Mang con nhỏ lên nghị trường

HẢI MINH 06/12/2017 21:12 GMT+7

TTCT - Cảnh tượng từng quen thuộc trong thời bao cấp ở Việt Nam, và nay cũng lặp lại ở một số nơi: phụ nữ mang con nhỏ tới chỗ làm, đang làm dậy sóng chính trường Nhật Bản.

Bà Ogata phân trần trước các đồng nghiệp nam giới trong nghị trường. -Ảnh: Asahi Shimbun
Bà Ogata phân trần trước các đồng nghiệp nam giới trong nghị trường. -Ảnh: Asahi Shimbun

 

Vài tuần sau khi Ivanka Trump ca ngợi những tiến bộ của Nhật Bản trong việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động, nữ chính trị gia Yuka Ogata đã bị buộc phải rời nơi làm việc của mình sau khi các đồng nghiệp nam giới của bà phản đối việc bà ẵm theo đứa con 7 tháng tuổi vào trong nghị trường.

Bà Ogata, 42 tuổi, mang theo con trai còn ẵm ngửa vào một phiên họp của Hội đồng thị chính Kumamoto hôm 22-11 để kêu gọi sự chú ý với những khó khăn mà các bậc phụ huynh Nhật Bản, nhất là các bà mẹ, phải đối mặt khi vừa “giỏi việc nước” lại “đảm cả việc nhà”, giữa những chỉ trích của người dân về việc Nhật Bản thiếu nơi giữ trẻ.

Nhưng bà nghị viên Ogata vừa ngồi xuống chỗ của mình chưa được bao lâu, chủ tịch hội đồng thị chính Yoshitomo Sawada và các thư ký của ông này đã tới hỏi tại sao bà mang theo con trai. Trong một bức ảnh chụp lại sự kiện đăng trên Asahi Shimbun, chú bé nằm trên tay mẹ, có vẻ đang mút ngón tay trong khi đám đàn ông vây quanh cật vấn và bà Ogata đang phân trần.

Cuộc nói chuyện của họ diễn ra vài phút, rồi ông Sawada “áp giải” Ogata và con trai của bà ra khỏi phòng họp, theo Asahi Shimbun. Bà Ogata sau đó quay lại phòng họp khi đã nhờ được một người bạn trông hộ con.

Ông Sawada xin lỗi vì cuộc họp bị trễ giờ, nhưng một nghị viên đã nói: “Ông không phải là người có lỗi”. Báo Asahi Shimbun nói dù không có quy định cấm nghị viên mang con nhỏ lên nghị trường, các đồng nghiệp của bà Ogata nói cậu nhóc phải bị tính là “khách thăm” và theo quy định của hội đồng, khách thăm phải ở ngoài chỗ công cộng.

Vụ việc này là “một trời một vực” so với một vụ đưa con vào cơ quan dân biểu nổi tiếng khác diễn ra hồi tháng 6-2017. Thượng nghị sĩ Larissa Waters của Úc đã phát biểu trước Quốc hội trong khi đang cho con bú.

Được ghi nhận là vụ đầu tiên trong lịch sử nước Úc (và có lẽ cả thế giới, nếu ta không tính các hội đồng bộ lạc thời tiền sử), bà Waters, đảng viên Đảng Xanh, vừa nói về nghị trình của đảng bà với việc bảo vệ công nhân ngành mỏ vừa cho con gái 14 tuần tuổi Alia Joy bú sữa mẹ. Trước đó hồi tháng 5, Alia đã đi vào lịch sử khi trở thành em bé đầu tiên được cho bú sữa trong nghị trường Úc và là một thành viên quen mặt của Thượng viện từ đó đến nay.

Người ta có thể viện cớ khác biệt văn hóa giữa Úc và Nhật Bản để giải thích sự đối xử khác hẳn của giới chính trị với hai bà mẹ nhưng cần biết rằng ở Úc, đó cũng là cả một cuộc đấu tranh.

Hồi năm 2009, Sarah Hanson-Young, nghị viên Đảng Xanh khác, đã bị buộc phải đưa con 2 tuổi của bà rời phòng họp, một sự cố mà Hanson-Young sau đó nói là “đáng hổ thẹn”. Đến năm 2015, Kelly O’Dwyer, nghị viên Đảng Tự do và là bộ trưởng trong nội các, bị người điều hành phiên họp của Quốc hội nhắc “cho con bú nhanh lên” để không lỡ cuộc bỏ phiếu.

Chỉ tới năm 2016, Quốc hội Úc mới thay đổi quy định cho phép các bà mẹ cho con bú trong phòng họp. Quy định mới cũng cho phép các ông bố (hoặc bà mẹ) không phải là nghị viên được phép vào phòng họp một thời gian ngắn nhằm giúp bạn đời của mình chăm con.

Trở lại với Nhật Bản, vụ của bà Ogata gây chú ý bởi chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe hiện rất tích cực tạo động cơ để phụ nữ tham gia lực lượng lao động. Nội các Abe đặt mục tiêu mỗi đứa trẻ sẽ có một chỗ trong nhà trẻ công lập tới tháng 4-2020.

Tuy nhiên, số liệu công bố tháng 9 vừa rồi cho thấy danh sách chờ chỗ trong nhà trẻ ở Nhật Bản đã tăng năm thứ ba liên tiếp.

Cũng đáng nhắc là bà Ogata học ở Mỹ, có bằng thạc sĩ về giải quyết xung đột ở Đại học George Mason và từng làm việc cho Liên Hiệp Quốc, điều có lẽ khiến bà suy nghĩ đột phá hơn những nữ đồng nghiệp khác và thực hiện hành động nhiều tính thách thức kia.

“Tôi muốn xuất hiện ở nghị trường với con mình và nói lên tiếng nói của những bà mẹ, dù có đi làm hay không, những người đã nói với tôi họ rất vất vả nuôi dạy một đứa con trưởng thành ở Nhật Bản - bà Ogata nói với báo Mỹ The Washington Post - Phụ nữ muốn nuôi con và làm việc mà không phải hi sinh một trong hai điều đó”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận