Chuyện nhỏ mà lớn

MAI HƯƠNG 31/01/2018 22:01 GMT+7

TTCT - Những “travel blogger” như chúng tôi thường đặt cho mình một trách nhiệm nho nhỏ về sự chia sẻ, chứ không phải chỉ giữ những tấm hình hay thước phim đẹp đẽ cho riêng mình.

Minh họa: Ry Nguyễn
Minh họa: Ry Nguyễn

 

1. sẵn sàng đóng cửa công viên quốc gia

Hè vừa qua, tôi lên kế hoạch một chuyến đi lang thang dài ngày ở miền nam Thái Lan, từ Phuket, Krabi tới Trang. Tôi đã rất háo hức để được ghé thăm hồ nước xanh tuyệt đẹp mang tên Blue Pool ở rừng Khlong Thom, Krabi; chiêm ngưỡng vẻ hoang sơ của Marokot Cave ở Trang và ao ước được ngắm cá voi ở đảo Similan Phuket.

Thế nhưng tôi gần như phát hoảng và khó hiểu khi nhận được thông tin từ những văn phòng hướng dẫn du lịch rằng trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 10 hằng năm, Thái Lan sẽ đóng cửa một số công viên quốc gia. Và cả ba nơi tôi háo hức đến nhất đều đã đóng cửa. Cảm giác đầu tiên của tôi khi nhận tin đó là thất vọng và hụt hẫng.

“Không phải tháng 6 - 7 là tháng cao điểm của du lịch Thái Lan sao? Tại sao lại đóng cửa vào mùa du lịch cao điểm như vậy?” - tôi bất lực hỏi Ping - cậu bạn người Thái Lan của mình.

“Ở Thái, người ta gọi giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 10 hằng năm là “monsoon season”. Đây là mùa có gió mùa và mưa nhiệt đới.

Vì thế Thái Lan đóng cửa với du khách để bảo vệ và giúp hệ sinh thái phục hồi. Chúng tôi bảo tồn cả thực vật, sinh vật trên cạn và dưới biển”.

“Nhưng vào mùa cao điểm mà làm vậy sẽ bị hụt một khoản doanh thu lớn từ du lịch đó”. “Du lịch Thái Lan chú trọng lợi ích lâu dài chứ không phải là trước mắt, vui vẻ chấp nhận đi cô gái”.

Rồi Ping kể cho tôi nghe rằng năm 2016, Thái Lan đã đóng cửa đảo Koh Tachai, tỉnh Phangnga do lo ngại sự phát triển du lịch ồ ạt có thể ảnh hưởng tới hòn đảo.

Việc đóng cửa nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của du lịch tới tài nguyên thiên nhiên và môi trường trong vườn quốc gia Similan và khu dự trữ sinh quyển. Các hoạt động du lịch diễn ra mạnh mẽ trong những năm qua đã làm ảnh hưởng nặng nề tới khu vực.

Tôi bất ngờ vì người Thái rất chú trọng phát triển du lịch, nhưng vẫn đặt việc bảo tồn thiên nhiên lên trên hết. Và rồi tôi nhận ra chính hành động đó của người Thái làm tăng sức lôi cuốn cho ngành du lịch nước này chứ không phải nhờ “bêtông hóa” hay xây dựng cáp treo chỗ này chỗ khác.

2. hành động nhỏ của người tài xế

Chuyến hành trình “road trip” 12 ngày rong ruổi trên chiếc van cũ khám phá sa mạc Gobi, Mông Cổ vào mùa thu năm ngoái là một trong những hành trình giúp tôi nhận thức rõ hơn về bốn chữ: du lịch trách nhiệm.

Phải nói, tôi đã học được kha khá bài học và kỹ năng về du lịch trách nhiệm từ Eggiemu - người tài xế của hành trình chúng tôi. Một ngày ba bữa, mỗi khi cả nhóm nấu ăn xong, Eggie đều nghiêm túc nhắc chúng tôi phân loại rác rồi mang đi.

Ban đầu tôi hơi ngạc nhiên, vì vẫn nghĩ mình có thể để lại loại rác hữu cơ trên thảo nguyên, chỉ cần mang theo rác vô cơ. Nhưng Eggie nói rằng rác hữu cơ mặc dù có thể phân hủy nhưng nếu động vật ở đây ăn vào có thể không tốt cho sức khỏe của chúng.

Eggie luôn giữ cho mình sự kiên nhẫn khi lái xe. Dù trên đường chính hay trên thảo nguyên, anh luôn bình tĩnh chờ những đàn gia súc nhẩn nha đi qua đi lại.

Dù gặp cừu, dê, ngựa hay lạc đà, anh không bao giờ cáu giận, bực bội hay cố dùng còi xe, tốc độ để đe dọa những “chướng ngại vật” bất đắc dĩ này nhường đường cho mình...

Không chỉ từ Eggiemu, tôi còn học được vài điều từ ba người bạn đồng hành người Ba Lan của mình. Vào ngày thứ tám của hành trình, xe chúng tôi đến một vùng hoang mạc. Ở đây có rất nhiều rắn đuôi chuông đổi màu sống lẩn khuất trong cát.

Khi phát hiện một con rắn bên vách đá, một người đàn ông Kazakhstan đã nhặt những viên đá để ném vào con rắn. Thấy vậy, những người bạn Ba Lan hết sức phản đối hành động này và kiên trì cho đến khi người đàn ông kia ngưng không ném đá vào rắn nữa.

“Chúng nguy hiểm, nhưng anh có thể đuổi chúng đi bằng cách khác chứ không phải ném đá vào chúng” - người bạn Ba Lan nói.

3. Đại sứ tự nguyện

Mỗi khi bước chân ra thế giới, tôi luôn tự nhắc nhở mình rằng hình ảnh của chúng ta và những gì chúng ta làm sẽ phần nào đại diện cho con người, đất nước Việt Nam. Vì thế, tôi luôn cố gắng nhắc nhở mình mang theo hai chữ “trách nhiệm”.

Việc trang bị kiến thức, hành trang kỹ lưỡng, phù hợp và đầy đủ ở nơi mình sẽ đến, phòng tránh tối đa các rủi ro trên hành trình là trách nhiệm không chỉ với bản thân mà còn với gia đình và những người thân.

Tìm hiểu trước về phong tục tập quán, văn hóa xã hội, tâm linh, pháp luật nơi đến là trách nhiệm với chính vùng đất chúng ta đến.

Để lại ấn tượng là người Việt Nam luôn vui vẻ, hòa đồng, hiếu khách, thân thiện, biết tôn trọng mọi người, yêu quý thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chấp hành đúng quy định, là người du lịch có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng và hình ảnh người Việt Nam.

Tôi không muốn mình góp phần trở thành một “người Việt xấu xí” để các đất nước khác phải dùng ngôn ngữ tiếng Việt cảnh báo nạn trộm cắp và các tính xấu khác như xả rác, ồn ào hay ăn uống dư thừa trong những nhà hàng buffet.

Trước khi đến bộ lạc Tsaatan ở vùng biên giới Nga và Mông Cổ, tôi đã cày nát mục “Taiga” trong cuốn Lonely Plannet: Khi bước vào lều phải đi từ hướng bên trái; không bước qua đồ vật của người Tsaatan; khi ngồi phải giấu lòng bàn chân đi, không để lòng bàn chân hướng vào người khác; không rửa chén bát hoặc giặt quần áo ở nguồn nước nơi người Tsaatan sống.

Bởi vì với những gia đình du lịch và sống tách biệt với thế giới như họ, nguồn nước là một yếu tố quan trọng trong cuộc sống và luôn phải giữ sạch...

Tôi nhớ chuyến đi đáng nhớ đầu tiên của mình: chinh phục Fansipan. Trước khi bắt đầu hành trình, chúng tôi được một sĩ quan quân đội nhắc nhở nghiêm túc về việc giữ ý thức trên cung đường leo núi, kèm những thông điệp thuyết phục.

Và suốt hành trình không thấy rác trên đường, cũng không có ai xả rác. Dĩ nhiên khi đã được trực tiếp nhắc nhở nghiêm túc, tôi nghĩ ai cũng sẽ tự mình du lịch một cách trách nhiệm hơn. Hãy làm những gì có thể, dù nhỏ thôi, để giữ gìn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận