Chức danh giáo sư: Chuyện nhiều, ít và chất lượng

NGỌC HÀ 04/11/2016 21:11 GMT+7

TTCT - Ngày 10-10, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ - chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) - ký quyết định công nhận chức danh giáo sư (GS) cho 65 nhà giáo và phó giáo sư (PGS) cho 638 nhà giáo. Con số hơn 700 GS, PGS được công nhận năm 2016 này tăng vọt so với số lượng GS, PGS được công nhận hằng năm từ năm 2011 đến nay.

Minh họa: DAD
Minh họa: DAD

 Tính từ khi khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến năm 2015, tổng số GS, PGS đã được phong và công nhận ở nước ta gần 12.000, trong đó số lượng GS khoảng 1.700.

Mỏng cả lượng và chất

Lý giải về sự gia tăng của năm 2016, nhiều chuyên gia cho rằng có thể các ứng viên đã phải “chạy nước rút” trước khi văn bản quy định mới với những tiêu chuẩn cao hơn dành cho GS, PGS sẽ được ban hành trong thời gian tới.

PGS Đinh Đăng Quang - thư ký HĐCDGSNN - cho biết vài năm trước cũng từng có đợt lượng hồ sơ xin xét công nhận chức danh GS, PGS tăng đột biến chỉ vì lúc đó sắp có sự thay đổi về tiêu chuẩn GS, từ chỗ điều kiện tối thiểu là “chỉ cần hướng dẫn một tiến sĩ” nâng lên thành “phải hướng dẫn thành công hai tiến sĩ”.

Cũng như vậy, nhiều ứng viên lo có thể trong quy định áp dụng từ năm 2017, tiêu chuẩn GS sẽ khắt khe hơn với điều kiện bắt buộc cần có bài báo đăng trên tạp chí quốc tế, nên phải gấp rút làm hồ sơ kịp ngay trong năm 2016.

Trong khi đó, theo GS.TSKH Trần Văn Nhung - tổng thư ký HĐCDGSNN, số lượng GS tại Việt Nam còn rất ít so với các nước khi tính trên tỉ lệ dân số. Cụ thể năm học 2014-2015 chỉ có khoảng 0,43 GS hoặc PGS trên 1 vạn dân, 5,8 GS hoặc PGS trên 100 giảng viên ĐH.

Trong khi đó, số liệu của Bộ Giáo dục Trung Quốc năm 2010 và 2013 cho thấy Trung Quốc có 3,85 GS hoặc PGS trên 1 vạn dân, CHLB Đức có 3 GS trên 1 vạn dân...

“Những con số và so sánh này cho thấy số lượng và cả chất lượng khoa học của các GS, PGS Việt Nam - đỉnh cao nhất của nhà giáo - còn khá mỏng so với dân số hơn 90 triệu người và so với đội ngũ giảng viên ĐH nước ta” - GS Nhung nhận định.

Tuy nhiên với phần đông dư luận, số lượng GS, PGS tăng nhưng nghiên cứu khoa học nước nhà chưa đạt được những kết quả tương xứng vẫn luôn là chất vấn thường trực. Chất vấn ấy thật ra cũng không vu vơ, quy chụp khi chính Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong nhiều bài phát biểu đã bày tỏ những trăn trở về số lượng, chất lượng các công trình nghiên cứu.

Dù báo cáo năm 2015 của Bộ Khoa học và công nghệ cho thấy tổng số bài báo, công trình khoa học công bố quốc tế của Việt Nam là hơn 2.000, cải thiện hơn rất nhiều so với trước đây, nhưng khi nhìn sang các nước thì con số ấy vẫn còn cực kỳ nhỏ: Malaysia có tới 10.000 công trình công bố quốc tế, Trung Quốc lên đến 260.000, còn Mỹ là gần 500.000 công trình...

Từ năm 2011-2016, số GS, PGS được công nhận:

- Năm 2011: 409 tân GS, PGS; 

- Năm 2012: 469 tân GS, PGS; 

- Năm 2013: 571 tân GS, PGS; 

- Năm 2014: 644 tân GS, PGS, 

- Năm 2015: 522 tân GS, PGS; 

- Năm 2016: 703 tân GS, PGS.

Tình hình từng “rất xấu”

TS Đỗ Đức Tín - nguyên trưởng phòng chuyên môn Văn phòng HĐCDGSNN, người đã có hơn 20 năm công tác tại HĐCDGSNN - nhớ lại việc phong GS hay công nhận chức danh GS nhiều lần bị gián đoạn, trong đó có những lần bị gián đoạn đến vài năm, đều là khi các văn bản để công nhận, bổ nhiệm chức danh GS, PGS cần được sửa chữa.

Năm 1976, Hội đồng Chính phủ đã ban hành quyết định quy định về hệ thống chức vụ khoa học và tiêu chuẩn các chức vụ khoa học trong lĩnh vực công tác giảng dạy ĐH và công tác nghiên cứu khoa học.

Trong đó, quyền quyết định công nhận các chức vụ GS, PGS thuộc về Thủ tướng Chính phủ. Từ văn bản này, đợt công nhận chức danh GS, PGS đầu tiên được thực hiện năm 1980.

Việc công nhận chức danh GS, PGS suốt từ năm 1980 đến 1989 không được thực hiện định kỳ hằng năm (9 năm chỉ có 6 đợt xét), cũng không thực hiện đại trà mà có năm chỉ xét trong khối quốc phòng, năm lại chỉ xét cho riêng ngành triết học... 222 GS và hơn 1.300 PGS đã được công nhận trong thời gian này.

Phải từ năm 1989 trở đi, HĐCDGSNN mới được giao quyền công nhận chức danh GS, PGS. Trong những đợt xét công nhận GS, PGS đầu tiên do HĐCDGSNN chủ trì, chỉ trong hai năm 1991-1992 đã có tổng số gần 400 chức danh khoa học GS và hơn 1.500 chức danh khoa học PGS được xét phong, cao hơn tổng số GS, PGS được Thủ tướng Chính phủ công nhận suốt gần 10 năm trước đó.

Cũng chính những năm 1991-1992, trong số những người được công nhận chức danh GS, PGS, số người đang làm công tác quản lý chiếm gần 20%, trong khi số giảng viên cơ hữu trong các trường ĐH chỉ đạt chưa đến 60%.

“Sau đợt công nhận chức danh GS, PGS của hai năm 1991-1992, HĐCDGSNN đã xin phép Thủ tướng Chính phủ tạm dừng một năm để nghiên cứu cải tiến công việc xét công nhận chức vụ khoa học ở Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế công việc này kéo dài ba năm mới hoàn thiện” - ông Tín nhớ lại.

Nhưng sau đó việc xét phong GS, PGS vẫn đầy lùm xùm mà chính giới khoa học cũng thấy không ổn. GS Phạm Minh Hạc - nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục, nguyên phó trưởng Ban Khoa giáo trung ương, nguyên chủ tịch HĐCDGSNN giai đoạn 2001-2006 - thừa nhận giai đoạn trước năm 1998 việc phong GS từng rơi vào tình trạng “rất xấu”, nhiều tiêu chuẩn xem xét quá dễ dãi.

Có hội đồng bầu cùng lúc 12 GS mà không quan tâm đến chất lượng. Thậm chí có người đăng ký xét công nhận chức danh GS ở một ngành khoa học cơ bản nhưng lại được tính điểm khoa học từ một bài báo thường thức chính trị đăng trên báo Nhân Dân, chứ hoàn toàn không phải bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học.

“Khoảng năm 1998, Bộ Chính trị đã trực tiếp có ý kiến về vấn đề này, đề nghị Chính phủ phải dừng hoạt động của hội đồng, không tuyển chọn, bình bầu GS, PGS để thành lập hội đồng mới.

Tôi còn nhớ trong một cuộc họp của Bộ Chính trị với một số GS kéo dài hơn ba giờ rất căng thẳng, có vị GS nổi tiếng phát biểu “chất lượng GS đã xuống đáy giếng rồi”. Ban Khoa giáo trung ương, Bộ GD-ĐT được giao tìm hiểu kỹ tình hình, báo cáo Bộ Chính trị và Chính phủ rồi đề xuất thành lập hội đồng mới với quy chế hoạt động và những tiêu chuẩn công nhận GS, PGS chặt chẽ hơn trước” - GS Hạc nói.

Ba năm sau, năm 2001 HĐCDGSNN nhiệm kỳ mới được thành lập với chủ tịch HĐCDGSNN chính là GS Phạm Minh Hạc - khi đó là phó trưởng Ban Khoa giáo trung ương, chứ không phải do bộ trưởng Bộ GD-ĐT đảm nhiệm như thường lệ. Khi “xốc” lại hoạt động công nhận chức danh GS, PGS, GS Phạm Minh Hạc cho biết đã có trường hợp sau khi được công nhận chức danh GS, PGS bị phát hiện “đạo văn” nên HĐCDGSNN từng phải thi hành kỷ luật bằng cách thu hồi chức danh đã công nhận trước đó.

Cho đến gần đây, năm 2013 giới khoa học lại rúng động khi HĐCDGSNN ra văn bản hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS đối với ông Hoàng Xuân Quế - viện trưởng Viện Ngân hàng - tài chính Trường ĐH Kinh tế quốc dân - và thu hồi giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS đã trao cho ông Quế năm 2009.

Lý do cho quyết định này là vì ông Quế đã không còn là tiến sĩ nên không đủ tiêu chuẩn PGS. Trước đó, bằng tiến sĩ của ông Quế đã bị Bộ GD-ĐT thu hồi sau khi xác định luận án của ông Quế “đạo văn”, sao chép đến 52,5/159 trang (trên 30%) từ luận án tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế (Học viện Ngân hàng).

Điều đặc biệt, câu chuyện thu bằng tiến sĩ, thu hồi chức danh PGS đối với ông Hoàng Xuân Quế đến nay vẫn chưa có hồi kết khi ông Quế kiện nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận ra tòa. Phiên tòa xử lý vụ kiện khá hi hữu này đã diễn ra từ đầu tháng 10-2016, nhưng sau đó phải tạm dừng để làm rõ thêm một số nội dung, củng cố chứng cứ.

Cũng năm 2013, một việc chưa từng có tiền lệ đã xảy ra khi Trường ĐH Ngoại thương dù hội đủ điều kiện lập hội đồng GS cơ sở, thậm chí thừa tiêu chuẩn về số GS, PGS nhưng vẫn không được phép thành lập hội đồng.

Lý do là năm 2012, một ứng viên PGS là phó hiệu trưởng nhà trường không đạt đủ số phiếu tín nhiệm và dù là phiếu kín, nhưng chủ tịch hội đồng lại yêu cầu những ai vừa bỏ phiếu không tín nhiệm đối với ứng viên phải... đứng dậy giải thích rõ lý do đồng thời cho bỏ phiếu tín nhiệm lại, bất chấp quy định chung là chỉ được bỏ phiếu một lần.

Để giữ “đền thiêng”

Chức danh GS, PGS từ trước đến nay vẫn được coi là một sự công nhận danh giá về mặt học thuật. Từ số lượng rất ít các hội đồng cơ sở, đến năm 2016 ngoài HĐCDGSNN, cả nước đã có hơn 100 hội đồng chức danh GS cơ sở và 28 hội ngành/liên ngành.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã được điều chỉnh nhiều lần về quy định, trình tự công nhận, bổ nhiệm chức danh GS, PGS thì theo một số chuyên gia, hoạt động này vẫn rất cần được tiếp tục sửa đổi.

Ông Đỗ Đức Tín chia sẻ vài năm trước, khi Chính phủ đẩy mạnh cải cách hành chính đã có ý kiến cho rằng cần xem lại sự cần thiết của hội đồng chức danh GS ngành khi cho rằng công việc của hội đồng cấp ngành rất chung chung, lại na ná như hai cấp còn lại, cũng thẩm định rồi bỏ phiếu tín nhiệm...

“Quan niệm như vậy là không đúng. Hội đồng cơ sở là nơi gần với ứng viên nhất, ngoài đánh giá về chuyên môn còn giám sát và nhận định chuẩn xác về tư cách, đạo đức, sàng lọc ứng viên... Còn hội đồng ngành tập trung sâu hơn vào đánh giá trình độ khoa học, chuyên môn ứng viên trên mặt bằng chung của quốc gia.

Tuy nhiên riêng HĐCDGSNN, đúng là nếu cũng tiếp tục đánh giá ứng viên như một hội đồng chuyên môn thì chưa thật sự thuyết phục. Cho dù mỗi thành viên hội đồng đều là GS đầu ngành của một ngành cụ thể, nhưng khả năng bao quát chuyên môn cho ngành khác vẫn bị hạn chế. HĐCDGSNN chỉ nên làm nhiệm vụ thẩm tra quy trình, cân đối số lượng GS, PGS giữa các lĩnh vực, đề ra các tiêu chuẩn có tính chiến lược...” - ông Tín đề xuất.

Trong khi đó, dù không bình luận về con số 65 tân GS, 638 tân PGS năm 2016, cao hơn hẳn so với các đợt xét gần đây, cũng như cao hơn nhiều so với giai đoạn 2001-2006 khi còn là chủ tịch HĐCDGSNN, nhưng GS Phạm Minh Hạc cũng cho rằng việc xét, công nhận chức danh GS, PGS hiện nay “cần phải chú ý tới chất lượng” và “trong mọi quy trình phải làm rất chặt chẽ”.■

 

Quy định ứng viên được công nhận chức danh GS, PGS khi đạt 3/4 số phiếu tổng số thành viên hội đồng trở lên, trong khi điều kiện để hội đồng được bỏ phiếu là có mặt từ 3/4 thành viên hội đồng trở lên cũng rất cứng nhắc và trớ trêu. Ví dụ một hội đồng có 12 người, theo quy định, chỉ cần 9 người có mặt là đủ điều kiện bỏ phiếu, nhưng nếu chỉ một người không đồng ý coi như không đạt 3/4 số phiếu thì đương nhiên ứng viên bị trượt rất oan ức. 8 phiếu đồng ý, 1 phiếu không đồng ý, nhưng kết quả cuối cùng lại quyết định theo 1 phiếu...

TS Đỗ Đức Tín (nguyên trưởng phòng chuyên môn Văn phòng HĐCDGSNN)


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận