Người lớn xấu xí

NGUYÊN KHA 31/01/2018 23:01 GMT+7

TTCT - ... " Con cảm ơn các cô chú đã dọn dẹp nó thật sạch sẽ cho gia đình con!”...

Phú Quốc đón chúng tôi bằng cái nắng gay gắt của trưa hè oi ả, sau hai lần máy bay hoãn chuyến. Đi tong chuyến lặn biển đầy háo hức mà cả nhà dự định sẽ đi thẳng từ sân bay.

Cảm giác thất vọng, thêm quãng đường gần một tiếng đồng hồ vượt qua ổ gà ổ voi làm chúng tôi mệt mỏi. Cũng đã quá giờ nhận phòng - căn biệt thự riêng mà đứa em rành rẽ của tôi thuê cho cả nhà.

Nhưng lại thêm một lời xin lỗi chào đón chúng tôi: khách trước trả phòng trễ, nhân viên dọn không kịp. Cả mấy gia đình ba thế hệ đông đúc đành vào phòng khách ngồi chờ trong lúc nhân viên dọn phòng vật lộn với đống chén bát bẩn quăng la liệt trên bàn, dưới sàn, thậm chí có cái rớt cả xuống hồ bơi.

Ở đằng này là cái lò nướng barbecue ngã chỏng chơ, tro vương vãi đầy sàn nhà. Ở đằng kia là thùng thức ăn sống còn sót lại những con mực, con sò, con nghêu bắt đầu bốc mùi tanh. Chai lọ, lon bia, rác sinh hoạt nằm khắp nơi trông thật ngao ngán...

Chắc đã có một đại tiệc tưng bừng hết cỡ vào đêm qua để chia tay những ngày vui chơi xả láng của nhóm khách trước. Sự tưng bừng đó giờ được đo đếm bằng những giọt mồ hôi thấm ướt lưng áo các nhân viên dọn phòng...

Mấy ngày nghỉ trôi qua cái vèo, tới lúc mọi người lục tục kéo vali ra khỏi phòng. Tôi - theo thói quen - đi mở hết các hộc tủ xem có ai quên gì không. Tất cả đều trống trơn, ngoại trừ một mảnh giấy nhỏ được xếp cẩn thận trong hộc bàn trang điểm.

Tôi mở ra xem và nhận thấy nét chữ quen thuộc của cô con gái viết rất nắn nót: “Con thích căn biệt thự này lắm. Con cảm ơn các cô chú đã dọn dẹp nó thật sạch sẽ cho gia đình con!”. Rồi con bé kết thúc lá thư theo cách của nó: vẽ một cô bé - chắc là nó - tặng hoa cho một cô mặc đồng phục - chắc là nhân viên dọn phòng.

Tôi cảm động đến rơi nước mắt, đặt sự trân trọng của con bé vào chỗ cũ, mường tượng đến nụ cười của cô nhân viên làm phòng.

Giờ thì tôi hiểu vì sao nó đã lặng lẽ xếp đôi dép đi trong phòng vào tủ, dựng mấy chai xà phòng nằm lăn lóc lên cho thẳng thớm, sửa lại cái rèm cửa cho ngay ngắn... trước khi ra khỏi phòng.

Tinh thần trách nhiệm trong im ắng của một đứa bé con khiến tôi bất giác cảm thấy xấu hổ vì những thói quen xấu xí của không ít người lớn khi bước ra khỏi ngôi nhà của họ: tùy tiện bày bừa khi họ không phải dọn dẹp, thừa mứa lấy thức ăn khi họ không phải trả tiền thêm, hoang phí xài điện nước vô tội vạ như thể sẽ không có tí tác hại nào cho môi trường hay cho bất kỳ ai...

Du khách đôi khi hành động vô tư và vô trách nhiệm như thể rác sẽ tự động biến mất, thức ăn thừa mứa sẽ làm no đủ người đói, điện nước là nguồn tài nguyên bất tận...

Chỉ có điều họ quên mất họ đã làm gương xấu cho trẻ con, biến những hành động xấu xí bất thường thành bình thường trong mắt con em họ, để rồi những hình ảnh xấu xí về du khách Việt trên chính đất Việt và cả khi họ ra nước ngoài vẫn cứ làm người Việt phải xấu hổ.

Đến đây, tôi chợt nhớ tới một câu chuyện đọc đâu đó từ lâu lắm rồi về cuộc nói chuyện giữa hai bà mẹ, khi bà mẹ A chê bà mẹ B là “khờ” vì khai tuổi thật của con khi mua vé vào cổng một điểm tham quan du lịch miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi: “Trông cháu nhỏ con thế kia, chị cứ bảo cháu dưới 6 tuổi cũng chẳng ai biết, sao chị lại bảo cháu 7 tuổi để phải tốn tiền mua vé?”. Bà mẹ B từ tốn trả lời: “Đúng là không ai biết nhưng cháu thì biết rất rõ tuổi của mình, chị ạ”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận