Người thợ rèn cuối cùng của phố Lò Rèn

PHẠM GIA HIỀN 17/02/2018 17:02 GMT+7

TTCT - Ông Hùng là một thợ rèn chính hiệu, ở một con phố có cái tên rất chuẩn cho nghề của mình - phố Lò Rèn. Đến ông là đời thứ 3 nối nghiệp đe búa. Nhưng con ông Hùng thì không.

Nụ cười của người thợ rèn cuối cùng trên phố Lò Rèn. Ảnh: Phạm Gia Hiền
Nụ cười của người thợ rèn cuối cùng trên phố Lò Rèn. Ảnh: Phạm Gia Hiền

 Đợi cho chiếc đục đỏ rực lên trong lò, ông Hùng dùng chiếc kẹp chuyên dụng nhấc ra, đặt lên đe và bắt đầu quai búa. Tàn lửa bắn tung, mũi đục 4 cạnh bong ra những lớp gỉ, và chỉ sau chục nhát búa cực chính xác, lấy lại được vẻ sắc nhọn.

“Cầm búa là một nghệ thuật” - ông Hùng chìa cán búa cho tôi xem. Khúc gỗ lim rắn đanh, lên nước bóng loáng nhưng gần như bị xoắn lại ở phần tay cầm, cho thấy suốt nhiều năm tháng nó đã chịu một lực nắm chặt đến thế nào. “Nhưng tay tôi không hề bị chai” - như đọc được suy nghĩ của tôi, ông Hùng tháo găng tay. Quả thật, dưới lớp than và dầu đen nhẫy, bàn tay ấy không một vết chai.

Ông Hùng là một thợ rèn chính hiệu, ở một con phố có cái tên rất chuẩn cho nghề của mình - phố Lò Rèn. Đến ông là đời thứ 3 nối nghiệp đe búa. Nhưng con ông Hùng thì không.

Và lò rèn của ông là lò cuối cùng còn đỏ lửa ở khu phố - hàng nổi tiếng của Hà Nội. Phố Lò Rèn bây giờ còn lại đôi ba hàng bán cửa sắt, lan can, tay vịn cầu thang... còn lại đều đã chuyển sang kinh doanh ngạch hàng khác nhẹ nhàng hơn, “mau tiền hơn” (từ của ông Hùng).

Ngay cạnh lò của ông Hùng là một hàng game online. Những thanh thiếu niên bảnh bao và rảnh rỗi, ngồi cắm tai nghe rê chuột gõ phím suốt ngày, bất chấp tiếng búa nện rền rền ngoài cửa.

Thợ rèn 1

“Về nghề, tôi không giỏi bằng ông cụ nhà tôi - ông Hùng nhúng mũi đục đã rèn xong vào thùng dầu tôi, lửa bốc lên rừng rực - Ông cụ nhà tôi khi xưa rèn con dao, cái kéo, hình dáng mộc mạc, không bóng đẹp như bây giờ. Nhưng con dao ấy chặt xương là chặt xương, pha thịt là pha thịt, tốt cực kỳ.

Tôi làm dao đẹp hơn, nhưng không sắc được như thế. Nó cũng có thể gọi là lụt nghề đấy. Là vì hồi xưa tôi không chịu học nghề rèn. Tôi thấy cái nghề này cứ ngồi một chỗ, sợ buồn, nên tôi học trung cấp cơ khí rồi ra làm thợ sửa ôtô 15 năm. Cuối cùng, duyên nghiệp lại vẫn quay về nghề rèn, ngồi đây thoắt đã hơn 20 năm rồi”.

Hình ảnh chiếc lò rèn giữa phố cổ hẳn nhiên rất hấp dẫn. Liên tục có những du khách nước ngoài dừng lại, chụp ảnh hoặc hỏi chuyện. Nhưng điều đó không giúp gì cho công việc, không tăng thu nhập cho ông Hùng.

“Mọi thứ đều từ cái bếp lò - bố tôi bảo thế” - ông Hùng ném một nắm muối vào bếp, những hạt lửa bay tung lên như pháo hoa, những du khách ồ lên thích thú, đua nhau chụp ảnh. Đó là một “tiểu xảo” thú vị của một người đã quá quen với công việc trên hè phố.

Mặc dù xuất hiện trên hàng trăm bài báo từ trong đến ngoài nước, với vai trò “người thợ rèn cuối cùng của phố cổ Hà Nội”, ông Hùng vẫn chỉ có một nguồn thu chính đến từ những mũi đục bêtông.

Thợ khoan phá bêtông từ khắp Hà Nội tìm đến ông để rèn và tôi lại những mũi đục mòn vẹt, hoặc cong vênh. Một thợ phá bêtông lặn lội đến, nhận về 10 mũi đục và đặt rèn 10 mũi đục khác, cho rằng ông Hùng có bí quyết trong công nghệ nước tôi. Đó chỉ đơn giản là dầu nhớt xe máy ôtô thải, nhưng được pha một lượng muối nhất định.

Nguồn thu chính của ông Hùng đến từ những mũi đục bêtông này. Ảnh: Phạm Gia Hiền
Nguồn thu chính của ông Hùng đến từ những mũi đục bêtông này. Ảnh: Phạm Gia Hiền

 “Một mũi đục này, nếu của Nhật thì 300.000 đồng, của Tàu thì chỉ 50.000 đồng. Cũng khá tốt chứ không đùa. Nhưng Tàu nó không tôi cho nên chóng cùn. Mình tôi lại thì cứng cáp hơn, lâu cùn hơn, thợ họ thích. Cứ 10.000 đồng một mũi đục, ngày tôi làm trăm cái, có 1 triệu về đưa vợ, đều như vắt chanh!”. Ông Hùng liên tục cười, và nói rất nhiều, rất to (có lẽ đều là hệ quả của nghề nghiệp, đơn độc và ồn ào).

Vợ ông, một cán bộ ngành y, trước đây không hài lòng vì “tưởng giai phố thế nào, hóa ra suốt ngày quai búa, người ngợm tay chân đen xì bụi than”. Nhưng họ mua nhà cửa, dựng vợ gả chồng cho con cái, đều từ tiền công thợ rèn mà ông Hùng kiếm ra.

Con trai cả của ông Hùng, một kỹ sư tốt nghiệp ĐH Bách khoa, giờ làm chủ thầu xây dựng. Cô con gái thứ 2 làm kế toán cho một công ty Nhật Bản. Nghề rèn 3 đời của nhà ông Hùng, vì thế chắc chắn sẽ thất truyền, thời gian còn lại tính bằng năm. Thực ra, cái gọi là kỹ năng thợ rèn của ông đã thui chột dần vì sự loại bỏ của thị trường. Những hàng rào, hoa văn, cửa ra vào, cửa sổ sắt uốn, giờ thẳng đuột, hoặc được đúc bằng gang. Người ta thích inox, sáng loáng và kín bưng.

Ông Hùng đã cả chục năm nay không còn uốn hoa sắt. Trước ông làm nhiều nhất là móc treo quạt trần, giờ nhà nào cũng điều hòa, thì rèn mũi đục là hàng chủ lực.

Sẽ thế nào, nếu một ngày kia người ta không cần rèn mũi đục nữa? Một loại máy rất hiện đại để thay thế, hoặc một loại chất liệu siêu rắn ra đời?

“Ngày ấy còn xa - ông Hùng cười khùng khục, xoay một vòng cái mũ lưỡi trai trên đầu - Tôi đọc báo thấy bảo giờ là thời cách mạng 4.0, cách mạng công nghệ. Tôi chả biết nghĩa là gì, sao lại Bốn chấm? Ba chấm trước là cái gì? Tôi không cần biết. Tôi chỉ biết rằng, nước mình còn đào lên đục xuống suốt ngày, còn đập, còn xây quanh năm thì tôi còn đầy việc. Có những nhà thầu, tháng nào cũng gửi tôi 300 mũi đục, suốt hơn 10 năm nay. Cách mạng công nghiệp à, chả phải vẫn nói từ mấy chục năm rồi ư?”.

Ông Hùng đứng dậy, kéo cái bóng đèn, cắm điện. Trời đã sập tối từ lúc nào. Ông sẽ còn quai búa đến mười một giờ đêm. Chỗ mũi đục cần rèn còn khoảng ba bốn chục cái. Tôi chào, ông níu nốt câu cuối:

“Này, có báo cũ thì cho tôi nhé, để nhóm lò. Thật đấy mà, ông nhà báo ạ!”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận