Ông Hugo với tình yêu thiên nhiên ở Việt nam

HỒNG VÂN 08/05/2018 04:05 GMT+7

TTCT - Ông là Hugo De Beuckeleer, nhà sinh học, nhà giáo dạy trường ĐH sư phạm đã về hưu ở Bỉ. Từ năm 2006 đến nay, ông đã thực hiện nhiều chuyến sang Việt Nam để tìm hiểu về đa dạng sinh học, những loài cây cỏ và sinh vật rất đỗi bình thường của thiên nhiên như dương xỉ, hoa dại, chuồn chuồn, các loài côn trùng...

Ông Hugo dừng chân quan sát đa dạng sinh học tại vườn quốc gia Bi Doup Núi Bà. Ảnh: Văn Bình
Ông Hugo dừng chân quan sát đa dạng sinh học tại vườn quốc gia Bi Doup Núi Bà. Ảnh: Văn Bình

Mỗi chuyến ông đi từ 2-3 tháng, bằng tiền dành dụm cá nhân của một đời làm việc chăm chỉ. Ông dự định sẽ còn thực hiện nhiều chuyến đi nữa đến Việt Nam cho đến lúc không còn sức để lưu vào tâm trí và máy ảnh các loài sinh vật mà ông nhìn thấy ở xứ sở này...

Con người của thiên nhiên

Sáng sớm, người đàn ông 73 tuổi bắt đầu chuẩn bị cho hành trình tìm hiểu đa dạng sinh học ở vườn quốc gia Bi Doup Núi Bà (Lâm Đồng) lần thứ 5. Ông cột dây ràng cái giỏ màu xanh đựng cái mền dã ngoại, quần nilông chống thấm nước, áo mưa, áo ấm... vào yên chiếc xe máy. Ông mang balô màu đen trên vai đựng những thứ rất quan trọng cho chuyến đi, mỗi món đều được để cố định ở từng vị trí: nước uống, máy chụp hình, điện thoại, máy ghi âm, sổ, bút, kính lúp, thực phẩm, dây, dao... và các dụng cụ cần thiết cho người đi rừng.

Ông thận trọng: “Mang dư hơn mang thiếu vì bạn không bao giờ biết chắc chắn điều gì sẽ xảy ra khi ở trong rừng”. Ông chỉ khởi hành khi đã chuẩn bị đầy đủ. Trên con đường mòn trong vườn quốc gia, lúc thì ông rẽ trái, lúc rẽ phải, mắt liên tục nhìn trên, nhìn dưới, tai lắng nghe, quan sát.

Cẩn thận lật một cành cây chết, ông say sưa ngắm đám nấm corticoid mọc trên đó. Quan sát, chụp hình xong, ông cẩn thận đặt cành cây về vị trí cũ, nhẹ nhàng như đặt em bé đang ngủ say vào trong nôi.

Có lúc ông dừng lại thật lâu bên gốc cây đầy rêu xanh, ẩm ướt, đôi mắt ông sáng lấp lánh: ông tìm thấy một thế giới của sự sống dưới gốc cây đầy rêu xanh đó. Ông tỉ mỉ quan sát và dành sự ngưỡng mộ cho tạo tác của thiên nhiên ở gốc cây đầy rêu này, nơi mà nhiều người đi rừng thường ngồi lên. Ông rút kính lúp, say ngắm lớp rêu, nhìn những chuyển động nhỏ của những sinh vật li ti, ngắm những con ốc sên đang cuộn mình tận hưởng cuộc sống bình yên.

Đôi mắt tinh anh của ông có thể nhìn thấy những bụi nấm màu cam nằm xa đường mòn hay những cây nấm màu xám gần như lẫn vào trong đất. Mỗi lần như thế, ông ngừng lại, ngồi thấp xuống, tì tay, cúi mặt, xoay xở nhiều tư thế để chụp cho được nhiều tấm hình với các góc độ khác nhau: trên xuống, dưới lên, trái qua...

Nếu quần thể nấm dồi dào, ông cho phép mình ngắt một tai nấm để quan sát cẩn thận cấu trúc lỗ li ti đều nhau dưới tai nấm và vò một mẩu nhỏ để đánh giá về mùi vị. Ông lấy sổ, bút, ghi chú cẩn thận những gì mình vừa quan sát. Ông cũng chụp hình mẫu với mảnh giấy theo đơn vị milimet mà ông luôn mang theo người để có thể phân tích kỹ hơn trên máy tính.

Đang đi, đôi khi ông đột ngột dừng lại và khẽ khàng lấy điện thoại ra, thu âm thanh của một loài lưỡng cư, điệu hát của một loài chim đang ung dung cất lên giữa khu rừng vắng. Mặt ông hớn hở khi thu được “tiếng rừng” nhưng cũng có lúc ông chỉ biết nhún vai đi tiếp khi chờ mãi âm thanh vừa nghe không quay trở lại. “Tự nhiên quyết định những gì nó muốn mà” - ông tự an ủi.

Thấy thiên nhiên mà chảy nước miếng

Phút nghỉ chân giữa rừng của ông Hugo. Ảnh: Văn Bình
Phút nghỉ chân giữa rừng của ông Hugo. Ảnh: Văn Bình

Hugo cho biết ông rất ngạc nhiên khi thấy ở Việt Nam, việc dạy môn tự nhiên chỉ gói gọn với những cuốn sách giáo khoa đầy chữ mà không phải là những cuốn sách với các bức ảnh màu cỡ lớn sống động. Đặc biệt, thiếu những chuyến đi tìm hiểu thiên nhiên nơi mình sống, khu vực xung quanh mà ở đó, học sinh (HS) học trong bối cảnh thật, được sờ, được ngửi, được nếm, được nhìn, được nghe... thiên nhiên với tất cả các giác quan nhạy cảm của mình.

“Tôi hiểu có thể các thầy cô ở Việt Nam khó khăn hơn khi tổ chức các chuyến đi thực tế vì sĩ số lớp quá đông, khó đảm bảo an toàn. Lý tưởng nhất là có thể tổ chức các nhóm dưới 20 HS, thầy cô cần có thêm sự hỗ trợ của 1-3 người lớn khác tùy vào độ tuổi HS. HS được giao cho các bài tập dựa trên bối cảnh được ghi nhận từ các chuyến đi tiền trạm và phù hợp với bài học” - ông nói.

Hugo tiết lộ: khi là HS cấp II, ông gặp được một giáo viên sinh học tuyệt vời, khuyến khích ông đi vào thiên nhiên và kết nối với cỏ cây, chim chóc, kể những câu chuyện sinh động và biết gợi ý HS suy nghĩ. Khi 15 tuổi, cậu HS Hugo đã thực hiện một bài tập dài 2 năm theo dấu vết những loài chim trong tự nhiên trong một khu vực rộng trên dưới 100ha. Cậu lập một bản đồ và đánh dấu nơi mình nghe tiếng chim hót vào lúc sáng sớm và đặc biệt là vào mùa sinh sản.

Bài tập này đoạt giải nhất của cuộc thi Jacques Kets dành cho HS do sở thú tỉnh Antwerpen tổ chức. Suốt cuộc đời dạy học của mình, ông đã truyền cảm hứng và tình yêu thiên nhiên cho nhiều thế hệ học trò ở Bỉ. Nhiều sinh viên của ông đã tích cực tham gia vào các tổ chức bảo vệ tự nhiên và tiếp tục duy trì các chuyến đi rừng sau khi tốt nghiệp.

Trao cho thế hệ trẻ tình yêu thiên nhiên và đa dạng sinh học, theo ông Hugo là biện pháp lâu dài và tốt nhất để bảo vệ tự nhiên. Nhiều người thấy khó hiểu tại sao các nhà sinh học như ông không đi nghiên cứu những gì vĩ đại mà quan tâm đến những loài rất bình thường. Ông giải thích: “Mỗi loài đều có vai trò, vị trí trong hệ sinh thái và trong chuỗi thức ăn. Đa dạng sinh học là một phần của di sản tự nhiên của một đất nước. Các di sản tự nhiên và văn hóa cần được bảo vệ cho thế hệ sau...”.

Với ông, đôi khi những gì chúng ta không trân trọng ở cái nhìn đầu tiên lại là những thứ có vai trò quan trọng trong tự nhiên. Con chuồn chuồn có thể là côn trùng chỉ thị rất tốt cho chất lượng nước. Khi một loài bỗng ít đi hay nhiều lên, đó là tín hiệu cho ta thấy sự thay đổi rất vi tế của môi trường.

Những năm 1960, lúc ông vào đại học, theo đuổi ngành sinh học, nghiên cứu những sinh vật chẳng mấy cao sang, rất nhiều người ở Bỉ không ai tin đây là một nghề. Nhưng chỉ khoảng 10 năm sau, người dân đã thấy những tác động mà công nghệ mang lại cho thiên nhiên và nhận ra nếu tiếp tục đối xử tàn bạo với thiên nhiên, cuối cùng con người sẽ chẳng còn gì.

Mấy chục năm qua, Hugo tận tụy với sinh viên và với môi trường. Ông tình nguyện tham gia những nhóm chuyên gia bảo tồn của địa phương, hằng tháng, hằng quý đi kiểm tra số lượng các loài trong các khu vực được bảo vệ. Ông tình nguyện tổ chức cho các nhóm cộng đồng đi vào rừng, quan sát côn trùng, bướm đêm để thắp lên và duy trì một ngọn lửa bền bỉ trong lòng người về tôn trọng thiên nhiên.

Nay về hưu và sống một mình, ông thường xuyên đi xe đạp, sử dụng phương tiện công cộng để hạn chế phát thải cho môi trường, hạn chế cả việc đi máy bay... như những nguyên tắc hành động và lên tiếng cho tình yêu thiên nhiên của mình.

Cứ khoảng hai năm một lần, ông thu xếp thời gian, công việc và tiền bạc để sang Việt Nam, trước hết là thăm những người bạn cũ, sau là đắm chìm trong cảnh thiên nhiên ở bất cứ nơi nào ông đến. “Khi tôi nhìn những cảnh xanh tươi mà mẹ thiên nhiên ban tặng cho người Việt Nam, chúng đẹp đến mức làm tôi ứa nước miếng!” - ông nói. ■

Mỗi tấm hình chụp một mẫu vật của ông Hugo đều được xác định tọa độ cụ thể để kết nối với Google Map và các hệ thống định vị khác. Ảnh: Hồng Vân
Mỗi tấm hình chụp một mẫu vật của ông Hugo đều được xác định tọa độ cụ thể để kết nối với Google Map và các hệ thống định vị khác. Ảnh: Hồng Vân

Bộ sưu tập 44.000 tấm ảnh

Đến nay, ông Hugo đã dành khoảng 75 tuần ở Việt Nam, đến thăm trên 20 tỉnh thành và thu thập khoảng hơn 44.000 tấm ảnh với khoảng một nửa trong số này là ảnh phục vụ nghiên cứu, hội thảo... Nhiều năm qua, ông đã chia sẻ các hình ảnh về động thực vật rừng ở Bỉ cho cộng đồng sinh viên, giáo viên, giới khoa học ở Bỉ. Những quan sát và báo cáo của ông được đăng ở trang web: https://waarnemingen.be. Ông sẵn sàng hợp tác để chia sẻ những tài nguyên ông đã thu thập ở Việt Nam với những người quan tâm nghiên cứu về đa dạng sinh học.

Ông Hugo có nguyên tắc là không thu thập bất kỳ mẫu nào trong quá trình nghiên cứu vì việc mang mẫu vật ra khỏi Việt Nam là không được phép và phải cân nhắc rủi ro phát tán sinh vật ngoại lai. Ông cố gắng chụp những tấm ảnh có chất lượng tốt nhất với đầy đủ thông tin theo thời gian thực ở địa phương mình đến, địa điểm (kết nối với hệ thống định vị toàn cầu) để sau này có thể tra cứu và so sánh khi trở lại Bỉ.

Sai lầm của con người và các nhà quy hoạch là nhìn các loài trong tự nhiên bằng con mắt kinh tế. Họ thường tự hỏi: Tôi có thể kiếm tiền từ đây không? Nó có đẹp không? Rồi nghĩ ngay đến việc khai thác thế nào

 
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận