Baku, nước và lửa

NGUYỄN CHÍ LINH 08/11/2018 04:11 GMT+7

TTCT - Baku đang mùa lá đổ, gió thu se lạnh cuộn những chiếc lá vàng rơi lại rồi trải ra xa thành một tấm thảm khổng lồ tít tắp.

Flame tower, nơi thực hiện show diễn ánh sáng hàng đêm.
Flame tower, nơi thực hiện show diễn ánh sáng hàng đêm.

 

Nhà nghỉ nơi tôi đang trọ đôi ngày nằm trên đường Zarifa Aliyera, được phủ xanh bởi những cội ngô đồng già rủ bóng và là con đường cổ xưa nhất nối liền trung tâm phố mới và cũ. Mỗi khi bình minh đến, trên chiếc bancông nhỏ xinh, mọi người nhấm nháp ly cà phê thơm, dõi mắt xuống lòng phố để ngắm cảnh sát tất bật giữ trật tự khi xe tổng thống Azerbaijan đi ngang.

Khi hoàng hôn rơi, cũng trên chiếc bancông ấy, họ xúm xít bên nhau tám chuyện trong thứ ánh sáng ma mị từ tòa tháp Flame có hình dáng ba cánh hoa vươn lên trời xanh. Những tia sáng huyền ảo ấy như gói trọn văn hóa cả quốc gia Azerbaijan vào lòng vùng đất mà những người lữ hành mến gọi là Baku, thành phố lớn nhất vùng đất Caucasus, nơi hội tụ của nước và lửa...

Ngược xuôi trên những nẻo đường khám phá vùng đệm Á - Âu Caucasus, khách lữ hành luôn nhắn nhủ nhau “Hãy đến Baku một lần” để đắm say da diết theo từng đường nét hoa văn tuyệt đẹp trên các tòa nhà cổ xưa ở quận trung tâm Sahil, lang thang theo đại lộ biển để nhìn một Baku tổng thể tuyệt đẹp bên bờ biển xanh Caspi, hay xuýt xoa về sự trỗi dậy của ý tưởng mở hiện đại và hài hòa trong kiến trúc xây dựng từ vùng đất được hình thành từ nước và lửa...

Bảo tàng thảm được thiết kế theo một chiếc thảm cuộn tròn.
Bảo tàng thảm được thiết kế theo một chiếc thảm cuộn tròn.

 

Vùng đất lẫy lừng

Đi theo những chiếc lá ngô đồng vướng màu thu bay trên hàng phố, tôi đến phố Icheri sheher để nghe lại những câu chuyện hay từ vùng đất lịch sử. Tiếng lành đồn xa về sự độc đáo của phố cổ rộng 22ha, một di sản văn hóa thế giới từng làm hậu trường cho 16 bộ phim nổi tiếng trong những năm 1945-1981 thật chẳng sai chút nào.

Trong ánh mắt của “anh chàng Hai Lúa tôi”, chỉ cần ngắm nhìn những món hàng lưu niệm phơi bày đa sắc màu văn hóa, những chiếc bình cổ cong, hương thơm nước hoa của người Ả Rập được bày bán dọc những ngõ hẹp, trên những bậc thang rêu phong... đã quá đủ thú vị. Huống hồ, Icheri sheher còn cất giấu trong lòng 500 điểm đến nho nhỏ cần được khám phá.

Theo ngôn ngữ Azei, “Icheri sheher” có nghĩa là “Nội thành”, được chia làm hai phần Ichari Shahar và Bayir Shahar. Mỗi khu phố rêu phong đều đậm nét những nền văn minh từng đi qua đời Baku.

Bayir Shahar vương màu xưa nét cũ của người Ba Tư và người Ả Rập từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 15. Ichari Shahar mang hơi thở sâu lắng của đoàn quân thiện nghệ xứ Thổ xuôi về phương Đông từ thế kỷ 15-16.

Thong dong nhẹ nhàng bước qua từng viên đá cuội lót đường, rồi chông chênh trên một con đường bậc thang cong queo để bước lên đỉnh đồi cao, những câu chuyện thật xưa lao xao vọng về...

Hơn 5.000 năm về trước, ngọn núi Gobustan là nơi định cư của tộc người Caucasus với những vết tích còn ghi lại cuộc sống thường nhật bằng những nét điêu khắc trên đá.

Trong thuở khai thiên lập địa, người cổ xưa đã nhìn thấy những ngọn lửa từ các mỏ dầu phụt cháy từ lòng đất lên không trung, và vì thế họ luôn có niềm tin vĩnh hằng thần lửa sẽ ngự trị trong trái tim. Zoroastrianism (Hỏa giáo) cùng những quyển kinh Thánh có tên gọi Avesta ra đời.

Khi vương triều Achaemenid của người Ba Tư cử đại tướng Atropates đến thu phục người tiền cổ, vùng đất Gobustan có tên mới Atropates được đoàn quân Đại đế Alexandre đọc trại thành Azerbaijan, theo ngôn ngữ Fasi cổ có nghĩa là “Vùng đất của thần lửa”.

Người xưa đã ghi lại điệu nhảy trên dãy núi Gobustan để rồi Yalli trở thành điệu múa quốc gia. Ảnh: N.C.L.
Người xưa đã ghi lại điệu nhảy trên dãy núi Gobustan để rồi Yalli trở thành điệu múa quốc gia. Ảnh: N.C.L.

 

Hỏa giáo có cội nguồn từ Azerbaijan đã trở thành quốc đạo của người Ba Tư từ những năm 550-330 TCN, ngày nay người Azei vẫn giữ tập tục truyền thống nhảy qua đống lửa để tiêu trừ những điều không hay của năm cũ vào ngày giao thừa trong ngày tết cổ truyền Nowruz của người Ba Tư.

Tôi tìm lại đường xưa lối cũ của người Ả Rập ẩn thoáng trong từng đường nét hoa văn của những cây cột Thánh trong ngôi giáo đường, trạm dừng chân, nhà tắm công cộng và cung điện hoàng gia Shirvanshahs nằm bên phố Bayir Shahar.

Thành quách vững chãi cùng nét mỹ thuật tinh hoa một thời vẫn chưa cũ màu thời gian tô điểm nét vàng son của người Ả Rập lẫn người Ba Tư trên con đường giao thương Đông Tây huyền thoại. Thủ đô Baku vươn lên thời kỳ vàng son từ thế kỷ 11-15 khi những thương gia Ả Rập dệt chặng đường giao thương để kết nối vùng đất Đông Âu và dãy đất Trung Á thông qua biển Caspi và từ Tabriz - Iran, đoàn lạc đà Ba Tư cũng nhanh vó để đến Icheri sheher.

Mỗi trạm dừng chân dành riêng cho từng đoàn lữ hành cũng đủ gây tò mò như Bukhara xây dựng vào thế kỷ 15 dành riêng cho người Ba Tư hay Multani có từ thế kỷ 14 là nơi qua đêm của người Ả Rập.

Trạm dừng chân cho đoàn lạc đà đã trở thành nới bán quà lưu niệm.
Trạm dừng chân cho đoàn lạc đà đã trở thành nơi bán quà lưu niệm.

 

Thành phố của những tia sáng mê hoặc

Đi giữa lòng Baku, tôi cố giữ chặt hương vị thơm tho nội thành Ichari Shahar bằng cốc nước ép quả lựu tươi - biểu tượng sự sống của người Azei - để biết thêm những nếp tầng văn hóa đã xếp chồng gọn gàng trên dòng thời gian.

Chỉ trong tích tắc, đôi chân tôi ngỡ ngàng từ vùng đất Tây Á bước sang lục địa châu Âu già cỗi khi phố Ichari Shahar được kết nối với nhau bằng những dãy nhà cổ kính. Rong chơi theo những bancông gỗ đặc trưng của người Ottoman, lắng nghe chúng chuyện trò, tôi lại khám phá điều thầm kín mà chúng cất giữ bấy lâu nay.

Trỗi dậy từ cố đô Burma - Thổ Nhĩ Kỳ từ thế kỷ 15, đoàn quân viễn chinh Ottoman cất vó ngựa xuôi về phương Đông đã gửi gắm nét văn hóa truyền thống cho người Azei lưu giữ chính thức đến ngày nay là ngôn ngữ miền nam xứ Thổ.

Những chiếc đèn lồng của người Ả Rập. Ảnh: N.C.L.
Những chiếc đèn lồng của người Ả Rập. Ảnh: N.C.L.

 

Lang thang theo những nẻo đường phố khi đêm về, Baku lại trở thành “thành phố của những tia sáng mê hoặc”, ánh sáng dọi trên các tòa nhà lung linh. Bạn sẽ thích thú đến nghẹt thở khi được tận mắt ngắm nhìn những mỏ dầu còn nằm ẩn trong lòng đất phun vọt lên tạo thành những ngọn núi bùn nho nhỏ phía xa xa.

Những gì người xưa từng thấy mà tin rằng Thần lửa đã hạ thế để soi đường dẫn lối cho người Azei vẫn hiện diện đâu đây, lung linh sắc màu văn hóa giữa những ngọn lửa thiêng trong ngôi đền thánh Ateshgal vẫn đang âm ỉ cháy suốt hơn 5.000 năm qua.

Người Azei giải thích với tôi “Baku được ôm ấp bởi biển Caspi ấm áp cùng ngọn lửa tâm linh Ateshgas đầy nhiệt huyết và đang trở mình vươn lên đồng nhịp cùng bạn bè thế giới. Quốc kỳ chia thành ba dòng màu rõ nét để tái hiện lịch sử và thể hiện ước mơ ấy của người Azei”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận