn nhiều bất cập, do đó mặc dù TTTON Việt Nam chi phí rẻ, kỹ thuật tốt nhưng chưa thu hút được nhiều bệnh nhân nước ngoài (chỉ khoảng 1-2%).

Nếu xét về khả năng phục vụ người dân trong nước, chuyên ngành kỹ thuật hỗ trợ sinh sản của Việt Nam đã làm khá tốt. Việt Nam có gần 40 trung tâm TTTON khắp cả nước từ Thái Nguyên, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, đến các tỉnh miền Trung, miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ.

Chi phí TTTON ở Việt Nam chỉ bằng khoảng 20-50% các nước trong khu vực. Gần đây, một số trung tâm TTTON vừa mở ở Campuchia vẫn có chi phí điều trị cao hơn các trung tâm TTTON ở Việt Nam.

 

Một tiềm năng lớn

Việt Nam đang được xem là nước có chuyên ngành kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phát triển mạnh trong khu vực ASEAN, nhờ vào các yếu tố: quy mô lớn nhất, nhiều kinh nghiệm, có nhiều chuyên gia được biết đến trong giới chuyên môn khu vực, có hoạt động học thuật mạnh nhất trong khu vực…

Ở hầu hết các sự kiện khoa học của khu vực ASEAN về TTTON, các chuyên gia Việt Nam đều được mời báo cáo và chia sẻ kinh nghiệm. Việt Nam cũng là nước có nhiều báo cáo khoa học trên các tạp chí khoa học uy tín nhất trong khu vực ASEAN trong lĩnh vực TTTON.

Với số lượng công bố khoa học thường xuyên trên các tạp chí y học uy tín nhất của ngành TTTON thế giới (khoảng 10 bài mỗi năm), có thể nói về học thuật, TTTON Việt Nam tương đương với các nước phát triển.

Nhiều báo cáo khoa học của các trung tâm TTTON lớn của Việt Nam công bố trên các tạp chí hàng đầu thế giới trong lĩnh vực kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cũng cho thấy tỉ lệ thành công của TTTON ở Việt Nam tương đương với các tác giả đến từ các nước phát triển ở Mỹ và châu Âu.

Các trung tâm TTTON ở Việt Nam đa số được đầu tư xây dựng trong những năm gần đây nên có các thiết bị và công nghệ mới trên thế giới. Ngoài ra, người Việt Nam khéo léo, cần cù nên phù hợp với các kỹ thuật tinh vi, cần sự tập trung cao của người thực hiện như kỹ thuật TTTON.

Việt Nam cũng đã có một số kỹ thuật đi đầu khu vực và thế giới như kỹ thuật nuôi trưởng thành noãn trong ống nghiệm, đông lạnh phôi bằng kỹ thuật thủy tinh hóa, các kỹ thuật kích thích buồng trứng…

Do xu hướng phụ nữ có con ở độ tuổi lớn hơn, áp lực của đời sống hiện đại cao hơn nên nhu cầu TTTON ngày càng tăng, kỹ thuật TTTON ngày càng phổ biến.

Các nước phát triển, giàu có có xu hướng tài trợ cho TTTON vì muốn khuyến khích sinh con, do hầu hết các nước này đều có hiện tượng giảm sinh. Dư địa cho các dịch vụ này ở Việt Nam đối với nhóm khách hàng đến từ các quốc gia dạng này là rất lớn.■

Hiện chi phí đầu tư cho một trung tâm TTTON ở Việt Nam (trong các bệnh viện xây sẵn) khoảng 40 tỉ đồng, chủ yếu là thiết bị, máy móc, dụng cụ… Mỗi trung tâm TTTON có khả năng điều trị khoảng 1.000 bệnh nhân/năm, tùy theo quy mô của mỗi trung tâm.

Tổng chi phí mỗi ca TTTON tại Việt Nam hiện khoảng 80-100 triệu đồng. Trong khi đó chi phí mỗi ca TTTON tại Campuchia khoảng 7.000 USD, Thái Lan khoảng 8.000-10.000 USD, Singapore trên 10.000 USD, châu Âu khoảng 12.000 USD và Mỹ khoảng 20.000 USD/trường hợp.

Xét về kỹ thuật, Việt Nam hiện tương đương với Singapore và tốt hơn Thái Lan. Ở phần lớn các nước Tây Âu, nhà nước chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí điều trị TTTON nếu là công dân của nước họ.

Tạp chí Nikkei Asian Review tháng 8-2018 đưa tin nhiều bệnh viện tư ở Thái Lan tích cực mở rộng khu TTTON để đáp ứng nhu cầu tăng cao từ các cặp đôi nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc.

Bệnh viện Quốc tế Phayathai 2 xây khu TTTON mới và một trung tâm dịch vụ sinh sản vì có nhiều khách Trung Quốc. Theo bác sĩ Theerayut Jongwutiwes - chuyên gia TTTON tại Phyathai 2, bệnh viện vào thời điểm trên điều trị cho 30-35 cặp vợ chồng/tháng, so với 20-25 cặp trong năm 2017.

Tập đoàn Thonburi Healthcare cũng xây dựng cơ sở mới ngay thủ đô Bangkok. Chủ tịch tập đoàn, bác sĩ Boon Vanasin, cho biết đầu tư vào các trung tâm TTTON không chỉ giúp Thái Lan có nguồn thu từ dịch vụ điều trị hiếm muộn, mà còn từ các dịch vụ ăn, nghỉ, điều trị khác.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận