Đừng quên vị "bác sĩ thứ ba" 

BS ĐỖ MINH TUẤN 17/11/2017 02:11 GMT+7

TTCT - Sau những ca phẫu thuật, điều trị sẽ ra sao? Không ít người đánh giá chưa đúng sự hiệu quả của vật lý trị liệu, phục hồi chức năng...

Trẻ để chân trần đi trên những tấm thảm có độ nhám khác nhau hoặc vật liệu khác nhau để điều trị về rối loạn cảm xúc.
Trẻ để chân trần đi trên sỏi, cát hoặc những tấm thảm có độ nhám khác nhau hoặc vật liệu khác nhau để điều trị về rối loạn cảm xúc.

 

Một thời người ta xem mục tiêu điều trị số 1 là chữa lành, cứu sống bệnh nhân. Nhưng sau đó các bác sĩ nhận ra họ ký giấy trả về nhiều người khỏi bệnh (đặc biệt các bệnh về vận động, thần kinh, chấn thương...) nhưng mất khả năng lao động, sinh hoạt, tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Như vậy, việc cứu chữa xem như chưa hoàn tất sứ mệnh. Ngành phục hồi chức năng (PHCN) ra đời thực hiện chức trách cuối, trả lại sự lành lặn thật sự cho người bệnh.

Có thể làm gì?

Nói đến PHCN, ta thường nghe song hành cụm từ vật lý trị liệu (VLTL), nhiều người đánh đồng PHCN là VLTL. Nhiều bác sĩ, để “dễ hiểu”, dặn bệnh nhân về tập VLTL thay vì PHCN. Không có gì sai bởi VLTL có chân đứng nặng ký trong PHCN.

Như cái tên, VLTL sử dụng các tác nhân vật lý (nhiệt, nước, điện, tia, siêu âm, lazer...), dụng cụ, tập luyện giúp người bệnh lấy lại chức năng. Có hẳn danh sách dài các loại bệnh tật phải nhờ đến VLTL: sau chấn thương (sọ não, gãy cổ xương đùi, gãy cổ tay, đứt dây chằng trước gối, thay khớp háng...), sau tai biến mạch máu não, tổn thương tủy sống, Parkinson, viêm tủy, viêm đa dây thần kinh, liệt thần kinh mặt, thoái hóa đốt sống, thoát vị đĩa đệm, thần kinh tọa, bệnh cơ, xơ cứng...), di chứng sau phẫu thuật, dị tật bẩm sinh, tự kỷ...

Thử tìm hiểu một người bị chấn thương cột sống sẽ rõ vị “bác sĩ thứ ba” (sau phòng bệnh và chữa bệnh) làm được gì cho bệnh nhân.

Ra khỏi phòng mổ, cột sống xem như “qua cơn nguy kịch”, việc còn lại là đưa nó hoạt động trở lại như chiếc “cột cái” chống đỡ, xoay trở cơ thể. Cái đích cần đến là dìu được bệnh nhân ngồi dậy, đi lại, tắm rửa, tưới cây, thể thao, công tác... Để làm được, VLTL có thể huy động hầu hết “khí tài” (quang trị liệu, thủy trị liệu, nhiệt trị liệu, siêu âm trị liệu, cơ động trị liệu...) giúp đốt sống, đĩa đệm, dây chằng hoạt động trơn tru trở lại cùng sự giúp sức của hệ tuần hoàn, thần kinh...

Bị xem nhẹ

Tạm hình dung “mặt mũi” VLTL như thế, việc cần bàn là vì sao hữu ích nhưng nhiều trường hợp nó lại bị người bệnh bỏ qua. Hầu hết bệnh nhân ý thức được sự cần kíp của PHCN và sẵn sàng hợp tác với nhà chuyên môn với mong mỏi bình phục hoàn toàn. Với họ, VLTL là bước nối dài của điều trị, chỉ là chuyển từ giường bệnh này sang giường bệnh khác.

Ngược lại, vẫn có không ít bệnh nhân vì thiếu hiểu biết và hạn chế về tài chính nên xem nhẹ khi được chỉ định PHCN tại bệnh viện, trung tâm y tế. Với một số người, cầm được giấy xuất viện coi như “xong chuyện”.

Việc bác sĩ kê toa tập VLTL chỉ được xem như một câu... dặn thòng, có thì tốt, không có không sao. Nhiều người lập luận rằng nếu nặng, bác sĩ đã “bắt” bệnh nhân ở lại bệnh viện gửi khoa PHCN, vì vậy với trường hợp trả về địa phương (giảm tải các bệnh viện lớn), dù kèm theo lời dặn tập VLTL, lắm khi bệnh nhân cho qua luôn.

Như đã nói, đơn giản vì... hết tiền (dù chi phí VLTL không phải là cao), vì “ê ẩm” sau điều trị, vì không muốn không khí bệnh viện. Một số mắc tâm lý còn lui tới nhà thương là còn cảm giác... chưa khỏi bệnh, trong khi điều mà họ cố nghĩ là nhanh chóng vứt bệnh tật sang một bên, mau khỏe lại, kiếm tiền nuôi vợ con.

Không từ khước hẳn, nhiều người chỉ tạm gác, đợi thu xếp rồi tập VLTL không muộn. Suy nghĩ này thật sự nguy hiểm.

Đây là cách nghĩ chưa thông bởi nhiều cơ quan, tổ chức (đặc biệt liên quan đến vận động) nếu không sớm “dựng” chúng dậy thì khả năng phục hồi sau này rất gian nan, thậm chí bó tay. Chẳng hạn với tình trạng cứng khớp, teo cơ, liệt thần kinh...

Tuy vậy, VLTL - PHCN cũng có sở đoản. Tập VLTL phải chấp nhận thời gian kéo dài, đi lại mất công... (nhiều người bỏ cuộc vì thiếu kiên trì). Mặt khác, đều dễ hiểu là phục hồi không đúng thì nguy cơ “yếu thành... liệt” hoàn toàn có thể xảy ra.

Tất nhiên, bệnh nhân có thể tự tập hoặc nhờ dịch vụ VLTL tại nhà (bệnh nhẹ), nhưng một khi đã ngán ngại thì mang đến tận giường cũng khó được việc. Thực tế không phải lúc nào người bệnh cũng được đặt vào tay một kỹ thuật viên vững tay nghề.

Nhiều trường hợp do thiếu nhân lực mà người “ngoại đạo” được cử sang PHCN. Ngành PHCN thường không mấy hấp dẫn sinh viên.

Tuy nhiên, phải thừa nhận những khó khăn kia chẳng là gì so với lợi ích mà VLTL - PHCN mang lại. Với lợi ích lớn lao, chắc chắn VLTL - PHCN sẽ có một vị trí không kém cạnh hai “đồng nghiệp” phòng và chữa bệnh trong sứ mệnh chăm sóc sức khỏe.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận