Dịch sởi trở lại, chống văcxin là điên rồ

YÊN LAM 22/02/2019 02:02 GMT+7

TTCT - Văcxin sởi đã có từ năm 1963, Mỹ đã tuyên bố loại bỏ hoàn toàn bệnh dịch này cách đây gần 20 năm (năm 2000). Vậy nhưng căn bệnh truyền nhiễm này lại đang khiến thế giới lo sợ, cả các nước giàu có lẫn các quốc gia đang phát triển.

Ảnh: www.padekhealth.com

Một báo cáo hôm 7-2 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đã có 6,7 triệu ca sởi khắp toàn cầu trong năm 2017, đa số là ở các nước nghèo. Từ đầu năm đến nay, tại Mỹ đã có hơn 50 ca nhiễm sởi được ghi nhận ở hai bang Washington và Oregon, theo báo Washington Post.

Nhưng Hoa Kỳ không phải là nước duy nhất chứng kiến số ca sởi tăng mạnh trong thời gian qua. Từ năm 2016 - 2017, số ca nhiễm sởi được ghi nhận tăng 30%, trong đó có nhiều trường hợp xảy ra ở những nơi không ngờ tới là các nước giàu và phát triển.

Cụ thể, số ca sởi ở châu Âu năm 2018 nhiều hơn 15 lần so với năm 2016, và các đợt bùng phát mới vẫn được ghi nhận ở Nam Mỹ và nhiều khu vực châu Á.

Riêng tại Philippines, số liệu do chính quyền công bố hồi đầu tháng 2 cho thấy đợt dịch mới nhất, với hơn 1.800 ca tính đến ngày 7-2, có thể ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ em. Tỉ lệ tiêm ngừa sởi ở Philippines đã giảm xuống 60%, so với 75% hồi năm 2018. Nguyên nhân một phần là làn sóng chống văcxin vì lo ngại biến chứng khi tiêm ngừa được lan truyền trong nhiều cộng đồng.

Không tiêm văcxin mà gây hại

Bài viết của Washington Post cho rằng các thuyết âm mưu và thông tin sai lệch về biến chứng nguy hại của việc tiêm chủng chính là nguyên nhân “thổi bùng” dịch sởi ở nhiều nơi trên thế giới. Với việc không tiêm văcxin cho con, cha mẹ đang “đặt trẻ em vào nguy cơ nhiễm một loại virút có thể trở nên nguy hiểm chết người”.

Tại bang Washington, tỉ lệ tiêm phòng bệnh sởi vẫn ở mức cao là 90%, song giới nghiên cứu cho biết tỉ lệ phải đạt ít nhất 95% thì mới đủ để ngăn dịch bùng phát.

Cần nhìn lại quá khứ, chia lịch sử làm hai giai đoạn trước và sau khi có văcxin sởi, để thấy những người phản đối tiêm chủng (anti-vaxxer) có thể gây hại cho cộng đồng như thế nào. Theo trang Vox, virút sởi là một trong các bệnh có tính truyền nhiễm cao nhất đối với con người.

Khi một người mắc sởi ho, virút sởi do người này để lại trong không khí có thể tồn tại đến vài giờ sau đó, và một người chưa được tiêm ngừa hoàn toàn có thể bị lây ngay cả khi không có mặt tại thời điểm người kia ho. “Không có loại virút nào có thể truyền nhiễm theo cách đó” - Vox nhấn mạnh.

Tại Mỹ, trước khi văcxin sởi ra mắt năm 1963, có 4 triệu ca nhiễm mới, trong đó có 48.000 người phải nhập viện và 500 trường hợp tử vong, được ghi nhận mỗi năm. Sởi cũng là nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em hàng đầu trên khắp thế giới.

Cho đến năm 2000, Mỹ tuyên bố đã loại bỏ hoàn toàn vì “có số người miễn nhiễm với bệnh này đủ lớn để không bùng phát dịch và số ca tử vong vì sởi rất hãn hữu”, theo Vox. Tất cả là nhờ tiêm chủng, bởi nếu tiêm đủ văcxin sởi, con người sẽ không bao giờ nhiễm bệnh ngay cả khi tiếp xúc với virút.

Ấy vậy mà thành tựu đó bỗng chốc bị phá hoại bởi các làn sóng thông tin sai lệch, thổi phồng tác hại của việc tiêm ngừa. Không tiêm ngừa sởi có tác hại rất lớn cho cộng đồng, do lẽ trong một quần thể không được miễn dịch, cứ một người mắc sởi có thể lây cho 12 đến 18 người khác, theo Vox.

Khi bệnh sởi đã được coi là “biến mất” khỏi Mỹ gần 20 năm trước, đồng nghĩa với nhiều thế hệ bác sĩ chưa hề có kinh nghiệm với bệnh này, và giờ đây họ phải đối mặt với số ca lây nhiễm tăng cao chưa từng có trong khi căn bệnh này hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng tiêm chủng. Đây lại là tác hại gián tiếp khác của phong trào chống văcxin.

Cụ thể, tại hạt Clark (bang Washington), đa số các trường hợp mắc sởi là trẻ em từ 1 đến 10 tuổi chưa được tiêm chủng.

Có người không tiêm phòng sởi trong cộng đồng là rất nguy hiểm bởi khi một người mắc virút, chẳng hạn vì đi du lịch nước ngoài trở về nhà, họ sẽ trở thành “bệnh nhân số 0”, tức nguồn lây nhiễm ban đầu. Giả sử những đứa trẻ chưa được tiêm ngừa sẽ mắc virút và chúng lại thường xuyên đến trường hay những nơi công cộng dành cho trẻ em khác, nơi cũng có nhiều em chưa được tiêm phòng, thế là dịch bệnh bùng phát.

Trường hợp dịch bùng phát ở Oregon và Washington là ví dụ. Theo Vox, hai bang này có luật thoải mái hơn trong việc cho phép cha mẹ đăng ký không tiêm ngừa cho con, và nhiều người theo phong trào chống văcxin đã lợi dụng điều này để khỏi đưa con trẻ đi chích ngừa. Tỉ lệ trẻ không tiêm ngừa sởi ở Oregon đã tăng từ 5,8% năm 2017 lên 7,5% năm 2018, theo Washington Post. Tỉ lệ trẻ em không tiêm ngừa trung bình toàn nước Mỹ là 2%.

Bệnh sởi “tái xuất” ở các nước phát triển còn vì nguyên nhân chủ quan: phụ huynh ở các nước giàu coi bệnh truyền nhiễm này là cái gì đó xa xôi và còn lâu mới dính đến mình, thành ra chủ quan trong việc tiêm phòng và phớt lờ các cảnh báo. Trái lại, các quốc gia khác quá hiểu sởi nguy hiểm như thế nào nên rất chú trọng việc tiêm ngừa cho trẻ.

Chẳng hạn, theo Washington Post, New Zealand đã tuyên bố loại bỏ hoàn toàn bệnh sởi khoảng 2 năm trước, nhưng lại quên rằng virút sởi có thể “nhập cảnh” vào quốc gia này theo đường du lịch. Kết quả là New Zealand đang phải đối mặt với một đợt tái bùng phát dịch sởi.

Sao lại chống văcxin? Ảnh: pbs.twimg.com
Sao lại chống văcxin? Ảnh: pbs.twimg.com

 

Mũi tiêm nhắc lợi hại

Sởi được ngăn ngừa thông qua mũi tiêm MMR kết hợp (sởi, quai bị và rubella). Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị trẻ em nên tiêm hai liều, lần đầu lúc 12 - 15 tháng tuổi và liều thứ hai lúc 4 - 6 tuổi.

Tuy sự miễn dịch do văcxin mang lại có thể kéo dài hàng chục năm, người trưởng thành vẫn được khuyến khích tham vấn bác sĩ để có thể tiêm “nhắc lại” kịp thời. Văcxin sởi đã cứu sống hơn 21 triệu người kể từ năm 2000, theo WHO.

Điều quan trọng là văcxin sởi được xem là “cực kỳ an toàn và hữu hiệu”, theo Vox. Tác dụng phụ là có nhưng không nguy hiểm và rất hiếm xảy ra. Theo CDC, hiện tượng sốt sau khi tiêm văcxin MMR xảy ra với tỉ lệ 1/6 (sáu người tiêm thì một người bị), và phát ban nhẹ với tỉ lệ 1/20. Các biến chứng nghiêm trọng hơn hầu như không có, còn dị ứng nghiêm trọng vì tiêm chủng có xác suất xảy ra là “ít hơn một trong một triệu trường hợp”.

“Chuyện người tiêm bị điếc, co giật trong thời gian dài và tổn thương não vĩnh viễn hiếm xảy ra đến nỗi khó có thể biết liệu chúng có phải do văcxin gây ra hay không”, Vox viết và kết luận lợi ích của văcxin - bảo vệ trẻ em và cộng đồng - vượt xa tác hại (nếu có) của nó.

Về mặt lý thuyết, có thể hoàn toàn xóa sổ virút sởi trên Trái đất để chúng không bao giờ lây cho con người nữa. Sởi chỉ lây từ người sang người nên không cần tiêu diệt bất kỳ loài động vật nào, con người đã có văcxin hữu hiệu và các phương pháp chẩn bệnh chính xác. Vậy tại sao dịch bệnh vẫn còn? Nguyên nhân cũng vì không tiêm phòng đầy đủ.

Để giải quyết vấn đề, nhiều quốc gia châu Âu đã bắt đầu mạnh tay xử lý bằng hình phạt các bậc cha mẹ không cho con đi chích ngừa, thay vì chỉ vận động suông.■

WHO đã xếp vaccine hesitancy (do dự trong việc tiêm văcxin) vào nhóm 10 mối đe dọa với sức khỏe toàn cầu năm 2019. Hiện tượng còn được gọi là miễn cưỡng hoặc từ chối tiêm văcxin được WHO cảnh báo đe dọa việc giải quyết các bệnh có thể phòng ngừa bằng văcxin. Tổ chức này cho biết việc tìm hiểu lý do tại sao có người chọn không tiêm chủng là rất phức tạp. Có thể họ tự mãn (mình sẽ không bao giờ bị), thiếu tự tin (sợ biến chứng khi tiêm ngừa), hoặc cũng có thể do các bất tiện trong việc tiếp cận văcxin.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm có thể gây chết người thường tấn công trẻ em. Sau thời gian ủ bệnh từ 10 đến 12 ngày, bệnh sởi biểu hiện dưới dạng sốt, ho, nghẹt mũi, và chảy nước mắt. Vài ngày sau những triệu chứng ban đầu, các vết phát ban sẽ lan khắp cơ thể, từ mặt và cổ rồi lan dần xuống dưới. Phát ban thường kéo dài 3 đến 5 ngày và sau đó biến mất. Nếu không bị biến chứng, người mắc bệnh sởi sẽ bắt đầu hồi phục ngay khi phát ban xuất hiện và sức khỏe bình thường trở lại sau khoảng 2 đến 3 tuần.

Biến chứng do virút thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, hoặc người lớn trên 20 tuổi bị suy dinh dưỡng hoặc suy giảm miễn dịch. Trẻ em dưới 5 tuổi có xác suất tử vong cao nhất. Biến chứng phổ biến nhất từ sởi là viêm phổi, nguyên nhân của phần lớn các trường hợp tử vong liên quan đến sởi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận