Riêng tư hơn, ít chia sẻ hơn

TRƯỜNG SƠN 15/11/2018 02:11 GMT+7

TTCT - Facebook đã thay đổi cách nhìn nhận về sự chia sẻ trên không gian ảo - người dùng ngày càng chuộng chia sẻ riêng tư, với từng nhóm nhỏ hơn là cho cả thế giới biết. Mạng xã hội này sẽ xoay trục dựa trên sự “thay đổi tư duy” này, và có thể sẽ “thay đổi đến mức không thể nhận ra” vào năm 2020, như tạp chí Atlantic nhận định.

Người dùng sẽ được chia sẻ riêng tư theo nhóm mình thích. Ảnh: Skynews
Người dùng sẽ được chia sẻ riêng tư theo nhóm mình thích. Ảnh: Skynews

 

Trong cuộc họp trực tuyến báo cáo kết quả kinh doanh với các nhà đầu tư hôm 30-10, CEO Mark Zuckerberg đã thẳng thắn thành thật hơn bao giờ hết khi thừa nhận Facebook đã có nhiều ý tưởng sai lầm về phát triển sản phẩm trong các năm qua, và ngay cả khi bắt đầu định hướng lại, chắc chắn tăng trưởng sẽ chậm và khó khăn vẫn còn bủa vây.

Nội dung tự biến mất

Trong tương lai, Facebook sẽ không còn xoay quanh trang chủ hiển thị nội dung chính (News Feed) mà sẽ dựa vào Stories - nội dung biến mất sau 24h - và tin nhắn cá nhân, riêng tư.

Sự xoay trục này xuất phát từ việc Zuckerberg đã nhận ra người dùng không còn thích cái gì cũng đưa lên “phây” cho cả thế giới biết, mà thích chia sẻ thông qua tin nhắn trên Facebook (Messenger) và Instagram, hoặc ứng dụng chat WhatsApp hơn.

Theo TechCrunch, người dùng Facebook đang gửi 100 tỉ tin nhắn trên các app thuộc “gia đình Facebook” nói trên, cũng như có 1 tỉ người đăng Stories mỗi ngày.

News Feed là thứ gắn liền với mỗi người dùng Facebook. Mỗi sáng ta thức dậy và ngó vào điện thoại, News Feed đã đầy ắp nội dung mới chờ ta cuộn màn hình và đọc. Xen giữa các nội dung do người dùng đưa lên là nội dung quảng cáo, đồng nghĩa với việc News Feed chính là mỏ vàng của Facebook.

Tuy nhiên, Zuckerberg thừa nhận thời hoàng kim đã qua và News Feed đang là mô hình lạc hậu và sẽ sớm mất vị trí chủ đạo trong mô hình hoạt động của Facebook.

Cái sẽ thay thế News Feed, theo lộ trình từng bước, sẽ là Stories trên Facebook và Instagram, tin nhắn Messenger và WhatsApp, nội dung video và các tính năng hướng đến cộng đồng cụ thể như Marketplace (tìm việc) và Dating (hẹn hò).

“Các xu hướng ghi nhận được từ Stories cho thấy tương lai mà người ta share Stories nhiều hơn post lên News Feed không còn quá xa” - Mark Zuckerberg nói.

Zuckerberg lý giải người dùng “cảm thấy thoải mái được là chính mình hơn khi nội dung họ chia sẻ được một nhóm nhỏ nhìn thấy và các bài viết không nằm mãi trên mạng”. Stories sẽ tự mất sau 24 tiếng, thay vì nằm mãi trên trang cá nhân của mỗi người, và dĩ nhiên kể chuyện mình cho một nhóm “khán giả” trong group chat sẽ dễ dàng hơn đăng cho cả làng được biết.

Theo kết quả kinh doanh quý 3-2018, lợi nhuận của Facebook đạt 5,1 tỉ USD, tăng chỉ 9% so với quý 3-2017, và chỉ vỏn vẹn 1% so với quý 2 năm nay. Nguyên nhân là người dùng nhắn tin và chia sẻ Stories nhiều hơn nhưng hai kênh này hiện chưa hiển thị nhiều quảng cáo, dẫn đến sụt giảm doanh thu.

Mark Zuckerberg tuyên bố kế hoạch chuyển từ “thế giới chỉ có News Feed sang thế giới News Feed-kèm-Stories”, và thẳng thắn với các nhà đầu tư rằng “dù có đi đúng hướng thì cũng cần thời gian và tăng trưởng doanh thu của chúng ta sẽ chậm hơn giai đoạn chúng ta chuyển dịch từ trang web sang nền app”.

Mark Zuckerberg đã nhắc chuyện xưa, và có lý do để làm thế. Cách đây gần 10 năm, khi Facebook bắt đầu đầu tư mạnh vào ứng dụng di động sau khi nhận ra người dùng thích tương tác với Facebook trên smartphone hơn là laptop hay máy tính để bàn, đã có nhiều ý kiến hoài nghi. Song kết quả thì ai cũng biết: Facebook đã vượt qua mọi hoài nghi khi đó để phát triển thành đế chế hùng mạnh như ngày nay - thống trị thế giới di động và biến News Feed thành cỗ máy in tiền.

Mark Zuckerberg tin rằng đã đến lúc “chuyển mình” thêm một lần nữa và hi vọng sẽ tiếp tục thành công như đã từng.

News Feed sẽ đìu hiu hơn

Buộc phải làm khác

Facebook trước nay vẫn luôn có nghĩa là “cho cả thế giới biết”. Ta mở tung đời ta, chia sẻ mọi thứ, từng giây phút cuộc đời cho cả cộng đồng được biết, và Facebook khuyến khích điều đó. Song, Zuckerberg giờ đây thừa nhận người dùng đang chia sẻ nhiều hình ảnh, video và link trên WhatsApp và Messenger hơn trên Facebook.

Theo Atlantic, Facebook từng xem các ứng dụng chat là đối thủ vì chúng khuyến khích sự riêng tư, bảo mật, còn Facebook muốn mọi thứ công khai. Thời thế đã thay đổi, buộc Facebook phải đầu tư mạnh vào các ứng dụng nhắn tin. Gã khổng lồ mạng xã hội đã kịp có trong tay đến ba nền tảng chat Messenger, WhatsApp và Instagram (tính năng nhắn tin direct message rất được đầu tư).

Trong lĩnh vực ứng dụng nhắn tin, Mark Zuckerberg thừa nhận đối thủ chính của họ là iMessage - ứng dụng nhắn tin và gọi video qua Internet không mất phí giữa những người dùng thiết bị của Apple với nhau. Tại các quốc gia đang phát triển, nơi đa số người dùng thiết bị Android, Facebook vẫn chiếm lĩnh thị trường. Song, tại các quốc gia quan trọng như Mỹ, nơi iPhone hiện diện mạnh mẽ, Apple vẫn đang dẫn đầu với nhiều nguyên nhân.

Đầu tiên là vì iMessage có sẵn và mặc định là ứng dụng nhắn tin miễn phí trên mọi thiết bị của Apple, không buộc người dùng phải cài thêm app nào. Thứ nữa là Apple không chủ trương chèn quảng cáo vào ứng dụng nhắn tin này.

Tựu trung, thách thức của Facebook là khi người dùng chuộng chia sẻ trong không gian riêng tư, việc chạy quảng cáo và kiếm tiền không còn đơn giản nữa.

Facebook giờ giống một quán cà phê mà mỗi người ghé đến lại chui vào phòng riêng trò chuyện với nhau, các nhãn hàng có trưng bao nhiêu panô quảng cáo ở ngoài cũng vô ích. Và xông vào phòng riêng để quảng cáo thì rõ là kém duyên và có khi phản tác dụng.

Thực tế Facebook đã hiển thị quảng cáo trong hộp chat Messenger và cho phép các nhãn hàng nhắn tin cho khách hàng qua nền tảng này. Song đây là nước đi liều lĩnh bởi người dùng đã cảm thấy phiền toái và xem các tin nhắn từ nhãn hàng như tin nhắn rác.

“Người dùng có thể ngả sang iMessage nếu Facebook đặt mục tiêu kiếm tiền lên trên trải nghiệm người dùng” - TechCrunch cảnh báo.

Tóm lại, có thể hình dung Facebook 2020 sẽ vẫn còn News Feed, nhưng “mảnh đất” đó sẽ vô cùng đìu hiu quạnh quẽ, vì các nội dung do người dùng tạo ra sẽ được đưa vào chat riêng hay các Stories chỉ tồn tại 24 tiếng.

Suy cho cùng, điều này cũng hợp lý và tốt cho người dùng. News Feed đầy ắp nội dung, cuộn hoài không hết để làm gì khi chúng toàn là tin không liên quan gì đến mình, tin tức giả, nội dung vớ vẩn, và quảng cáo tràn lan?

News Feed thay đổi nghĩa là mạng xã hội cũng thay đổi. Trang chủ của các mạng xã hội như ta biết - những hàng nội dung vô tận sẽ không còn nữa. Người ta sẽ vẫn vào các nền tảng khác nhau nhưng tuyệt không có cái gì là chia sẻ công khai nữa.

Câu hỏi sau Facebook sẽ là gì là câu hỏi cũ, nhưng giờ dường như đã có câu trả lời mới. Và như Atlantic kết luận, ứng dụng màu xanh của Facebook năm 2020 hay 2021 có thể sẽ là hậu duệ gần như không thể nhận ra được của cái ta biết hôm nay.■

Stories là gì?

Stories cho phép người dùng thoải mái chia sẻ hình ảnh với các bộ lọc màu và hiệu ứng bắt mắt. Nội dung Stories sẽ hiển thị độc lập với News Feed và tự biến mất sau 24 tiếng. Stories khuyến khích người dùng chia sẻ nhiều hơn vì các nội dung chỉ tồn tại tạm thời, dễ xem và cũng dễ “bấm next”, không sợ phiền người xem mà cũng không lo “nhà mình” đầy những nội dung vụn vặt như đăng nội dung bình thường lên trang cá nhân. Hiện có đến 1 tỉ người dùng Facebook đăng Stories mỗi ngày.

Một sự “thay đổi tư duy” khác của Facebook là cách mạng xã hội này nhìn nhận vai trò của nội dung video.

Năm 2014, Zuckerberg dự đoán News Feed sẽ chứa “đa số là video” trong vòng 5 năm tiếp theo. Đến ngày hôm nay, Zuckerberg đúc kết dù video thực sự giữ chân người dùng với Facebook, họ không thực sự thích chúng.

“Trong vài năm qua chúng tôi nhận thấy người ta dành nhiều thời gian trên Facebook hơn vì họ xem video nhiều hơn, song lại tương tác với bạn bè và gia đình ít hơn - Zuckerberg nói - Và bây giờ người dùng nói với chúng tôi rằng điều họ muốn là tương tác nhiều hơn”.

Facebook lập tức thể hiện mình biết lắng nghe bằng cách gom video vào một mối - Facebook Watch, trang được cung cấp cho người dùng toàn cầu hồi cuối tháng 8 với mục tiêu thách thức YouTube.

Zuckerberg giải thích để video quá nhiều trên News Feed sẽ khiến người dùng “thụ động” và không “thúc đẩy các hành vi tương tác xã hội”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận