Hạnh phúc khi biết đối diện thực tiễn

XUÂN MINH 29/08/2018 05:08 GMT+7

TTCT - Nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc là điều được khuyến khích. Nhưng đặt ra mục tiêu phấn đấu là hạnh phúc, con người ta lại chịu một áp lực kinh khủng và dễ dẫn đến chới với, thậm chí thất bại...

Ảnh: Yaoyao
Ảnh: Yaoyao

 

Đâu phải sống ở thế giới văn minh hay ở xứ sở giàu có là người ta hạnh phúc. Điều này đã được chứng minh và như chúng ta đã thấy: đất nước Bhutan nghèo khó nhưng người dân vẫn hạnh phúc nhất thế giới đấy thôi. Ngay như ở Mỹ, một khảo sát năm ngoái cho biết chỉ có 33% người trả lời cho biết họ cảm thấy hạnh phúc. Phải chăng hạnh phúc quá khó tìm, dù quyền mưu cầu hạnh phúc đã được đưa vào Tuyên ngôn độc lập của Mỹ?

Biết chấp nhận thất bại

Trong một bài báo đăng trên tạp chí khoa học về cảm xúc, các chuyên gia tâm lý giải thích quá kỳ vọng hạnh phúc có thể làm chúng ta dễ bị ám ảnh hơn với sự thất bại và nỗi buồn trong cuộc sống. Về lâu dài, điều này khiến chúng ta bị căng thẳng. Brock Bastian - nhà tâm lý học xã hội thuộc khoa khoa học tâm lý Trường đại học Melbourne, Úc, đồng tác giả nghiên cứu - cho biết trên tờ Time ngày 10-8-2018: “Hạnh phúc là điều tốt, nhưng khi đó là một mục tiêu phấn đấu thì chúng ta dễ bị thất bại. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nó thay đổi cách chúng ta phản ứng với những cảm xúc và trải nghiệm xấu, khiến họ cảm thấy tệ hơn và dằn vặt nhiều hơn khi thất bại”.

Nhóm của ông Bastian thực hiện hai thí nghiệm, thí nghiệm đầu với một nhóm sinh viên ngành tâm lý học người Úc. Các sinh viên phải sắp xếp 35 chữ bị đảo thứ tự các ký tự trong ba phút mà không được biết là có 15 chữ vô nghĩa (bài tập khó). 39 sinh viên nhóm 1 giải đố chữ trong một căn phòng được trang trí bằng tranh, biểu ngữ và sách có nội dung khuyến khích.

Người quản lý phòng này được yêu cầu phải nói chuyện vui vẻ và chủ động đề cập về tầm quan trọng của hạnh phúc với các sinh viên. Nhóm 2 gồm 39 sinh viên khác giải bài đố chữ tương tự trong một căn phòng bình thường với người phụ trách trung lập. Nhóm 3 gồm 38 sinh viên làm một bài tập dễ dàng trong căn phòng trang trí những thông điệp hạnh phúc như căn phòng đầu tiên.

Sau đó, tất cả đều tham gia bài tập hít thở và trả lời các câu hỏi về suy nghĩ của mình. So với hai nhóm kia, những sinh viên gặp những câu đố khó trong “căn phòng hạnh phúc” có xu hướng trăn trở về thất bại của mình, bị mắc kẹt trong những suy nghĩ về thất bại nhiều hơn và có nhiều cảm xúc tiêu cực hơn. Những người giải bài đố chữ khó trong căn phòng bình thường và những người làm bài tập dễ trong phòng hạnh phúc không có sự khác biệt đáng kể trong suy nghĩ của họ sau bài tập.

Trong thí nghiệm thứ hai, nhóm nghiên cứu phỏng vấn khoảng 200 người trưởng thành về mức độ thường xuyên phải trải qua hay suy nghĩ về những cảm xúc tiêu cực và quan điểm của họ về cách xã hội nhìn nhận những cảm xúc này.

Những người cảm thấy xã hội muốn họ hạnh phúc hoặc xã hội coi thường những cảm xúc như lo lắng, trầm cảm... có nhiều khả năng bị căng thẳng do những cảm xúc tiêu cực, sự hài lòng và hạnh phúc trong cuộc sống bị giảm so với những người khác.

Ông Bastian cho biết: “Khi bị áp lực phải cảm thấy hạnh phúc hoặc cho rằng những người xung quanh tạo cho mình áp lực này, chúng ta dễ bị ám ảnh bởi cảm xúc tiêu cực và thất bại”. Nghiên cứu của Bastian không nhằm lên án nỗ lực để hạnh phúc, mà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu và chấp nhận những cảm xúc không vui.

Chúng ta cần tránh phản ứng tiêu cực về những cảm xúc xấu, vì chúng cũng có giá trị và không làm giảm chất lượng cuộc sống của chúng ta. Trên thực tế, những nghiên cứu gần đây cho thấy trải qua những cảm xúc xấu có thể mang đến hạnh phúc. Theo ông Bastian, thất bại có thể vô giá đối với việc học và sự phát triển. Đó là một phần trên con đường dẫn đến thành công, vì vậy chúng ta cần phải biết cách chấp nhận thất bại.

Quẳng gánh lo đi

Trong nghiên cứu có tên “Làm việc và tối đa hóa kết quả trong quản lý thời gian”, hai chuyên gia về quản lý thời gian là Selin A. Malkoc và Gabriela Tonietto khuyên chúng ta nếu muốn hạnh phúc hơn thì không nên lập kế hoạch quá chi tiết, dù là cho công việc hay giải trí.

Theo họ, chúng ta không hạnh phúc do sự mâu thuẫn của hai mục tiêu: tối đa số lượng công việc cần hoàn thành và tối đa hóa sự hài lòng. Hai mục tiêu trên trong nhiều trường hợp không tương đồng với nhau, nghĩa là hoàn thành một danh sách dài công việc cũng có thể không khiến chúng ta hài lòng. Lời khuyên của Malkoc và Tonietto là hãy cân bằng hai mục tiêu trên và tìm cách tối đa hóa sự hài lòng. Sau đây là lời khuyên của chuyên gia:

Từng việc một

Nghiên cứu đã chứng minh đối với các vấn đề lớn, làm nhiều việc cùng lúc không mang lại kết quả tốt. Ngược lại, nó phân tán sự tập trung của chúng ta. Cuối cùng là chất lượng công việc giảm đi. Thay vì lên danh sách nhiều hoạt động vào một lịch trình sít sao, chi li từng phút, hãy tập trung vào những việc cần ưu tiên. Bằng cách đó, chúng ta có thể hoàn thành tốt những việc quan trọng.

Chia thời gian thích hợp

Thời hạn chót giúp chúng ta làm việc có hiệu suất hơn, tuy nhiên tránh “nước tới chân mới nhảy”. Nghiên cứu của hai tác giả đưa ra ví dụ về trường hợp những sinh viên ôn tập dần suốt học kỳ có điểm số cao hơn so với những người cuống cuồng học vào cuối học kỳ.

Khi thư giãn, để tăng sự hài lòng, đừng lên kế hoạch chi tiết

Hoạt động giải trí nào bị ràng buộc về thời gian bắt đầu hoặc kết thúc đều mâu thuẫn với bản chất tự do, thoải mái của việc giải trí, khiến giải trí giống như công việc. Các chuyên gia khuyên chúng ta chỉ đề ra một kế hoạch sơ sài cho những hoạt động thư giãn. Ví dụ, lên kế hoạch đi ăn tối “sau giờ làm” thay vì ăn tối lúc 6h. Nghiên cứu cho thấy mức độ thỏa mãn của hoạt động giải trí được kế hoạch sơ lược tương đương với giải trí do ngẫu hứng.

Không dừng cuộc vui đột ngột

Kết thúc cuộc vui đúng giờ có thể làm giảm sự hài lòng trước đó của người tham dự. Nó gạt đi những giây phút thú vị đã có, đồng thời làm chúng ta mất tập trung vào những gì sắp diễn ra. Tốt nhất là nên dự phòng một khoảng thời gian trống giữa giải trí và công việc, hoặc không nên sắp xếp công việc ngay sau một hoạt động vui chơi.

Tập trung vào hiện tại

Nếu muốn thực sự tận hưởng một cuộc vui, tâm trí chúng ta bắt buộc ở đó. Trong một thử nghiệm, các nhà nghiên cứu cho hai nhóm người xem một video hài. Nhóm đầu được tiết lộ sau đó họ sẽ được xem một video clip hài khác thú vị không kém, trong khi nhóm 2 không được biết thông tin này. Kết quả, những người nhóm 1 ít thích thú với video đầu hơn so với nhóm 2, vì họ mong đợi ở video clip 2 mà quên tận hưởng video clip 1. Trong nhiều lĩnh vực khác ở cuộc sống, các chuyên gia khuyên hãy sống hết mình với giây phút trong hiện tại.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận