“Độc tâm thuật”

TRƯỜNG SƠN 23/01/2018 21:01 GMT+7

TTCT - Giới khoa học đang mượn sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI) để hiện thực hóa giấc mơ muôn thuở của con người - đọc tâm trí người khác.

minh họa

Về mặt lý thuyết, đọc suy nghĩ của con người là chuyện hoàn toàn khả thi. Khi ta suy nghĩ, các nơron (tế bào thần kinh) sẽ truyền dẫn các xung điện cho nhau. Khoa học đã có thể thu thập các tín hiệu này bằng cách đo điện não đồ hay chụp MRI, giải mã được những sóng não đó có nghĩa là gì là xem như đọc được suy nghĩ người khác.

Khi máy móc vẽ điều ta đang nghĩ

Đầu năm 2018, các trang tin công nghệ đồng loạt đưa tin về công trình dùng mạng thần kinh nhân tạo mô phỏng não người (neural network) và công nghệ học sâu (deep learning) để giúp máy móc có thể giải mã suy nghĩ của con người.

Theo bài báo công bố trên trang BioRxiv, các nhà khoa học đến từ ĐH Kyoto (Nhật Bản) cho biết AI của họ sẽ “đọc tâm trí” con người bằng cách giải mã sóng não của họ và chứng minh bằng cách tự vẽ lại chính hình ảnh người đó đang nhìn thấy hay nhớ lại trong đầu.

Điều đáng kinh ngạc là AI hoàn toàn không được cho xem trước các hình ảnh dùng để thí nghiệm. Nói là “đọc tâm trí” nhưng AI không phải chui vào đầu người dùng và thấy hình con vịt đang hiện ra đâu đó trong não họ, mà chỉ phân tích dữ liệu đầu vào duy nhất là sóng não.

Nhờ được “huấn luyện”, AI biết được những tín hiệu não này nghĩa là hình ảnh này mà thôi, chứ không phải “thấy” được suy nghĩ theo nghĩa đen. Nhưng như thế cũng đủ để gọi là “độc tâm thuật” vì hình ảnh AI vẽ lại đủ rõ để biết người kia đang nghĩ gì.

Để có dữ liệu “huấn luyện” AI này, các nhà khoa học đã yêu cầu ba người tham gia nghiên cứu xem các tấm ảnh (gồm ảnh chụp chim chóc hay con người, ảnh vẽ hình học và các chữ cái ABC) trong 10 tuần liền.

Những người tham gia cũng được yêu cầu nhớ lại các hình ảnh đó sau khi đã nhìn trực tiếp. Trong cả hai trường hợp, các nhà khoa học sẽ quét não của người tham gia theo thời gian thực và dùng ảnh chụp các sóng não đó làm dữ liệu để dạy AI.

Dù mọi thứ vẫn còn sơ khai, các hình ảnh do AI vẽ lại vẫn chưa thật hoàn hảo, The Next Web cho rằng công nghệ này đưa con người “tiến thêm một bước đến khả năng có thể truyền suy nghĩ của mình ra màn hình”.

Nếu được hoàn thiện, AI biết đọc tâm trí có thể được ứng dụng để sáng tạo nghệ thuật chỉ bằng cách nghĩ về thứ mình muốn vẽ, giúp bệnh nhân sống thực vật trò chuyện với người thân hay thậm chí ghi lại giấc mơ.

Người tham gia nghiên cứu được cho xem ảnh chú vịt (trái) khi đeo thiết bị quét sóng não, dữ liệu được truyền về hệ thống AI. AI sau khi “đọc” suy nghĩ của người này đã vẽ lại hình ảnh (phải).
Người tham gia nghiên cứu được cho xem ảnh chú vịt (trái) khi đeo thiết bị quét sóng não, dữ liệu được truyền về hệ thống AI. AI sau khi “đọc” suy nghĩ của người này đã vẽ lại hình ảnh (phải).

 

Trước đó, tháng 11-2017, các nhà nghiên cứu đến từ ĐH Purdue (Mỹ) cũng tạo ra AI biết phân loại các hình ảnh ta đang nghĩ trong đầu thành các nhóm như con người, cảnh quan hay động vật, thông qua phân tích dữ liệu chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI).

Theo báo cáo đăng trên Cerebral Cortex, ba người tham gia được yêu cầu vừa chụp fMRI vừa xem các đoạn video thuộc ba chủ đề nói trên để thu thập dữ liệu cho việc huấn luyện AI.

Kết quả, khi người tham gia thí nghiệm xem các đoạn video (cả mới lẫn cũ), AI sẽ phân tích dữ liệu fMRI theo thời gian thực và phân loại chính xác hình ảnh đang diễn ra (tức được ghi vào suy nghĩ của người đó), đồng thời tái tạo luôn cả hình ảnh đó, dù không rõ nét bằng phần mềm của nhóm ĐH Kyoto.

Đọc tâm trí tài xế lái xe
Đọc tâm trí tài xế lái xe

 

Hỗ trợ tài xế

Các công nghệ hỗ trợ người lái xe hơi hiện tại thường phân tích dữ liệu từ môi trường xung quanh để đưa ra cảnh báo tai nạn hay can thiệp kịp thời để hỗ trợ người sau vôlăng. Nếu xe hơi có thể đọc luôn suy nghĩ của người lái thì hiệu quả hỗ trợ sẽ còn cao hơn nữa.

Hãng xe Nhật Bản Nissan đã hiện thực hóa ý tưởng này với công nghệ “từ não đến xe” (Brain-to-Vehicle hay B2V) giới thiệu tại triển lãm công nghệ CES hồi tuần trước. Ý tưởng của Nissan là cho người lái đội “độc tâm mão” gồm 11 núm điện cực để đo điện não đồ.

Theo nhà báo Geoffrey Fowler của Washington Post, người đã trải nghiệm công nghệ này (thông qua buồng lái mô phỏng chứ không phải xe thật) tại CES, khi được trang bị cho xe bán tự hành (vẫn cần người lái), chiếc mũ đọc tâm trí này sẽ nhận biết khi nào tài xế muốn quẹo trái hay đạp thắng nhờ giải mã sóng não của họ và sẽ tự động thực hiện động tác đó “trước khi tài xế kịp bẻ vôlăng hay đưa chân vào bàn đạp thắng nửa giây”.

Nhưng “mũ đọc tâm trí” không có phép thần kỳ như giúp người dùng điều khiển xe bằng ý nghĩ hay “triệu hồi” chiếc xe chỉ bằng cách nghĩ về nó. Thực tế và “gần mặt đất” hơn, công nghệ này sẽ giúp người lái luôn xử lý các tình huống kịp thời, giúp việc lái xe an toàn và dễ dàng hơn cho người mới học lái.

Ngoài ra, AI của Nissan khi áp dụng cho xe hoàn toàn tự hành cũng có thể dựa vào sóng não để biết người lái đang không vừa ý với các cài đặt hay cách vận hành hiện tại và chỉnh sửa kịp thời. Chẳng hạn khi đang bon bon mà thấy (nhờ đọc tâm trí) người ngồi trên xe không vừa ý thì hệ thống sẽ tự động giảm tốc độ.

minh họa

Gõ chữ bằng suy nghĩ

Giọng nói được cho là ngôi sao của xu hướng công nghệ năm 2018, khi không chỉ trợ lý ảo trên smartphone hay loa thông minh mà còn nhiều ứng dụng, thiết bị khác được trang bị tính năng điều khiển bằng giọng nói.

Vậy nhưng, nhà thần kinh học Mark Chevillet, trưởng dự án “gõ chữ bằng suy nghĩ” của Facebook, cho rằng điều bất tiện là người ta rất ngại trò chuyện với trợ lý ảo ở nơi công cộng, vì vừa kém riêng tư vừa trông như... không được bình thường.

Liệu có cách nào giao tiếp với trợ lý ảo nhanh như bằng giọng nói, nhưng lại riêng tư như nhắn tin? Câu trả lời mà Chevillet và Facebook cùng đeo đuổi chính là “trợ lý ảo có thể lắng nghe ý nghĩ của người dùng” để có thể “phục vụ” chủ nhân mọi lúc mọi nơi và hoàn toàn riêng tư.

Trước khi biến viễn mơ đó thành thực tế, Facebook muốn tạo ra công nghệ gõ chữ trên smartphone hay máy tính bằng ý nghĩ, và “các thí nghiệm ban đầu cho thấy điều này không phải là tiểu thuyết giả tưởng”.

Trước đó, tại hội nghị lập trình viên F8 hồi tháng 4-2017, Regina Dugan, người khi đó là trưởng dự án Building 8, chuyên nghiên cứu các công nghệ “cao siêu” của Facebook, đã công bố video minh họa một phụ nữ bị ALS (xơ cứng teo cơ một bên) có thể điều khiển con trỏ đến một bàn phím ảo và gõ “8 từ một phút” chỉ bằng suy nghĩ của mình.

Mục tiêu của Facebook là “tạo ra cỗ máy gõ 100 từ một phút, nhanh hơn tốc độ gõ smartphone hiện tại 5 lần”.

Chevillet thừa nhận mục tiêu của Facebook là vô cùng tham vọng và nhấn mạnh nhóm nghiên cứu biết rõ mình đang ở đâu.

Người phụ nữ trong video minh họa ở F8 được đeo các điện cực gắn vào đầu, trong khi kế hoạch của Facebook là tạo ra công nghệ không vướng víu và phức tạp như thế, và gõ ngay từ suy nghĩ chứ không phải dùng “tâm trí” để điều khiển bàn phím ảo.

Tương lai mở

Các nhà khoa học vẫn tỉnh táo cảnh báo rằng những thành tựu, dù đáng để “há hốc mồm kinh ngạc”, đến giờ này vẫn chẳng là gì nếu muốn thực sự biến giấc mơ đọc tâm trí thành hiện thực. Chevillet thừa nhận có khi phải 10 năm hay hơn nữa mới có sản phẩm “gõ bằng ý nghĩ” thực sự dành cho người tiêu dùng.

Tương tự, dù có thể phải mất ít nhất 10 năm nữa các cỗ máy đọc tâm trí mới có thể thành thực tế, nhưng Nissan rõ ràng tin tưởng vào tương lai khi công nghệ dùng AI đọc ý nghĩ sẽ phổ biến rộng rãi ở mỗi gia đình hay công sở, và không có lý do gì nó không được ứng dụng vào xe hơi.

Cũng cần nhớ đến những mặt trái mà công nghệ biến não người thành thiết bị đầu vào, nếu thực sự thành công, có thể gây ra.

The Next Web vừa tếu táo cho rằng đó sẽ là ngày tàn của môn chơi bài poker, vốn cần phải đoán bài của đối phương; vừa nghiêm túc cảnh báo những hệ lụy nghiêm trọng hơn với sự riêng tư biến mất hoàn toàn một khi các suy nghĩ trong đầu ta có thể bị ai đó đọc được.

Vậy nhưng các thí nghiệm, nghiên cứu vẫn tiếp tục diễn ra, vì với khoa học, không gì bằng vượt qua các giới hạn.

Nói như Zhongming Liu, thành viên nhóm nghiên cứu của ĐH Purdue, thách thức lớn nhất đối với các nhà khoa học đeo đuổi giấc mơ đọc não người chính là bộ não con người quá phức tạp, “chúng ta còn không hiểu hết thì làm sao bắt AI phải hiểu?”.

“Vì thế chúng ta đang ở trong một vòng luẩn quẩn kỳ lạ, nơi AI giúp chúng ta hiểu thêm về não người, và cũng chính bộ não giúp ta cải thiện AI” - Liu nói.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận