Mạng xã hội: sinh ra nhiều,ngắc ngoải cũng lắm

TỊNH ANH 26/09/2018 03:09 GMT+7

TTCT - Mạng xã hội (MXH) - một nền tảng trực tuyến giúp người dùng xây dựng trang riêng của họ và kết nối, chia sẻ các nội dung với nhau - đã phát triển từ giữa thập niên 1990, rất lâu trước khi những cái tên Facebook, Instagram, Twitter làm mưa làm gió. Các MXH được xây dựng với nhiều mục đích, nhắm đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau, cũng có lúc thịnh lúc suy nhưng cuối cùng lại chung số phận: hoặc chết hẳn hay thành “xác sống”.

Số mạng xã hội bị khai tử hoặc không còn giá trị gì trên thực tế đông hơn nhiều so với số trụ lại được. Ảnh: Frozen Fire
Số mạng xã hội bị khai tử hoặc không còn giá trị gì trên thực tế đông hơn nhiều so với số trụ lại được. Ảnh: Frozen Fire

 

Một trong những phiên bản đầu tiên của MXH hiện đại, nơi người dùng có thể tạo trang riêng (profile) và tương tác với nhau là classmates.com, ra đời năm 1995 với mục đích giúp người dùng kết nối, nhắn tin và chia sẻ hình ảnh với bạn học cũ.

Sang năm 1997, SixDegrees được thành lập dựa trên lý thuyết rằng bất kỳ hai người nào cũng có thể kết nối với nhau thông qua tối đa sáu lần được giới thiệu cho nhau theo kiểu “bạn của bạn”. SixDegrees có đầy đủ các yếu tố cơ bản của MXH ngày nay như trang cá nhân, danh sách bạn bè. Năm 1999 mạng này được YouthStream Media Networks mua lại khi có 3,5 triệu thành viên, song lại bị đóng cửa chỉ một năm sau đó.

Năm 1998, đến lượt Open Diary mở màn cho kỷ nguyên “nhật ký trên web”, tức weblog hay blog, ra đời. Open Diary cho phép người dùng cùng nhóm có thể đọc bài viết của nhau. Mô hình MXH nhật ký này nhanh chóng được nhân rộng, nổi bật là LiveJournal ra đời năm 1999.

Thuở ban đầu là thế, Internet chứng kiến sự trỗi dậy và sau đó suy tàn của các hình mẫu MXH mới mà Facebook, thành lập năm 2004, là số hiếm hoi đứng vững đến ngày nay.

Những người khổng lồ dĩ vãng

Nếu phải chia lịch sử MXH thành hai giai đoạn, “tiền Facebook” và “từ Facebook trở đi”, cái tên đầu tiên xuất hiện trong các bài viết về “các MXH thất bại” luôn là Friendster.

Friendster, thành lập năm 2002, là một trong những MXH đầu tiên cho người dùng chia sẻ trực tuyến hình ảnh, video, tin tức và kết nối với các thương hiệu. Mạng này nhanh chóng đạt 3 triệu người dùng chỉ vài tháng sau khi ra mắt, lên đến đỉnh năm 2009 với 115 triệu thành viên, đa số là ở châu Á. Năm 2011, Friendster chuyển hướng thành trang dành cho game thủ trước khi bị đóng cửa năm 2015.

Lý do Friendster “chết” khi chưa kịp mừng sinh nhật thứ 15 được cho là giao diện xấu, thời gian tải trang lâu và không cạnh tranh nổi với MySpace và Facebook. Theo HuffPost, Friendster không đủ hấp dẫn để những người dùng sẵn có rủ rê bạn bè và gia đình họ cùng tham gia. Các đối tượng này lại thích các MHX sau này là MySpace và Facebook hơn, nơi họ thấy được kết nối đúng nghĩa hơn.

MySpace đã đánh bại Friendster, nhưng chính MXH này hiện lại được xếp vào nhóm “xác sống”, tức chưa đóng cửa nhưng chật vật tồn tại và đã qua rất lâu thời hoàng kim. MySpace, “chào đời” năm 2003, cho phép người dùng tùy ý trang trí trang cá nhân, tạo nhóm và chia sẻ blog, hình ảnh, âm nhạc và video cùng nhiều tiện ích khác, nhanh chóng trở thành MXH phổ biến nhất nước Mỹ vào năm 2004, năm mà Mark Zuckerberg tạo ra Facebook tại Đại học Harvard.

MySpace được bán cho tập đoàn truyền thông News Corp vào năm 2005 khi đang có 25 triệu người dùng. MXH này chỉ mất một năm để đạt 100 triệu người dùng và vượt mặt Google trở thành trang web được truy cập nhiều nhất nước Mỹ. Nhưng đó cũng là lúc MySpace bắt đầu rơi vào khủng hoảng, mà lý do theo cây bút công nghệ Tom Standage, là vì “ông chủ” mới xem mạng này “giống như một cơ quan truyền thông hơn là một nền tảng công nghệ”. News Corp dường như muốn tối đa doanh thu quảng cáo hơn là sửa chữa hoặc cải thiện các công nghệ cốt lõi của MySpace.

Đến tháng 5-2008, MySpace bị Facebook vượt mặt về số lượng người truy cập cả ở Mỹ lẫn toàn cầu, chính thức kết thúc thời kỳ là MXH lớn nhất thế giới từ 2005-2009. Tính tới tháng 1-2018, Myspace đứng thứ 4.153 trên toàn cầu về tổng số lượt truy cập và thứ 1.657 ở Mỹ, theo trang xếp hạng Alexa. MySpace hiện có 15 triệu người dùng thường xuyên, con số quá khiêm tốn nếu biết rằng Facebook có hơn 60 triệu người dùng chỉ riêng tại Việt Nam.

Và nhân nhắc đến “MXH xác sống”, có thể kể thêm một cái tên đình đám khác, Google+. MXH này ra mắt năm 2011 như là nỗ lực thứ tư (sau ba lần thất bại trước đó) của gã khổng lồ tìm kiếm để bước vào sân chơi MXH với tuyên bố hùng hồn “đối đầu với Facebook”, nền tảng này hóa ra lại có số phận cũng truân chuyên.

Google+ có lúc đạt 2,2 tỉ tài khoản đăng ký, nhưng chẳng qua là vì ai dùng một dịch vụ nào của Google cũng bị ép mở trang cá nhân tại Google+ dù họ không thực sự có nhu cầu sử dụng. Thực tế, trong lần công khai số liệu hiếm hoi vào năm 2015, Google cho biết MXH này có 540 triệu người dùng thường xuyên hằng tháng. Con số này của Facebook hiện nay là 2,2 tỉ.

Thật ra chuyện Google+ vẫn còn tương lai hay đang thoi thóp vẫn là vấn đề còn gây tranh cãi. Tháng 1-2017, Business Insider giật tít “Google vẫn chưa chịu cho Google+ về vườn”, khi thông tin các cải tiến về giao diện và comment của MXH này.

Trong khi đó, mới tháng 8 vừa qua, trang GadgetNow lại chạy tiêu đề “Rốt cuộc có lẽ Google cũng từ bỏ Google+”, với lý do là chính Công ty Google France (phụ trách thị trường Pháp) đã đóng trang của mình trên Google+ để chuyển sang Facebook và Twitter.

Bài học nào rút ra?

Có thể thấy gì qua danh sách các MXH không thành công khi chúng gồm cả những cái tên tiên phong đến những nền tảng được ông lớn cỡ Google chống lưng?

Ở thời điểm hiện tại, lý do thuyết phục nhất chính là người ta không có lý do để dùng một MXH A hay B nào đó khi mọi thứ đã có thể làm trên Facebook. Có MXH nào giúp ta có thể kết nối rộng khắp, từ bạn bè đồng nghiệp đến người thân hàng xóm cho bằng Facebook? Các MXH tìm lối đi riêng theo hướng chia sẻ nhạc, video, hình ảnh, có qua được Facebook và “chị em” của nó là Instagram?

Nhưng trước đó, tại sao Facebook thành công? Friendster và MySpace có lợi thế là người tiên phong, nhưng chính thất bại của họ sẽ là bài học quý cho kẻ đến sau như Facebook. Facebook biết học từ những sai lầm về công nghệ, cách đáp ứng nhu cầu người dùng, giao diện từ những MXH đi trước, và tiếp tục củng cố vị thế bằng cách copy ý tưởng và các tính năng hay từ đối thủ.

Theo Forbes, Facebook cũng thành công nhờ biết cách chủ động tăng trưởng từ từ, không nóng vội. Khởi sinh là mạng lưới kết nối các sinh viên Harvard, Facebook dần dần mở rộng mạng lưới thành viên sang các trường đại học khác rồi trường phổ thông, doanh nghiệp, trước khi “mở cửa” cho mọi đối tượng, miễn là trên 13 tuổi, vào năm 2006. Facebook cũng may mắn nhờ yếu tố thời điểm, khi xuất hiện vào giai đoạn mạng Internet băng thông rộng đã phổ biến, nhà nhà có kết nối, đồng nghĩa với việc ai cũng có thể “chơi” MXH.

Một bài học kinh nghiệm đáng tham khảo có thể rút ra từ câu chuyện của Friendster. Một nhóm nghiên cứu từ Viện Công nghệ liên bang Thụy Sĩ từng tiến hành “khám nghiệm tử thi” Friendster và cho rằng các MXH với càng nhiều thành viên mà mỗi người chỉ có 1-2 người bạn cùng tham gia thì càng dễ... toi. Khi một MXH thu hút được các thành viên với nhiều bạn bè, giả sử một người “bỏ cuộc chơi” thì những người khác không nhất thiết phải nghỉ theo. Mọi thứ sẽ diễn ra ngược lại nếu ta chỉ có 1-2 người bạn trên mạng A nào đó. Một người đi thì có ở lại cũng chẳng làm gì.

Đặt ngược vấn đề, một mạng mới muốn tồn tại phải khiến người dùng “lôi kéo” thêm bạn bè của mình cùng tham gia. Nhưng lúc này câu hỏi sẽ là “đã có Facebook, còn đi đâu nữa?”. Đây là cái vòng luẩn quẩn sẵn sàng thách thức bất kỳ ai muốn làm “đối thủ” hay “kẻ thay thế” con cưng của Mark Zuckerberg.■

Bản ai điếu còn dài

Google+, như đã nói ở phần trên, là sản phẩm MXH thứ tư của Google sau Google Buzz (ra mắt năm 2010, “về hưu” năm 2011), Google Friend Connect (2008-2012) và Orkut (2004-2014).

Orkut, khá xa lạ với người dùng Việt Nam, từng đạt đỉnh 300 triệu người dùng nhưng chỉ được ưa chuộng ở Brazil và Ấn Độ. Orkut Büyükkökten, kỹ sư tạo ra mạng này, hồi tháng 8 đã “hồi sinh” Orkut với tên gọi Hello và chỉ có phiên bản app (không có website), nhắm vào thị trường Ấn Độ.

“Nghĩa trang” của các MXH bị xóa xổ còn có Ping, ra mắt năm 2010 như một tính năng dành riêng cho người dùng dịch vụ iTunes của Apple. CEO Steve Jobs từng mong đợi người dùng iTunes có thể kết bạn, theo dõi tin tức các nghệ sĩ, tìm kiếm thông tin các buổi diễn và nghe thử nhạc trên Ping. Ông muốn kết hợp với Facebook để người dùng Ping dễ chia sẻ nhạc và theo dõi các nghệ sĩ nhưng không đạt được hợp tác. Nhưng người dùng hóa ra có rất ít lý do để sử dụng Ping, chưa kể thành viên chỉ giới hạn trong số người dùng iPhone, vì thế Apple phải chính thức đóng cửa Ping hồi năm 2012.

Khi Facebook gặp các bê bối về bảo mật thông tin người dùng, các trang công nghệ lập tức tổng hợp danh sách các MXH được cho là có thể thay thế gồm những cái tên như Vero, Mastodon, Ello, Digg và Diaspora. Trớ trêu thay, cũng chính những cái tên này thường xuyên có mặt trong danh sách “những MXH thất bại” hoặc “không thể thành công như Facebook”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận