“Phi thuyền" của Vinh và câu chuyện môi trường sáng tạo 

THANH HÀ 19/12/2017 21:12 GMT+7

TTCT - Khoảng cuối tháng 1-2018, từ thị trấn Alice Spring (Úc), khí cụ bay không người lái do một bạn trẻ người Việt Nam - Phạm Gia Vinh nghiên cứu, thiết kế và lắp đặt sẽ thực hiện một chuyến bay thử nghiệm.

Vật thể bay không người lái tầng bình lưu của Phạm Gia Vinh tại triển lãm hàng không quốc tế ở Singapore. -Ảnh do nhân vật cung cấp
Vật thể bay không người lái tầng bình lưu của Phạm Gia Vinh tại triển lãm hàng không quốc tế ở Singapore. -Ảnh do nhân vật cung cấp

 Đây là một lần thử nghiệm quan trọng đối với thiết bị và nhóm thiết kế để cơ quan quản lý hàng không của Úc đánh giá mức độ an toàn của thiết bị và công nghệ tiến tới quyết định cho phép con người bay bằng thiết bị này lên không trung.

Bình luận về sự kiện này, nhiều người quan tâm đến môi trường sáng tạo, nghiên cứu ở Việt Nam đã phải chua chát nói: “Đám trẻ luôn thích nghiên cứu, sáng tạo nhưng khi có “đồ chơi” thì phải mang ra nước ngoài mà nghịch!”.

Với nhiều quốc gia, việc nghiên cứu, sáng chế nhiều khi chỉ nghịch thôi, cũng cần được ủng hộ, cổ xúy, bởi sự “nghịch ngợm” ấy chính là chiếc nôi nuôi dưỡng sự hứng khởi sáng tạo, sáng chế.

Ước mơ bay của Vinh

Trong những ngày này, Phạm Gia Vinh (sinh năm 1983) và các cộng sự tại Công ty Đông Giang của mình cũng như các đối tác nước ngoài đang khẩn trương chuẩn bị cho chuyến bay thử nghiệm tại Úc.

Chuyến bay thử nghiệm được thực hiện với sự cho phép của Cơ quan Quản lý an toàn hàng không dân dụng Úc (CASA) nhằm chứng minh với cơ quan quản lý của Chính phủ Úc về mức độ an toàn theo các tiêu chuẩn kỹ thuật, đồng thời để kiểm tra một số thiết bị theo yêu cầu của phía Úc.

Nếu công nghệ và thiết bị của khí cụ bay không người lái tầng bình lưu do Vinh chủ trì thiết kế được công nhận mức độ an toàn theo quy định, CASA sẽ cho phép khí cụ bay được mang theo người bay lên tầng bình lưu trong năm 2018, Phạm Gia Vinh chia sẻ với TTCT.

Dự án chế tạo khí cụ bay không người lái được anh bắt đầu triển khai cách đây 4 năm. Dự án là sự kết hợp giữa Công ty Đông Giang Việt Nam do Vinh làm giám đốc và một công ty khác ở nước ngoài.

Ý tưởng bắt đầu từ việc làm sao đưa được thiết bị nghiên cứu khoa học lên tầng bình lưu và thu hồi về một cách an toàn và có kiểm soát. Thiết bị bay lên được tầng bình lưu nhờ vào một loại khí cầu đặc biệt.

Những ngày đầu năm 2015, Vinh âm thầm mang khí cụ đi nước ngoài bay thử. Anh phối hợp với một công ty công nghệ của Singapore, trường đại học và viện nghiên cứu của nước này tiến hành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên.

Ngoài việc bay thử thiết bị, Phạm Gia Vinh còn kết hợp với bệnh viện ở Singapore làm thí nghiệm trên chuột bạch nhằm kiểm tra biến đổi ở cấp độ tế bào trên môi trường cận vũ trụ (near space) để tiến tới bào chế thuốc.

Ngày 13-5-2015, “phi thuyền” của Phạm Gia Vinh chế tạo có khối lượng 200kg đã mang thành công chuột bạch vào không gian ở độ cao 29,5km trong cuộc thử nghiệm bay tại thành phố Hyderabad (Ấn Độ).

Sau gần 2 tiếng đồng hồ bay ở độ cao cận vũ trụ với mục đích kiểm tra lần nữa các thiết bị hỗ trợ sự sống, thông tin liên lạc và kiểm soát, thiết bị bay đã mang theo ba con chuột trở về Trái đất an toàn. Hãng tin Chanel News Asia đã tường thuật đậm nét về sự kiện này.

Chỉ trong hơn nửa năm sau đó, Phạm Gia Vinh cùng các cộng sự của mình đã chế tạo thành công một “phi thuyền” khác, có trọng lượng 600kg, với trần bay từ 30-50km, thời gian bay có thể lên tới một tuần. Thiết bị bay của Phạm Gia Vinh đã sẵn sàng cho thử thách mới: thử nghiệm đưa con người bay lên không trung.

Phạm Gia Vinh
Phạm Gia Vinh

 Bay đông bay tây, trừ Việt Nam!?

Từ năm 2015, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc gặp gỡ với Phạm Gia Vinh để nghe anh trực tiếp trình bày nghiên cứu cũng như những dự định liên quan đến dự án khoa học đầy tham vọng của chàng trai trẻ đam mê bay.

Sau đó, nguyên bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cùng các chuyên gia khoa học hàng không cũng đã có buổi gặp gỡ Phạm Gia Vinh để lắng nghe đề xuất, giúp đỡ anh trong quá trình chế tạo và thử nghiệm khí cụ bay tầng bình lưu.

Chia sẻ khát khao nghiên cứu và kết quả bước đầu của dự án do Phạm Gia Vinh chủ trì, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị Bộ Quốc phòng xem xét, cấp phép bay thử nghiệm trình diễn khí cụ bay tầng bình lưu của Vinh theo quy định hiện hành. Nhưng rồi chuyện được bay thử nghiệm tại Việt Nam vẫn là ước mơ của Phạm Gia Vinh.

Tại sao không thể bay thử nghiệm ở Việt Nam? Trả lời câu hỏi này, Vinh thẳng thắn chia sẻ: Do chưa được cấp phép.

Lý giải về nguyên nhân cơ quan chức năng chưa cho phép thiết bị bay của mình bay thử nghiệm, Vinh cho rằng: “Do thiết bị đang trong quá trình thử nghiệm, mọi việc đều có thể xảy ra kể cả những trường hợp xấu.

Trong khi hiện tại ở Việt Nam chưa có các cơ chế bảo hiểm cho các chương trình nghiên cứu tương tự, các ngành phụ trợ phục vụ cho các nghiên cứu hàng không vũ trụ còn hạn chế”. Suy nghĩ một lát, Vinh nói thêm: “Ngoài ra một bộ phận dư luận cũng có phần ít bao dung hơn đối với những vấp váp có thể xảy ra của các công trình nghiên cứu khoa học”.

Vậy tại sao không thể thử nghiệm tại Việt Nam nhưng có thể thuyết phục Ấn Độ, Úc... cho thử nghiệm?

Vinh không ngần ngại bày tỏ suy nghĩ của mình: “Về mặt pháp lý, khi luật không quy định cấm, hoặc việc nghiên cứu, thử nghiệm chưa có tiền lệ thì các cơ quan liên quan sẵn sàng hỗ trợ, lắng nghe và hướng dẫn để tìm ra các quy định phù hợp hoặc tạo hành lang pháp lý tạm thời để triển khai thử nghiệm.

Trong khi ở nước ta, vẫn còn suy nghĩ sợ chịu trách nhiệm hoặc thờ ơ khi không thấy có lợi ích cá nhân trong việc thực hiện một việc “ngoài vòng an toàn””.

Vinh cũng nói thêm: “Đi đâu cũng đón nhận những ánh mắt hoài nghi, bị cho rằng ý tưởng điên rồ, ngựa non háu đá”.

Trước sau như một, khi được sự quan tâm của Bộ KH&CN và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trước đây, Vinh vẫn chỉ tha thiết trình bày nguyện vọng được bay thử nghiệm ở Việt Nam chứ không phải muốn được hỗ trợ đầu tư nghiên cứu phát triển bởi vì không muốn bị hoài nghi, đánh giá là “vẽ ra để lấy tiền Nhà nước”.

“Mới bước đi mà bị đánh vào chân thì đi sao nổi”!

Kể về chuyện những lần đi xin phép bay thử nghiệm ở Ấn Độ, Úc, Vinh nói: “Họ sẵn sàng “chịu trách nhiệm” và từ đó cũng sẵn sàng mở hành lang tạm thời về pháp lý cho những nghiên cứu công nghệ cao dù có rủi ro.

Lẽ ra, tôi phải gặp khó khăn nhiều hơn khi đi xin phép ở Ấn Độ, Úc vì Đông Giang là một công ty Việt Nam. Nhưng ngược lại, họ lại có các cơ chế linh động hơn, con người cũng tin tưởng nhau hơn”.

Từ câu chuyện của mình, Vinh cho rằng: “Không chỉ đối với những nhà nghiên cứu trẻ, các startup trẻ như chúng tôi mà cả những nhà khoa học không còn trẻ, các nhà sáng tạo không chuyên..., chúng tôi cần lắm một không gian sáng tạo với những khoảng không sẵn sàng dành cho rủi ro, thất bại...

Bởi trong nghiên cứu khoa học, không thể đảm bảo tất cả đều thành công. Nhưng nếu không bao giờ đi thì sẽ không bao giờ đến đích. Đi có thể lệch hướng, có thể chậm, có thể nhanh, vừa đi vừa điều chỉnh...

Còn nếu mới bước đi đã bị đánh vào chân thì đi sao nổi, chẳng thể đi đến đâu. Đồng thời, đánh giá về nghiên cứu khoa học, phải nhìn từ những góc độ khác nữa chứ không chỉ có góc độ kinh tế ngắn hạn, hiệu quả kinh tế trước mắt. Muốn thế cơ chế quản lý đối với nghiên cứu phát triển vừa cần có cơ chế chặt chẽ hơn nhưng đồng thời cần phải thông thoáng hơn, linh động hơn.

Không thể đòi hỏi những người làm nghiên cứu khoa học cứ phải xuất trình kết quả nghiên cứu trước, quản lý loanh quanh theo kiểu quả trứng - con gà”.

Sau một hồi trầm tư suy nghĩ, Vinh chia sẻ thêm: “Hiện nay ở Việt Nam, chúng ta chưa công bằng trong nghiên cứu khoa học. Có nhiều lĩnh vực mặc nhiên cứ phải là các viện nghiên cứu lớn, các công ty lớn của Nhà nước.

Những công ty tư nhân nhỏ hay các nhóm nghiên cứu chưa có điều kiện sẽ “bị loại từ vòng gửi xe”, không có cơ hội cạnh tranh và thử sức. Cần tạo sân chơi công bằng, minh bạch và khách quan giữa các đơn vị nghiên cứu của Nhà nước và các đơn vị nghiên cứu tư nhân.

Khoa học cần những người nhiệt tình, dám chịu trách nhiệm, khách quan và công bằng, cần những người có tầm nhìn xa hơn 5 năm.

Và tất nhiên, cơ chế quản lý và hành lang pháp lý cũng cần chặt chẽ nhưng linh động hơn, nhạy bén hơn. Ngoài ra, dư luận xã hội cũng cần phải có sự thay đổi, có sự khuyến khích, cái nhìn tích cực với những nỗ lực tìm kiếm cái mới, đừng để tâm lý luôn hăm hở “dìm” ai mới hơi “trồi” lên. Nhiều lúc tôi thấy xã hội chúng ta dường như chưa sẵn sàng đón nhận cái mới, chưa có sự bao dung, công tâm...”. ■

Ước mong được sử dụng ở Việt Nam

“Phải tìm cách đi bay thử nghiệm ở nước ngoài cũng chỉ là giải pháp bất đắc dĩ. Trong suy nghĩ của tôi, vẫn luôn mong muốn được thử nghiệm ngay tại Việt Nam.

Nhóm vẫn thống nhất để một cửa ngõ để triển khai làm thương mại tại Việt Nam, biến Việt Nam thành một trung tâm cung cấp dịch vụ vận tải và du lịch tầng bình lưu phục vụ nghiên cứu khoa học và xã hội.

Nên ngay khi triển khai bay có người thành công, kể cả trước đấy nếu Chính phủ đề nghị thì nhóm nghiên cứu sẵn sàng chuyển toàn bộ thiết bị về để triển khai tại Việt Nam” - Phạm Gia Vinh nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận