Mùa ký ức trên dòng Trà Giang

TRẦN MAI 27/10/2017 02:10 GMT+7

TTCT - Ký ức cứ thế trôi về trong lòng ai đó khi nhớ một thời “thập diện mai phục” trên dòng sông Trà Khúc bắt lấy loài cá đặc sản của dòng sông. Người ta xem đó là hồi ức tuyệt đẹp của dòng Trà Giang.

Bài binh bố trận bắt cá thài bai trên sông Trà Khúc. -Ảnh: Trần Mai
Bài binh bố trận bắt cá thài bai trên sông Trà Khúc. -Ảnh: Trần Mai

 

Mùa cá thài bai lại về, dòng sông Trà chậm rãi chảy ngang những lũy tre làng, những bóng người thấp thoáng dưới dòng sông bẫy cá và dường như kéo cả quá khứ tưởng chừng như biến mất về với thực tại.

Ký ức khó quên

Mảnh bom to đùng được trưng dụng làm tiếng gọi người làng. Khi tiếng kẻng vang lên, trai tráng đôi bờ sông Trà Khúc ồ ạt thức giấc, ánh đuốc lập lờ từ những mái nhà tụ lại thành một đoàn người “hành quân” ra phía bờ sông.

Tiếng trai làng cười nói, cứ thế lớn dần từ làng ra sông. Trên lưng mỗi người là những cái đăng, cái đó dùng để bẫy cá thài bai.

Khi mọi người quần tụ về lòng sông Trà thì cuộc đánh trận giữa con người và loài cá nhỏ bé bắt đầu. Cuộc mai phục để tóm gọn từng đàn cá bơi ngược dòng nước từ cửa biển lên thượng nguồn cũng vì thế mà trở nên “ác liệt”.

Khắp sông là trùng trùng bẫy, người ta dùng tre tạo thành cọc chắn ngang dòng nước, lùa đàn cá đi vào “cửa tử”. Khi thế trận được giăng, ai nấy ngồi trên bờ chờ đợi thành quả của đêm trắng với Trà Giang. Đó là câu chuyện của mấy chục năm về trước, khi “dòng thơ ca” của văn nhân sĩ khí Quảng Ngãi vào mùa cá thài bai.

Xã Nghĩa Dũng (TP Quảng Ngãi) là nơi ông Ba Trà sinh ra và chưa một lần rời khỏi làng quá một tuần. Tuổi đã ngoài 80, ông Ba Trà ngồi nhìn dòng sông Trà Khúc trôi ngang qua làng, kể thuở ông còn là trai tráng, cứ mỗi lần mùa cá thài bai đến, cái đăng, cái đó được chuẩn bị từ trước bắt đầu theo người làng ra sông.

“Vui lắm, chúng tôi kéo nhau đi khi vợ con còn ngủ say. Sau khi thả đăng và kiểm tra cẩn thận từng dòng nước, cái cọc là lên bờ ngồi chờ. Cá thài bai nhiều vô kể. Nhờ đó mà một thời làng cũng cơm no áo ấm mùa rảnh rỗi” - ông Ba Trà cho biết.

Trai tráng thời ông Ba Trà giờ đã già nua, nhưng khi nhắc đến những cao thủ mà loài cá thài bai phải khiếp đảm thì vẫn còn đó: Năm Bưng, Hai Lợi..., nhờ khả năng đánh bẫy cá độc đáo. Giờ ông Ba Trà không còn làm nghề bẫy cá thài bai nữa. Ông đã gác đăng, đó trở về bên bãi bồi trồng rau. Nhưng nước trên dòng sông Trà còn đó, thì dù có muốn quên ông cũng chẳng thể nào tát khô đi ký ức của đời mình.

Mỗi chuyến ra sông là người ta lại gửi vài cân gạo vào từng đàn cá thài bai thấp thoáng dưới làn nước biếc. Ánh mắt tiếc nuối, ông Ba Trà nói trong số những lão ngư thạo nghề sông nước ấy, giờ chỉ còn ông Năm Bưng vương vấn nghề xưa.

Cũng chỉ có ông Năm Bưng là còn đủ khả năng để vót từng đoạn tre đều đến mức hoàn mỹ để cá thài bai chui vào đăng, đó mà không thể thoát ra được.

Kỳ lạ thay, những người gắn bó với dòng sông ấy lại không ai biết cách bắt cá độc đáo này có từ đâu. Ông Hai Lợi bảo rằng chỉ là những câu chuyện kể được chắp nối lại:

Vào thời kháng chiến, những cư dân thạo nghề sông nước sống dọc triền sông Trà trong lúc đi làm đồng, nhìn từng đàn cá thài bai bơi ngược con nước từ hướng Cửa Đại (xã Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi) lên sông Trà, bám chi chít ở dọc triền sông. Ai nấy đều nhìn thèm thuồng. Nhưng cá thài bai đâu dễ bắt, rồi người ta nghĩ ra cuộc bố trận dẫn dụ đàn cá...

Cá thài bai tươi rói dính bẫy. -Ảnh: Trần Mai
Cá thài bai tươi rói dính bẫy. -Ảnh: Trần Mai

 

Thài bai xa ngái

Ký ức của dòng sông trở nên hiu hắt buồn của ngày thực tại. Thời gian đã “cuốn phăng” những gì thơ mộng nhất của ngư dân chốn này.

Hôm chúng tôi đến xã Nghĩa Dõng, gặp lão ngư Chín A đang ra sông chỉ cách cho người cháu là anh Chế Thân Lai dùng đăng, đó để chặn bắt cá thài bai. Ông Chín A được một lần trầm mình dưới dòng Trà Giang rồi lại nhớ cả một trời thương nhớ của ngày muôn năm cũ:

“Khoảng đầu thập niên 1980, sông Trà lúc ấy như một mỏ thủy sản với rất nhiều loài cá, chứ không riêng gì cá thài bai. Ngày nào tụi tui cũng quần quật ngoài sông, có ngày đánh bắt được vài mũng (thúng - PV) thài bai. Tui nhớ lúc ấy bán chỉ được 5.000 đồng/kg. Hết mùa cá là tụi tui lận lưng được vài chỉ vàng”.

Còn bây giờ, thài bai ít lắm, chỉ vì anh Lai “ưng” quá nên ông Chín A mới đích thân xuống sông hướng dẫn. Dựng một hàng rào dã chiến đặt giữa đoạn nước trong nhất, ông Chín A chừa một luồng nhỏ, vừa đủ đặt chiếc đăng, đó.

Không dùng mồi dụ cá, chỉ duy nhất cách thức đặt bẫy. Kỹ thuật “bắt mạch đất trời” tuyệt vời của ông khiến đứa cháu thán phục. “Mày có làm cả nghìn cái đăng, đó rải xuống sông cũng không dụ được con cá nào vào.

Phải nhìn con nước, cá thài bai thích những đoạn nước chảy cuộn, có rãnh sâu. Vậy nên phải đào một cái rãnh cho cá tụ lại thì mới hi vọng kiếm được vài con, không thì khó lắm” - ông Chín A hướng dẫn anh Lai.

Mất hai giờ, anh Lai dưới sự hướng dẫn của người chú, mới có cho mình được một thế trận hoàn hảo chào đón đàn cá.

Lý do anh Lai chọn nghề bẫy cá mộc mạc như chính con người nơi đây là anh từng chứng kiến không biết bao nhiêu ghe, tàu cứ xuôi ngược dòng sông mang theo bình điện. Dù họ không thể vớt được loài cá nhỏ bé này nhưng đã giết chết chúng. Và dòng sông cũng từ đó mà vắng bóng thài bai.

“Tôi muốn khôi phục nghề này, để mọi người cùng làm. Chứ cách dùng bình điện hoài có ngày không còn lấy một con cá nào chứ đừng nói là thài bai” - anh Lai nói.

Anh Lai là một trong số rất hiếm hoi những người trẻ còn vương vấn nghề xưa, chính những người như anh Lai đã giúp dòng sông Trà Khúc lưu lại dĩ vãng với những bóng người lom khom dưới lòng sông nhìn con nước mà đặt ngược chiếc bẫy. Còn với những người đã đến tuổi không còn muốn hơn thua với đời, trong họ chưa bao giờ muốn dòng sông thôi những bóng người thấp thoáng đó, đăng.■

Ông Năm Bưng, cao thủ bẫy cá thài bai ngày nào. -Ảnh: Trần Mai
Ông Năm Bưng, cao thủ bẫy cá thài bai ngày nào. -Ảnh: Trần Mai

 

Chuyện của Năm Bưng

“Bỏ nghề rồi, giã từ rồi” - ông Năm Bưng nói vậy mà mỗi khi rảnh rỗi lại đi mua một ít tre về tỉ mẫn đan đăng, đó. Ông đan để giữ lại gì đó của cuộc đời mình với dòng sông. Trong tiếng thở dài, ông nhớ về vợ mình mà đôi mắt cứ nhìn về lòng sông thăm thẳm.

Năm Bưng chậm rãi kể rằng nhờ cá thài bai mà ông quen và cưới được cô gái chân quê làm vợ. Rồi cá thài bai nuôi gia đình ông, hai vợ chồng ông bám lấy sông mà nuôi con khôn lớn. Rồi mười mấy năm trước, trong một lần trúng mẻ cá lớn, ông hí hửng về đưa cho vợ đi bán.

Người vợ ấy đã mãi không về, còn mủng cá thài bai đổ xuống đường cho lằn xe tải chà đạp... Niềm vui ngắn như đời người mà nỗi buồn lại thăm thẳm như dòng sông. Ông Năm Bưng bùi ngùi: “Vợ chồng tôi nên duyên nhờ cá thài bai và tôi mất vợ trên rổ cá thài bai...”.

Bữa giỗ vợ ông Năm Bưng, người làng gọi là giỗ thài bai. Phần vì cả đời sống với từng đàn cá. Phần vì lần giỗ nào ông Năm Bưng cũng phải kiếm cho bằng được đĩa cá thài bai cúng vợ. Chính vì nỗi đau ấy mà ông vẫn cứ đan đăng, đó.

Dù rằng có rất nhiều người ở TP Quảng Ngãi thấy dụng cụ săn cá độc đáo đã trả giá cao để mua về nhà trưng bày, ông Năm Bưng đều từ chối không bán. Với Năm Bưng: “Đăng, đó thuộc về lòng sông Trà Khúc, thuộc về cá thài bai, thuộc về làng mạc bên sông Trà Khúc và thuộc về cuộc đời tôi. Không phải để trưng bày cho vui mắt”.

Quá hiếm để thưởng thức

Giá cá thài bai hiện nay rất đắt, vào mùa chính giá dao động từ 300.000 - 400.000 đồng/kg. Thịt cá dai và có mùi vị thơm nhẹ, rất thanh. Mùi thơm, dai ấy có được, theo nhiều vị cao niên, là nhờ cá bơi ngược dòng và sống trong cát, không ăn tạp chất của bùn.

Ruột cá sạch không có vị đắng. Cá thài bai có nhiều cách để chế biến nhưng phổ biến nhất là chiên cho cá vừa đủ cứng rồi rưới nước mắm ớt lên, khi nghe tiếng “xèo xèo” và mùi thơm tỏa ra đưa lên bàn ăn sẽ rất... tốn cơm.

Một cách chế biến ngon nữa là rửa sạch, để ráo nước rồi kho với tiêu, cứ để lửa nhỏ và kho cho đến khi nào nước cô đặc lại sẽ có một nồi cá kho làm hài lòng thực khách.

Ông Nguyễn Đăng Vũ, giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, cho biết: “Đánh cá thài bai bằng đăng, đó không chỉ là bẫy đơn thuần mà đó còn là nghệ thuật sông nước chỉ có ở sông Trà. Bây giờ cá thài bai rất hiếm, là đặc sản của sông Trà Khúc.

Chỉ thực khách may mắn lắm đến Quảng Ngãi vào tháng 4 đến tháng 10 hằng năm vào chính mùa mới có thể thưởng thức được ít cá thài bai kho với tiêu. Còn để chứng kiến tận mắt cách bẫy cá trên sông thì quả thật rất hiếm thấy”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận