Ung thư thì phải kiêng... tình dục?

TS.BS PHẠM NGUYÊN TƯỜNG 08/12/2017 03:12 GMT+7

TTCT - Không ít bệnh nhân ung thư mặc nhiên chịu “thúc thủ” trước đời sống tình dục, cả trong ý nghĩ lẫn thực tiễn. Mối bận tâm duy nhất và lớn nhất của họ là tập trung xử lý khủng hoảng có tên “ung thư”.

 

 

Thực ra chính việc “xử lý khủng hoảng tình dục” là một trong những thực hành cần thiết góp phần làm tốt hơn chất lượng cuộc sống của người mắc bệnh ung thư.

“Còn gì nữa đâu...?”

Tôi từng hỏi những bệnh nhân ung thư cổ tử cung đã được phẫu thuật cắt tử cung toàn phần và hoàn tất những phác đồ điều trị bổ sung đại loại rằng “lâu nay chị có quan hệ tình dục?”, hầu hết thở dài buồn bã: “Còn gì nữa đâu, bác sĩ!”.

Tại sao lại không còn gì, tôi trả lời và ước gì có một chuyên gia về lĩnh vực này tham gia đội ngũ điều trị ung thư đa chuyên khoa (multidisciplinary cancer management) của chúng tôi. Không chỉ là những ung thư của hệ thống sinh dục ảnh hưởng trực tiếp đến “chuyện ấy”, những bệnh ung thư khác thì sao?

Không phải ai mắc bệnh ung thư cũng sẽ có những thay đổi về ham muốn hay cảm nhận về tình dục. Nhiều nữ bệnh nhân của tôi nói trên hầu như không còn quan tâm đến tình dục và cảm thấy rất mệt mỏi.

Nhưng một số người nói rằng họ muốn thử lại, dò hỏi cách thức và những khó khăn có thể gặp phải, hay thậm chí muốn quan hệ tình dục nhiều hơn bình thường.

Vì mỗi người đều khác biệt, không thể nói chính xác được ung thư sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tình dục và đời sống tình dục. Vả lại có rất nhiều loại ung thư và nhiều phương pháp điều trị có những mức độ ảnh hưởng khác nhau. Khoảng 30-40% bệnh nhân và những người sống sót của tất cả các loại ung thư báo cáo có những phản ứng phụ làm ức chế cuộc sống tình dục của họ.

Nhưng có một điều chắc chắn rằng những khủng hoảng về cảm xúc, cảm nhận và nhu cầu tình dục sẽ không tồn tại lâu.

Trong một nghiên cứu năm 2015, bác sĩ El-Jawahri và các đồng nghiệp tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Hoa Kỳ) đã sàng lọc 150 bệnh nhân sống sót ít nhất ba tháng sau ghép tế bào gốc tạo máu để điều trị bệnh ung thư máu, cho thấy có đến 49 bệnh nhân (chiếm 1/3) bị rối loạn chức năng tình dục, bao gồm không có khả năng cương cứng, đau âm đạo khi giao hợp, giảm ham muốn và kích thích.

Những bệnh nhân này đã tham gia các can thiệp điều trị nhằm giải quyết vấn đề cụ thể mà họ phải đối mặt.

Sau sáu tháng can thiệp và theo dõi, kết quả cho thấy có sự cải thiện rõ rệt về chức năng tình dục nói chung và mối bận tâm vào những vấn đề cụ thể như sự cực khoái, âm đạo trơn hay đạt được sự cương cứng. Và dĩ nhiên bệnh nhân cũng cảm thấy cải thiện chất lượng sống, cũng như giảm triệu chứng trầm cảm sau khi can thiệp.

Một trong những khía cạnh quan trọng nhất của nghiên cứu này chính là tăng cường giáo dục, bình thường hóa và trao quyền cho bệnh nhân nói về tình dục.

Nhiều bệnh nhân cảm thấy tình trạng của họ là bất thường. “Vậy thì giải quyết và bình thường hóa rối loạn chức năng tình dục khiến bệnh nhân cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn” - tiến sĩ El-Jawahri nói. Theo tiến sĩ El-Jawahri, ở nhiều đợt can thiệp, các đối tác (bạn tình) của bệnh nhân cũng đã có mặt, tạo thành một nhóm cùng giải quyết vấn đề trong một môi trường thoải mái và không phán xét.

Tìm nguyên nhân để đối phó

Rõ ràng những thay đổi đời sống tình dục do bệnh ung thư và các phương pháp điều trị gây ra là có thể xử lý được nếu có một sự nỗ lực và kiên trì từ nhiều phía: thầy thuốc, bệnh nhân và người thân. Quan trọng nhất trong tình huống này là bệnh nhân cần có một chuyên gia tư vấn và trị liệu để xác định nguyên nhân và cách đối phó. Những nguyên nhân đó là:

- Ung thư làm thay đổi cơ thể: Bệnh nhân bị cắt bỏ vú, tử cung, âm đạo, âm hộ, tinh hoàn, dương vật..., sẹo do phẫu thuật, mang hậu môn nhân tạo, ống thông bàng quang; rụng tóc do hóa trị, sụt cân, tăng cân... Một số thay đổi trên đây có thể là tạm thời.

Tóc của bạn sẽ mọc lại sau khi kết thúc hóa trị. Tăng cân nặng khi dùng corticosteroid sẽ trở về bình thường khi điều trị xong...

- Ung thư và điều trị ung thư có thể gây ra: đau đớn, rối loạn tiêu hóa, tiểu tiện, viêm loét miệng, khó thở, thay đổi hormon sinh dục, mệt mỏi, cáu gắt, buồn chán hoặc trầm cảm, lo lắng, căng thẳng...

Bệnh nhân mất hết cảm hứng tình dục một khi gặp phải các tác dụng phụ của việc điều trị nêu trên hay rối loạn cảm xúc, cảm giác kém hấp dẫn, không còn chút năng lượng nào để quan tâm chăm sóc bản thân như trước đây.

Những vấn đề này sẽ được cải thiện khi các triệu chứng được kiểm soát tốt hơn, hay một khi kết thúc điều trị. Còn với những cơn đau đớn, tại sao không dùng thuốc giảm đau 30 - 60 phút trước khi quan hệ?

- Mất kiểm soát: Cách nhìn và cảm nhận đời sống khác đi khi bị ung thư là điều không thể chối cãi. Bệnh nhân sẽ mất tự tin, tự chủ, không thể kiểm soát được cuộc sống. Một số bệnh nhân dằn vặt rằng chính cuộc sống tình dục trước đây của mình đã gây ra ung thư, một số khác cảm thấy cơ thể mình bị ô uế vì bệnh ung thư...

Và lời khuyên của chuyên gia trong những tình huống này là:

- Hãy dành thời gian và không gian làm quen với những thay đổi cơ thể và cảm xúc của mình. Hãy xem ung thư như một sự khởi đầu mới trong cuộc sống.

- Hãy trải lòng với bạn đời về tất cả những mối quan tâm hiện giờ, trong yên tĩnh, trong nỗ lực bình tâm.

- Tìm đến chuyên gia khi gặp phải những vấn đề phát sinh trong quá trình điều trị. Luôn nhớ rối loạn tình dục là một vấn đề rất phổ biến và rằng với một người bình thường thì nói chuyện tình dục vốn đã khó khăn, huống chi là người bệnh ung thư. Hãy can đảm và kiên nhẫn.

- Hãy nhớ hoạt động tình dục còn có những lựa chọn khác: hôn, vuốt ve, nhìn ngắm hay thậm chí chỉ cần ngồi yên lặng bên nhau...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận