Sự trở lại của các nhà nước - thành bang

HẢI MINH 11/02/2018 15:02 GMT+7

TTCT - Các quốc gia theo nghĩa hiện đại xuất hiện rất trễ trong lịch sử loài người, và ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy chúng có thể không còn tồn tại lâu nữa.

Tranh mộc bản toàn cảnh thành phố Nuremberg năm 1493. Loài người đã sống với các nhà nước - thành bang trong hàng nhiều thế kỷ trước khi biết tới khái niệm quốc gia hiện đại.-Ảnh: strategygroup.net
Tranh mộc bản toàn cảnh thành phố Nuremberg năm 1493. Loài người đã sống với các nhà nước - thành bang trong hàng nhiều thế kỷ trước khi biết tới khái niệm quốc gia hiện đại.-Ảnh: strategygroup.net

 Nếu bạn sinh ra 1.500 năm trước ở miền nam châu Âu, bạn sẽ tin rằng đế chế La Mã là thứ tồn tại vĩnh viễn. Nó đã tồn tại được khoảng 1.000 năm cho tới khi đó. Vậy mà, sau những rối loạn kinh tế và quân sự, đế chế đó bắt đầu suy yếu. Tới năm 476 thì nó chính thức tan rã. Với những người từng sống trong đế chế hùng mạnh đấy, một biến cố như thế hẳn là không thể hiểu nổi.

Lịch sử các quốc gia

Chúng ta, với tư cách con người, ảo tưởng về mô hình hiện đại, rằng việc sống ở một “quốc gia” nào đó là không thể tránh khỏi và là vĩnh hằng. Phải, có chế độ dân chủ và độc tài, có các hình thức quản trị nhà nước và kinh tế khác nhau, nhưng cả thế giới hợp thành bởi những quốc gia - nhà nước như một điều tất yếu.

Đó là một sự pha trộn giữa “dân tộc” (một sắc dân với những đặc tính chung) và “quốc gia” (một hệ thống chính trị có tổ chức với chủ quyền và một không gian được định nghĩa - biên giới). Thật khó hình dung một thế giới không có các quốc gia: bản thể của chúng ta, chúng ta là ai, phải trung thành với điều gì, những giá trị, quyền, và nghĩa vụ của chúng ta, gắn với quốc gia - đất nước.

Nhưng điều này khá nghịch lý, bởi quốc gia thực ra chẳng lâu đời cho lắm. Cho tới giữa thế kỷ 19, phần lớn địa cầu là những đế quốc đang vỡ vụn, những vùng đất rộng lớn vô chủ, các công quốc và nhà nước - thành bang, mà những kẻ lữ hành có thể băng qua chẳng cần kiểm tra an ninh, cửa khẩu biên phòng và hộ chiếu.

Quá trình công nghiệp hóa khiến các xã hội phức tạp hơn, những thể chế quan liêu tập trung quyền lực xuất hiện để quản trị những xã hội đó. Những người quản trị giỏi nhất thống nhất được các vùng lãnh thổ, lưu trữ các tài liệu, và thông qua hành động tập thể (nhất là chiến tranh), bắt đầu tự định vị mình như các quốc gia.

Những cuộc cách mạng - nhất là ở Mỹ (1776) và Pháp (1789), cùng vô số cuộc cách mạng sau đó - định hình khái niệm “lợi ích quốc gia”, trong khi thông tin liên lạc và các công nghệ giao thông mới giúp thống nhất ngôn ngữ, văn hóa và bản sắc. Công cuộc thuộc địa hóa của các đế quốc châu Âu sau đó đã gieo rắc khái niệm này ra khắp thế giới. Ngày nay, cả thế giới có gần 200 quốc gia.

Nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy khái niệm quốc gia, chính quyền tập quyền, một dân tộc cố kết, và quyền chủ quyền đang trở nên lỗi thời. Theo lời chính Karl Marx, sự thay đổi phương thức sản xuất ắt hẳn sẽ dẫn tới thay đổi cấu trúc chính trị và xã hội. Toàn cầu hóa đang cướp đi nhiều quyền lực cũ của nhà nước. Internet không có biên giới. Và các cử tri ngày càng kém hào hứng với quyền bỏ phiếu.

Năm 1995, hai cuốn sách có chung tựa đề The End of the Nation State (tạm dịch: Sự chấm dứt của quốc gia - nhà nước) của Jean-Marie Guéhenno (người Pháp) và Kenichi Ohmae (người Nhật) tiên đoán rằng mô hình quốc gia hiện giờ sẽ tiến hóa thành các cơ quan đa quốc gia như Liên minh châu Âu hay chỉ còn là các tiểu vùng - thành phố tự trị.

Chỉ có 10 triệu người tiếp cận Internet vào năm 1995 khi quốc gia - nhà nước bị “tuyên án tử hình” lần đầu. Năm 2015, con số đó đã là 3 tỉ. Tới năm 2020 sẽ là hơn 4 tỉ (và hơn 20 tỉ thiết bị kết nối Internet).

Nhưng bất chấp, ngày 17-9-2016, ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump, nay đã là tổng thống, viết trên Twitter: “Một quốc gia không biên giới không còn là một quốc gia. Chúng ta sẽ khiến nước Mỹ lại an toàn!”. Ông Trump có lý trong vế đầu, nhưng những nỗ lực ngăn chặn dòng di dân của ông cho tới lúc này, một năm sau ngày nhậm chức, vẫn chưa đi tới một kết quả rõ ràng nào.

Ấn tượng hơn, tuyên bố của ông Trump là trong bối cảnh ở Đức, Thủ tướng Angela Merkel, một năm trước, đã quyết định mở cửa nước Đức, và trên thực tế là EU, cho 1,2 triệu người tị nạn.

Các con số khác nhau, nhưng một số ước tính nói tới giữa thế kỷ này, có thể có tới 200 triệu người phải di dân vì biến đổi khí hậu. Nếu EU không kiểm soát nổi biên giới với 1,2 triệu người, thì chuyện gì sẽ xảy ra với 200 triệu người? Đó là một bài học lịch sử lâu đời: con người luôn di chuyển, và khi họ đã quyết định ra đi, gần như không gì có thể ngăn cản.

Quốc gia - nhà nước, trong khi đó, dựa trên sự kiểm soát. Một khi họ không còn có thể kiểm soát thông tin, các doanh nghiệp, biên giới (và giờ là cả tiền tệ) thì họ sẽ không thể cung cấp cho các công dân của mình những gì các công dân này đòi hỏi nữa.

Rốt cuộc, quốc gia - nhà nước chẳng là gì khác ngoài một huyền thoại được chính từng cá nhân chúng ta nhất trí với nhau: chúng ta từ bỏ một phần tự do để đảm bảo những quyền lợi khác. Một khi giao dịch đó không còn tác dụng thì đã đến lúc tìm kiếm điều thay thế.

 Chúng ta đang bước vào một giai đoạn những đô thị sở hữu thứ quyền lực mới


Những nhà nước - thành bang, phải, giống như thời Hi Lạp cổ đại, đang là ứng viên thay thế tốt nhất lúc này. Hiện thời đã có nhiều thành phố với chủ quyền quốc gia rồi: Monaco, Singapore, Malta... Trong một thế giới kết nối cao, không biên giới, các thành phố là những trung tâm thương mại, tăng trưởng, sáng tạo, công nghệ và tài chính.

Nhà nước - thành bang

Sự sáng tạo xảy ra vì con người biết hợp tác, và để hợp tác cần nhiều người ở một chỗ, cần một hệ sinh thái, các thành phố chính là hệ sinh thái đó: Năm 2014, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, số dân sống ở đô thị đã vượt qua số người sống ở nông thôn.

Sự chuyển giao quyền lực này càng rõ ràng hơn ở việc ngày càng nhiều thị trưởng các siêu đô thị đồng thời là ứng viên nặng ký cho vị trí lãnh đạo quốc gia: Bill de Blasio của New York, Sadiq Khan - London, Virginia Raggi - Rome, Ada Colau - Barcelona, Yuriko Koike - Tokyo, Joko Widodo - Jakarta (nay đã là tổng thống Indonesia).

Các thành phố, từ Indianapolis tới Copenhagen, đều đang thử nghiệm sự độc lập một phần, và ngày càng nhiều hơn, về nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực của họ.

Bruce Katz, học giả của Viện Brookings, tiên đoán: “Chúng ta đang bước vào một giai đoạn những đô thị sở hữu thứ quyền lực mới... Các thành phố giờ không còn là cấp dưới của quốc gia - nhà nước nữa, họ là những định chế và mạng lưới đầy quyền lực trong một nền kinh tế kết nối. Quyền lực trong thế kỷ 21 thuộc về những ai hành động. Chính phủ ở tầm mức quốc gia chỉ biết tranh cãi, bàn lùi và đấu đá. Các thành phố thì hành động”.

Là những trung tâm của chủ nghĩa tư bản toàn cầu hiện đại, các thành phố lớn của những quốc gia khác nhau thậm chí còn giống nhau hơn so với các tỉnh ở chính quốc gia mình. Họ là những trung tâm tài chính, sáng tạo công nghệ, văn hóa, đa dạng và cởi mở với người nhập cư.

Ở Anh, trong khi tỉ lệ bỏ phiếu rời EU trên cả nước là 52-48, thì riêng London là 40-60. Sau cuộc trưng cầu dân ý, thậm chí đã có một phong trào ngắn ngủi đòi tách London khỏi Anh. Điều tương tự đúng ở gần như mọi đô thị sôi nổi khác của thế giới.

Đương nhiên là quốc gia - nhà nước không biến mất dễ dàng. Chủ quyền quốc gia hiện giờ vẫn được coi là điều gì đó thiêng liêng, nhất là ở các nước mà chủ nghĩa dân tộc vừa định hình, và tất nhiên, còn có cả lý do thực tế nữa.

Năm 2015, 89% cử tri ở Venice, Ý, đã bỏ phiếu đòi độc lập trong một cuộc trưng cầu dân ý không có hiệu lực pháp lý. Họ bất bình vì thành phố nhận từ ngân sách của chính quyền trung ương khoản tiền ít hơn 20 tỉ USD so với số tiền họ đóng thuế hằng năm. Nhưng chính quyền Ý dễ hiểu là không thể để Venice và 20 tỉ USD đó tách ra.

Đó là lý do tại sao một số người ủng hộ mạnh mẽ việc tạo dựng các đô thị độc lập mới hoàn toàn. Paul Romer, kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), từ lâu đã nỗ lực vận động cho các thành phố tự trị. 

Ông nói đô thị chính là quy mô lý tưởng để phát triển kinh tế và tạo ra sự thịnh vượng, đủ lớn để sáng tạo, nhưng không quá lớn để gây ra các vấn đề về hạ tầng. Ý tưởng cụ thể của Romer là một sự phối hợp nhịp nhàng quốc gia - thành phố, như mô hình Trung Quốc - Hong Kong, hay Anh - London.

Bởi lẽ hầu như mọi mét đất trên hành tinh đều đã được một quốc gia nào đó tuyên bố chủ quyền, ý tưởng của Romer cần một sự triển khai khác. Vào năm 2008, Patri Friedman, người sáng lập Viện Seasteading ở Thung lũng Silicon, đã nhận nửa triệu đôla tài trợ từ Peter Thiel, tỉ phú sáng lập PayPal, để xây dựng những thành phố không phải trên đất liền: chúng sẽ là các đô thị nổi ở vùng biển quốc tế, tránh xa hệ thống quan liêu và đám quân đội phiền toái của các nhà nước.

Patri gọi dự án của ông là “công ty khởi nghiệp cung cấp dịch vụ nhà nước”. “Chỉ có thể tiến xa nếu ta thách thức được hệ thống cũ - ông nói - Hãy hình dung đó là một thị trường, bởi không có các công ty khởi nghiệp, dịch vụ nhà nước của các quốc gia hiện giờ đều rất tệ hại... Ta trả nhiều tiền qua thuế, nhưng dịch vụ yếu kém và không ai chịu thay đổi. Cần một dịch vụ khởi nghiệp đủ mạnh để đe dọa họ”.

Với Patri, nếu bạn ghét truyền hình cáp cứ hư hỏng và không ai đoái hoài, hãy chuyển qua Netflix; không thích taxi chặt chém, hãy dùng Uber; và nếu quốc gia - nhà nước không đảm bảo được các dịch vụ bạn đòi hỏi, hãy đến với Patri.

Một lần nữa, công nghệ lại là vấn đề then chốt. Patri áp dụng tinh thần của Thung lũng Silicon với nhà nước. Có nhiều thứ giờ bạn có thể làm mà khi quốc gia - nhà nước ra đời thì bạn chưa thể: dân chủ trực tiếp bằng cách bỏ phiếu trên mạng - bảo mật và chính xác tuyệt đối với công nghệ nhận diện vân tay hay tròng mắt; tiền ảo; chia sẻ dịch vụ, thời gian...

Dự án đầu tiên của Patri, mà ông nói sẽ được khởi công sớm, nằm ngoài khơi Tahiti, quần đảo Polynesia thuộc Pháp ở Thái Bình Dương. Trong vài năm tới, ông tin đô thị nổi của mình sẽ bắt đầu có vài trăm dân sinh sống và tiết lộ danh sách chờ đã lên tới “vài nghìn”, bao gồm nhiều người bỏ tiền cho dự án này, hầu hết là dân kinh doanh công nghệ. “Họ là những người nhìn vào hệ thống hiện tại và nói: “Tại sao chúng ta không thiết kế thứ gì đó tốt hơn?””.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận