Tản mạn mùa vải chín

ĐỖ PHẤN 03/07/2020 01:07 GMT+7

TTCT - Trong các loài hoa trái đặc sắc nhất đồng bằng Bắc Bộ không thể không nhắc đến quả vải.

Quả vải và chim sáo nâu, tranh của Tề Bạch Thạch. Ảnh: Christie's
Quả vải và chim sáo nâu, tranh của Tề Bạch Thạch. Ảnh: Christie's

Quả vải thiều mới du nhập vào Việt Nam hồi cuối thế kỷ 19. Đây là giống vải quả nhỏ, ngọt sắc, rất sai quả, được trồng đại trà ở vùng Lục Ngạn, Bắc Giang. Truyền thuyết kể lại rằng có người phu bốc vác ở bến cảng Hải Phòng tên là Hoàng Phúc Thành một hôm thấy những nhà buôn Thiều Châu ở cảng ăn một thứ quả rất ngon, rồi vứt hạt trên bờ.

Ông tò mò nhặt được ba hạt mang về quê mình ở vùng Thanh Hà, Hải Dương ươm trồng. Số phận của ba cây vải đầu tiên ấy không được may mắn cho lắm. Số là bà vợ ông khi làm cỏ vườn không biết là cây gì đã lia một nhát cuốc chết mất hai cây. Cây còn lại được ông chăm sóc cho đến ngày ra quả, đặt tên là quả vải thiều với nghĩa là lấy giống từ những người Thiều Châu.

Quả vải thiều trồng ở vùng Thanh Hà mãi cho đến đầu những năm 80 thế kỷ trước mới có một cuộc thiên di lên vùng Lục Ngạn. Thực ra trước đấy nhiều người đã mang giống cây này đi trồng ở nhiều địa phương khác nhau nhưng đều thất bại do không hợp thung thổ khí hậu. Tương tự như ngày mới thống nhất đất nước đã có người mang giống cây xoài miền Nam ra Bắc trồng. Kết quả thu được vài năm sau là một rổ quả chua loét.

Loài cây ban đầu mang trồng ở vùng đất khác chỉ với mục đích xóa đói giảm nghèo cho vùng bán sơn địa, chẳng ngờ đã lập nên một sứ mệnh xuất sắc. Vùng Lục Ngạn giờ đây là một vựa vải cung cấp cho cả nước và xuất khẩu.

Nhưng ai từng ăn quả vải thiều Thanh Hà hẳn là thấy sự khác biệt rất rõ. Vải thiều Thanh Hà năng suất thấp. Mùa vải ngắn, chỉ chừng hai tuần. Mua được nó ở chợ Hà Nội là không dễ. Những người Hà Nội cầu kỳ đã đánh xe xuống tận Thanh Hà mà mua. Sao lại phải cầu kỳ như thế? Đơn giản vì vải Lục Ngạn bán ở chợ Hà Nội có ngoại hình chẳng khác gì vải Thanh Hà.

Nó chính là giống cây mang từ Thanh Hà lên trồng. Chỉ có nếm thử mới biết. Vải Thanh Hà thịt dày, hạt lép, khô mình. Khi cắn vào nước ngọt mới tứa ra thơm phức. Hột vải bé xíu, chỉ bằng hạt đậu đen. Vải Lục Ngạn tuy độ ngọt chẳng kém gì Thanh Hà nhưng mới bóc ra nước đã lã chã trên đầu ngón tay. Hạt mẩy và to, cùi mỏng. Hương thơm cũng kém phần thanh khiết, chỉ được cái năng suất hơn hẳn.

Cây vải bản địa cổ xưa của Việt Nam là một giống khác dù cấu tạo lá cành quả hạt cũng tương tự. Điểm khác biệt chỉ là quả vải to và dài hơn. Vị chua chát có thể nói là chẳng ngon lành gì. Đã thế hột to bằng ngón tay cái, chỉ béo lũ trẻ gọt ra cắm tăm làm con quay búng trên nền nhà. Ấy thế mà nó từng là đặc sản của vùng Châu Hoan nức tiếng từ nửa sau thiên niên kỷ thứ nhất.

Có truyện đồn rằng, vào năm 722 thuộc về đời nhà Đường bên Tàu có một quý phi họ Dương của Đường Minh Hoàng đột nhiên rất thích ăn quả vải. Mà lại phải là giống vải chua hột to cùi mỏng của vùng Châu Hoan (Hà Tĩnh) giờ đây vẫn còn. Tất nhiên đàn bà trong cung cấm hay ở chốn thôn dã cho đến tận bây giờ ai cũng biết khi nào thì thèm của chua.

Chính vì ý thích quái gở ấy đã làm dấy lên cuộc khởi nghĩa nông dân do Mai Thúc Loan cầm đầu khi ông cùng những người nông dân Châu Hoan phải gánh vải quả sang Tàu triều cống. Lịch sử đoạn này của dân tộc hình như viết theo truyền thuyết nhiều hơn sử liệu. Bởi khi cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan nổ ra năm 722 thì Dương Quý Phi mới tròn 3 tuổi, cái tuổi mà trẻ con xưa nay thích nhét tất cả mọi thứ vào miệng kể cả đồ chơi chứ chẳng riêng gì thức ăn.

Hơn nữa khoảng cách từ Hoan Châu đến kinh đô Trường An bên Tàu là hơn 4.000km. Nếu dùng ngựa trạm chạy tiếp sức thì khi quả vải đến nơi may lắm cũng chỉ còn là vải khô, không phải là thứ Dương Quý Phi đòi hỏi. Cho nên nhiều nhà sử học đương thời cho rằng nạn cống vải là nguyên nhân dẫn đến cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan kể ra cũng hơi khiên cưỡng.

Quả vải ta truyền thống còn có tên gọi khác là “vải tu hú”. Cái tên này thì đáng tin cậy là bởi cứ khi chim tu hú gọi bầy là vải chín. Loài chim chuyên đi đẻ nhờ tổ chim chích, con tu hút non đạp lũ chích non khỏi tổ mà hưởng thức ăn từ bố mẹ chim chích dại khờ, "thành tích" vớt vát cuối cùng chỉ là kêu lên vài tiếng báo hiệu mùa vải chín đã về. Những năm 60 thế kỷ trước, người ta trồng cây vải bạt ngàn bên triền đê sông Đáy.

Lũ trẻ thành phố sơ tán về đấy suốt mùa hè coi những vườn vải là sân chơi thân thuộc còn hơn cả sân nhà. Leo trèo vặt quả ăn trong tiếng chim tu hú hổn hển gọi bầy. Lũ con gái ngồi dưới gốc cây vén lưng áo lên tí tách giết rôm cho nhau. Nhưng giờ thì cây vải tu hú còn rất ít nơi trồng. Dù chín sớm hơn cả vài tuần lễ thì cũng vẫn khó bán. Chẳng biết tu hú có kêu khi vải thiều chín hay không nữa.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận