Khi tiếng yêu thể hiện bằng lời ca

NGỌC ĐÔNG 01/02/2017 16:02 GMT+7

TTCT - Họ là những người nước ngoài “say nắng” Việt Nam vì nhiều lý do khác nhau. Tình yêu đó được diễn đạt theo cách riêng nhưng “không hẹn mà gặp”, họ cùng mang tiếng Việt vào trong các video...

Jeremy Ginsburg ôm đàn hát Không đường

 

Jeremy “không đường”

Ở Việt Nam được hơn hai năm, anh chàng người Mỹ Jeremy Ginsburg đang dự tính quay nhiều video ca nhạc tại Việt Nam, trong đó có một số bài hát anh sáng tác về đất nước này bằng tiếng Việt.

Bài hát đầu tiên và cũng nổi tiếng nhất của anh, Không đường, nói về thói quen ăn ngọt của người Việt. Video bài hát này nhận được hơn 45.400 lượt xem sau khi đăng tải trên trang YouTube mang tên anh hồi đầu năm 2016.

Trong video, Jeremy xách đàn loanh quanh đường phố Sài Gòn nghêu ngao hát: “Sống ở đây, ở Việt Nam, không khó lắm, nhưng mà sẽ khó nếu bạn muốn giảm cân. Cơm và bún khắp nơi, chắc là bạn biết rồi, nhưng có một loại đồ ăn mang tên: đường, là phổ biến nhất”.

Cứ vậy, với chủ đề gần gũi, ý tứ đơn giản, ca từ dí dỏm, những bài hát của Jeremy về chuyện đi xe máy ở Việt Nam, về chuyện ăn thịt chó, chuyện ăn phở... khiến người nghe phì cười rồi yêu thích lúc nào không hay.

Lúc mới đến đây tôi chỉ muốn thử học tiếng Việt và nói sai tè le, nhưng sau đó khi tôi phát âm đúng, mọi người mỉm cười và thấy thú vị. Phản hồi tích cực đó cho tôi nhiều động lực hơn vì ai cũng thân thiện và nhiệt tình chỉ tôi nói” - Jeremy chia sẻ về buổi đầu lúc anh nói “khỏe không?” thành “khoe khèm” làm chẳng ai hiểu gì.

Từ chỗ muốn học thử, Jeremy sau đó nhận ra mình muốn tìm hiểu văn hóa địa phương, muốn ăn món Việt, muốn hòa nhập và ngôn ngữ chính là cách giúp anh làm được điều đó.

Hiện tại ngoài biểu diễn tại các quán cà phê ca nhạc, Jeremy vẫn nuôi ý định sáng tác về Việt Nam mỗi khi có thể.

Từng mất đến 10 tháng chỉ để phân biệt được thanh sắc trong tiếng Việt, để biết dấu hỏi cho chữ “phở”, còn dấu sắc cho chữ “đúng”, vậy mà giờ “gia tài” các bài hát về Việt Nam của anh hiện đã lên con số 8. Jeremy còn có ý định thực hiện một video ca nhạc hoành tráng cho ca khúc The Pho Song, nói về món phở nổi tiếng của Việt Nam.

Tôi viết bài hát về phở vì đây là món khắp thế giới ai cũng biết. Lúc về Mỹ, tôi có biểu diễn bài này và mọi người cũng rất thích” - anh khoe. “Tôi muốn mọi người biết đến các món ăn ở đây.

Tôi nghĩ nếu mình có thể khiến mọi người cười, cho mọi người thấy Việt Nam là nơi rất dễ thương, lúc nào người ta cũng thân thiện sẽ “lôi kéo” được họ đến đây và vui vẻ như tôi vậy - Jeremy trải lòng - Sự thật là cũng có người bạn của tôi chuyển đến đây sống sau khi xem video của tôi. Có những người từng đến Việt Nam rồi, xem video xong thì “trách” tôi làm họ nhớ Việt Nam quá”.

Andrew Davey, còn gọi là Ăn Đu Đủ, ngồi xổm ăn món ăn đường phố Việt Nam
Andrew Davey, còn gọi là Ăn Đu Đủ, ngồi xổm ăn món ăn đường phố Việt Nam

 

Andrew “Ăn Đu Đủ”

Andrew Davey, tên tiếng Việt là Ăn Đu Đủ, tự gọi mình là một “Úc kiều Việt”. “Úc kiều Việt nha, không phải Việt kiều Úc đâu” - chàng kỹ sư thiết kế web hiện đang sống ở Melbourne, vừa cười vừa nói bằng tiếng Việt rõ ràng.

Tiếp xúc với Andrew, rất dễ nhầm tưởng rằng anh đã sống ở Việt Nam lâu rồi vì anh nói tiếng Việt cực kỳ trôi chảy. Tuy nhiên, Andrew chưa thật sự “định cư” ở Việt Nam bao giờ. Mỗi năm anh chỉ sang thăm Việt Nam khoảng 1-2 tháng và nhẩm tính tổng thời gian mình ở Việt Nam được khoảng 9 tháng.

Giải thích về cái tên Ăn Đu Đủ, anh chàng 31 tuổi này tỉnh queo: “Có lần sang Việt Nam, một chú hỏi tên, tôi nói là Andrew, chú ấy hỏi lại “Ăn Đu Đủ hả?” (Andrew phát âm khá giống Ăn Đu Đủ). Vậy là từ đó tới nay tôi có tên là Ăn Đu Đủ. Hơi ngộ nhưng dễ nhớ và nói thật tôi cũng thích ăn đu đủ. Hợp lý ha?”.

Andrew sang Việt Nam lần đầu năm 2009, một chữ tiếng Việt bẻ đôi cũng không biết. Chỉ hai tuần sau, anh đã có thể nói vài câu đơn giản và trả giá khi mua hàng bằng tiếng Việt.

Những tưởng anh chàng chỉ tập nói tiếng Việt cho vui, nhưng suốt từ đó đến nay Andrew ngày càng chứng tỏ sự nghiêm túc của mình khi đeo đuổi việc tự học tiếng Việt đến nay đã bảy năm.

Hiện tại dù sống xa Việt Nam tới mười mấy giờ bay, anh Tây yêu tiếng Việt này vẫn siêng năng đăng tải các video về Việt Nam trên kênh YouTube có hơn 51.600 người theo dõi của mình, khi thì là vlog, lúc thì là bản cover một bài hát Việt Nam, khi khác lại là một sáng tác của chính anh về Việt Nam bằng tiếng Việt, hoặc một bài học tiếng Anh dành cho người Việt. Trong các video, Andrew luôn nói tiếng Việt.

Ấn tượng nhất là các bài hát anh sáng tác bằng tiếng Việt với nhiều chủ đề: Không muốn ăn thịt chó, Vẽ nụ cười, Tôi vẫn còn nhớ, Bài ca mì gói, Tôi chẳng thích các âm sắc...

Bắt đầu hát tiếng Việt từ ba năm trước để luyện vốn từ, giờ đây số lượng bài hát Việt của Andrew đã khá nhiều. Đặc biệt, bài hát Anh yêu em thậm chí còn tạo nên hiện tượng trên mạng vì trong video, Andrew mang theo dòng chữ “Anh yêu em” bằng tiếng Việt đến 7 nước ở châu Phi và châu Âu.

Tôi viết bài hát này bằng tiếng Việt vì tôi biết bài hát này là ngôn ngữ của tình yêu” - Andrew bẽn lẽn.

Ăn Đu Đủ cho biết làm video bằng tiếng Việt là cách rất tốt giúp anh cải thiện tiếng Việt khi phải mở rộng vốn từ, học thêm về văn hóa, tự cải thiện bản thân từ phản hồi của mọi người, dù là lời khen hay “ném đá”. Không chỉ truyền cảm hứng cho người học tiếng Việt qua video, Andrew còn đi dạy tiếng Việt cho một số người có nhu cầu học tại quê nhà của anh vào mỗi cuối tuần.

Thành tích “lang bạt” của chàng Tây này ở Việt Nam cũng khá đáng nể. Anh cho biết mình thường ở Hà Nội và TP.HCM, nhưng từng “đi phượt” nhiều nơi từ Bắc chí Nam... Anh chàng tự gọi mình là “Tây balô đi chơi” này còn sáng tác một bài hát chỉ để kể về những nơi mình đã đi qua và muốn đến ở Việt Nam.

Rafael Ribeiro trong chuyến thăm TP.HCM
Rafael Ribeiro trong chuyến thăm TP.HCM

 

Thầy giáo Brazil ghiền V-pop

Không giống như Jeremy hay Andrew đến Việt Nam rồi tìm thấy cảm hứng và hát về đất nước nơi họ gọi là ngôi nhà thứ hai, Rafael Ribeiro đến từ Brazil “cảm” Việt Nam ngay cả khi anh chưa đặt chân đến nơi này bao giờ.

Hai năm trước, trong một lần tình cờ nghe được ca khúc Em của ngày hôm qua của Sơn Tùng - MTP, Rafael Ribeiro, biệt danh là Rafa RC, ngay lập tức nảy sinh ý định hát lại bài này bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy vẫn thường chuyển thể các bài hát nước ngoài sang tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng chuyển thể một ca khúc tiếng Việt nhiêu khê hơn vì Rafael không rành tiếng Việt.

Do vậy anh phải lần mò tìm bản dịch tiếng Anh của ca khúc và dựa vào đó viết lại bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.

Có khi anh lại chuyển phiên bản tiếng Thổ Nhĩ Kỳ sang tiếng Anh, rồi nhờ bạn bè ở Việt Nam dịch sang tiếng Việt để người xem có thể hiểu được ý nghĩa phần lời mà anh viết lại và so sánh với bài hát gốc.

Từ buổi đầu bỗng nhiên biết đến nhạc Việt như vậy, đến nay anh chàng giáo viên dạy tiếng Anh và Tây Ban Nha này đã có 6 video hát nhạc Việt, chủ yếu là nhạc pop Việt (V-pop), thể loại nhạc mà anh vừa nghe đã thấy thích mà chẳng biết lý do tại sao.

Video được nhiều lượt xem nhất của anh là bản hát lại ca khúc Không phải dạng vừa đâu với hơn 570.550 lượt xem. Với Rafael, mỗi video được đăng trên kênh YouTube của anh là sản phẩm tổng hợp từ ba niềm đam mê: mê hát, mê viết lời bài hát và mê V-pop.

Trong lần đến thăm Việt Nam hồi đầu năm nay, Rafael còn quay video bài Chưa bao giờ do ca sĩ Trung Quân thể hiện.

Không ngần ngại chia sẻ mình phải để dành tiền cả năm rưỡi mới có thể thực hiện chuyến du lịch đến Việt Nam - Thái Lan và Campuchia, Rafael còn cố gắng mang nhiều địa điểm nổi tiếng của Hà Nội như hồ Gươm, tháp Bút... vào video.

Đó không phải là chuyến đi mà tôi có thể thực hiện hằng ngày, do vậy tôi nghĩ sao mình không quay một video ở Việt Nam luôn với phong cảnh Việt Nam? - anh nói - Một vài người ở Brazil sau khi xem MV đó cũng bắt đầu lên Google tìm hiểu về hồ Gươm, về Hà Nội đấy”.

Không chỉ chăm nghe V-pop, Rafael còn siêng năng luyện phát âm tiếng Việt, nhờ bạn bè ở Việt Nam và trên mạng để có thể hát ca khúc bằng cả tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Việt.

Thường anh mất khoảng vài tuần để tập hát một bài tiếng Việt. “Một số bạn bè tôi cũng bắt đầu mê V-pop sau khi nghe các bài hát của tôi - Rafael hào hứng khoe - Có mấy người Brazil còn viết trên Facebook của tôi rằng họ biết đến V-pop nhờ tôi và giờ họ không thể nào dứt ra được”.

Anh khẳng định chắc nịch rằng mình làm video không nhằm mục đích thương mại, mà chỉ là sở thích và thấy vui vì việc đó, dù đôi khi cũng bị stress vì đặt quá nhiều kỳ vọng vào các tác phẩm của mình. “Tôi luôn muốn hoàn thành các tác phẩm thật sớm, muốn đầu tư thật chu đáo, muốn hát tiếng Việt thật hay, nên làm cho vui mà cũng căng thẳng lắm” - anh chàng cười hiền.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận