Cần nghĩ đúng về thuốc nội

TTCT - Từ thời Pháp thuộc, tất cả các thuốc được nhập từ nước Pháp hay từ các nước phương Tây đều được người dân gọi là “thuốc tây”. Từ đó đến nay, phần lớn trong chúng ta đều sử dụng thuốc tây, đến nỗi trong tiềm thức đã đồng hóa thuốc nói chung là thuốc tây.

Thuốc nội - chật vật tìm lối

Phóng to

Với những tiến bộ đạt được, thuốc tây đã đẩy lùi rất nhiều bệnh tật, tăng tuổi thọ loài người nói chung, trong đó có người dân nước ta. Có thể nói nhiều bệnh ở nước ta hiện nay nếu không có thuốc tây thì thầy thuốc điều trị đành bó tay.

Nội - ngoại không nhiều khác biệt

Nhưng điều làm tình hình hiện nay khác với thời Pháp thuộc là thời đó, tất cả thuốc tây đều phải nhập từ nước ngoài, còn thuốc tây hiện nay đã bao hàm cả thuốc do chính các công ty, xí nghiệp dược phẩm ta sản xuất mà ta gọi là thuốc nội. Ngoại trừ một số thuốc đi từ dược liệu có sẵn trong nước và được bào chế theo phương pháp cổ truyền, phần lớn các thuốc sản xuất ở các xí nghiệp dược phẩm của ta hiện nay đều là thuốc tây đích thực.

Vì các dược sĩ điều hành xí nghiệp dược phẩm đều được đào tạo, học chủ yếu về thuốc tây; nguyên liệu làm ra thuốc đều được nhập từ nước ngoài và được kiểm tra đầu vào rất kỹ; các thiết bị, máy móc dùng bào chế thuốc thường phải nhập và đạt mức độ hiện đại; thao tác, quy trình sản xuất thuốc hiện nay đều đạt các quy tắc “Thực hành tốt sản xuất thuốc” (GMP) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề ra (trong quá trình sản xuất còn phải đạt GLP - Thực hành tốt kiểm nghiệm thuốc, GSP - Thực hành tốt tồn trữ thuốc).

Rõ ràng với các yếu tố như vậy, chất lượng thuốc ngoại và thuốc nội được sản xuất ở nhà máy đạt GMP-WHO trên cùng một loại dược phẩm là như nhau.

Cần nói thêm rằng một khi đã được công nhận đạt GMP, nghĩa là hệ thống những quy định hay hướng dẫn mà nhà sản xuất dược phẩm tuân thủ để cho ra các sản phẩm luôn đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký và bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người sử dụng. Vì vậy nếu thuốc, dù là thuốc nội hay thuốc ngoại, được sản xuất tại nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP đều có quá trình sản xuất giống nhau cho một loại sản phẩm.

Bởi lẽ GMP bắt buộc được áp dụng cho mọi hoạt động trong quá trình sản xuất thuốc từ đầu vào (nhận xử lý kiểm nghiệm nguyên liệu/bao bì, pha chế, bảo quản bán thành phẩm, ra thành phẩm, đóng gói và bảo quản tồn trữ thành phẩm) đến đầu ra (phân phối, đặc biệt nếu có sai sót sẽ thu hồi sản phẩm, bảo quản sản phẩm trả lại, biệt trữ). Vì vậy thuốc nội tại nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP sẽ đảm bảo chất lượng để dùng an toàn, hiệu quả cho người bệnh.

Giá cao chẳng phải vì chất lượng

Vậy vì sao thuốc ngoại lại có giá cao hơn thuốc nội, có khi gấp rất nhiều lần? Nhiều người đã đánh giá chất lượng thuốc qua giá cả, cứ nghĩ thuốc càng đắt thì chất lượng càng tốt; nghĩ rằng thuốc ngoại đắt hơn, thậm chí gấp 5, 10 lần thuốc nội tương đương thì có nghĩa thuốc ngoại tốt hơn.

Điều này không hoàn toàn sai. Vì có những thuốc còn quyền bảo hộ sở hữu công nghiệp mà hãng sản xuất đã tiêu tốn quá nhiều cho việc nghiên cứu tìm ra thuốc ấy, hay đặc biệt, hãng sản xuất do áp dụng quy trình bào chế tiên tiến hơn, có dạng bào chế thích hợp hơn tác động đến khả năng tiếp thu, chuyển hóa của người bệnh làm thuốc có tác dụng nhanh hơn. Và vì chi phí cho việc nghiên cứu ra đời thuốc mới hay áp dụng quy trình bào chế đặc biệt nên giá thuốc đắt hơn so với thuốc của hãng sản xuất khác.

Nhưng cũng lắm trường hợp không vì giá đắt hơn mà chất lượng thuốc tốt hơn, đặc biệt là so sánh giữa thuốc ngoại nhập và thuốc sản xuất trong nước. Vì có nhiều thuốc ngoại chịu phí tổn rất cao cho phần quảng cáo, tiếp thị (đây là phần thuốc ngoại chịu chi rất nhiều) và nhiều thuốc chịu thuế nhập khẩu. Do đó giá thuốc ngoại cao hơn thuốc nội rất nhiều, hoàn toàn chẳng vì lý do chất lượng.

Vậy vì sao dù giá thuốc ngoại rất cao so với thuốc nội, song không ít người Việt vẫn dùng?

Đúng là có một thời kỳ thuốc nội do điều kiện sản xuất không được đầu tư thỏa đáng nên chất lượng không đảm bảo, hoặc chất lượng bảo đảm nhưng không quan tâm trình bày bao bì, mẫu mã thuốc để gây ấn tượng tốt.

Các chi tiết tưởng chừng vặt vãnh như thuốc ống uống (ampoule buvable) sản xuất trong nước trước đây không cung cấp lưỡi cưa ống thuốc kèm theo (một số thuốc ngoại khi đó không dùng lưỡi cưa ống thuốc mà đầu ống thuốc được chế tạo có thể bẻ gãy dễ dàng), nút lọ thuốc mở ra rất khó (hoàn toàn không vì chủ đích cho trẻ em không mở ra được như nút một số chai thuốc ngoại) và đóng lại thì không chặt, nhãn thuốc in chữ lèm nhèm... đã gây ấn tượng xấu cho người dùng thuốc. Ấn tượng xấu ấy khó lòng làm cho phai mờ, kéo dài đến bây giờ.

Nhưng trong tình hình hiện nay thì thế nào? Ngoại trừ một số thuốc đặc trị mà điều kiện sản xuất trong nước chưa cho phép sản xuất, còn thuốc đang sản xuất (đa số nằm trong danh mục thuốc thiết yếu hay thuốc generic) của các công ty, xí nghiệp dược phẩm ta mà chúng tôi có dịp tìm hiểu thì không thua kém so với thuốc ngoại tương đương.

Hiểu rõ những điều này, hẳn người tiêu dùng cũng cần cân nhắc lại việc chọn mua thuốc nội và ngoại...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận