“Vú em” công nghệ, nên không?

TỊNH ANH 15/11/2018 02:11 GMT+7

TTCT - Quẳng cho trẻ chiếc smartphone hay iPad để chúng xem hết video này đến video khác trên YouTube là cách ngày nay được không ít người chọn để rảnh tay làm việc của mình. Mạng xã hội chia sẻ video lớn nhất thế giới đã trở thành một “chị vú em kỹ thuật số” hữu dụng hơn bất kỳ người giữ trẻ tài ba nào. Thiệt không?

mh

Từ năm 2015, báo Anh The Guardian đã có bài nhận định “YouTube là TV mới của trẻ con”, thay thế màn ảnh nhỏ truyền thống. Có hai lý do: ngày càng có nhiều chương trình yêu thích dành cho trẻ em được đưa lên nền tảng chia sẻ video lớn nhất thế giới thuộc sở hữu của Google, và các khán giả nhí ngày càng quen với việc xem video trên máy tính bảng.

Cảnh tượng này hẳn không lạ với mọi người: cha mẹ cho em bé xem YouTube trên iPad để trẻ chịu ngồi yên mà không quấy phá, dù là ở nhà, ngoài quán cà phê, trên tàu xe hay ở nơi công cộng. Song cũng đừng vội trách chỉ có các ông bố bà mẹ Việt Nam mới làm thế, bởi đây là xu hướng toàn cầu.

Ngày càng có nhiều người bật video trên YouTube cho con nít xem đến mức các video phổ biến nhất trên YouTube Kids, ứng dụng dành riêng cho trẻ em của YouTube, không phải là các bài hát 3-4 phút, mà các video tổng hợp dài 30 phút, thậm chí nhiều giờ đồng hồ.

“Các bậc cha mẹ ngày càng tìm kiếm các video có thể giữ chân bọn trẻ lâu hơn để chúng ngồi yên trong các chuyến đi hoặc chỉ là để cha mẹ ăn tối thảnh thơi” - tạp chí The Atlantic nhận định trong số báo đầu tháng 11.

Bài viết cho biết trẻ con là người đã tạo ra hàng tỉ lượt xem trên YouTube. Theo một nghiên cứu do các bác sĩ nhi khoa thuộc Trung tâm Y khoa Einstein (Philadelphia, Mỹ) thực hiện cho thấy 97% trẻ được khảo sát được cha mẹ cho tiếp cận với thiết bị di động, và YouTube là ứng dụng phổ biến với các trẻ dưới 2 tuổi.

Trước khi tròn 4 tuổi, 75% số trẻ trong khảo sát đã có tablet, smartphone hoặc iPad riêng. Nghiên cứu được thực hiện từ năm 2015, và ở năm 2018, chắc chắn các con số đều lớn hơn rất nhiều.

Vậy nhưng, công bằng mà nói các thế hệ phụ huynh đời trước cũng bật TV để dụ con trẻ ngồi yên. TV vừa tốt vừa có hại cho trẻ con thế nào thì YouTube cũng có ảnh hưởng thế ấy.

Các chuyên gia vẫn khuyên nên cẩn trọng với việc để trẻ em tiếp cận nhiều với các loại màn hình. Ảnh: cnet.com
Các chuyên gia vẫn khuyên nên cẩn trọng với việc để trẻ em tiếp cận nhiều với các loại màn hình. Ảnh: cnet.com

 

Vừa xem vừa học

Con nít thời nào thì cũng thích những bài hát, bài thơ hay vè có vần có điệu. Các bậc cha mẹ ngày nay từng lớn lên với hoạt hình Disney hay gần hơn cả là Pixar và các kênh truyền hình như Cartoon Network, thì trẻ em sinh trong thiên niên kỷ mới cũng có quyền được xem các nội dung mới mẻ hơn ông bà, cha mẹ mình.

Câu chuyện điển hình được The Atlantic nhắc đến là ChuChu TV, công ty Ấn Độ chủ quản kênh YouTube chuyên dành cho trẻ em có đến hơn 20,4 triệu lượt người theo dõi. CEO của hãng là Vinoth Chandar ban đầu chỉ làm các đoạn hoạt hình đơn giản với các bài hát trẻ con cho chính con gái mình.

Khi thấy bé thích thú và đòi xem đi xem lại, Chandar nghĩ rằng con mình thích thì các em bé khác cũng thích, nên quyết định thử tải video lên YouTube, và có ngay 5.000 người theo dõi.

Sau 5 năm, ChuChu TV đã trở thành một thế lực thực sự trong lĩnh vực video trẻ em trên YouTube. Series hoạt hình rối của Mỹ Sesame Street với hàng chục năm lịch sử và kho nhân vật, số tập phim khổng lồ, có tổng cộng 5 tỉ view trên YouTube, trong khi ChuChu có 19 tỉ lượt xem. Kênh YouTube của Sesame Street có 4 triệu người theo dõi, chỉ bằng 1/5 so với ChuChu TV.

Theo B. M. Krishnan - giám đốc sáng tạo của ChuChu TV, công ty không chủ đích tạo ra các video mang tính giáo dục, mà hướng đến tạo các nội dung vừa giải trí nhưng cũng có chứa đựng các bài học giản đơn.

Chẳng hạn các video đồng dao được sửa lời để phù hợp với thời đại mới, hoặc các bài hát được sáng tác mới, dạy trẻ học đếm, biết xác định bên trái bên phải, các bộ phận cơ thể... Nội dung video xây dựng từ kinh nghiệm làm cha mẹ của chính Chandar và Krishnan, với quan niệm đơn giản “nếu chúng hiệu quả với con tôi, thì cũng có tác dụng với những đứa trẻ khác”.

ChuChu TV tiếp nối xu hướng tạo các chương trình TV để con trẻ vừa xem vừa học, vốn xuất phát từ đầu thế kỷ 20. The Atlantic dẫn một nghiên cứu cho thấy Sesame Street giúp cải thiện từ vựng của trẻ, bất kể trình độ học vấn của cha mẹ chúng. Một nghiên cứu khác cho thấy các chương trình TV mang tính giáo dục có chất lượng cao thực sự tăng khả năng tiếp thu ngôn ngữ của trẻ.

YouTube đang đẩy mạnh quảng bá YouTube Kids, nhưng các bậc phụ huynh vẫn rất thận trọng. Ảnh: i.ytimg.com
YouTube đang đẩy mạnh quảng bá YouTube Kids, nhưng các bậc phụ huynh vẫn rất thận trọng. Ảnh: i.ytimg.com

 

Làm sao lọc nội dung xấu

Mặt trái của việc dùng TV để “giữ yên” trẻ em là chúng có thể nghiện xem truyền hình, dành cả ngày dán mắt vào màn hình. Ngoài ra, cha mẹ cũng khó kiểm soát được con trẻ xem gì khi trẻ hoàn toàn có thể chuyển sang các kênh không dành cho thiếu nhi.

Nhưng dù gì các chương trình TV truyền thống buộc phải tuân thủ quy định của nước sở tại, và cơ quan hữu trách luôn có sẵn hình phạt cho những nhà đài, nhà sản xuất chương trình vi phạm. Còn với nội dung trên YouTube, hay chính cách YouTube hoạt động, thì lại ít chịu điều chỉnh bởi nội quy hay luật lệ nào.

YouTube đặt quy định chỉ có trẻ em từ 13 tuổi trở lên mới được sử dụng dịch vụ, và khuyến khích cha mẹ sử dụng YouTube Kids, có giao diện và nội dung chuyên dành cho phụ huynh giám sát và xem cùng con.

YouTube Kids cũng có nhiều tùy chọn giúp phụ huynh đảm bảo con mình không thể xem các video không phù hợp. Tuy nhiên, theo The Atlantic, thực tế là người dùng YouTube Kids rất khiêm tốn so với 1,9 tỉ người xem YouTube thường xuyên mỗi tháng. Đó là chưa kể YouTube Kids chưa hỗ trợ người dùng ở một số quốc gia.

Vậy nếu trẻ biết tự vào YouTube thì không gì có thể ngăn chúng tiếp cận các video có nội dung không phù hợp. Điều này rõ là có hại vì ai cũng biết thế giới Internet đầy rẫy các nội dung xấu. YouTube cũng không là ngoại lệ, và các đoạn băng cực đoan, bạo lực còn nguy hiểm cho chính người lớn, huống hồ là trẻ con.

Câu chuyện từng xôn xao ở Việt Nam: các video “Người nhện và Nữ hoàng băng giá Elsa” với diễn viên người lớn đóng vai các nhân vật hoạt hình yêu thích của trẻ em, song lại có nội dung nhảm nhí, dung tục, tràn lan trên YouTube.

Thời điểm các video nhảm nhí này bắt đầu được truyền thông chú ý, YouTube hứa sẽ giải quyết bằng cách giới hạn độ tuổi truy cập ứng dụng.

Thế nhưng cho đến thời điểm bài viết này, chỉ cần gõ các từ khóa như spiderman và elsa vào YouTube (điều mà trẻ 6-7 tuổi dư sức làm được) là sẽ thấy một loạt các video như thế và điều đáng ngại là chúng hoàn toàn không bị đánh dấu giới hạn độ tuổi - ai cũng có thể xem mà không cần đăng nhập. Các video này đều có lượt view khủng, lên đến hàng triệu.

Chưa thể yên tâm

Phụ huynh có thể ý thức rằng phải giám sát nội dung trẻ xem trên YouTube, và tốt nhất là nên xem cùng con. Nhưng nếu thế họ buộc phải làm việc này triệt để, tức chỉ cho con xem YouTube khi có mình bên cạnh, nếu không con trẻ sẽ trở thành nạn nhân của một lỗ hổng chết người của YouTube: tính năng gợi ý video đáng xem, do các thuật toán - tức máy móc chứ không phải con người.

Ta có thể ngồi xem cùng con một video vô hại rồi yên tâm đi làm việc khác, mà không ngờ rằng sau video đó YouTube sẽ gợi ý cho trẻ các đoạn clip không phù hợp. Đây là lý do mà Adam Clark Estes, cây bút với chục năm kinh nghiệm nghiên cứu và viết về YouTube, lên tiếng cảnh báo “Chớ để YouTube trông trẻ giùm bạn” trên trang Gizmodo.

Tác giả cho rằng vạn bất đắc dĩ mới cho trẻ em xem YouTube, nhưng phải có cha mẹ xem cùng. Còn thì “quý vị đừng xem cái trang chia sẻ video không có bộ lọc nội dung (tức YouTube) này như là người trông trẻ.

Và quý vị cũng nhất định không nên tin rằng YouTube Kids được con người tuyển lựa nội dung kỹ càng để không lọt nội dung xấu, vì thực tế không phải thế đâu”.

Từ kinh nghiệm của mình, Estes khẳng định rằng YouTube là nơi mà “máy móc quyết định thứ mà người lớn và trẻ em sẽ xem”. Ngoài các video gợi ý xem thêm của YouTube, Estes cũng cảnh báo chính YouTube thừa nhận bộ lọc nội dung trên YouTube Kids “không phải lúc nào cũng hoàn hảo 100%”, và chỉ có 0.005% video trên YouTube Kids bị xóa vì có nội dung không phù hợp.

“Điều này cũng đã là quá tệ cho những đứa trẻ đã xem các video đó trước khi chúng bị xóa” - tác giả viết.

Một “vấn nạn” khác: các video mạo danh series nổi tiếng, nhưng nội dung phản cảm. Chẳng hạn, hồi tháng 3-2017, tác giả Laura June cảnh báo trong bài viết trên trang The Outline các video nhái series hoạt hình chú heo Peppa Pig của Anh nhưng có nội dung nhảm nhí như chú heo đến nha sĩ chỉ để bị tra tấn.

Các video này được đặt tên, mô tả như video thật để lừa YouTube. Câu chuyện chưa hề cũ khi vào cuối tháng 10 vừa qua, báo chí cũng cảnh báo các video nhái Peppa Pig với cảnh các nhân vật bị ăn sống hoặc bắn vẫn đang tràn ngập YouTube. Và trẻ con thì chỉ cần thấy nhân vật yêu thích của mình là “click”, chứ đâu phân biệt được giả thật.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận