Đồng bằng không mưa

KIM HÒA 27/10/2017 02:10 GMT+7

TTCT- “Mùa này trên đó còn măng không, cô giáo?”. Tôi nhắn tin em. Dù nghe đâu mùa măng núi qua lâu rồi.- Măng em trữ sẵn cho chị đây nè. Mai hễ tành tạnh em đem về. Bữa giờ mưa quá...

Minh họa: Sà Và Ná
Minh họa: Sà Và Ná

 

Bên kia điện thoại, giọng cô giáo miền núi hình như càng về cuối câu càng chùng xuống.

Tôi ra sân nhìn trời. Đồng bằng không mưa. Nhưng mấy chiều rồi da trời đỏ quạch. Đêm ngột ngạt. Chớp lóe như đèn flash máy ảnh nhá dồn hết về một góc. Tôi biết khoảng trời đang gánh chớp. Chỗ đài nói nửa tháng rồi mưa chưa thôi trút: Núi của em.

Hè năm ngoái, khi theo nhóm từ thiện về cắt tóc, phát quà cho trẻ nhỏ trên núi, tôi gặp được em. Cô giáo người Việt nhưng nói tiếng Raglai, ngôn ngữ dân núi, hay như hát. Trẻ em núi nhát người lạ, đứa nào đứa nấy thấy người trong nhóm đều lảng hết. Đưa tập sách, bánh kẹo, đồ chơi ra dụ khị cỡ nào, cả đám vẫn chỉ đứng tuốt đằng xa ngó lại, cười cười.

Nhờ em, chúng tôi được tụi nhỏ tặng những nụ cười tin cậy hơn. Dù cũng còn hơi lỏn lẻn mắc cỡ.

- Kiểu này chắc mai mốt nhờ cô giáo dạy dùm tiếng Raglai. Lên dụ mấy nhóc này dễ hơn. Nhen cô giáo?

Anh trưởng nhóm người Sài Gòn cuối buổi theo hỏi ý em. Chắc ảnh muốn đem thêm về nụ cười bối rối dễ thương của cô giáo trẻ. Chứ đó giờ, dẫu cùng nói một ngôn ngữ, người lớn vẫn đâu có thời gian lắng nghe trẻ con. Huống hồ, người ta chỉ thích dành thời gian cho mấy thứ tiếng hợp thời, thông dụng.

Được anh nhóm trưởng cậy nhờ, từ sau chuyến ấy, tranh thủ mấy đợt cuối tuần em về nhà, tôi hay lân la nhắn tin mời em cà phê.

Nhiệm vụ bà mai suốt năm trời nay vẫn chẳng đâu tới đâu. Vì hễ gặp, tôi toàn bị hút vào những câu chuyện em kể.

Chuyện núi bây giờ (so với mấy năm em mới lên) vẫn đẹp, nhưng nhiều buồn.

Mùa hạn dường như kéo dài, khốc liệt hơn. Đến những khoảng xanh gần nguồn nước vẫn cháy vàng. Dê cừu rã họng kêu đói bên giếng bơm ráng chắt ra vài gàu nước đục.

Mùa lũ, dần không tính được thời gian. Người dày kinh nghiệm với núi nhất vẫn không đoán được. Hệt con thuồng luồng giờ bỗng hay nổi điên. Lũ lồng lên. Lần quét nào cũng hiểm ác, tàn nhẫn.

Dù vậy, mùa đốt rẫy, những cụm rừng vẫn bốc khói liên tục. Liên tục những đứa trẻ Raglai theo rẫy bỏ lớp, cô giáo lên năn nỉ mãi không về. Đường làng trải nhựa rộng thênh vẫn chỉ thấy những chiếc xe máy lùi lũi phóng ra từ hướng rừng. Gỗ lậu chất cao gấp hai gấp ba lần người chở, thành thử xe chỉ có thể chạy, thắng và né đều là chuyện của... kẻ khác.

Cà phê tôi hết đắng rồi chát theo chuyện em.

Lần em kể về anh bạn giữ trạm gác trên rừng quốc gia bị lâm tặc đánh bể đầu, hết buổi cà phê tôi vẫn không dám nhìn mắt em. Cách đó vài tiếng thôi, đi tân gia đứa bạn có chồng làm sếp cơ quan, tôi còn mê mẩn, nức nở khen bộ cửa gỗ xịn lắp đủ hết ba tầng nhà bạn.

Ngày nhỏ, mùa mưa theo người lớn ra cây cầu gần nhà coi nước. Nhìn xuống dòng chảy đục ngầu, nổi bọt bèo, thỉnh thoảng còn cuộn theo mấy thân gỗ tròn lẳn, to đùng, tôi và tụi nhóc bu đầy thành cầu đã từng hú hét, vỗ tay cười. Giờ đủ trí khôn sao vẫn dại khờ như lúc ấy? Không hay tiếng cười hạ lưu là nước mắt thượng nguồn. Không nghĩ đến ngày mình cũng sẽ khóc. Tiếng khóc ân hận biết đâu còn đớn đau hơn.

Sáng nay đi ngang cầu, tôi bắt mình phải dừng lại, ngó nước. Đồng bằng không mưa. Nhưng ngập sông vẫn là bọt bèo, đục ngầu nổi cuộn.

Dõi mắt ngược hướng dòng chảy, tôi nghĩ đến em, nơi thượng nguồn mưa lũ.

Báo đài đưa tin lũ ống, lũ quét, sạt lở kinh hoàng mấy tỉnh miền núi phía Bắc. Tràn Facebook tôi, hình ảnh lũ heo con ngoi ngóp giữa mênh mông nước, những nóc nhà bị nuốt dần, những gương mặt người nhăn nhúm chít khăn tang.

Từ dòng status đứa bạn làm báo, tôi gặp nụ cười của người phóng viên trẻ vừa bị lũ cuốn ở Yên Bái khi tác nghiệp. Bên màu cúc trắng trên bàn thờ, nụ cười làm tôi ám ảnh.

Không dám nhìn nữa dòng chảy dưới chân, lật đật rút điện thoại, tôi tức tốc gửi em tin nhắn:

“Măng cứ để đó. Đài báo bữa nay núi còn mưa nữa. Em đừng về. Đợi hết mưa lũ đã. Nhớ nhen!”.

Xa xa, hướng thượng nguồn, lại vừa nháng lên một ánh chớp.

Trời quanh tôi âm u, hầm hập.

Tôi có nên mong đồng bằng mưa không?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận