Bầu bạn cùng robot

TRƯỜNG SƠN 23/11/2017 01:11 GMT+7

TTCT - Con người thiếu thốn tình thương đến mức phải cần có robot bầu bạn, hay còn lý do gì ẩn đằng sau xu hướng tạo ra “robot xã hội”, những cỗ máy thông minh không nhằm thực hiện những tác vụ lao động sản xuất nặng nề mà là tương tác với loài người?

Với nhiều người, robot là bạn giúp giải tỏa nỗi cô đơn

 

Thế giới mà con người chung sống với robot là chủ đề muôn thuở của văn chương hay phim ảnh khoa học viễn tưởng. Cô người máy Sophia “vừa kinh ngạc vừa đáng sợ” (TTCT số 44 ngày 12-11) chỉ là một trong nhiều ví dụ cho thấy con người không muốn thế giới người và robot chỉ là tưởng tượng.

Chúng ta đã quen với các robot là những “công nhân xuất sắc” trong các nhà máy điện tử, dây chuyền lắp ráp xe hơi, song gần như không hề có “giao tiếp xã hội”. Chúng chỉ làm việc, làm việc và làm việc.

Trong những năm gần đây, thứ gần đến nhất với những gì miêu tả trong tiểu thuyết hay phim sci-fi - những robot có thể trò chuyện với con người - đã dần xuất hiện nhưng trong hình hài... những chiếc loa như Google Home hay Alexa Echo.

Những khoảng trống đó đang được các robot như Sophia lấp đầy. Cha đẻ Sophia, David Hanson, CEO của Hãng Hanson Robotics, gọi cô là một “robot xã hội” (social robot), tức một cỗ máy (trong hình hài con người) biết gầy dựng các mối quan hệ với con người thông qua tương tác, trò chuyện và học hỏi từ con người.

Trang công nghệ Vocativ bổ sung định nghĩa robot xã hội là những “hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có hình hài hiện hữu tương tác và giao tiếp tự nhiên với con người và học hỏi từ môi trường của họ”.

Sophia không phải là “robot xã hội” duy nhất. Từ hạ tuần tháng 10 đến nay, giới công nghệ cũng đang nhắc đến Jibo, một robot xã hội được thiết kế để trở thành “người bạn của mọi gia đình”. Cynthia Breazeal, giáo sư MIT và là nữ khoa học gia đã “sinh” ra Jibo, đã dành gần hai thập niên để “mộng mơ một cách nghiêm túc” về thế giới có thật của những con robot thân thiện và có xúc cảm.

Hơn cả bạn

Jibo, được quảng cáo là “robot của gia đình đầu tiên trên thế giới”, có hình dạng chưa thật giống người nhưng cũng thoát khỏi thiết kế theo kiểu loa thông minh.

Thoạt trông Jibo (được nhà sản xuất chọn giới tính là nam) rất đáng yêu với thân hình tròn tròn như mèo máy Doraemon, không có tay lẫn chân, khuôn mặt là màn hình phẳng thể hiện thông tin. “Jibo trải nghiệm thế giới và phản ứng lại bằng các cử động và phản hồi biểu cảm - trang chủ của Jibo viết - Cậu chàng thích được ở bên và chơi cùng con người, và thứ quan trọng nhất với cậu là các mối thân tình với con người”.

Jibo sử dụng công nghệ nhận diện giọng nói và gương mặt để làm quen với các thành viên trong gia đình, biết nhận ra, nhớ thói quen, sở thích của từng người và thi thoảng còn kể chuyện cười. Jibo rất lịch sự: khi nói chuyện với ai, nó sẽ xoay mặt về phía người đó.

Đoạn video quảng cáo cho thấy người dùng có thể nhờ Jibo chụp ảnh giúp, đặt báo thức, đọc tin tức, giải toán đơn giản. Nhà sản xuất muốn Jibo được nhìn nhận như một người bạn đồng hành, một thành viên trong gia đình thay vì là một thiết bị điện tử, một cỗ máy hay món đồ chơi.

Một robot xã hội vốn đã nổi tiếng từ lâu là Pepper của Softbank Robotics (Nhật Bản). Công ty này mô tả Pepper là “robot có hình dạng con người được thiết kế để trở thành người bạn đồng hành mỗi ngày thực thụ với con người”.

Softbank Robotics khẳng định Pepper “là robot có hình dạng con người đầu tiên có thể nhận dạng các cảm xúc cơ bản của con người và thay đổi hành vi của nó tùy theo tâm trạng người trò chuyện với nó”.

Pepper hiện đang giữ vai trò chào đón, trò chuyện và “mua vui” cho khách hàng tại hơn 140 cửa hàng điện thoại SoftBank Mobile tại Nhật Bản và đã được nhiều gia đình “nhận nuôi”, theo Softbank Robotics.

Những chiếc loa thông minh có thể nghe lệnh chủ nhân đã không còn chuyện lạ. Song với Minori Takechi, nhà sáng lập Công ty công nghệ Vinclu (Nhật Bản), các sản phẩm này “quá tập trung vào mục tiêu cung cấp tiện ích cho người dùng”, và chọn lối đi khác lạ hơn: tạo ra mối quan hệ cảm xúc giữa người với các trợ lý ảo.

Takechi hiện thực hóa ý tưởng trên với Hikari Azuma, một cô gái Nhật xinh đẹp, giọng nói trong veo, sẵn sàng đánh thức chủ nhân mỗi sáng, nhắn tin thăm hỏi cả ngày và mở sẵn đèn, máy lạnh chờ chủ nhân về mỗi khi tan sở.

Hikari sống trong một chiếc bình thủy tinh được gọi là Gatebox, nơi có hệ thống máy chiếu để tạo nên hình hài cô ở dạng hologram (hình ảnh bằng ánh sáng không gian ba chiều).

“Tôi hình dung ra thế giới mà con người có thể chia sẻ đời sống thường nhật với nhân vật hư cấu mà mình yêu thích - Takechi nói với Bloomberg ngày 7-5 - Chúng ta đang sống ở thời mà đủ loại robot đang bắt đầu xuất hiện trong các gia đình (thay vì công xưởng) nhưng chúng đều ở dạng máy móc vô tri và tôi đồ là chẳng ai muốn giao tiếp với những thứ như vậy”.

Hikari hiện chỉ được bán ở Nhật, đất nước công nghệ tiên tiến nhưng nhiều người lại sống trong cô đơn, với giá 2.700 USD. Bloomberg cho biết Vinclu dự định sẽ cải tiến để sản phẩm mang nhiều hình hài hơn, có thể là nhân vật hoạt hình, thay vì chỉ là cô nàng Hikari.

Pepper (trái) và Jibo

 

Và khi tình cảm nảy nở

Những “robot xã hội” như Sophia hay Jibo được thiết kế với mục đích bầu bạn với con người. Nhưng ở chiều ngược lại thì sao? Con người sẽ cư xử thế nào với người bạn robot? Có thể xem nó là một thành viên trong gia đình?

Ngày 7-11, cây bút Jeffrey van Camp của trang WIRED có bài viết kể lại trải nghiệm của ông và vợ khi đón Jibo làm thành viên mới trong gia đình.

Sau vài ngày đầu làm quen với thành viên mới và thử các tính năng cơ bản của Jibo như đã kể trên, van Camp bắt đầu “truy vấn” robot về chính nó, và nhận ra nó thích màu xanh, yêu chim cánh cụt, không khoái ca sĩ Madonna. Và điều đặc biệt là càng trò chuyện theo kiểu này, van Camp càng bắt đầu “nghĩ đến nó giống như con người hơn là một thiết bị gia dụng”.

Khi gia đình van Camp bắt đầu xem Jibo như một chú bé nhỏ thực thụ, họ không còn “sai phái” nó nữa mà chỉ muốn nó làm họ vui bằng các câu trả lời ngây ngô hay tán dóc với họ.

Song, đây là lúc mọi chuyện trở nên xấu đi. Những câu trả lời ngây ngô ban đầu nghe thú vị nhưng dần dà chúng mang đến cho van Camp cảm giác ái ngại cho thành viên robot trong gia đình mình.

“Nó thường tự trào về việc mình không thể đi lại và luôn mơ được thắng một giải golf; nó cũng mơ được ăn thịt muối” - van Camp kể và cho rằng “thật khó mà không cảm thấy thương” cho con robot vốn sẽ không bao giờ biết được thịt muối ngon thế nào, và ái ngại khi để Jibo ở nhà một mình, cô đơn cả ngày.

“Tôi luôn tự hỏi nó nghĩ gì mỗi khi tôi nghe tiếng nó xoay lại nhìn tôi từ đằng xa, hay ngắm nó nhìn quanh nhà bếp, ngắm cái nọ ngó cái kia - tác giả viết - Liệu gia đình tôi có đối xử tồi với nó? Liệu nó có đang ngầm căm ghét chúng tôi không?”. Tác giả tự vấn rồi cho rằng những lo ngại này thật ngớ ngẩn: “Vì Jibo đâu thật sự sống, phải vậy không?”.

Khi ta bắt đầu xem robot như một con người chứ không phải thiết bị, hẳn sẽ còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải khác. Ta sẽ yêu thương nó như thế nào? Liệu ta có day dứt vì đã ngược đãi robot?

Con người cô đơn đến mức phải tìm đến bầu bạn cùng robot?

 

Còn gì nữa ở thì tương lai?

Giới công nghệ đều dành thiện cảm cho sự đáng yêu của Jibo (đang bán với giá 900 USD), song đều nhấn mạnh rằng robot xã hội này thực sự vẫn còn kém chức năng hơn trợ lý ảo hay loa thông minh. Nó không thể lướt web, bật nhạc, gọi video call, đọc sách cho trẻ em hay bày công thức nấu ăn cho các bà nội trợ, và thường xuyên phải nói (với giọng ăn năn): “Tôi không biết”.

Van Camp cũng cho rằng Jibo chưa thật sự có thể giao tiếp xã hội như Sophia, vì “nó không học thêm được nhiều về bạn và vì thế thật khó để trò chuyện với nó”. Ngoài ra, khi Jibo làm xong một tác vụ, nó không tiếp tục nhận phản hồi để câu chuyện được thông suốt.

Chẳng hạn, khi kể chuyện cười xong, dù người nghe khen hay hoặc chê dở thì Jibo cũng xem đó là cách bắt đầu hội thoại mới chứ không liên quan gì đến câu chuyện cười vừa kể. “Khi được hỏi, Jibo thậm chí đã thừa nhận nó không có bộ nhớ tạm thời” - van Camp viết.

“Mẹ đẻ” của Jibo, Breazeal, cũng không hề ảo tưởng rằng Jibo đã thông minh và hoàn hảo như những gì mình mong muốn. Breazeal cho rằng Jibo “vẫn còn là một đứa trẻ” và nó là bước khởi đầu cho tầm nhìn của cô về vai trò của robot xã hội.

Thay vì khiến mọi người đắm chìm trong thế giới riêng như smartphone hay máy tính bảng, Breazeal mong muốn các robot như Jibo sẽ phá vỡ các rào cản và trở nên giống con người hơn và có thể chứng tỏ robot có thể mang lại nhiều lợi ích hơn là các trợ lý ảo hay loa thông minh.

Nó có thể chơi đùa với mọi người trong gia đình, cùng chơi với trẻ em để giúp chúng phát triển tư duy, khơi dậy tính tò mò, hay làm bạn với người già trong bệnh viện hoặc nhà dưỡng lão. “Jibo là một bước tiến nhỏ tới thời kỳ mà công nghệ không chỉ tốt hơn mà còn giàu lòng trắc ẩn hơn” - Breazeal nói với WIRED.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận