Những tranh cãi quanh giọt dầu dừa

XUÂN MINH 17/10/2018 20:10 GMT+7

TTCT - ​Karen Michels - giáo sư ngành sức khỏe cộng đồng Đại học Harvard (Mỹ) - bỗng bất ngờ nổi tiếng mới đây khi giảng bài tại Đức rằng dầu dừa chỉ đơn thuần là “chất độc”.

Ảnh: Tribune.com.pk
Ảnh: Tribune.com.pk

 

Video clip này thu hút hơn 1,2 triệu lượt xem và gây tranh cãi trong những tín đồ của dầu dừa.

Tốt, xấu có cả

Dầu dừa không phổ biến vào giữa những năm 1990, nhưng khoảng 10 năm sau đó được nhìn nhận là một sản phẩm có lợi cho sức khỏe ở các nước phương Tây. Trong một cuộc khảo sát năm 2016 trên báo New York Times, 72% người tham gia trả lời cho rằng dầu dừa tốt cho sức khỏe.

Đến thời đại của các trang mạng xã hội, dầu dừa trở thành một ứng cử viên trong danh sách các “siêu thực phẩm”. Nhiều bài báo viết về tác dụng của dầu dừa, nhiều bác sĩ, chuyên gia ngợi ca dầu dừa, trong đó có bác sĩ Mehmet Cengiz Öz, nhân vật chính của show truyền hình hằng ngày về sức khỏe mang tên chính mình. Trên chương trình Bác sĩ Ox Show, ông đã ca ngợi dầu dừa là một sản phẩm tuyệt vời cho tóc, da và cơ thể.

Tờ Business Insider từng đưa tin về một nghiên cứu đăng trên tạp chí American Journal of Clinical Nutrition cho thấy những người thường xuyên ăn phô mai, sữa nguyên kem, các sản phẩm từ sữa có hàm lượng béo cao và những sản phẩm có nhiều axit béo bão hòa không có nguy cơ bị tử vong do đau tim, đột quỵ hoặc bệnh tật khác so với những người kiêng các thực phẩm này.

Trong khi có vô số lời ca ngợi về dầu dừa, sản phẩm này được các chuyên gia khác đánh giá là ở giữa ranh giới giữa tốt và xấu với sức khỏe.

Hiệp hội Tim mạch Mỹ năm 2017 đã ra cảnh báo về việc sử dụng các chất béo bão hòa trong hướng dẫn được cập nhật của hiệp hội. Theo đó, hiệp hội khuyến cáo chỉ sử dụng tối đa 6% lượng calorie hằng ngày của chúng ta có nguồn gốc là chất béo bão hòa (khoảng 13g). Trong dầu dừa có hơn 80% là chất béo bão hòa và nó tốt cho da hơn là để chế biến thực phẩm.

Tiến sĩ Walter C. Willett - chuyên gia về dịch tễ và dinh dưỡng, đồng nghiệp của giáo sư Karen Michels tại Đại học Harvard - ủng hộ: “Có nhiều tuyên bố về tác dụng tuyệt vời của dầu dừa đối với nhiều thứ, nhưng chúng tôi thực sự không có bằng chứng gì về lợi ích sức khỏe lâu dài của nó.

Dầu dừa có thể nằm ở khoảng giữa, tốt hơn các loại dầu được hydro hóa một phần chứa nhiều chất béo bão hòa (chất béo xấu), nhưng không tốt bằng các loại dầu thực vật chứa chất béo không bão hòa đã được chứng minh là có lợi cho sức khỏe, như dầu ô liu và dầu hạt cải”.

Vẫn đáng tin

Kevin Klatt - nhà nghiên cứu dinh dưỡng ở cấp độ phân tử tại Đại học Cornell, người nghiên cứu về tác động trao đổi chất của dầu dừa - cũng cho rằng dầu dừa “có lẽ không hoàn toàn “xấu” như bơ, nhưng không tốt bằng dầu ô liu nguyên chất”.

Dầu dừa có thể không phải là thuốc chữa bách bệnh, nhưng nó không nhất thiết phải bị loại bỏ. Tờ New York Times phản biện như sau: “Mặc dù một số nghiên cứu đã chỉ ra sự liên hệ của axit béo bão hòa trong dầu dừa, axit lauric với sự gia tăng chỉ số HDL cholesterol - cholesterol tốt (người có chỉ số HDL nhiều có thể giảm được nguy cơ bị ngưng tim và tai biến mạch máu não), nó vẫn có thể làm tăng cholesterol LDL hay còn gọi là cholesterol xấu. Dù sao, dầu dừa có thể vẫn tốt hơn so với một số nguồn chứa chất béo bão hòa khác”.

Căn cứ trên các nghiên cứu đã được ghi nhận, theo New York Times, dầu ô liu vẫn là lựa chọn tốt hơn nhưng chưa phải là sự lựa chọn hoàn hảo đến khi nó được công nhận là “siêu thực phẩm” theo tiêu chuẩn phương Tây.

Dầu dừa vẫn là một sản phẩm đáng tin cậy giữa thời buổi độc chất hiện diện tràn lan trong đồ ăn thức uống. Một chút dầu dừa có hại không? Dường như là không - New York Times trả lời. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận