Vì sao ta là ta mà không phải là ai khác?

CHIÊU VĂN 28/02/2018 21:02 GMT+7

TTCT - Bạn có thể vẫn đang tâm tư với câu hỏi “Tôi là ai?”, nhưng điều bạn trăn trở là phần “là ai” của câu hỏi - phần “tôi” xem ra khá rõ ràng. Là bạn chứ ai. Dễ mà.

Ảnh: Pinterest
Ảnh: Pinterest

 

Khi nói từ “tôi”, bạn có lẽ cảm thấy khá rõ ràng ý bạn là gì. Đó thực ra là một trong những điều bạn thấy mình biết rõ nhất trên thế giới - điều bạn đã hiểu từ khi bạn mới 1 tuổi. 

Nhưng rồi bạn ngưng lại và nghĩ về điều đó một chút - về việc rốt cuộc thì “tôi” xét cốt lõi là gì - mọi thứ trở nên kỳ quặc. Hãy thử phân tích xem sao.

Cơ thể, não bộ hay dữ liệu?

Chúng ta bắt đầu trước hết với điều mà hầu hết mọi người đánh đồng với một con người - cơ thể vật chất của người đó. Thuyết cơ thể nói rằng đó là điều khiến bạn là bạn. Hợp lý.

Dù chuyện gì xảy ra trong đời bạn, nếu cơ thể bạn ngưng hoạt động, bạn xong đời. Nếu Mark trải qua chuyện gì đó chấn động và gia đình anh nói: “Chuyện đó đã làm nó thay đổi - nó không còn là người như trước nữa” thì ý họ không phải là anh không còn cơ thể trước nữa, anh vẫn là Mark với các cấu tạo thể chất đó.

Con người tin rằng họ không chỉ là xương thịt, nhưng rốt cuộc một con kiến vật chất là một con kiến, cơ thể một con sóc chính là con sóc và một con người là thân thể của người đó.

Hãy thử nghiệm giả thuyết này bằng cách đặt câu hỏi: Vậy chuyện gì xảy ra nếu bạn cắt móng tay? Bạn đang thay đổi cơ thể mình, dứt bỏ một số nguyên tử từ cái toàn thể. Liệu điều đó có nghĩa bạn không còn là mình nữa? Chắc chắn là không, bạn vẫn là bạn. Nếu ghép gan thì sao? Lớn chuyện đấy, nhưng bạn vẫn là bạn, đúng không?

Nhưng sẽ ra sao nếu ta mắc một chứng bệnh kinh khủng và phải thay cả gan, thận, tim, phổi, máu và khuôn mặt? Sau tất cả những cuộc phẫu thuật thành công đó, bạn vẫn khỏe khoắn và sống bình thường. Liệu gia đình bạn có nói bạn đã chết vì phần lớn những phần vật chất của bạn đã ra đi? Không, không hề, bạn vẫn là bạn. Tức có vẻ như bạn không cần thứ gì trong những món đó để vẫn là bạn. Như vậy, thuyết cơ thể có vẻ không thuyết phục lắm.

Một biến thể của thuyết cơ thể là “thuyết não bộ”, được coi là bộ phận đặc biệt nhất trong cơ thể chúng ta. Những ai tin vào thuyết não bộ cũng tin rằng bộ não ở đâu thì ta ở đó, bởi lẽ não bộ là cơ quan lưu giữ tất cả dữ liệu về “cái tôi”: những suy nghĩ, ký ức, nỗi sợ hãi, hi vọng, giấc mơ, cảm xúc và cá tính.

Triết gia người Anh John Locke, với thuyết ký ức về bản thể cá nhân, cho rằng điều khiến bạn là bạn là ký ức về những trải nghiệm của bạn. Theo Locke, ta không phải là cơ thể vật chất, mà chỉ là dữ liệu trong não bộ của ta.

Nhưng giờ giả sử bây giờ là năm 2700 và con người đã có khả năng dịch chuyển tức thời: một cỗ máy phá hủy mọi tế bào của bạn ở đây và tái tạo cùng cấu trúc đó ở London 5 phút sau.

Tuy nhiên, một ngày xấu trời, chiếc máy hỏng, bộ phận hủy không hoạt động nhưng bộ phận tái tạo vẫn làm việc. Giờ nếu tin ở thuyết dữ liệu và não bộ, bạn sẽ phải chấp nhận cho người ta tiêu hủy “bạn ở đây”, điều chắc chắn chúng ta không muốn. Tức là thuyết não bộ và dữ liệu hình thành nên cái tôi xem ra cũng khó đứng vững.

Cái tôi là một sự liền lạc

Thế thì tất cả những điều rối rắm này dẫn tới đâu đây? Giờ hãy nghĩ tới một người đàn ông đã ngoài 90 tuổi và không còn minh mẫn nữa. Ông chỉ vào một bức ảnh treo trên tường, năm đó ông 6 tuổi. “Ta đấy” - ông tự hào tuyên bố. Ông đúng, nhưng tuyên bố đó cũng không khớp với thuyết nào trong các thuyết chúng ta đã kể ở trên. Hai con người đó chẳng hề có điểm gì chung: một cậu bé 6 tuổi và một ông lão tuổi 90.

Về mặt thể chất, họ cũng rất khác biệt: gần như mọi tế bào trong cơ thể cậu bé 6 tuổi đó đã chết từ nhiều năm trước. Về tính cách cũng thế. Điều đó lại càng đúng về dữ liệu trong não bộ: bất kỳ ông cụ 90 tuổi nào ở ngoài đường cũng giống với cụ ông đó hơn đứa trẻ 6 tuổi kia.

Rốt cuộc, mọi chuyện không phải là giống hay khác, mà là sự liên tục. Điều mà ông cụ 90 tuổi và đứa trẻ 6 tuổi chia sẻ với nhau là điều họ không chia sẻ với ai khác nữa trên Trái đất này: họ được kết nối bởi một sợi dây dài, không gián đoạn sự tồn tại cá nhân. Là một người đã lớn tuổi, ông cụ có thể không còn nhớ gì về đứa trẻ 6 tuổi đó, nhưng ông biết về mình năm 89 tuổi.

Còn khi 50 tuổi, ông sẽ nhớ rất rõ những gì mình đã trải qua khi 45 tuổi. Lúc 7 tuổi, ông không khác gì mấy so với cậu bé 6 tuổi kia. Đó là một chuỗi chồng lấn những ký ức, đặc điểm cá nhân, cả thể chất và tính cách.

Có thể so sánh điều đó với việc sở hữu một chiếc thuyền gỗ. Bạn có thể sửa nó hàng trăm lần sau nhiều năm, thay hết các mảnh gỗ cho tới một ngày bạn nhận ra không còn lại chi tiết nào của chiếc thuyền là nguyên bản. Nhưng đó phải chăng vẫn là con thuyền ngày xưa? Nếu bạn đã đặt tên con thuyền đó là Polly thì giờ bạn có đổi tên nó không? Hẳn là không, nó vẫn là Polly.

Hiểu như thế, cái tôi không phải là một sự vật đơn lẻ, nó là một chuỗi câu chuyện, sự đổi thay, tiến hóa, là chủ đề về một con người. Như thế, ta giống như một căn phòng chất đầy đồ đạc, cũ có, mới có, có những món ta biết, những món ta không quen, nhưng căn phòng luôn thay đổi, không bao giờ giống nhau, tuần này qua tuần khác.

Tương tự, bạn không phải là một bộ dữ liệu não bộ cố định, những dữ liệu đó thay đổi liên tục, phát triển và được cập nhật. Và bạn không phải là một cơ thể vật chất cấu tạo từ những nguyên tử, bạn là một sự kết hợp của những chỉ dẫn về việc xử lý và tổ chức những cấu trúc nguyên tử mà bạn gặp phải.

Người ta sẽ gọi đó là linh hồn, với sự diễn dịch là điều gì đó sâu thẳm, mang chất thơ, là phần không thể tách rời với cái tôi của chúng ta, đồng thời cũng là một nỗ lực khiến con người tỏ ra cao quý hơn so với các tổ chức sinh học hữu cơ khác, hay với tôn giáo, để nghĩ rằng chúng ta có thể bất tử.

Nhưng có lẽ linh hồn chính là điều kết nối ông cụ 90 tuổi với đứa trẻ 6 tuổi trong bức hình kia. Khi mà mỗi tế bào trong cơ thể ông đã được thay thế và ký ức đã tiêu tan, vẫn còn lại sợi dây kết nối vô hình đó. Cho nên cuối cùng, câu trả lời cho câu hỏi “Ta là ai?” có thể phải dựa vào một giả thuyết khác tạm thời kém tính khoa học và mơ hồ hơn: giả thuyết về linh hồn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận