Sắc màu Cairo

TRẦN THÙY LINH 01/06/2018 02:05 GMT+7

TTCT - Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì đường phố và nhà cửa ở Ai Cập luôn là một màu xám xịt, tường không tô trát, nhiều nhà không có mái, sân thượng toàn cột sắt tua tủa. Tình trạng kẹt xe ở Cairo cũng không thua kém gì Hà Nội hay Sài Gòn.

Phố phường Cairo đầy màu sắc. Ảnh: Thùy Linh
Phố phường Cairo đầy màu sắc. Ảnh: Thùy Linh

 

 Giao thông trên đường phố là một môn nghệ thuật đỉnh cao, mỗi lái xe là một nghệ sĩ thực thụ, vì sự lạng lách vô cùng tài tình trong các hang cùng ngõ hẻm, trong các khu chợ dân sinh hay ngay cả khi xe đậu ba hàng ngang dọc trên đường, khoảng cách tính bằng milimet, mà vẫn cứ qua hết!

Xe hơi ở Ai Cập, cái nào cũng sứt sẹo, móp méo và bụi mịt mù. Thành phố nơi sa mạc lúc nào cũng như chìm trong làn cát bụi, vậy nên con cháu của các Pharaoh cũng không mấy quan tâm tới “cõi tạm” làm gì. Nghĩ được như thế, bỗng thấy sự lộn xộn, xô bồ, bẩn thỉu kia bé nhỏ và phù du như những hạt cát sông Nile.

Tới Cairo mà không ghé Bảo tàng Ai Cập thì coi như chưa tới Ai Cập. Đây là bảo tàng có bộ sưu tập lớn nhất và đầy đủ nhất về Ai Cập cổ đại trên thế giới, trong đó phải kể tới bộ tùy táng của vua Tutankhamun huyền thoại.

Tìm hiểu về văn hóa hiện đại tại xứ sở của các con cháu Pharaoh, nên tới Nhà hát quốc gia nơi có Bảo tàng sân khấu, Bảo tàng mỹ thuật đương đại, Thư viện âm nhạc, trong khuôn viên rộng lớn đầy cây xanh và bóng mát của Trung tâm văn hóa quốc gia.

Khu chợ cổ nổi tiếng Khan El Khalili không thể bỏ qua. Khu chợ này quả là một thiên đường mua sắm cho tất cả mọi người, chứ không phải chỉ dành cho du khách. Đồ dùng gia đình, nội thất, souvernirs các loại, tranh giấy Papyrus, đồ cổ, trang sức... vô cùng đa dạng với đủ các chất liệu, đặc biệt là đá tự nhiên, bạc, gỗ và đồng.

Ai Cập nổi tiếng về kỹ nghệ dệt tơ, bông và thuộc da, nên những chiếc thảm dệt từ các chất liệu này, khăn choàng, túi da bò, da cừu, da lạc đà... rẻ tới không thể tưởng tượng nổi, tất nhiên là sau một hồi trả giá kịch liệt, bắt đầu từ 1/3 giá mà người bán phát ra. Đó cũng là cách buôn bán của người Ai Cập và họ không mấy phiền lòng hay khó chịu nếu bạn trả thấp, vì cuối cùng họ cũng không bao giờ để khách ra về tay không.

Một sản phẩm nổi tiếng khác luôn được du khách ưa chuộng khi tới Ai Cập là tinh dầu nguyên chất chiết xuất từ các loài hoa cỏ vùng sông Nile: papyrus (cây cói giấy), hoa hồng trắng, hoa sen (súng sông Nile), hoa nhài... và các loại tinh dầu pha chế tổng hợp từ các loại gỗ, cây, lá, hoa, được đặt theo tên các vị vua như Tutankhamun, Ramses hay Secret of the Dessert (Bí ẩn sa mạc), cùng vô số các loại tinh dầu dùng để đốt, massage và trị liệu.

Trong khu chợ cổ, chúng tôi cũng đã thử một loại nước uống đặc trưng của vùng Địa Trung Hải và Trung Đông từ cây carob tree, một loài cây cho trái và hạt, nhìn tương tự trái phượng. Vị của nước hạt cây này ngọt giống sôcôla, nhưng không đắng bằng. Người Ai Cập dùng thứ nước cây này để giảm cân và điều hòa huyết áp, nhờ lượng đường tự nhiên có trong hạt carob. Và bên một xe cà phê ven đường, chúng tôi được thử ly cà phê hạt dẻ theo kiểu Ai Cập ngon bất ngờ (cà phê phần lớn nhập khẩu từ Ethiopia). Cà phê được đun nóng trong vòng 5 phút trực tiếp trong một chiếc bình bằng đồng, vị ngọt của hạt dẻ pha cùng vị đắng cà phê khiến bao mệt nhọc tan biến. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận