Xóm lồng bè ở Sông Tranh

LÊ TRUNG 02/11/2017 21:11 GMT+7

TTCT - Giữa lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) mênh mông sóng nước, có một xóm nghèo với hơn chục ngôi nhà gỗ được dựng trên những khu lồng bè nuôi cá.

Người dân bên những lồng bè nuôi cá của mình. -Ảnh: LÊ TRUNG
Người dân bên những lồng bè nuôi cá của mình. -Ảnh: LÊ TRUNG

 

Chủ nhân của những ngôi nhà ấy là những hộ dân sống quanh khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Cái nghèo, cái khổ đã đẩy đưa vợ chồng, con cái họ dắt nhau xuống lòng hồ định cư, kiếm sống.

“Dắt díu” xuống lòng hồ

Con đường mòn rộng chừng nửa mét dẫn xuống lòng hồ Sông Tranh 2 đầy bùn nhầy nhụa sau những trận mưa. Trên cao nhìn xuống, những ngôi nhà gỗ trên lồng bè xếp quanh thành hình tròn, in bóng trên mặt hồ xanh ngắt. Mỗi nóc nhà treo một lá cờ Tổ quốc bay phấp phới.

Đã hẹn trước, người đàn ông với mái tóc chớm muối tiêu, lái chiếc ghe nhỏ ra phía bờ hồ đón chúng tôi. Ông là Nguyễn Ngọc Cảnh (50 tuổi) có lẽ là hộ dân sống lâu nhất ở lòng hồ này. Người gốc Thanh Hóa, gia đình vào Bắc Trà My lập nghiệp chừng 23 năm nay.

Lúc trước nhà làm nông, cuộc sống trông cậy vào mấy sào lúa rất bấp bênh. 5 năm trước, khi huyện có chủ trương khuyến khích mô hình nuôi cá lồng bè hồ thủy điện, ông là một trong những người tiên phong xuống hồ.

“Lúc đầu mình tui ra lòng hồ ở, dựng lồng bè để nuôi cá, vợ con ở nhà cũ trên bờ. Dần dà tôi đưa cả gia đình xuống đây ở luôn, sớm tối có nhau” - ông kể.

Ngôi nhà gỗ của ông Cảnh dựng trên khu lồng bè khá chắc chắn. Trong nhà, bàn ghế, giường, tủ, tivi... đều có đủ. Trên tường dán chi chít những tấm phiếu bé ngoan của cô con gái út 4 tuổi. Ông Cảnh kể lúc đó được huyện hỗ trợ vốn vay hơn trăm triệu, việc đầu tiên là ông dựng các lồng bè nuôi cá và làm một ngôi nhà ván hơn 20m2 để ở. Ông đầu tư bốn lồng nuôi cá diêu hồng, trê, rô phi. Sau này ông mày mò đi các nơi học hỏi kinh nghiệm nuôi các loài có hiệu quả kinh tế cao hơn như cá chình, cá lăng, ếch..., đến giờ đã tăng lên 20 lồng.

Nhờ sự cần mẫn, năm nào ông cũng kiếm được hơn trăm triệu đồng, có tiền nuôi ba đứa con ăn học. “Hồi xưa nghe ổng nói xuống lòng hồ ở để nuôi cá, sống trên sông nước, mẹ con tui cũng ớn lắm. Nhưng ở riết đây rồi đâm quen, chừ chẳng muốn lên bờ” - bà Nguyễn Thị Xoan, vợ ông Cảnh, tâm sự.

Ông Trần Văn Mạo (45 tuổi, người gốc Thanh Hóa) vào Bắc Trà My định cư cũng dắt vợ con xuống lòng hồ ở. Qua các năm, tiền lãi từ việc bán cá giúp ông đầu tư mở rộng lồng bè và nuôi những loài cá đặc sản được giá cao.

Theo ông, nuôi cá ở lòng hồ thuận lợi vì nguồn nước sạch, cá phát triển tốt. Hằng ngày ông tất bật với khu lồng bè, còn vợ đem cá ra chợ bán. Ngoài chợ gia đình ông có một cửa hàng bán cá cho toàn huyện. Mỗi năm thu nhập hơn trăm triệu đồng, năm 2016 hơn 200 triệu, đến nay ông đã trả hết nợ ngân hàng và tiếp tục đầu tư mở rộng lồng bè.

“Từ khi xuống đây cuộc sống gia đình khấm khá hơn trước, con cái có điều kiện ăn học tốt hơn” - ông Mạo bộc bạch.

Chàng trai gốc Huế Huỳnh Viết Dũng (38 tuổi) là người trẻ nhất ở xóm lồng bè. Cách đây ba năm, anh đã bán hết nhà, đất ở trên bờ, đưa vợ con xuống lòng hồ dựng nhà trên các bè cá ở hẳn. Ngày ngày, vợ chồng anh tất bật quanh bè cá. Thời gian bận rộn với lũ cá khiến họ quên đi nỗi buồn trên sông nước hiu quạnh. “Mấy ổng lớn tuổi rồi mà ở được, mình còn trẻ mắc chi mà không dám” - anh Dũng cười.

Bữa cơm của một gia đình ở xóm lồng bè. -Ảnh: LÊ TRUNG
Bữa cơm của một gia đình ở xóm lồng bè. -Ảnh: LÊ TRUNG

 

Nổi trôi theo con nước

Cái xóm lồng bè có mười bốn hộ dân thì có gần chục là người gốc ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế... vào định cư, còn lại người Ca Dong ở Bắc Trà My. Dù mỗi miền khác nhau nhưng họ sống chan hòa, lồng bè là ngôi nhà của mình.

Có người bán hết nhà cửa trên bờ, xuống lòng hồ định cư. Bỏ quê, nơi chôn nhau cắt rốn vào xứ người định cư đã là sự đánh đổi. Rồi lại dám bỏ bờ để xuống lòng hồ sống - một đánh đổi lớn gấp nhiều lần. Dân xóm lồng bè hiểu rằng sống nổi trôi trên con nước quả thật chẳng dễ chút nào. Ở đây đi lại, làm ăn, sinh hoạt, tất tần tật đều bằng thuyền.

Hằng ngày họ bơi ghe chở con cái lên bờ cho chúng đến trường kiếm chữ. Chiều về, chúng đứng ở bờ hồ gọi cha mẹ í ới bơi ghe ra chở về nhà.

Tối đến có nhà thì dùng điện bằng máy nổ, những nhà không có điều kiện thì con cái phải học dưới ánh đèn dầu tờ mờ. Họ sợ nhất việc con nhỏ nghịch nước rớt xuống hồ. “Đã có nhiều trường hợp trẻ em bị rớt xuống nước, may mà người lớn phát hiện kịp cứu” - anh Dũng kể.

Sống nổi trôi như vậy nên dân xóm lồng bè sợ nhất mùa mưa bão. Cứ đến mùa bão nổi, mưa triền miên, con nước lòng hồ Sông Tranh trở nên dữ tợn như quái thú. Mưa nhiều, nước hồ dâng cao lên vài chục mét, các nhà trên lồng bè cũng dâng theo.

Những đêm gió lớn, mưa xối xả kèm lốc xoáy trên mặt hồ, họ thức trắng đêm để canh chừng những lồng bè. Sợ sóng lớn đánh vào các lồng, xé toạc lưới làm cá tràn ra ngoài thì coi như mất trắng. Ông Cảnh kể mùa mưa năm ngoái nhiều lồng bè ở đây bị lốc xoáy xé toạc, cá tràn ra ngoài, nhiều gia đình bị thiệt hại nặng.

“Lốc xoáy ở trên hồ dữ dằn lắm, nhà cửa lung lay dữ dội. Nhiều gia đình hãi quá, vợ chồng con cái mặc áo phao nằm ngủ vì sợ nhà sụp, bè trôi. Đó là chưa kể khu vực này thường xuyên bị động đất, nhà cửa rung lắc mạnh, ai cũng sợ. Nhưng coi vậy mà ở riết rồi đâm quen”.

Sống trên mặt nước, tình người cũng đong đầy như con nước. Chị Đỗ Thị Thu Đông, vợ anh Dũng, nói rằng ở đây cái gì cũng thiếu nhưng tình làng xóm lúc nào cũng đủ. “Nhà ai thiếu chút mắm, chút muối thì bơi ghe qua nhà hàng xóm xin. Ai xuống chợ mua được miếng thịt, giỏ trái cây ngon cũng sẻ chia cho mỗi nhà một ít” - chị Đông tâm sự.

Những đêm trăng thanh in bóng xuống hồ, dân xóm lồng bè gọi nhau í ới qua nhà nhâm nhi tách trà, ly rượu, quây quần tâm sự. Người dân ở xóm lồng bè nói rằng mùa vui nhất với họ là những ngày thu hoạch cá bán cho thương lái. Chỉ những ngày này, cái xóm nhỏ ấy mới có người ra vào tấp nập, chộn rộn như chợ nổi ở miền Tây.

Bán cá xong, cả xóm chung tay làm mâm cúng sông nước, rồi quây quần bên nhau uống chén rượu mừng thành quả sau thời gian dài bỏ công cần lao, hưởng một niềm vui trọn vẹn.

Điều làm dân xóm lồng bè lo lắng hiện giờ là đầu ra của cá rất khó khăn, thương lái ép giá hoặc không mua. Cũng bởi địa hình ở đây toàn đường sá rừng núi nên việc giao thương khó khăn. Cá đến kỳ thu hoạch mà thương lái không mua thì phải để lại đó.

“Mỗi ngày tiền thức ăn cho cá mấy triệu bạc, kéo dài như vậy khi bán chẳng đủ vốn” - ông Cảnh rầu rĩ. Đang trò chuyện, bỗng ông sực nhớ, đứng phắt dậy mặc áo mưa đi về phía lồng cá, quay lại nói với chúng tôi: “Mới nghe dự báo bão vào, tui phải gia cố lại các lồng bè đã. Sợ đêm mưa gió xé toạc như mấy năm trước thì khốn!”.■

Tạo sinh kế giúp dân thoát nghèo

Theo ông Phan Thành Phương - phó Phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My, đầu năm 2012 lãnh đạo huyện khảo sát những nơi khác, thấy mô hình nuôi cá ở lòng hồ thủy điện hiệu quả, tạo sinh kế cho dân nên về thử áp dụng cho một hộ nuôi thí điểm ở lòng hồ Sông Tranh 2.

Sau thấy hiệu quả nên mở rộng, khuyến kích cho những hộ dân nghèo ở khu vực thủy điện xuống lòng hồ nuôi cá, huyện tạo điều kiện tối đa để thoát nghèo. Mỗi hộ được vay 120 triệu đồng, không lãi suất, ngoài ra còn được hỗ trợ kỹ thuật, con giống.

Đến nay ở lòng hồ có 14 hộ nuôi với 180 lồng bè. Sản lượng trung bình mỗi năm của các lồng bè khoảng 1.200 tấn, bình quân mỗi hộ lãi từ 100-150 triệu đồng/năm.

“Những người dân ở đây đã cần mẫn, linh hoạt tìm giống cá hiệu quả nên thu nhập rất đỡ, cuộc sống gia đình khấm khá, nhiều hộ đã thoát nghèo. Đến giờ họ đã trả hết số nợ vay, tiếp tục tăng số lượng lồng bè, đó là điều đáng mừng” - ông Phương nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận