Thành phố thông minh để sống tốt hơn

TRƯỜNG SƠN 03/12/2017 05:12 GMT+7

TTCT - Làn sóng tái phát minh (reinvention) thành phố được dự đoán sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong năm 2017 theo hướng thông minh, tăng cường tiện ích. Nhưng công nghệ chưa phải là tất cả.

thông inh và thông minh hơn

Nhiều chuyên gia đô thị học khuyến nghị rằng thành phố thông minh không phải chỉ là mang công nghệ đến từng ngóc ngách để rồi thành phố dù hiện đại nhưng trở nên vô hồn. Điều quan trọng là ứng dụng công nghệ nhưng vẫn giữ được hồn cốt của một đô thị đúng nghĩa, và con người phải là trung tâm của đô thị thế hệ mới chứ không phải công nghệ số.

Đô thị đa trung tâm

Tại khắp nơi trên thế giới, ngày càng có nhiều người đổ xô về thành thị để có cơ hội nghề nghiệp, học hành ổn định hơn.

Tạp chí DE Magazin Deutschland của Đức thậm chí còn cho rằng loài người đang chứng kiến “cuộc di dân về đô thị lớn nhất trong lịch sử”, với khoảng 2-3 tỉ người dự kiến sẽ trở thành thị dân trong vài thập niên tới.

Làn sóng di cư đến thị thành này là yếu tố quan trọng buộc các đô thị phải làm mới mình theo hướng thông minh và thông minh hơn nữa. “Chỉ cần thêm 700 triệu người khắp thế giới chuyển sang sống ở thành thị trong 10 năm nữa, nhiều nơi sẽ chứng kiến sự sụp đổ hạ tầng vì quá tải” - DE Magazin Deutschland cảnh báo.

Thực tế, theo Công ty tư vấn McKinsey, đến năm 2025 mức đầu tư cho năng lượng, nước sinh hoạt và xử lý nước thải, hệ thống giao thông nội ô ở các thành phố lớn sẽ gấp đôi con số 10.000 tỉ USD năm 2013.

Các nhà quy hoạch thành phố tương lai cũng hướng đến việc thay các siêu đô thị choáng ngợp bằng nhiều đô thị đa trung tâm (polycentric) quy mô nhỏ hơn. Đô thị đa trung tâm, đúng như tên gọi, là kiểu thành phố mà cư dân phân bố đồng đều, không tập trung vào một trung tâm (thủ phủ) nào cả.

Theo các chuyên gia đô thị học, các thành phố này sẽ cho phép các ngành công nghiệp đặt nhà máy ngay bên cạnh khu dân cư vì những nhà máy này không phát ra tiếng ồn mà cũng chẳng thải khí độc nhờ các phương thức sản xuất thông minh mới như in 3D.

“Có thể gọi đó là thời phục hưng của mô hình căn hộ - nhà xưởng cùng hoạt động trong một khu dân cư ở Berlin hồi thế kỷ 19” - DE Magazin Deutschland bình luận.

Thành phố thông minh tương lai

Tất cả bắt đầu từ... thông minh

DE Magazin Deutschland cho rằng có bảy yếu tố cấu thành nên thành phố thông minh trong tương lai. Mỗi yếu tố cũng bắt đầu bằng chữ “thông minh”, từ lối sống, đi lại, sức khỏe đến học hành, quản trị công, môi trường và nền kinh tế, được hiện thực hóa bằng các công nghệ như dữ liệu lớn (big data) và Internet of things (IoT).

Yếu tố đầu tiên là “cuộc sống thông minh”, khi vạn vật có thể giao tiếp với nhau thông qua Internet mà không cần con người phải can thiệp.

Thùng rác ở mỗi gia đình biết nhắn tin cho xe rác đến lấy mỗi khi đầy, chiếc tủ lạnh trong bếp biết đặt bữa tối qua mạng, đèn ngủ, tivi biết tự bật mỗi khi gia chủ có nhu cầu sử dụng.

Giao thông - mạch máu của mọi đô thị - cũng thông minh hóa để chống kẹt xe và giảm khí thải nhờ các hệ thống giao thông được kết nối với nhau, xe tự lái, đèn đường thông minh, đường sá có khả năng tự cảnh báo khi sắp hư hỏng. Sở hữu xe cá nhân sẽ giảm nhờ sự bùng nổ của ứng dụng đi chung xe.

Ở thành phố của tương lai, cư dân cũng sẽ được chăm sóc sức khỏe thông minh thông qua hệ thống “y tế từ xa” (telemedicine) - thăm khám, chẩn đoán và kê thuốc, tất cả đều được thực hiện qua mạng, bệnh nhân không cần tốn công đi gặp bác sĩ.

Thành phố thông minh đòi hỏi nền quản trị thông minh. Chính phủ điện tử chắc chắn sẽ là phần không thể thiếu.

Dữ liệu lớn thu thập từ hệ thống camera quan sát và cảm biến đặt khắp thành phố, ghi nhận từ lưu lượng giao thông đến tình trạng mặt đường giúp chính quyền đưa ra các quyết định phù hợp, kịp thời. Các chính sách, quyết định chính trị sẽ được thông qua chỉ bằng một cú “click”, chính quyền quản trị qua mạng, người dân được tham gia vào việc quản trị nhiều hơn và chẳng phải cất công đến các cơ quan hành chính.

City project

Đừng xây nhà từ nóc

Một vấn đề lớn mà các dự án xây dựng thành phố thông minh hiện tại hay mắc phải chính là công nghệ đang được sử dụng để giải quyết các vấn đề chưa cần ưu tiên hoặc thậm chí chưa từng tồn tại.

Chẳng hạn vấn đề đậu xe thông minh (xe cộ tự kết nối với các bãi xe để biết còn chỗ trống hay không) dù cần thiết nhưng không thực sự quan trọng bằng các vấn đề cần ưu tiên hơn như tác động môi trường hoặc tài nguyên ngày càng khan hiếm.

Theo The Guardian, các thành phố thông minh nên được xây dựng từ dưới lên, tức đi từ những gì cốt lõi nhất, thay vì “xây nhà từ nóc”.

Theo đó, công nghệ, đặc biệt là các giải pháp IoT, cần được ưu tiên cho các dịch vụ cơ bản nhưng quan trọng nhất của một thành phố, chẳng hạn như quản lý chất thải hoặc giao thông. Theo The Guardian, thành phố Fujisawa (Nhật Bản) là ví dụ điển hình của việc “thiết kế đô thị từ gốc”. Tại thành phố này, mỗi ngôi nhà có thể tự tạo điện năng và đường phố cũng được thiết kế để giảm mức tiêu thụ năng lượng.

The Guardian cũng dẫn lời nhiều chuyên gia đề xuất các bước cần thiết để xây dựng thành phố thông minh hiệu quả. Ví dụ đừng mải mê tìm cách giải quyết chuyện kẹt xe bằng cách lắp các hệ thống cảm ứng, quan sát..., giải pháp cốt lõi nhất vẫn là xây dựng hệ thống giao thông công cộng tốt hơn.

Tiếp theo, các dự án nên vạch ra tầm nhìn mà ai cũng có thể dự phần, thay vì vẽ nên nhiều viễn cảnh mà người dân cảm thấy xa lạ và không muốn tham gia. Các dự án cần được xây dựng theo hướng cộng đồng có thể chung tay góp sức.

Ngoài ra, theo trang tin công nghệ Information Age, để các giải pháp IoT có thể thực sự phát huy hiệu quả, điều tiên quyết là phải có hạ tầng Internet tốt, mà tối ưu nhất là đầu tư vào thế hệ mạng 5G, vì đây chính là “chìa khóa thành công của bất kỳ thành phố thông minh nào”.

thông minh hơn nữa

Con người phải là trung tâm

Martin zur Nedden, giám đốc điều hành Viện Vấn đề đô thị Đức (DIFU), cho rằng “nền kinh tế chia sẻ” (cốt lõi là các ứng dụng như Uber hay Airbnb) và “sự tham gia của công dân” cũng chính là các trụ cột của “thành phố của tương lai”.

Song, ông Nedden cũng nhấn mạnh rằng dù công nghệ là một phần không thể thiếu của thành phố thông minh, có những hồn cốt mà mọi đô thị phải gìn giữ, dù chúng có thông minh, hiện đại đến mức nào: tính lịch sử, sự tự do, lối sống đô thị, chất lượng thiết kế kiến trúc và quy hoạch.

Armin Grunwald, chuyên gia thẩm định tác động của công nghệ thuộc Viện Công nghệ Karlsruhe (Đức), cũng cảnh báo không nên xây dựng “thành phố của ngày mai” theo lối chỉ chăm chăm vào công nghệ. Trái lại, Grunwald nhấn mạnh “cư dân phải là trọng tâm của thành phố trong tương lai”.

Grunwald cho rằng các nhà xây dựng đô thị cần chú trọng đến những vấn đề như mối liên hệ giữa thành phố và quốc gia, tính bền vững, mức độ hòa nhập xã hội, văn hóa đô thị, xung đột giữa con người và công nghệ.

Chuyên gia này vì thế đề xuất khái niệm “cộng sinh”, ở đó “công nghệ được phát triển không phải dành cho con người mà là để cùng tồn tại với con người”.

DE Magazin Deutschland cho rằng mô hình cộng sinh giữa con người và công nghệ đang được áp dụng ở thành phố Wuppertal (bang North Rhine-Westphalia, Đức), nơi các nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu khí hậu, môi trường và năng lượng Wuppertal đang thay đổi đô thị một cách thiết thực thông qua các hình thức đi lại mới.

Giám đốc viện, ông Uwe Schneidewind tin rằng trong tương lai hoàn toàn có thể “giảm lượng sở hữu xe hơi ở Wuppertal còn 1/10 số lượng hiện tại” với sự trợ giúp của các công nghệ mới, chẳng hạn như xe không người lái, mô hình đi chung xe như Uber. “Không gian đô thị sẽ được thay đổi sâu sắc nhờ các giải pháp giao thông thông minh này” - ông Schneidewind khẳng định.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận