10 năm Đại học tư Việt Nam: Ai sở hữu, bao nhiêu tiền và liệu còn đất cho tay chơi mới ?

TTCT- Sự công nhận chính thức “chủ sở hữu tư nhân” vào năm 2005 không đơn thuần là mốc đánh dấu sự khai sinh mô hình đại học tư thục (ĐHTT) mà còn tạo ra nhiều động lực để các nhà đầu tư tư nhân tham gia thị trường vốn chỉ dành cho khu vực công này.

 

 Trong vòng hơn 10 năm qua, các trường ĐHTT đã có những sự phân hóa dễ nhận thấy về cả quy mô lẫn định hướng hoạt động, mà nguồn căn của những khác biệt đó đều nằm ở mô hình quản trị ĐH.

Nhận dạng một số loại mô hình quản trị

Khoảng 30 năm trước, các trường ĐH dân lập (ĐHDL) đầu tiên ra đời, hoạt động như những phiên bản không hoàn chỉnh của ĐH công lập cùng thời: được vận hành bởi các nhà giáo, quan chức về hưu cùng lối quản trị truyền thống, nhưng lại thiếu nguồn lực do không được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Thêm vào đó, trong suốt một giai đoạn dài từ đầu những năm 1990 đến giữa những năm 2000, sự sở hữu tư nhân không được thừa nhận, khiến cho các trường ĐH ngoài công lập (NCL) càng không có động lực để cải tổ từ chính bên trong.

Quyết định 14/2005/QĐ-TTg thực tế đã khai sinh mô hình ĐHTT, chính thức công nhận “chủ sở hữu tư nhân” đối với ĐH NCL, điều trước đó vốn không được chấp nhận ở mô hình dân lập. 

Việc điều chỉnh mô hình sở hữu không chỉ cởi trói cho các ĐHTT trong việc kêu gọi thêm nguồn đầu tư, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến việc cải tổ, vận hành và xây dựng chiến lược dài hạn của trường ĐHTT (hay quản trị ĐH). 

Quản trị ĐH chính là một đòn bẩy hữu hiệu để cải thiện chất lượng trong mọi phương diện của giáo dục ĐH, là tâm điểm của thành công hoặc thất bại của bất kỳ trường ĐH đương thời nào.

Trong hơn 10 năm qua, cùng với sự tăng trưởng về số lượng, chúng ta đã chứng kiến sự phong phú và đa dạng về mô hình quản trị ĐHTT khác nhau. Dựa trên hai thuộc tính của quá trình ra quyết định điều hành (tính mở và tính nhất quán), chúng tôi chia các trường ĐHTT Việt Nam theo 4 mô hình quản trị (xem bảng bên dưới).

 

 Xét theo tính mở của quá trình ra quyết định, ta có thể thấy rõ sự khác biệt giữa lối quản trị tán quyền và tập quyền.

Với phương thức tán quyền, mô hình “đa” sở hữu và mô hình tập đoàn buộc các quyết định về quản trị, vận hành phải được thảo luận mở trong HĐQT, đòi hỏi chất lượng vận hành ngày càng phải nâng cao, đảm bảo quyền lợi cho nhiều đối tượng cổ đông.

Trong khi đó, mô hình gia đình và mô hình “đơn” sở hữu lại tập trung quyền lực, các quyết sách lớn thường được thảo luận trong một phạm vi hẹp hơn, giới hạn giữa các thành viên trong một gia đình, dòng họ, hoặc được quyết định bởi một cá nhân duy nhất.

 

 Quy mô tài chính

Các ĐHTT ở Việt Nam gần như không nhận ngân sách nhà nước, nguồn thu chủ yếu đến từ học phí sinh viên. Vì vậy, muốn phát triển thì trước tiên các ĐHTT phải có nền tảng tài chính vững vàng.

Trên cơ sở đó, vì dữ liệu thực về doanh thu các trường ĐHTT Việt Nam còn khan hiếm nên chúng tôi đề xuất thay thế bằng chỉ số “Quy mô tài chính” (bằng tích của quy mô đào tạo và học phí trung bình cho cả khóa học) như một tiêu chí bước đầu để phản ánh mức độ thành công của các mô hình quản trị ĐH, bất kể thâm niên, phân khúc và chiến lược hoạt động.

Dựa trên chỉ số “Quy mô tài chính”, các trường ĐHTT Việt Nam được chia thành 4 nhóm từ Q1 đến Q4, với quy mô tài chính lần lượt ở các mức: (1) trên 500 tỉ; (2) 200~400 tỉ; (3) 50~200 tỉ; và (4) dưới 50 tỉ đồng (xem biểu đồ Quy mô sinh viên và tài chính).

Kết quả tính toán thể hiện rõ hai xu hướng phát triển: (1) các trường chú trọng chất lượng; và (2) các trường chú trọng quy mô.

Với xu hướng tập trung phát triển chất lượng đào tạo, các trường có học phí ở phân khúc A thường có quy mô không quá 10.000 sinh viên và phần lớn có quy mô tài chính ở nhóm Q1.

Ngoài ĐH Quốc tế Sài Gòn đứng đầu trong Q2, với khoảng cách để vươn lên Q1 không quá xa, thì có ĐH Anh Quốc (BUV) và ĐH Tân Tạo nằm trong Q3.

Trong khi BUV mới thành lập và quy mô tài chính ở mấp mé Q2 thì ĐH Tân Tạo có thể được coi là một ví dụ điển hình cho việc định vị sai phân khúc và nhiều sai lầm về quản trị: mức học phí quá cao so với chất lượng đào tạo chưa thực sự nổi trội.

Đối với xu hướng phát triển quy mô, các trường với quy mô 15.000~20.000 sinh viên thường định vị học phí ở phân khúc B với chất lượng vừa phải, thành công điển hình là ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và ĐH Nguyễn Tất Thành.

Chỉ số “Quy mô tài chính” cũng minh chứng rõ ràng cho dự báo của chúng tôi từ năm 2014 về sự sụp đổ các trường phân khúc D với chất lượng thấp và học phí thấp.

Quy mô đào tạo của các trường này không quá 1.000 sinh viên, nằm hoàn toàn từ nửa cuối Q3 và chiếm tỉ lệ áp đảo trong Q4. Bên cạnh đó, Q4 cũng chứng kiến sự góp mặt của một số trường phân khúc B, C đang lúng túng trong việc định vị, có khả năng phải đóng cửa hoặc được mua lại bởi các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, ta có thể dễ dàng nhận thấy sự phân hóa về quy mô tài chính của các trường theo mô hình quản trị. Có tới 11/14 trường ở Q1 (quy mô trên 500 tỉ) được quản lý theo mô hình tán quyền. Toàn bộ 11 trường trong Q2 (quy mô từ 200~400 tỉ) được quản trị bởi mô hình đa sở hữu hoặc có sự chi phối áp đảo bởi một tập đoàn.

Trái lại, các trường được quản trị bởi mô hình gia đình hay sở hữu đơn cá nhân rất khó có thể leo lên được Q1 và Q2, tập trung phần lớn ở Q4 (quy mô dưới 40 tỉ) và rải rác ở Q3 (quy mô từ 50 đến dưới 200 tỉ).

Trong số 59 trường được thống kê, có 13 trường theo mô hình tập quyền (sở hữu gia đình, hoặc đơn sở hữu), chiếm 22%.

Tuy nhiên trong số 13 trường này, chỉ có 1 trường trong nhóm Q1, Q2. Kết quả phân phối này phần nào thể hiện rõ khả năng thành công của mô hình quản trị đa sở hữu, và sự hỗ trợ từ các tập đoàn sở hữu với lợi thế của mô hình quản trị hiện đại.

 

Còn bao nhiêu đất cho tay chơi mới?

Cũng như nhiều nước trên thế giới, 30 năm qua tại Việt Nam chứng kiến sự gia tăng sức ép ngày càng lớn từ phía người dân về cơ hội đi học ĐH. Điều này dẫn đến một hệ quả tất yếu là Nhà nước không còn đủ khả năng bao cấp hoàn toàn giáo dục ĐH như trước kia nữa. Đối diện với vấn đề này, các nhà nghiên cứu giáo dục đã chỉ ra 2 hướng giải quyết chính:

Một là: cho phép ĐH công mở thêm nhiều chương trình thu phí hoàn toàn để đáp ứng nhu cầu thị trường; hạn chế hoặc không cho ĐH tư phát triển.

Hai là: Nhà nước chỉ tiếp tục bao cấp (toàn phần hoặc một phần lớn) giáo dục ĐH công và để cho giáo dục ĐH tư phát triển đáp ứng nhu cầu thị trường.

Phần lớn các nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á lựa chọn cách thứ hai.

Theo thống kê, Indonesia vào năm 2012 có 2.818 ĐH tư, chiếm 97% số ĐH tại nước này. Hàn Quốc (2012) là 350 trường (85%). Lào (2012) có 77 trường (78%). Malaysia (2012) có 491 trường (96%). Philippines (2012) có 1.636 trường (88%). Thái Lan (2012) có 71 trường (42%) và Trung Quốc (2011) là 836 trường (31%).

Về số lượng sinh viên, các trường tư tại những nước này cũng chiếm tỉ lệ lớn, như tại Hàn Quốc (2011), 81% là sinh viên ĐH tư, con số tương ứng tại một số nước có tỉ lệ cao là Indonesia (2011): 62%, Trung Quốc (2011): 63%, Philippines (2011): 63%...

Với Việt Nam, dường như trong cả một thời gian dài, chúng ta đã lưỡng lự giữa cả 2 cách trên, cuối cùng là chọn cả 2 cách nhưng không cách nào thực sự quyết liệt.

Kết quả là tại thời điểm hiện nay, trong khi hệ tại chức, từ xa, hệ đóng tiền tại các trường công không thực sự phát triển; và khu vực ĐH NCL, sau 30 năm xuất hiện với danh nghĩa ĐH DL và 12 năm xuất hiện với danh nghĩa ĐHTT, cũng mới chỉ đóng góp số lượng rất ít: 28% theo tổng số trường ĐH và 14% theo tổng số sinh viên vào năm 2016.

Nói cách khác, từ góc độ thị trường, trong khi bên “cầu” (người học) vẫn còn rất lớn; bên “cung” (cơ sở giáo dục ĐH) vẫn còn quá mỏng: hiện chỉ có khoảng 30% thanh niên ở độ tuổi 18-22 ở nước ta là sinh viên ĐH. Dư địa cho giáo dục ĐH nói chung và giáo dục ĐH tư thục nói riêng thực tế vẫn còn rất lớn.

Nhưng sự phát triển ĐHTT sẽ không chỉ và không thể dừng lại ở chỗ là nơi tiếp nhận sinh viên trượt ĐH công như thời gian trước.

Tỉ lệ 26% học sinh THPT không đăng ký xét tuyển ĐH năm học 2016-2017 chứng tỏ việc đào tạo của các trường ĐH hiện nay nói chung, ĐHTT nói riêng chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo để đáp ứng công việc thực tế.

Việc xây dựng tốt các mô hình ĐHTT nhằm tập trung giải quyết được những nhu cầu cụ thể của từng ngành sản xuất sẽ mở rộng thị phần cho các trường ĐHTT, hướng tới những học sinh chưa từng nghĩ rằng mình sẽ có cơ hội học ĐH. Rất cần lưu ý đến sự xâm nhập của các trường quốc tế - một tín hiệu khẳng định tiềm năng tăng trưởng của thị trường này trong tương lai.■

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận