Sinh mạng nào là quan trọng?

CHIÊU VĂN 29/05/2018 02:05 GMT+7

TTCT - Ngày 25-5 cử tri Ireland đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về luật cấm phá thai khắt khe của nước này. Là một nước Công giáo La Mã lâu đời và có một lịch sử đẫm máu với láng giềng Anh hùng mạnh hơn theo Anh giáo, cuộc bỏ phiếu đang khiến cả đất nước Ireland - một trong hiếm hoi các quốc gia phương Tây vẫn cấm phụ nữ phá thai - chia rẽ.

Biểu tình ủng hộ quyền phá thai ở Ireland, dòng chữ lớn: “Chính sách của các người không được đụng chạm tới cơ thể tôi”; dòng chữ nhỏ: “Cơ thể của tôi, lựa chọn của tôi”. Ảnh: universityobserver.ie
Biểu tình ủng hộ quyền phá thai ở Ireland, dòng chữ lớn: “Chính sách của các người không được đụng chạm tới cơ thể tôi”; dòng chữ nhỏ: “Cơ thể của tôi, lựa chọn của tôi”. Ảnh: universityobserver.ie

 

Luật cấm phá thai đã được thông qua ở Ireland từ năm 1861, khi nước này còn ở dưới quyền cai trị của Anh, và được giữ nguyên sau khi Ireland giành độc lập năm 1922. Năm 1983, tu chính án thứ 8 của hiến pháp Ireland được thông qua sau một cuộc trưng cầu ý dân, về cơ bản coi mạng sống người mẹ và đứa trẻ chưa ra đời là ngang nhau.

Tu chính án: “Công nhận quyền sống của đứa trẻ chưa sinh, với quyền ngang bằng người mẹ, bảo đảm quyền này bằng pháp luật và trong khả năng áp dụng được, luật pháp phải bảo vệ và làm sáng tỏ quyền đó”.

Từ đó tới nay, luật chống phá thai đã là chủ đề gây tranh cãi liên tục và gay gắt bậc nhất ở Ireland. Các phụ nữ nước này muốn phá thai sẽ phải đi sang nước láng giềng Anh, với luật lệ ít khắt khe hơn về vấn đề này.

Năm 1992, một cô gái 14 tuổi, nạn nhân một vụ cưỡng hiếp, ban đầu bị tòa cấm sang Anh để phá thai. Vụ này nổi tiếng là vụ án X, khi phán quyết của tòa dẫn tới những vụ biểu tình và đụng độ giữa cả phe chống phá thai và phe ủng hộ quyền lựa chọn không chỉ ở Ireland mà cả ở New York và London, những thành phố có đông dân gốc Ireland sinh sống. Tuy nhiên, phán quyết của tòa sơ cấp sau này đã bị tòa tối cao Ireland đảo ngược.

Năm 2012 lại xảy ra một vụ việc gây tranh cãi dữ dội nữa. Một phụ nữ người Ấn Độ sống ở Ireland, Savita Halappanavar, chết trong một bệnh viện sau khi bà không được phép phá thai dù thai đã sẩy bởi các bác sĩ xác định tim thai vẫn còn đập. Giằng co kéo dài tới tháng 3 vừa rồi, khi Thượng viện Ireland Seanad thông qua quyết định tổ chức trưng cầu ý dân về việc bãi bỏ tu chính án thứ 8 với số phiếu 40-10.

Liên quan tới điều chúng ta vẫn coi là quý giá nhất: sinh mạng con người, dễ hiểu ở cả hai bên lằn ranh chiến trường là những chiến sĩ thực thụ và đây không chỉ là quyền phá thai, đây còn là cuộc chiến ý thức hệ, quan điểm làm người, và một thách thức tôn giáo - văn hóa lâu đời. “Tôi cực kỳ sợ hãi vì lúc đó tôi còn trẻ lắm - Lucy (chỉ có tên), một phụ nữ Ireland từng phải sang Anh phá thai, nói với BBC - Tôi có cảm giác như mình đi lưu đày vậy. Tôi không biết ai từng phá thai để chỉ vẽ cho tôi, và tôi chẳng hề quen ai ở đó (Anh), tôi phải sang đó một mình”.

Lucy, giờ đã ngoài 20, nói khi cô phát hiện mình có thai, bác sĩ đã cho cô lời khuyên về việc chăm sóc bản thân và bào thai, nhưng không nói thêm gì khác. “Tôi không biết là mình được và không được hỏi gì - Lucy kể - Người ta không nói những chuyện đó ở Ireland”. Trong thời gian chờ đợi sang Anh, đặt lịch và chờ được phá thai, cô đã phải che giấu mọi biểu hiện của cơ thể mình. “Thật kinh khủng, đó là mấy tuần lễ dài nhất trong đời tôi” - Lucy kể.

Dễ hiểu giờ cô là một người vận động nhiệt tình cho phe “quyền lựa chọn”. Chiến dịch của Lucy cho biết khoảng 12 phụ nữ từ Ireland sang Anh chỉ để phá thai mỗi ngày, với tổng chi phí cho một trường hợp như thế, bao gồm đi lại, chi phí y tế, chỗ ở là vào khoảng 1.600 USD.

Bên kia chiến tuyến, khi những người vận động chống phá thai thấy rằng các lập luận mang tính tín lý cổ xưa của họ, nhuốm màu tôn giáo và bị gán mác bảo thủ, không còn đủ hấp dẫn giới trẻ nữa, họ đã tìm kiếm những gương mặt đại diện mới và lý lẽ mới.

“Chúng ta có thể làm tốt hơn là cho phép phá thai ở đất nước này - Katie Ascough, 21 tuổi và từng là chủ tịch hội sinh viên Đại học Dublin, nói - Tôi không nghĩ có phụ nữ nào lại muốn phá thai. Họ chỉ đi tới quyết định đó vì cảm thấy không còn lựa chọn nào khác... Cũng phải thấy rằng có rất nhiều cử tri mắc kẹt ở một lập trường khó khăn khi họ muốn cho phép phá thai trong một số trường hợp, nhưng không phải là tùy thích”.

Cuộc trưng cầu ý dân, mà nếu kết quả là chấp thuận, sẽ khiến phụ nữ được quyền phá thai trong 12 tuần đầu của thai kỳ, điều mà Katie nói là “cực đoan”. Cô nói giải pháp tốt hơn là chi thêm tiền và hỗ trợ cho phụ nữ mang thai. “Những việc như hỗ trợ tài chính cho phụ nữ khi mang thai, hỗ trợ y tế và chăm sóc trẻ em tốt hơn - cô nói - Lấy ví dụ, hầu hết các trường đại học của chúng ta hiện không chi tiền cho việc chăm sóc trẻ em... nếu đủ ý chí chính trị, chúng ta có thể thay đổi điều đó”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận