“Giải quyết nỗi buồn”: Thu phí hay không thu phí?

CHIÊU VĂN 24/11/2018 03:11 GMT+7

TTCT- Trên một phần lớn lãnh thổ Mỹ, các nhà vệ sinh công cộng bị cấm thu phí, nhưng để đảm bảo nhu cầu cơ bản này của con người, nhiều chuyên gia tin rằng cần có một cái giá ngay cả cho việc “giải quyết nỗi buồn”.

Ảnh: unwater.org
Ảnh: unwater.org

 

19-11 là Ngày nhà vệ sinh thế giới, một lời nhắc nhở về thực tế đáng hổ thẹn là hàng tỉ người trên toàn cầu vẫn thiếu sự tiếp cận cơ bản với nhà vệ sinh an toàn, hợp tiêu chuẩn, và nước sạch.

Tuy nhiên, thất bại này không chỉ giới hạn ở các nước nghèo hay đang phát triển. Ở nhiều thành phố tại Mỹ, những nhóm dễ bị ảnh hưởng như phụ nữ mang thai, tài xế taxi, và người vô gia cư cũng thiếu nhà vệ sinh trầm trọng. Một giải pháp đã quen thuộc ở châu Âu, nhà vệ sinh có trả tiền, thu một khoản tiền nhỏ cho việc sử dụng, hầu như không tồn tại ở Mỹ, thậm chí bị cấm ở nhiều thành phố và nhiều bang.

Đó là một vấn đề lịch sử. Lệnh cấm nhà vệ sinh có thu tiền ban đầu được coi là một chiến thắng với nữ quyền.

Năm 1969, dân biểu bang California, March Fong Eu, đã dùng búa đập nát một bệ xí bằng sứ trước tòa nhà dân biểu bang, một hành động biểu tượng phản đối sự phân biệt với phụ nữ ở các nhà vệ sinh thu phí cho các buồng riêng có bệ xí, nhưng lại không thu tiền với các bệ tiểu đứng.

Bà Fong Eu không đơn độc. Đã có nguyên một tổ chức, CEPTIA (Committee to End Pay Toilets in America: Ủy ban đấu tranh chấm dứt nhà vệ sinh trả tiền ở Mỹ) vận động chống nhà vệ sinh thu phí. Họ có một ấn bản hằng quý (Free Toilet Paper: Tập san Nhà vệ sinh miễn phí) tấn công dữ dội Nik-O-Lok, nhà đầu tư nhà vệ sinh thu phí lớn nhất lúc bấy giờ.

CEPTIA đã giành được chiến thắng lớn đầu tiên tại Chicago năm 1973, rồi sau đó là các lệnh cấm ở Alaska, California, Florida, New York, và nhiều nơi khác.

Tuy nhiên, đó là một chiến thắng đáng ngờ. Tầm nhìn “nhà vệ sinh miễn phí cho tất cả mọi người” của CEPTIA chưa bao giờ thành hiện thực. Thiếu kế hoạch bù đắp chi phí, các thành phố rất miễn cưỡng khi xây mới nhà vệ sinh công cộng, và những cơ sở hiện có thì xuống cấp mau chóng. Ngay cả khi có tiền để xây mới, việc bảo trì và vận hành vẫn khiến các chính quyền nản lòng.

Trong khi đó, ở các thành phố từ châu Âu sang Ấn Độ tới Mỹ Latin, những khoản phí sử dụng nhỏ đã giúp bù đắp cho chi phí và giúp nhà vệ sinh được bảo trì tốt, sạch sẽ. Về mặt kinh tế, tư duy đó hợp lý theo nhiều lẽ: thu phí để có tiền trả cho người trông giữ, dọn dẹp, phân phối lại chi phí, bởi ở các thành phố lớn, nhà vệ sinh công cộng còn được một lượng đáng kể du khách sử dụng.

Các nghiên cứu khoa học ở Mỹ cũng cho thấy phụ nữ sử dụng nhà vệ sinh nhiều hơn nam giới, điều có thể khiến các nhà hoạch định chính sách tính toán lại việc thu phí theo tỉ lệ tương ứng.

Ngoài ra, như Sophie House của Trung tâm Furman về bất động sản và chính sách đô thị của Đại học New York đề xuất, các nhà vệ sinh nữ cần phải cung cấp các sản phẩm hỗ trợ phụ nữ tới kỳ kinh, vốn cũng cần thiết (nếu không muốn nói là cần thiết hơn) cho vệ sinh thân thể như giấy vệ sinh. Mà điều này chỉ có thể đảm đương qua việc thu phí.

Một chính sách thu phí khôn ngoan với nhà vệ sinh công cộng cũng có thể giúp thúc đẩy hơn nữa những công nghệ và nguồn lực bỏ vào việc nghiên cứu và phát triển các loại nhà vệ sinh chi phí thấp, an toàn, và hiện đại hơn.

Tỉ phú Bill Gates, một trong những người hết sức quan tâm tới vấn đề này, tiên đoán thị trường nhà vệ sinh hiện đại giá rẻ có thể trị giá tới 6 tỉ USD mỗi năm trên toàn thế giới vào năm 2030, trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi USD đầu tư vào nhà vệ sinh sẽ tạo ra 5,5 USD trong hiệu suất kinh tế, bao gồm khoảng 200 tỉ USD sẽ phải chi ra để điều trị các dịch bệnh do thiếu những điều kiện vệ sinh cơ bản.

Mọi lý lẽ và con số, vì thế, chỉ ra rằng nhà vệ sinh công cộng với một mức phí nhỏ, nhưng hợp lý, không chỉ là sự bảo đảm quyền con người cơ bản, mà còn là khôn ngoan về mặt kinh tế.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận