Di chúc “đường bẫy” của người Xê Đăng

THÁI BÁ DŨNG 08/02/2018 17:02 GMT+7

TTCT - Trên lưng chừng đỉnh Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam có một nhóm người Xê Đăng đang lưu giữ một tập tục lạ lẫm: thay vì để lại cho con chiêng ché, nhà cửa, rẫy nương thì những người cha, người mẹ Xê Đăng trước khi qua đời tặng lại cho con những... đường bẫy thú.

Một
Một "đường bẫy" xuyên qua thân gỗ lớn dưới tán rừng già ở noc Tắk Ngo 1, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam. Ảnh T.B. D

 

Đường bẫy thú là một lối đi nhỏ xuyên dưới những cánh rừng già và không ai biết thứ “tài sản” ấy có từ bao giờ. Người lớn tuổi ở các ngôi làng được ông bà tổ tiên truyền lại. Trước khi được người làng cõng lên rừng thiêng chôn cất về với núi mẹ, họ dẫn con ra và chỉ cho con những lối đi ấy cùng “bí kíp” bắt thú (chủ yếu là sóc, chuột sâm) như một gia sản của người trước để lại cho người sau.

Những công dân của núi mẹ

Tháng cuối năm, trên đỉnh Ngọc Linh ở độ cao khoảng 1.600m so với mực nước biển, trời lạnh tê tái. Mùa này đỉnh Ngọc Linh chìm trong mưa và mây mù, người dân ngoài việc đi canh giữ vườn sâm trước thời điểm ngủ đông, họ còn tranh thủ lên rừng thăm bẫy.

Người Xê Đăng ở Nam Trà My không sống dưới địa hình bằng phẳng mà sống giữa lưng chừng núi. Cũng vì môi trường sống khá đặc biệt này mà cho tới hiện nay quanh dãy núi Ngọc Linh hùng vĩ của mạn Đông và Tây dãy Trường Sơn, Xê Đăng là dân tộc giữ được tập quán sinh sống gắn liền với thiên nhiên, với núi rừng. Với họ, rừng là nguồn sống và là môi trường linh thiêng.

Hồ Văn Đoàn là người đàn ông Xê Đăng ở nóc (làng cheo leo trên núi) Tắk Ngo 1, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My. Cũng như nhiều người đàn ông khác ở nóc của mình, Đoàn cũng đang sở hữu trong tay hai đường bẫy có độ dài khoảng 3km xuyên qua dưới tán rừng già giữa đỉnh Ngọc Linh. Nhưng khi hỏi về độ dài của đường bẫy trên núi, không riêng Đoàn mà tất cả người Xê Đăng không tính bằng cây số mà chỉ ước bằng “mấy giờ đi bộ”.

“Mình đi bộ khoảng 3 tiếng thì hết đường bẫy đó, sáng nào cũng ra thăm bẫy một lần để tìm con chuột, con sóc về làm cái ăn cho vợ con hằng ngày” - Đoàn nói. Rừng Ngọc Linh với những hàng cổ thụ lớn hai ba người ôm, cao hàng chục mét và xuyên qua lớp thảm mục màu mỡ dài hàng gang gay, Đoàn chỉ cho chúng tôi đường bẫy mà cha mẹ ông bà tổ tiên để lại.

“Người Xê Đăng ở đây mỗi gia đình đều có một đường bẫy. Nó nằm ở đâu đó trong rừng mà chỉ người chủ mới biết được. Có khi hai đường bẫy nằm song song hoặc đi chéo qua nhau mà không bao giờ người ta xâm phạm hay lấy con chuột bẫy được của nhau” - Đoàn kể.

Đoàn chỉ cho chúng tôi hệ thống bẫy của mình và nói rằng đó là cả một kỳ tích, món quà mà cha mẹ đã để lại cho anh trước khi qua đời. Với khoảng 3km đường bẫy của Đoàn, nếu không tính thời gian dừng lại thăm bẫy thì mất khoảng 1 giờ. Và cũng với khoảng cách đó, số bẫy được đặt từ 10-16 cái, tùy nơi có thú nhiều hay ít.

Cùng đi với Đoàn nhưng chúng tôi không thể hình dung được đâu là lối mòn đi giữa rừng và đâu là “đường bẫy”. Với những người Xê Đăng, nơi đâu có chuột, nơi đâu có mùi sóc núi và những con thú vặt đi qua, nơi đó họ đặt bẫy.

Một bẫy đá đặt tại trại sâm Ngọc Linh ở xã Trà Linh
Một bẫy đá đặt tại trại sâm Ngọc Linh ở xã Trà Linh

 

Chọn con để “lập di chúc”

Người Xê Đăng trước khi qua đời có một nghi thức tối quan trọng liên quan đến việc để lại đường bẫy, như cách “lập di chúc” của người Kinh. Trước thời điểm nhắm mắt xuôi tay về với rừng núi, cha mẹ (thường là mẹ vì theo chế độ mẫu hệ) gọi đứa con được yêu thương nhất lại gần và nói cho con biết đường bẫy mà họ hằng ngày đi thăm để kiếm con chuột, con sóc, đọt măng về làm thức ăn cho con.

Đường bẫy đó nằm lẩn khuất giữa rừng, khi cha mẹ thấy mình yếu đi thì người đó phải cố gắng những bước đi cuối cùng để dẫn đứa con được chọn ngược lên núi và chỉ cho con biết đường bẫy này. Những cách thức làm sao bẫy được nhiều chuột, nhiều sóc cũng được truyền lại. Người con có nhiệm vụ lắng nghe, cảm nhận và thừa kế lại rồi khi con cháu lớn lên cũng phải thay mặt ông bà để lại cho con.

Hồ Văn Toán, thanh niên Xê Đăng ở Măng Pre, xã Trà Linh, cũng nói rằng trong gia đình có nhiều đứa con nhưng người được thừa kế hệ thống đường bẫy là người được cha mẹ tin tưởng, phải là người biết chăm chỉ làm ăn, kính trọng cha mẹ, thương vợ thương con, không uống rượu say mà bỏ bê việc đi rừng.

Một đường bẫy thông thường có độ dài khoảng vài ba cây số và chỉ có người được sở hữu mới biết đường đi. Hằng ngày người chủ đường bẫy lên rừng đi cài bẫy, chọn những nơi chuột, sóc hay đi qua rồi “gài cò”. Đêm xuống, khi lũ chuột từ trên cây xuống tìm củ sâm Ngọc Linh để ăn, lũ sóc tìm đường lên cây đi ngủ thì va vào bẫy này và dính lại. Ửng sáng, người chủ sẽ đi thăm bẫy và nhặt những con thú bẫy được về chia cho cả gia đình.

Điều gần như được tuân thủ tuyệt đối là dù đường bẫy giăng giữa rừng, đi qua nhau ở các lối đi nhưng người Xê Đăng chẳng bao giờ lấy của người khác. Bẫy ai thì người đó dùng, khi đi thăm bẫy nếu thấy con chuột nằm ngay bẫy kế bên đang giãy giụa, dù bụng thèm muốn đem về cho vợ con ăn nhưng ngay cả cái ý nghĩ lấy trộm ấy cũng đã bị xem là “có tội” nên chẳng ai lấy của người khác bao giờ.

Nhiều người ở Trà Linh kể lại rằng cuối năm 2014 có một người đi thăm bẫy, phát hiện một đàn sóc dính bẫy của hàng xóm, trong giây phút “sa ngã” người này đã trót lấy đem về cho vợ con ăn. Sau đó cả làng ra trách phạt. Người vợ biết chồng mình lấy trộm con sóc từ bẫy của người khác đã òa khóc và không nhìn mặt chồng tới mấy tuần. Hai vợ chồng cũng lôi nhau ra phạt vì “không thật cái bụng, làm việc xấu xa”.

Chuột sâm-
Chuột sâm- "sản vật" chỉ có trên núi Ngọc Linh. Ảnh T.B. D

 

Không nhận tiền, chỉ nhận hạt sâm

Những đường bẫy trên núi mà người Xê Đăng sử dụng tất cả đều là loại bẫy có kích thước rất nhỏ, độ sát thương gần như rất thấp và để mục đích cuối cùng là bẫy chuột. Người dân hầu như không bắt các loài thú lớn vì sợ bị trách phạt. Việc sử dụng vật liệu công nghiệp như thuốc, dây thép... cũng bị cấm kỵ.

Bẫy chủ yếu có hai loại: bẫy đá và bẫy kẹp. Tất cả đều làm bằng vật dụng tự chế tác, không một thứ sắt thép công nghiệp hay thuốc nhử nào được dùng. Đó như là điều tối kỵ và cũng chưa từng có ai vượt qua cách làm đó.

Một hòn đá bằng vung nồi (khoảng 40cm), có mặt bằng nhẵn, mỏng vừa đủ được tích nhặt rồi đưa lên một vị trí gần hang ổ của chuột, nơi chuột núi, sóc hay đi qua. Tảng đá được kê lên bởi mấy thanh gỗ nhỏ bằng chiếc đũa. Một chiếc “cò” bẫy được gài một cách khéo léo, chỉ cần một cử động nhỏ lập tức tảng đá đổ ập xuống kẹp cứng con thú.

Đường bẫy mà người dân sử dụng hằng ngày cũng nhắm đến một thứ đặc sản vô giá: chuột ăn sâm Ngọc Linh. Những vườn sâm ngút ngàn nằm phủ kín dưới tán rừng là mỏ thức ăn đầy bổ dưỡng của loài chuột núi. Loài chuột này hầu như chỉ ăn sâm. Chuột ăn sâm thì người Xê Đăng... ăn thịt chuột. Không đứa trẻ nào lớn lên, người nào đau yếu mà không được dùng thịt chuột sâm để bồi bổ. Đó là món quà vô giá mà chỉ có người dân trên lưng chừng núi mới được sở hữu.

Khi cây sâm Ngọc Linh có giá cao và đắt đỏ (khoảng 70-80 triệu đồng/kg loại bình thường), nhiều doanh nghiệp và các trang trại của Nhà nước đã được quy hoạch mở rừng sâm trên núi. Những trang trại này vô tình khoanh vùng và lấy hết các đường bẫy của người dân. Nhà nước đặt ra chính sách đền bù các đường bẫy này và có cả hội đồng định giá. Nhưng thật bất ngờ, khi giá tiền được đề nghị đưa ra để đền bù, bà con được nhận tiền mặt để đền đường bẫy thì người dân không đồng ý nhận tiền mặt.

“Bà con nói thay vì đền bằng tiền thì họ mua rượu uống cũng hết, Nhà nước và doanh nghiệp đền cho họ bằng hạt sâm Ngọc Linh hoặc cây con để họ về gieo xuống đất, trồng cây sâm sau này bán có tiền hơn. Lối suy nghĩ này làm bất ngờ ngay cả những người cán bộ lâu năm gắn bó với bà con trên núi như chúng tôi” - ông Võ Văn Tin, cán bộ Trung tâm sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My, nói.■

Người dân tại chỗ chỉ bắt các loài thú gây hại mùa màng

Ông Hồ Quang Bửu, chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết việc đi đặt bẫy là một tập quán trong đời sống người dân địa phương ở các vùng núi cao huyện Nam Trà My. Việc bẫy thú cũng chỉ sử dụng bẫy đá, hoàn toàn không có sức sát thương lớn để hướng đến việc bẫy các loài thú lớn, mà chỉ bắt chuột, sóc, các loài thú nhỏ gây hại cho lúa rẫy và các vườn sâm. Theo ông Bửu, chính quyền cũng tuyên truyền cho dân về việc này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận