Đời sống không cần đặt chân vào siêu thị

LIÊN HƯƠNG (TỪ BERGAMO, Ý) 08/12/2020 18:00 GMT+7

TTCT - Một mô hình mua bán, nuôi trồng, phân phối thực phẩm sạch ở địa phương đã xây dựng thành công mạng lưới rộng khắp và được nhiều người hưởng ứng ở châu Âu. Hình thức này có gì khác với các chợ nông dân, các cửa hàng hay siêu thị organic ngày càng nhiều trên khắp thế giới?

Sissi Bellinghieri (bìa trái), quản lý chi nhánh Alveare Montello, trao hàng và quà thưởng cho lần mua sắm thứ 100. Ảnh: Liên Hương

Sissi Bellinghieri, 36 tuổi, sống tại thị trấn nhỏ Montello (Bergamo, Ý). Năm 2017, cô phát hiện mình mắc chứng dị ứng gluten trong thực phẩm. Từ đó, cô bắt đầu tìm cách thay đổi lối sống, thay đổi chế độ ăn uống, tìm đến các loại thực phẩm tốt được nuôi trồng theo lối tự nhiên, thực phẩm hữu cơ và nông sản địa phương. Dần dần Sissi hiểu được tầm quan trọng của nguyên vật liệu đầu tiên trong chế biến món ăn và bắt đầu tránh xa việc mua sắm ở các siêu thị.

Qua các thông tin của bạn bè, Sissi biết tới Alveare. Sau một thời gian suy nghĩ, cân nhắc, tháng 12-2017 cô quyết định bỏ việc thư ký văn phòng đã làm từ năm 17 tuổi và đăng ký làm chi nhánh cho Alveare. Tháng 3-2018, Sissi mở chi nhánh Alveare Montello, và chi nhánh thứ hai Alveare Longuelo ở Bergamo vào tháng 10-2019.

Alveare, trong tiếng Ý có nghĩa là cái tổ ong, được lấy làm tên cho hệ thống bán lẻ, nói đúng hơn là nhóm mua sắm qua mạng có tên gọi đầy đủ là “L’Alveare che dice di Si!” ra đời năm 2015. Bắt đầu từ một dự án ở Pháp có tên là “La ruche qui dit oui” từ năm 2011, vào tháng 11-2024, Eugenio Sapora - một kỹ sư ngành hàng không vũ trụ làm việc tại Paris - quyết định hồi hương, mở Alveare đầu tiên tại thành phố Torino (Turin).

Alveare ngày nay có một mạng lưới tỏa rộng gần khắp châu Âu và các chi nhánh ở mỗi thành phố, thị trấn ngày càng trở nên dày đặc hơn, hiện tại đã có tới hơn 1.500 chi nhánh.

Đơn giản mà sáng tạo

Alveare hoạt động đơn giản nhưng đầy sáng tạo. Người tiêu dùng đăng ký vào trang mạng này để mua online ở chi nhánh ngay tại địa phương mình sống, chọn lượng và loại hàng hóa mình cần cho một tuần (trái cây, rau củ, thịt cá, bia rượu, xà phòng…) do các nông dân hay nhà sản xuất cũng tại địa phương đó bán.

Mỗi tuần một lần, chi nhánh Alveare tổ chức một buổi phân phối dưới dạng như họp chợ. Ở đó người tiêu dùng sẽ nhận hàng hóa từ chính tay người sản xuất giao. Việc đặt hàng trước giúp cho các nhà sản xuất điều chỉnh đúng lượng sản phẩm cần thiết, ổn định công việc.

Thời điểm giao nhận hàng chuyển thành một cơ hội để tạo ra các mối quan hệ, tiếp xúc trực tiếp giữa người bán và người mua. Đó cũng chính là thời điểm mà người sản xuất tự giới thiệu về công việc và giá trị của các sản phẩm do chính mình làm ra.

Người quản lý chi nhánh không chỉ hoạch định các buổi giao nhận hàng hóa mà còn tìm cách tổ chức thêm các sự kiện, các buổi giới thiệu sản phẩm, các chuyến tham quan có hướng dẫn tới các nông trại, xưởng sản xuất để người tiêu thụ tận mắt nhìn thấy và đánh giá chất lượng, hướng người tiêu thụ tới các sinh hoạt cộng đồng và giải trí ngoài trời lành mạnh.

Mở một chi nhánh không tốn phí, chỉ cần người có ý định tham gia xác định mong muốn đứng vào cuộc, có niềm đam mê với những thứ hàng hóa tốt và tạo dựng, gắn kết những mối quan hệ tốt. Với mỗi món hàng bán ra, người sản xuất hưởng 80% lợi nhuận, người quản lý chi nhánh hưởng 10% và 10% thuộc về Alveare chính để trang trải các chi phí điều hành về kỹ thuật, kết nối mạng lưới.

Sissi Bellinghieri. Ảnh: Liên Hương

Vì sao nên mua sắm sản phẩm địa phương?

Trong một khảo sát gần đây, Tổ chức Future Food Institute (Ý) nhận định rằng lượng người mua sắm có hiểu biết ngày càng gia tăng. 97% những người được phỏng vấn công nhận đại dịch Covid-19 làm họ chú ý hơn đến vấn đề thực phẩm, giảm tới 40% các thực phẩm đóng gói sẵn, ưa thích hơn việc mua sắm nông sản địa phương vì nhiều lý do.

Đầu tiên phải kể đến chất lượng và mùi vị. Sản phẩm địa phương được thu hoạch, chế biến không lâu trước ngày giao bán, không phải chuyên chở đi xa, không qua nhiều đầu mối phân phối, vì thế thực phẩm tươi và ngon lành, giữ nguyên mùi vị thật sự của nó và không cần các chất bảo quản.

Thứ nữa là ăn uống thổ sản đặc trưng, đẫm hương vị riêng biệt của vùng miền, đất đai thổ nhưỡng theo đúng mùa nào thức đó. Mùa thu là mùa của trái hồng, của hạt dẻ, của nấm các loại, trong khi cà chua, dưa hấu chỉ ngon ngọt vào giữa mùa hè. Cam chanh là đặc sản của xứ Sicilia, nay xứ này còn trồng được cả trái bơ, xoài, chuối, đu đủ.

Với các thực phẩm khác cũng thế. Gia súc, gia cầm được chăn thả tự nhiên, ăn cỏ hay thức ăn làm từ bắp, đậu nành trồng ngay trong nông trại, không có thực phẩm chế biến công nghiệp và không thuốc kháng sinh. Phân chuồng được bón lại cho cây, không xài phân hóa học. Thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ không được sử dụng. Trứng từ một “con gà mái hạnh phúc” được nuôi thả rông, ăn các thứ côn trùng, sâu bọ, thêm các thứ rau cải nuôi trồng tự nhiên vừa có màu sắc đẹp đẽ, thơm ngon, vừa có hàm lượng dinh dưỡng cao.

Và càng có nhiều nhà sản xuất quanh địa phương thì sản phẩm không phải vận chuyển đi xa, hạn chế ô nhiễm do chuyên chở, dễ dàng cho việc đảm bảo, kiểm định chất lượng hàng hóa và nguồn gốc sản phẩm. Ý là quốc gia trồng táo số lượng lớn, nhiều chủng loại, nhưng trong siêu thị vẫn có táo giá rẻ, vượt quãng đường 8.100km từ Trung Quốc đến. Một chuyến bay chở cam từ Tây Ban Nha đến Ý thải 245kg CO2 cho quãng đường 1.800km. Những tác động này sẽ không còn nếu sử dụng sản phẩm Km0 (sản xuất và tiêu thụ tại địa phương, quãng đường vận chuyển bằng 0).

 Các nhà sản xuất nhỏ địa phương, các nông dân nông trại ngày nay không chỉ là những người lao động chân tay thuần túy. Nhiều người trong số họ có học vị, bằng cấp cao, có kiến thức, được đào tạo bài bản thật sự và luôn có nhu cầu học hỏi cái mới. Họ làm việc với lòng yêu mến đất đai, yêu quý và trân trọng những thành quả do chính công sức lao động của mình.

Dĩ nhiên, mua sắm thực phẩm địa phương sẽ giúp cho kinh tế bản địa. Các nhà sản xuất địa phương không được trả những gì họ xứng đáng nhận từ những hệ thống phân phối quy mô lớn. Người nông dân phải bán với giá rất rẻ những gì họ sản xuất được, trong khi hàng hóa vào tới siêu thị có giá cao hơn rất rất nhiều. Nhiều khi họ phải đổ bỏ rau củ, sữa... vì không có nguồn thu mua.

Khi được trả công xứng đáng, người sản xuất có thể tự đa dạng hóa các loại hình sản xuất, vì lợi ích của việc đa dạng sinh học, bảo vệ đất đai, hạn chế ô nhiễm đất và nguồn nước, tạo thêm nhiều việc làm trong cộng đồng chung quanh, cho phép truyền lại, bảo tồn các sản phẩm truyền thống, các giống cây, giống gia súc địa phương, các đặc sản vùng miền.

Chiếc phao trong thời COVID-19

Trong những ngày phong tỏa vì Covid-19 lần thứ nhất, đi siêu thị phải xếp hàng dài dằng dặc, hàng hóa mua online phải đợi rất lâu mới nhận được, những món thực phẩm tươi tốt từ Alveare vẫn đúng ngày, đúng giờ được giao tới tận cửa nhà. Lần phong tỏa thứ hai này cũng vậy.

Các quản lý của Alveare, tùy khả năng từng người, còn tổ chức những hoạt động mới lôi cuốn, hỗ trợ mọi người. Sissi, quản lý của chi nhánh Montello, đang thực hiện các buổi trực tuyến hướng dẫn làm các món ăn với những thực phẩm mua từ Alveare. Những người khác nhận giao hàng tận nhà miễn phí….

Sissi cho biết những nỗ lực này đã góp phần giúp các nhà sản xuất nhỏ đứng vững trong giai đoạn khó khăn, do “trong lúc giãn cách xã hội, nếu không có sự góp mặt của Alveare, họ phải tự mình chống chọi với biết bao điều bất trắc”. “Tôi rất tự hào vì chúng tôi - những nhà quản lý, người sản xuất và người tiêu dùng hiểu biết - trở thành một đội ngũ vững chắc. Chúng tôi giúp đỡ lẫn nhau, quen biết nhau, nói chuyện được với nhau, đó chính là cái giá trị lớn cần được tính đến” - cô chia sẻ.

Trong sự bất ổn của cả thế giới hiện thời và tương lai, nông dân chính là những người sẽ đứng ra ứng cứu. Nông nghiệp, nông dân là cách ứng phó chính với những nguy cơ nghiêm trọng do mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu - hậu quả của mô hình công nghiệp hóa nông nghiệp và nền kinh tế tiêu thụ toàn cầu hóa. Thêm nữa, lời của vị bác sĩ vĩ đại Hippocrates từ cổ xưa cho tới nay vẫn nguyên ý nghĩa: “Làm sao để cho thực phẩm chúng ta dùng là thuốc chứ đừng để thuốc men trở thành thực phẩm”. Bạn tin đi, có cả một thế giới những thứ ngon tuyệt vời, những điều kỳ diệu ngay cạnh nhà chờ bạn khám phá! Hẹn gặp ở Km0!■


Cơ hội cho các cuộc gặp gỡ xã hội

Trong cuộc sống đầy bận rộn hiện nay, nhất là ở thành phố lớn, việc mua sắm sản phẩm địa phương không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mua sắm, ăn uống của cả gia đình mà còn là cơ hội để có các cuộc gặp gỡ mới, bên ngoài công việc.

Mỗi tuần, đến ngày giao nhận hàng, mọi người có khoảng thời gian gặp gỡ nhau, hỏi thăm sức khỏe, tình hình gia đình, bàn chuyện nấu những thức ăn ngon, hỏi cách sử dụng một sản phẩm… Nếu chọn giao tại nhà thì ngày cuối tuần mọi người cũng không mất thời gian vào siêu thị để tìm cho đủ những thứ cần dùng cho một tuần.

Ngoài ra, vào cuối tuần, cả gia đình có thể chọn các nông trại, xưởng sản xuất quanh vùng để có một ngày thư giãn thật sự. Đó là lúc trẻ em được tung tăng chạy nhảy đón ánh mặt trời, thăm chuồng gia súc, hái trái cây cùng cha mẹ, cả gia đình thưởng thức các món ăn được nấu từ những thực phẩm tươi tốt. Những trải nghiệm thực tế này giúp trẻ em, ngoài việc học được thêm nhiều kiến thức đời sống, còn ăn uống dễ dàng hơn, đa dạng hơn, và đầy đủ chất hơn.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận