Từ học trong lều đến bảo vệ tối đa 

LÊ BẢO TUYÊN 17/09/2020 18:09 GMT+7

TTCT - Vào tuần học đầu tiên, tôi cùng bạn đi tìm lớp học. Hóa ra, đó là một cái lều trắng to ở ngoài trời...

Bảng thông báo yêu cầu mang khẩu trang khi vào trường. Ảnh: Buck Butler, Hội Nhiếp ảnh Trường ĐH Sewanee

Giữa tháng 4, nước Mỹ có số ca nhiễm COVID-19 gần chạm mốc 1 triệu người. Trường học và ký túc xá đóng cửa, tôi rời nước Mỹ, về nhà và hoàn thành năm học cuối cấp III với nhiều cảm xúc lẫn lộn. Điều tôi lo lắng nhất là kế hoạch học tập năm nhất đại học của mình ở Mỹ. 

Tôi và ngôi trường sắp tới (Sewanee: The University of the South, bang Tennessee) đã có nhiều dự định cho nhau nhưng đại dịch có thể làm xáo trộn tất cả.

Thế rồi khi tôi còn chưa biết phải chọn con đường nào, đầu tháng 5, trường gửi email cho tôi báo tin sẽ mở cửa và đón sinh viên trở lại vào tháng 8. Dù trường đưa ra một quyết định sớm giữa bao điều không chắc chắn thế này, tôi vẫn quyết định qua Mỹ học.

Một tuần một lần, trường tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho tất cả sinh viên, giáo sư và nhân viên. Ảnh: Buck Butler, Hội Nhiếp ảnh Trường ĐH Sewanee

Xét nghiệm mỗi tuần, giãn cách xã hội tối đa

Có lẽ tôi sẽ không bao giờ trả lời được câu hỏi mình có liều lĩnh hay không, cho đến ngày 15-8, khi tôi thật sự bước chân vào trường.

Trước khi tôi đi, xung quanh không ít người lo lắng khuyên can tôi nghĩ lại. Lỡ tôi bị nhiễm COVID-19 hoặc trường đóng cửa, chẳng có chỗ về thì tính sao khi mà cho đến giờ này, Việt Nam vẫn chưa mở lại đường bay quốc tế nào?

Từng rơi vào cảnh suýt chút nữa bị mắc kẹt ở Mỹ nếu không có chuyến bay thương mại cuối cùng đưa tôi về nước vào tháng 3 trước đó, tôi và gia đình hiểu rõ những khó khăn đó. Song tôi vẫn quyết định trở lại Mỹ học giữa lúc tâm dịch vẫn chưa suy giảm, vì sự tin tưởng mà Sewanee đã tạo ra.

Tổ chức lớp học ngoài trời để giãn cách xã hội, giảm nguy cơ lây nhiễm. Ảnh: Buck Butler, Hội Nhiếp ảnh Trường ĐH Sewanee

Các email trường cập nhật tình hình được gửi cho tôi mỗi ngày cho hay sẽ có những buổi kiểm tra COVID-19 bắt buộc, trường đã nâng cấp bệnh viện tại trường, thực hiện giãn cách từ chỗ ở, nhà ăn đến lớp học và cả những điểm sinh hoạt như phòng gym. 

Gia đình tôi cũng yên tâm khi trường thông báo rằng khoản bảo hiểm sức khỏe của tôi đã gồm chi phí xét nghiệm và điều trị trong trường hợp tôi dương tính với COVID-19 vì lý do nào đó.

Điều quan trọng nhất mà trường thuyết phục được tôi và gia đình là gửi cho chúng tôi lời cam kết rằng sẽ bảo vệ du học sinh, đảm bảo việc xét nghiệm và điều trị. Trong một tình thế nào đó buộc đóng cửa, trường sẽ giữ chúng tôi ở lại nên không phải lo cảnh “không nơi nương tựa”. Trước đó, những du học sinh không thể về nước cũng đã ở lại trường suốt mùa hè đến nay.

Khi đến sân bay của thành phố Nasville (Tennessee), nơi có trường tôi theo học, tôi được nhà trường đưa đến một nhà nghỉ ở một đêm. Sáng hôm sau, trường đến đón tôi về để làm thủ tục xét nghiệm COVID-19. Sau 5 tiếng, kết quả và các số liệu được trường công bố chính thức trên trang web.

Dựng lều dưới những tán cây dạy học để đảm bảo giãn cách. Ảnh: Buck Butler
Dựng lều dưới những tán cây dạy học để đảm bảo giãn cách. Ảnh: Buck Butler

“Welcome to Sewanee, in-person!” - bác sĩ vui mừng thông báo kết quả xét nghiệm của tôi là âm tính. Tôi cười nhẹ nhõm qua lớp khẩu trang. Thầy cố vấn đón tôi về ký túc xá, nơi mỗi sinh viên được bố trí phòng ở cách biệt nhau. 

Dọc đường đi, nhiều bảng hiệu và băngrôn mùa dịch bệnh của trường được treo. “Quyết chiến quyết thắng đó!”, thầy cười lớn. Trước khi rời đi, thầy đưa tôi một túi đựng bánh kẹo, bình nước và một thứ không thể thiếu nhưng vốn lạ lẫm xưa nay ở Mỹ: ba cái khẩu trang vải.

Không chỉ sinh viên quốc tế như tôi, tất cả sinh viên, giáo sư và nhân viên của trường đều phải xét nghiệm trước khi vào trường. Sau đó, cứ một tuần, trường lại tổ chức xét nghiệm cho toàn thể. Tính ra, tôi đã được xét nghiệm COVID-19 đến nay là lần thứ 4. Dĩ nhiên, tất cả đều miễn phí.

Lễ tuyên thệ chưa từng có. Ảnh: Buck Butler, Hội Nhiếp ảnh Trường ĐH Sewanee

Dựng lều dạy học, tặng tiền ăn giảm stress

Thời khóa biểu học của tôi được trường sắp xếp theo kiểu linh hoạt, có cả học online lẫn lên lớp học trực tiếp.

Do học nội trú, tôi ở ký túc xá ngay tại khuôn viên rộng lớn của trường, mỗi ngày cuốc bộ đi học. Nội quy dành cho tất cả mọi người ở đây là mọi hoạt động phải tuân thủ theo 3W (mang khẩu trang, rửa tay, và chú ý khoảng cách). Sinh viên được khuyến nghị không ra khỏi trường và không di chuyển quá tầm kiểm soát y tế của địa phương.

Vào tuần học đầu tiên, tôi cùng bạn đi tìm lớp học. Hóa ra, đó là một cái lều trắng to ở ngoài trời. Nấp dưới những tán cây, những cái lều vừa được trường dựng trong thời gian qua để học sinh có thể học trực tiếp trong sự giãn cách.

Giáo sư sinh học của tôi thì dẫn sinh viên ra sân bóng đá ngồi giảng dạy. Nếu phải học trong phòng, như lớp văn học của tôi, thì một lớp chỉ có 5 sinh viên thay vì 15 như thường lệ.

Với những lớp học có hơn 12 sinh viên, khi giãn cách xã hội thì phòng học không đủ diện tích, mà chia làm nhiều lớp riêng thì phức tạp và khó khăn, nên mới có chuyện dựng lều dạy học kể trên. Trường có khoảng 10 cái lều như vậy.

Hiệu trưởng Vice-Chancellor Bridgety của trường chia sẻ trong lễ tuyên thệ của sinh viên. Ảnh: Buck Butler, Hội Nhiếp ảnh Trường ĐH Sewanee

Ngoài ra, nhà giữ xe đạp ngoài trời cũng được bố trí thành lớp học để đủ phòng học khi giãn cách xã hội. Một lý do nữa khiến trường đẩy mạnh việc học và sinh hoạt ngoài trời là để giảm nguy cơ lây nhiễm. Những môn học buộc phải học trong phòng như làm thí nghiệm thì vẫn học trong các phòng học cũ, nhưng cũng áp dụng giãn cách. 

Chia sẻ với tôi, nhiều sinh viên cho hay, việc học ngoài trời dễ làm họ mất tập trung hơn trong phòng học nhưng chúng tôi đều hiểu đó là cách tốt nhất và cần thiết trong lúc này.

Hiểu những khó khăn ức chế của sinh viên, trường cố gắng hỗ trợ chúng tôi từ vật chất lẫn tinh thần. Sinh viên vẫn có thể hoạt động ở các câu lạc bộ tại trường. Mỗi sinh viên được trang bị thêm nhiều khoản tiền trong ID để đi ăn tại các quán cà phê và nhà hàng trong trường và thị trấn. Các lớp học thiền được tổ chức.

Đặc biệt, trong quãng thời gian này, chúng tôi được trường hướng dẫn tìm tới thiên nhiên để chữa lành những cảm xúc tiêu cực. Đối với những hoạt động ngoài trời như leo núi, trường trang bị cho sinh viên ủng leo núi, thiết bị và lều bạt cho những chuyến đi khám phá khuôn viên trường trên đỉnh núi Applachia hùng vĩ.

Mang khẩu trang mọi lúc mọi nơi, dù trong lớp học hay hoạt động ngoại khoá. Ảnh: Buck Butler, Hội Nhiếp ảnh Trường ĐH Sewanee

“Chúng ta cùng nhau trên một con thuyền”

Tôi hỏi giáo sư môn nhân chủng học của mình, rằng bà cảm thấy thế nào khi dạy học trong thời gian này, bà đáp: “Không có gì là quen thuộc cả. Với tất cả mọi người, đây là năm đầu tiên dạy và học như thế này. Còn có gì phiền hà hơn việc phải thiết kế lại tất cả bài giảng và nghiên cứu các ứng dụng dạy học từ xa. Nhưng thật sự, những nỗ lực của chúng ta thật xứng đáng, khi có thể nhìn thấy các em tại trường một lần nữa!”.

Một chị sinh viên năm 3 nói khi ăn tối với tôi trong khoảng cách hai mét rằng những năm trước đây, môi trường học tập và ăn ở tốt hơn rất nhiều. Dẫu cho cố gắng thế nào đi nữa, thật khó để mọi thứ gần giống như ban đầu.

Mang khẩu trang mọi lúc mọi nơi, dù trong lớp học hay hoạt động ngoại khoá. Ảnh: Buck Butler, Hội Nhiếp ảnh Trường ĐH Sewanee

Tôi nghe kể, cũng có những sinh viên lo âu và căng thẳng. Trong quãng thời gian này, sự đơn độc dễ tìm đến. Dẫu có biết bản thân mình sẽ an toàn nhưng thỉnh thoảng, khi vừa kết thúc lớp học online của mình, tôi cũng có khi thấy sự trống vắng trong lòng. Rất khó để kết nối và gặp gỡ mọi người, khi ai cũng phải giữ khoảng cách hay nhận ra nhau qua lớp khẩu trang.

Dẫu vậy tất cả chúng tôi đều hiểu, đó là những nỗ lực hết mức có thể của trường để bảo vệ tất cả mọi người. Như những bảng hiệu và tờ bướm được đính trên mọi cánh cửa: “Chúng ta cùng nhau trên một con thuyền”, “Không có nỗi buồn phải chia rẽ tạm thời nào lớn hơn niềm vui được gặp lại”.

Tôi cảm thấy được động viên rất nhiều khi trông thấy chúng. Có lẽ, đó cũng là lý do chúng được treo ở khắp mọi nơi.

Chuyển các xe đạp của phòng gym ra ngoài trời để giãn cách, giảm nguy cơ lây nhiễm. Buck Butler, Hội Nhiếp ảnh Trường ĐH Sewanee

Ba tuần đã trôi qua. Giờ đây tôi đã quen và hài lòng với cuộc sống sinh viên mùa covid của trường. Quen với lớp học dưới tấm lều trắng, cười nói với nhau qua lớp khẩu trang, những lần đi bộ thong dong xuống thị trấn Sewanee và ánh đèn nháy lên khi chạm vào tấm ID. 

Cuộc sống tại trường với những thay đổi mùa dịch bệnh này, mặc dù rất kỳ lạ, nhưng lại là cơ hội để tôi phát triển những kỹ năng xã hội và tự chủ cảm xúc cũng như cuộc sống của mình.

Tôi có thể hiểu được sự lo lắng và bất an về năm học hiện tại của các du học sinh và gia đình tại Việt Nam. Tôi không dám, và không thể, trấn an và khẳng định bất kỳ điều gì. Những chia sẻ của tôi cũng không thể áp dụng cho toàn bộ. Nhưng với cơ hội này, sẽ là một niềm vui rất lớn, khi tôi được kể về trường mình, mà chính sách mở cửa trở lại là thành công tại Mỹ.■

Lễ tuyên thệ chưa từng có. Ảnh: Buck Butler

Những năm trước, lễ tuyên thệ của sinh viên năm nhất - khi tân sinh viên ăn vận trang trọng và ký tên tuyên thệ sẽ “không nói sai sự thật, lừa dối, và đánh cắp” - sẽ được tổ chức tại nhà thờ của trường, một tòa nhà với kiến trúc nguy nga và hết sức trang nghiêm. 

Thế nhưng năm nay, chúng tôi buộc phải để giãn cách khi làm lễ. Sinh viên năm nhất được tập hợp tại sân bóng đá, không ngờ trời lại mưa. Chụp những tấm hình từ trên cao, khi chúng tôi trong những bộ áo mưa do trường chuẩn bị sẵn, thầy hiệu trưởng đã phát biểu trong sự sẻ chia: “Đây là thế hệ năm nhất sẽ không bao giờ bị lãng quên. Một thế hệ bắt đầu tương lai của họ trong quãng thời gian khó khăn và kỳ lạ nhất từng có”.

Giãn cách ở thư viện. Ảnh: Buck Butler
Giãn cách ở thư viện. Ảnh: Buck Butler

Không như điều mà tôi lo lắng trước khi đi du học, tất cả mọi người ở trường đều mang khẩu trang, trừ khi đang ăn, và ở trong phòng mình. Đó không phải là khuyến nghị mà trở thành quy định bắt buộc. Để giãn cách xã hội, trường bố trí lại toàn bộ cơ sở vật chất. 

Tại sảnh ăn là ký hiệu “Hãy dừng ở đây” khi xếp hàng lấy thức ăn. Bằng thẻ ID, trường quản lý những hoạt động đi lại của sinh viên. Bất kỳ tòa nhà nào cũng phải quẹt thẻ mới được vào. Các bồn rửa tay, xà bông diệt khuẩn và khăn giấy xuất hiện ở bất kỳ nơi nào có thể nghĩ đến được.

Các biện pháp của trường sớm trở thành một làn sóng phong cách, làm tôi thường xuyên phải phì cười trước các hoạt động “3W’s” tại trường, như đạp xe tại chỗ trước phòng gym chẳng hạn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận