Biến hóa khôn lường của cần sa thế hệ mới

YÊN LAM 06/10/2018 01:10 GMT+7

TTCT - Chỉ một ngày trước vụ việc chết người liên quan đến “chuyến bay lên cung trăng” ở Việt Nam, hai thanh niên gốc Việt đột quỵ khi đang tham gia đại nhạc hội Defqon.1 ở Penrith (Sydney, Úc). Cả hai chết tại bệnh viện ngay sau đó, với nguyên nhân tử vong nghi là sốc thuốc.

Sự nguy hiểm của cần sa tổng hợp là khôn lường
Sự nguy hiểm của cần sa tổng hợp là khôn lường

 

Vụ 7 người tử vong nghi sốc cần sa tổng hợp ở Hà Nội được xem là hi hữu tại Việt Nam, nhưng thật ra đó chỉ là nối dài danh sách hàng loạt vụ tương tự trên thế giới trong thời gian qua có liên quan đến “ma túy thế hệ mới”, hay chính xác hơn là synthetic cannabis (cần sa tổng hợp).

Mới đây đã có 10 người phải nhập viện ở thành phố Christchurch (New Zealand) vì đột quỵ và trụy tim, theo Đài RNZ. Các nạn nhân được cho là đã dùng AB hoặc AMB-FUBINACA, hai loại cần sa tổng hợp đã khiến nhiều người ở đảo North Island tử vong hồi năm 2017. Trước đó, chỉ trong hai ngày giữa tháng 8, hơn 95 người ở New Haven (bang Connecticut, Mỹ) bị sốc thuốc sau khi dùng một loại cần sa tổng hợp gọi là K2 (còn có tên khác là Spice hay AK47).

Trang Healthline nhấn mạnh cần sa tổng hợp đã “trở thành biểu tượng cho sự nguy hiểm của một dòng ma túy mới mà giới chức ở Mỹ chưa hiểu hết và không kiểm soát được. Vậy loại “ma túy thế hệ mới” này thực chất là gì và nguy hiểm ra sao dù không gây nghiện?

Cần sa mà không phải cần sa

Cần sa tự nhiên (từ cây cần sa) là chất hướng thần (psychoactive substance) có chứa các hoạt chất như THC và CBD, có khả năng kích thích thụ thể cannabinoid CB1 trong não bộ, tạo cảm giác vui vẻ, hưng phấn và không gây nghiện.

Cần sa được phân thành cần sa y tế phục vụ chữa trị và cần sa giải trí, được hợp pháp hóa ở nhiều nơi, mới nhất là Canada. Cần sa tổng hợp (synthetic cannabis) thực chất là hóa chất được bào chế trong phòng thí nghiệm, cũng tác động vào CB1 gây hưng phấn như cần sa tự nhiên. Nhưng đó là điểm tương đồng duy nhất giữa hai chất kích thích này.

Trang The Leader Post ngày 19-9 mô tả ngắn gọn về cần sa tổng hợp: đây là chất cấm, độc hơn cần sa tự nhiên đến 100 lần, và quan trọng hơn cả, thực chất đó không phải là cần sa.

Cần sa tổng hợp được bào chế sau đó xịt hoặc tẩm lên các loại thảo mộc xắt nhỏ (vì thế gọi là cỏ) để hút. Báo Mirror (Anh) cho rằng cần sa tổng hợp phê và dễ gây nghiện hơn cần sa tự nhiên. Trang The Conversation ngày 29-8 mô tả một gói K2 hoặc Spice gồm những sợi thảo mộc sấy khô trông như cần sa. Nhưng thực chất ngoài các hoạt chất tạo cảm giác phê và “bay”, những loại cần sa tổng hợp này có thể chứa cả kim loại nặng, thuốc trừ sâu, mốc hay khuẩn gây ngộ độc salmonella.

Tác giả bài viết, C. Michael White, cho biết loại thuốc kích thích này được chế ở nước ngoài và tuồn vào Mỹ. Quy trình bào chế thường không được chuẩn hóa, nên liều lượng mỗi gói “gia vị” ở mỗi lô hàng không giống nhau.

Theo White, có hàng trăm loại cần sa tổng hợp khác nhau, và ngoài việc tác động lên CB1 để gây phê, một số còn kích thích cả các thụ thể (receptor) khác ở não, gây các tác động ngoài ý muốn. “Không có cách gì để biết loại cần sa tổng hợp nào có mặt trong gói “cỏ” mà bạn mua” - tác giả cảnh báo.

Mirror cũng cho biết thành phần Spice không nhất quán nên tác động cũng rất khác nhau. Một số người hút xong thì cảm thấy hưng phấn, trong khi số khác lại có biểu hiện như xác sống, tức lờ đờ, mất tỉnh táo, thậm chí mất khả năng giao tiếp tạm thời.

Chất kích thích này nếu dùng quá liều có thể gây mê sảng, nhịp tim bất thường, ảo giác, nôn mửa, co giật, hoặc dẫn đến người dùng có hành vi bạo lực. “Nếu sử dụng thường xuyên trong thời gian dài, cần sa tổng hợp có thể gây rối loạn tâm thần mãn tính và các vấn đề sức khỏe khác như mất khả năng ngôn ngữ, rối loạn nhận thức” - James Wigmore, chuyên gia có 29 năm nghiên cứu độc chất học, nói với báo The London Free Press.

Theo Wigmore, “cần sa tổng hợp” là cách gọi sai, do lẽ chất kích thích này không liên quan gì đến cần sa, mà giống các loại chất thức thần (psychedelic) hơn. Chất thức thần là loại thuốc gây ảo giác và thay đổi thị giác, thính giác, thậm chí trạng thái ý thức của người dùng, chẳng hạn như LSD (Việt Nam gọi là bùa lưỡi, tem giấy), psilocybin (nấm thần kỳ) và DMT.

White trong bài viết trên The Conversation cho rằng cần sa tổng hợp đang hấp dẫn người “thích bay” và còn nguy hiểm hơn ma túy thông thường do lẽ dễ mua, rẻ tiền, tạo cảm giác phê cao hơn ma túy và không để lại mùi như “hút cần”. Ngoài ra, các bài test nước tiểu hay máu thường cũng không phát hiện được hợp chất này.

Cần sa tổng hợp đang là cơn đau đầu của lực lượng phòng chống ma túy các nước. Điều nguy hiểm hơn, những kẻ bào chế chỉ cần thay đổi cấu trúc hóa học của các chất này một chút là tạo ra “sản phẩm” mới để lách luật.

“Ngay khi chính quyền Hoa Kỳ phát hiện một loại cần sa tổng hợp mới và ra luật để cấm chúng, những tay bào chế đã sẵn sàng tổng hợp ra loại thuốc mới, không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật, và tiếp tục lưu hành” - Wigmore nói với London Free Press.

Tương tự, Healthline cũng dẫn lời tiến sĩ Eric Wish, giám đốc CESAR, trung tâm nghiên cứu lạm dụng chất kích thích thuộc Đại học Maryland, cho rằng cần sa tổng hợp không chỉ có Spice hoặc K2 như truyền thông mô tả.

Sự thật là những tay bào chế, thường là ở Trung Quốc, luôn theo dõi xem chính phủ các nước vừa đưa chất nào vào danh sách cấm. “Sau đó họ chỉ cần thay đổi một chút công thức phân tử của các loại cần sa tổng hợp này và thế là đã có sản phẩm mới, nằm ngoài danh sách cấm” - Wish giải thích.

K2, một loại cần sa tổng hợp. Ảnh: www.drugfoundation.org.nz
K2, một loại cần sa tổng hợp. Ảnh: www.drugfoundation.org.nz

 

Còn nguy hiểm hơn ma túy

Những loại ma túy “thế hệ mới” nói trên được gọi là chất hướng thần mới (new psychoactive substance - NPS). “Mới” nghĩa là nằm ngoài danh mục các chất hướng thần đã quy định trong công ước về các chất hướng thần năm 1971 của Liên minh châu Âu. NPS còn gọi là “legal high”, tức “chất gây phê hợp pháp”, với ý nghĩa có thể sử dụng an toàn, không nghiện. Cách gọi này được cho là gây hiểu lầm.

Trong bài viết “Chất gây phê hợp pháp có thể còn nguy hiểm hơn ma túy thông thường” trên The Conversation ngày 19-9, tác giả Colin Davidson, giáo sư dược lý thần kinh học Đại học Central Lancashire, cho biết các chất NPS từng được coi là hợp pháp ở Anh cho đến khi Đạo luật về thuốc hướng thần được ban hành năm 2016.

Dù vậy, các NPS được bào chế để tạo cảm giác phê giống cần sa vẫn lưu hành bất hợp pháp ở Anh và được dân chơi đón nhận. Nguyên nhân là vì loại thuốc này dễ mua và vì quan niệm rằng “đã từng hợp pháp” nghĩa là an toàn. Ngoài ra dân chơi ma túy thông thường cũng chuyển sang NPS để “đổi khẩu vị”.

Theo báo Independent, đã có nhiều vụ tử vong liên quan đến cần sa tổng hợp, và Cơ quan Sức khỏe cộng đồng ở thành phố Chicago (bang Illinois, Mỹ) đã ra cảnh báo về các sản phẩm như Spice. Giám đốc cơ quan này, Nirav Shah, nhấn mạnh: “Bất chấp quan niệm rằng cần sa tổng hợp là an toàn và là sản phẩm thay thế hợp pháp của cần sa, nhiều loại cần sa tổng hợp thật ra bất hợp pháp và nguy hiểm cho sức khỏe”.

Một trong những NPS phổ biến nhất trong vòng 10 năm qua là mephedrone, hay còn gọi là MCAT hoặc “meo meo”. Mephedrone là hợp chất tổng hợp có tính chất tương tự chất cathinone có trong lá khát ở Đông Phi (cũng là một loại ma túy mới ở Việt Nam) và ma túy tổng hợp dạng amphetamine. Davidson cho biết người dùng “meo meo” có thể bị bệnh Parkinson’s.

Cũng theo vị giáo sư này, nhiều loại NPS nguy hiểm hơn loại ma túy mà nó nhằm thay thế. Chẳng hạn Ivory Wave, một dạng cathinone tổng hợp, dễ gây loạn thần hơn cả cocain hay Benzofury, có tính chất như thuốc lắc (MDMA), có thể ảnh hưởng van tim, còn Mexxy được tổng hợp để thay thế ma túy ketamine có thể gây hại bàng quang.■

Cần sa tổng hợp khó phát hiện thông qua kiểm tra nước tiểu hay xét nghiệm máu như ma túy thông thường. Điều này gây khó khăn cho việc điều trị cũng như xác định phê thuốc quá liều có phải là nguyên nhân trong các ca tử vong hay đột quỵ hay không. Một nghiên cứu hồi tháng 8 của CESAR đã xét nghiệm nước tiểu của các bệnh nhân nghi ngờ là phê cần sa tổng hợp Spice quá liều, song kết quả xét nghiệm không phát hiện được các chất kích thích tổng hợp này.

Hệ thống xét nghiệm đã được cập nhật để có thể phát hiện 169 chất ma túy khác nhau, trong đó có 26 loại cần sa tổng hợp, nhưng kết quả không phát hiện được gì dù các bệnh nhân có biểu hiện sốc thuốc rất rõ. Các chuyên gia cho biết hệ thống xét nghiệm chất ma túy cần phải được cải thiện, vì nếu không phát hiện các chất ma túy mới, sẽ rất khó đưa ra chẩn đoán cũng như phác đồ điều trị cho bệnh nhân, theo Healthline.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận