2018: những hi vọng cho sức khỏe con người

YÊN LAM 31/12/2018 21:12 GMT+7

TTCT - 2018, một năm có nhiều thành tựu và tiến bộ trong phòng bệnh với điều trị, đem đến nhiều tin vui cho nhân loại.

Ảnh: clevelandclinic.org
Ảnh: clevelandclinic.org

 

Giải Nobel y học 2018 vinh danh công trình nghiên cứu sử dụng liệu pháp miễn dịch chống một số bệnh ung thư, nhưng đây là thành tựu đã tích lũy từ những năm trước. Năm 2018 cũng bị phủ bóng bởi xìcăngđan đạo đức khoa học khi công trình (chưa được xác thực) chỉnh sửa gen bào thai để tạo ra hai bé gái miễn nhiễm virút HIV của nhà khoa học Trung Quốc Hạ Kiến Khuê.

Ngoài hai sự kiện nổi bật này, có thể điểm lại các thành tựu, khám phá đáng chú ý của năm 2018 như sau:

Phòng - chữa bệnh: nhiều thành công

Đầu năm 2018, các nhà nghiên cứu Đại học Stanford đăng thông báo tuyển tình nguyện viên là bệnh nhân ung thư hạch (lymphoma) để tham gia thí nghiệm lâm sàng một loại văcxin có khả năng ngừa bệnh ung thư. Thông tin này được loan báo sau khi các nhà nghiên cứu đã loại bỏ thành công các khối u trên chuột bằng loại văcxin đang thí nghiệm này.

Theo công bố, các nhà nghiên cứu nhận thấy việc tiêm “một lượng nhỏ hai hoạt chất kích thích miễn dịch trực tiếp vào các khối u ở chuột giúp loại bỏ mọi dấu vết, bao gồm cả phần di căn, của ung thư trên chúng”. Ba trong số những con chuột được thí nghiệm tái phát khối u, song chúng tiếp tục biến mất sau khi được tiêm lần hai. Kết quả nghiên cứu này mở ra hi vọng tạo ra một loại văcxin giá vừa phải, thay thế các phương pháp điều trị ung thư “tấn công” thẳng vào hệ miễn dịch vốn gây ra nhiều tác dụng phụ.

Một thành tựu nổi bật khác trong năm 2018 về việc ngăn ngừa bệnh tật là Aimovig - loại thuốc dạng tiêm đầu tiên có thể ngăn chứng đau nửa đầu (migraine), được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép hồi tháng 5. Bệnh nhân sẽ tiêm Aimovig một lần mỗi tháng và loại thuốc này sẽ khóa chặt hoạt động của thụ thể CGRP, nguyên nhân gây đau nửa đầu.

Thí nghiệm lâm sàng cho thấy bệnh nhân dùng Aimovig có thể giảm số ngày bị đau 2,5 lần mỗi tháng so với người dùng giả dược. Loại thuốc này có ý nghĩa lớn nếu biết rằng khoảng 39 triệu người Mỹ bị chứng đau nửa đầu và trước nay chưa hề có cách nào giảm các triệu chứng của bệnh này. “Aimovig mang lại một lựa chọn hoàn toàn mới để bệnh nhân giảm số ngày bị đau nửa đầu hành hạ” - Eric Bastings, phó giám đốc bộ phận sản phẩm thần kinh học thuộc Trung tâm nghiên cứu và thẩm định thuốc của FDA, nhận xét.

Năm 2018 chứng kiến những kết quả khả quan của một phương pháp điều trị mới có tên Deep Brain Stimulation (kích thích não sâu - DBS), giúp giới y khoa tiến thêm một bước gần hơn đến phương pháp trị liệu giúp bệnh nhân bị liệt do đột quỵ có thể khôi phục chức năng vận động. Phương pháp do Trung tâm y khoa Cleveland Clinic (Mỹ) phát triển với sự hỗ trợ của Viện Y tế quốc gia (NIH), được thử nghiệm lâm sàng trên một nữ bệnh nhân 59 tuổi bị liệt nửa người sau khi đột quỵ do thiếu máu cục bộ.

Bệnh nhân được phẫu thuật để cấy các điện cực DBS vào tiểu não và phương pháp này giúp “cải thiện đáng kể” chức năng vận động sau 5 tháng. NIH đã tài trợ thêm cho Cleveland Clinic 2,5 triệu USD để tiếp tục nghiên cứu DBS trong năm 2019.

“Nếu thành công, nghiên cứu sẽ mang lại hi vọng mới cho bệnh nhân đột quỵ và bị liệt có thể hồi phục chức năng và tự chủ trong sinh hoạt trở lại” - tiến sĩ Andre Machado, đại diện Cleveland Clinic, nhận định.

Một khám phá đáng chú ý khác trong cải thiện việc điều trị các chứng bệnh trong năm 2018 là nghiên cứu cho thấy ketamine, chất kích thích gây ảo giác được ưa chuộng từ những năm 1990, có thể kìm hãm tác dụng phụ của loại thuốc chữa bệnh Parkinson.

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Arizona thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên 10 bệnh nhân, cho họ dùng ketamine để kiểm soát tác dụng phụ của Levodopa - loại thuốc trị Parkinson hiệu quả nhưng gây tác dụng phụ như mất kiểm soát vận động cơ thể lên đến 40% người sử dụng. Theo thông cáo của nhóm nghiên cứu, nếu cho dùng ketamine với liều lượng đúng và được kiểm soát nghiêm ngặt, bệnh nhân dùng Levodopa có thể giảm các vận động không kiểm soát được này.

Ảnh: clevelandclinic.org

Những “lần đầu tiên”

Năm 2018 cũng chứng kiến nhiều “lần đầu tiên” trong thành tựu y khoa. Lần đầu tiên có một người được ghép mặt hai lần - chứng minh rằng việc tái ghép sau phẫu thuật lần đầu là hoàn toàn khả thi. Đó là bệnh nhân người Pháp Jérôme Hamon, 43 tuổi, mắc bệnh u sợi thần kinh loại 1, một rối loạn di truyền gây ra các khối u, dù lành tính nhưng làm biến dạng trên khuôn mặt.

Hamon ghép mặt lần đầu năm 2010, nhưng cơ thể anh bắt đầu từ chối khuôn mặt mới vào năm 2016. Hamon phải sống “vô diện” theo nghĩa đen trong hai tháng trước khi được ghép khuôn mặt mới lần hai. Kết quả thành công được công bố vào tháng 4-2018, 3 tháng sau ca ghép mặt lần hai của Hamon. Cả hai lần phẫu thuật đều là êkip người Pháp do bác sĩ Laurent Lantieri mổ chính.

Một thành tựu liên quan đến phẫu thuật tái tạo là việc một cựu binh Mỹ bị mất bộ phận sinh dục khi làm nhiệm vụ ở Afghanistan đã được ghép dương vật và bìu sau cuộc phẫu thuật dài 14 tiếng.

Và còn một “lần đầu tiên” khác: ngày 4-11, lần đầu tiên một phụ nữ sinh con thành công từ tử cung ghép của một người hiến đã qua đời. Đây là một bước tiến mới, bởi việc sinh con từ tử cung người hiến còn sống đã có từ năm 2014.

Người mẹ 32 tuổi không có tử cung bẩm sinh đầu tiên được ghép tử cung tại Bệnh viện das Clínicas, Đại học São Paulo (Brazil), từ một người hiến tặng đã chết não.

Bảy tháng sau cuộc phẫu thuật này, bác sĩ chuyển phôi tạo ra từ trứng của người mẹ và tinh trùng của chồng bằng thụ tinh ống nghiệm vào tử cung vừa được ghép. Người phụ nữ này mang thai bình thường và sinh mổ thành công ở tuần 36 của thai kỳ. Em bé sinh ngày 17-12-2017 và kỳ tích này chỉ được công bố trên tạp chí uy tín Lancet vào tháng 12 năm nay. Thành công này mở ra cơ hội mang thai cho những người có khiếm khuyết về tử cung.

Một bước đột phá khác: các bác sĩ tại Trường Y khoa Icahn ở Mount Sinai (Mỹ) công bố lần đầu tiên một phụ nữ chuyển giới có thể cho con bú thành công.

Theo đó, người chuyển giới 30 tuổi trải qua ba tháng rưỡi của chế độ điều trị bằng các hoócmôn nội tiết tố (domperidone, oestradiol, progesterone) và bơm ngực, giúp cô có đủ lượng sữa mẹ để làm nguồn dinh dưỡng duy nhất cho con trong sáu tuần. Trường hợp được công bố trên tập san Transgender Health tháng 1-2018 cho thấy phụ nữ chuyển giới cũng có thể tiết sữa, dù chỉ với lượng khiêm tốn.■

Theo dõi sức khỏe bằng thiết bị thông minh

Một trong những khâu quan trọng trong việc phòng - chữa bệnh là thu thập và theo dõi các chỉ số của cơ thể. Đó có thể là đo nhịp tim, điện tâm đồ hay trích máu để đo đường huyết. Các tiến bộ khoa học trong năm 2018 đã giúp việc thu thập các chỉ số này dễ dàng, nhanh chóng, chính xác và quan trọng nhất là không gây phiền toái hay đau đớn cho bệnh nhân. Từ đầu tháng 12-2018, Apple chính thức cung cấp ứng dụng (app) theo dõi điện tâm đồ của người đeo đồng hồ thông minh thế hệ mới nhất Apple Watch Series 4.

Các điện cực tích hợp trên mặt sau của đồng hồ sẽ lấy dữ liệu xung điện tim của người đeo và cảnh báo nếu có biểu hiện bất thường như rối loạn nhịp tim hay rung tâm nhĩ. Dữ liệu điện tâm đồ sẽ được đo, lưu trữ theo thời gian thực và người dùng có thể cung cấp cho bác sĩ khi cần thiết. Apple Watch 4 cũng có thể phát hiện người đeo bị ngã và tự động gọi các dịch vụ khẩn cấp.

Trong khi đó, với người bị tiểu đường, một trong những điều phiền toái nhất là phải sống chung với việc trích máu ở ngón tay và trải qua các thủ tục phức tạp để theo dõi lượng glucose trong máu. Để giải quyết điều bất tiện này, một nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học và công nghệ Hàn Quốc đã tạo ra kính áp tròng có khả năng đo lượng glucose trong máu người đeo bị tiểu đường.

Theo thông cáo của nhóm nghiên cứu, kính áp tròng thông minh có tích hợp các thiết bị điện tử làm bằng vật liệu nano trong suốt, dễ uốn cong để theo dõi nồng độ glucose bằng phân tích nước mắt và hoàn toàn không cản trở tầm nhìn của người đeo. “Ngoài ra, hệ thống sử dụng ăngten không dây để đọc thông tin cảm biến, vì thế không cần cấp thêm nguồn năng lượng riêng (như pin) cho cặp kính áp tròng thông minh này” - Jihun Park, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.

Trong báo cáo công bố trên tạp chí Science Advances, nhóm nghiên cứu chỉ rõ kính này chỉ mới được thử nghiệm trên thỏ và sắp tới sẽ thí nghiệm lâm sàng với con người. “Chúng tôi đã bước gần hơn một bước với việc hiện thực hóa một ý tưởng giả tưởng: một loại kính áp tròng thông minh như trong phim Nhiệm vụ bất khả thi” - Park nói thêm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận