Qua Campuchia học cách phân biệt đá quý

TRẦN NGUYÊN 21/02/2019 20:02 GMT+7

Ít có món hàng hóa nào vừa giá trị cao vừa mang màu sắc tâm linh, có tính thời trang và có khi tạo ra đẳng cấp nhưng lại nhiều... hàng gian, hàng giả như đá quý. Người bán lẫn người mua đều đa phần là kinh nghiệm truyền khẩu và tin nhau.

 


Raine Penfold chắc chắn là một trong những người kể chuyện hay nhất vùng đất của thánh địa Angkor này. Gian hàng của người phụ nữ luống tuổi người Anh có mái tóc dài kiểu “dân digan” và phục trang có phần kỳ quái, được dựng như một mái nhà tranh rất đẹp giữa một phố đêm Siem Reap quá nhiều sắc màu giả tạo.

Gian hàng bày biện rất “có chất”, với mùi hương nhang nồng theo kiểu vùng Himalaya, trộn lẫn âm nhạc thiền Tây Tạng và sắc màu ánh sáng có phần ma mị như trong các phim phù thủy. Những viên đá đủ màu, thô ráp được quấn dây, treo lơ lửng hoặc bày trên khay theo một trật tự có vẻ ngẫu nhiên...

Người kể chuyện ở chợ đêm Siem Reap

Raine cầm cái điện thoại rất cũ có đèn pin, rọi vào các viên đá theo ánh nhìn của khách, thì thầm: “Hãy lắng nghe, có một viên đá nào đó đang kêu gọi bạn, và sẽ thuộc về nhau...”.

Bà giới thiệu: “Đây là đá mặt trăng, loại tinh tuyển mà tôi may mắn có được, nhưng có lẽ nó không phải là đáp án của lời kêu gọi rồi. Còn đây, đặc biệt nhất, đá chùm nho, thứ đá quý mới nhất vừa được phát hiện trên thế giới, ở một mỏ đá của hòn đảo xa tại Indonesia. Mỏ đá không nhiều, và thương nhân Trung Quốc đánh hơi rất nhanh nên đã đến mua hết. Tôi may mắn có người bạn thời còn ở Tây Tạng chung với nhau chia lại cho một ít. Hãy nhìn nó đi, màu sắc hoàn hảo, kết tinh tự nhiên và có độ cứng sánh ngang với ruby...”.

160 Cts Beautiful Natural Cambodia Neon Zircon Pink Colour Round Diamond Cut
160 Cts Beautiful Natural Cambodia Neon Zircon Pink Colour Round Diamond Cut

Rồi bà lật sách, nói những điều hấp dẫn và mầu nhiệm về những mẩu hóa thạch triệu năm hình vỏ ốc, giải thích về luân xa, về ngày tháng sinh ra của mỗi người tương ứng những lựa chọn nào. Raine còn có một cái “singing bow” - chén hát của người tu trên núi cao mà người đồng sự Campuchia của bà đang vuốt ve để tạo ra những âm thanh kỳ ảo. Bà không đu bám khách hàng, chỉ thân thiện trò chuyện và mỉm cười an yên khi khách bước đi.

Tôi thực sự muốn mua một con ốc hóa thạch, nó đẹp, chứa trong lòng một câu chuyện hay và cũng chưa đến 1 triệu đồng tiền Việt...

Ở lớp học về đá

Theo một phản xạ, tôi hỏi Google: “Làm sao mua đá quý cho đúng?”. Giữa hàng triệu câu trả lời, đa phần là khuyên phải kèm theo giấy chứng nhận của một phòng kiểm định có uy tín, thì trí tuệ nhân tạo tự nhận ra địa điểm tôi đang ở và khuyên: “Đến Viện Đá quý quốc gia Campuchia học một lớp vỡ lòng đi, sẽ có hiểu biết về đá quý hơn 99% dân số còn lại đấy. Các nhà đá quý học - gemologist - ở đó sẽ làm sáng mắt mình ra...”.

Ừ, học thì học, dẫu sao thì đầu tư cho chuyện học thì không bao giờ lỗ vốn. 120 đôla Mỹ cho một lớp dành riêng cho hai người, kéo dài 3 giờ, sau đó là tha hồ thực tập trong cái bảo tàng đá quý thế giới tại đây.

Alice - một cô gái trẻ bước ra, nói tiếng Anh pha giọng Pháp - giới thiệu mình là người hướng dẫn lớp học. Cô học làm nhà thiết kế nữ trang, sau đi làm vài năm, thấy rằng cần có thêm kiến thức khoa học về đá quý nên bỏ thêm hai năm để học ở học viện đá quý Paris. Trong nhóm “đàn anh” khóa trước, cô nhìn thấy tên của Jean Phillippe Lepage - người đã đi khắp nơi trên thế giới để sưu tập đá quý và đang cắm trụ ở Campuchia, nên tìm đến để tìm hiểu về thế giới đá quý của vùng Đông Nam Á.

Loáng cái, Alice đã ở “xứ thần tiên” - cách mà cô gọi không gian bảo tàng tư nhân có phần chật hẹp này, được ba năm. Cô bắt đầu bài giảng bằng tấm bản đồ của Campuchia, và nói về những mỏ đá quý sát biên giới Việt Nam... “Điều mà mọi người ở vùng này đều không nhận ra, là đá quý đã là một môn khoa học đầy đủ, là phân nhánh trong khoa địa lý và khai khoáng với những nghiên cứu rất sâu. Ở đây, người ta thích những kinh nghiệm truyền khẩu, những niềm tin vào trực giác mà không biết rằng đến 95% những viên đá quý trong vùng đang được xác định sai giá trị của nó, hoặc quá cao, cũng có khi quá thấp...” - Alice cầm những mẩu đá bản địa, giải thích.

Có bao nhiêu kỹ thuật chế tác đá quý được cho phép? Chiêu thức nào bị cấm: Nung nóng lên để đá đổi màu? Nấu chảy thủy tinh màu để tinh chất này trộn lẫn vào các khe hở của một viên đá quý kém chất lượng? Sản xuất theo công thức hóa học để tạo ra đá quý gần giống nhất với tự nhiên, cả về màu sắc, độ tinh khiết, chỉ số phản chiếu, và cả trọng lượng nữa? Bao nhiêu nhà khoa học mỗi ngày vẫn cặm cụi tìm các phương cách khác nhau để tạo ra đá quý nhân tạo, để đánh lừa những thiết bị đo lường, và bao nhiêu nhà buôn đang làm mọi cách để nâng giá cho những sản phẩm của mình?

 

Chuyện một nhà sưu tập

“Việt Nam có nhiều mỏ đá quý rất tốt, nhưng ít ai biết hết giá trị của nó. Tôi đã đi hết các chợ đá quý chính thức cũng như tự phát từ Sài Gòn đến Đà Nẵng, ra Hà Nội rồi ghé mỏ đá Lục Yên gần Sa Pa... Nhiều đá tốt chưa được xử lý đúng cách, và nhiều hàng giả quá mức. Nhiều phòng kiểm định cũng giấu bớt thông tin về viên đá đã bị xử lý bởi hóa chất, kỹ thuật mà chỉ xác nhận nó là đá tự nhiên...” - Jean Phillippe Lepage, ông viện trưởng, chia sẻ.

Ông lấy điện thoại, chìa ra những bức ảnh “nói có sách mách có chứng” về những điều chưa chính xác ở thị trường đá Việt Nam so với kiến thức chung của thế giới. “Những người làm giả kim cương bỏ trăm phương ngàn kế để qua mặt các thiết bị đo lường - kiểm định đã có trên thị trường. Những người làm marketing tạo ra những huyền thoại về công dụng sức khỏe hay tâm linh của đá mà chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh được. Chẳng hạn, phương thức nổi tiếng nhất là dùng ôxit nhôm, cho vào đúng điều kiện lý tưởng về nhiệt độ và áp suất, sẽ tạo ra dòng đá corundum - trưởng chi của đá ruby và saphia. Hoặc xử lý nguyên tố nhôm với carbon đúng cách, thứ có công thức hóa học được tạo ra tên là... kim cương. Không cập nhật, tất cả kinh nghiệm không chống lại được thế giới phức tạp của ngành đá quý đâu...”.

Dùng đèn là một kỹ thuật cơ bản để biết độ trong suốt và đồng nhất của đá quý
Dùng đèn là một kỹ thuật cơ bản để biết độ trong suốt và đồng nhất của đá quý

Người đàn ông này bắt đầu sự nghiệp thời sinh viên ngành marketing tại Pháp những năm 1990 - lúc Internet mới bắt đầu lớn mạnh. Cậu sinh viên nghèo sáng đi bán hàng siêu thị, tối đi làm nhà hàng thức ăn nhanh nghĩ rằng phải có món gì đó hay hơn hai cái nghề đáng chán này. Với số 0 hiểu biết, Jean mở một website bán đá quý online, đơn giản là mua sỉ, làm một chút marketing, bán lẻ. Thu nhập tốt đến mức sau khi ra trường, ông đi làm marketing chuyên nghiệp cho một hãng lớn nhưng vẫn giữ nghề bán online. Rồi ông quyết định nghỉ làm, đi học lại từ đầu để trở thành nhà đá quý học, khởi động hành trình đi vòng quanh thế giới để sưu tập và giảng dạy về đá quý của mình...

“Thế giới đá quý tuy lớn mà lại rất nhỏ, nên sẽ chẳng bao giờ có những viên đá giá trị cao hoặc nổi tiếng xuất hiện trên thị trường đâu, những nhà sưu tập lớn sẽ bằng mọi cách giữ lấy nó. Nên nếu có ai đó bán món gì có vẻ rất hời, thì cẩn thận, vì khả năng đó là cái bẫy rất cao” - Jean nói, trong khi soạn cho tôi một mẩu thiên thạch lấy từ chân đền Peard Vihear - mẩu đá đã truyền cảm hứng cho sự sáng tạo ra câu chuyện “đá kryponite từ hành tinh Krypto” trong truyện Superman...■

“Carat” - là đơn vị đo trọng lượng của kim cương và đá quý, có nguồn gốc ly kỳ: hàng ngàn năm trước, trên con đường tơ lụa buôn bán xuyên lục địa của những thương nhân, mỗi vùng miền có những đơn vị đo trọng lượng đá quý và kim cương khác nhau. Nhưng những thương nhân trung gian tài ba ở vùng Trung Đông đã chọn ra một đơn vị đong đếm đá quý một cách công bình hơn cả: cân theo hạt của cây carob (Ceratonia siliqua L.) - một loại cây họ đậu. Không biết vì lẽ nhiệm mầu nào, hạt nào của cây carob cũng có cùng một cân nặng ổn định như nhau, mà sau này người ta cân được là 0,2 gram. Khái niệm carat ra đời từ đó, sau này trở thành đơn vị tính trọng lượng của những thứ quý giá này trên toàn thế giới...

Vài trăm năm sau, những nhà buôn thời Roman (khoảng thế kỷ thứ 11, 12) thấy rằng có thể tính độ tinh chất của vàng nếu cân một lượng vàng với 24 hạt cây carob. Và tới giờ, “vàng 24 carat” cũng vẫn tuân theo quy luật nhất quán này, ít tinh chất hơn là 18 carat và nhỏ dần...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận