Những vấn đề cần đặt ra

TS NGUYỄN NGỌC HIẾU 05/05/2017 01:05 GMT+7

TTCT- Nhiều tranh luận gần đây về dự thảo Luật quy hoạch (QH) dường như xoay quanh khả năng và cách thức để tích hợp QH đô thị vào QH tổng thể. Xin góp ý một số vấn đề liên quan đến những vướng mắc hiện nay.

Quy hoạch giao thông phải tích hợp quy hoạch đường bộ, đường sắt, đường thủy, giao thông công cộng và giao thông cá nhân -Hữu Khoa
Quy hoạch giao thông phải tích hợp quy hoạch đường bộ, đường sắt, đường thủy, giao thông công cộng và giao thông cá nhân -Hữu Khoa


Thiết kế hệ thống QH tầng bậc từ trên xuống là tối ưu?

- Dự thảo đề xuất hệ thống QH theo tầng bậc chặt chẽ với quan hệ từ trên xuống, yêu cầu dưới tuyệt đối tuân thủ trên.

Tuy nhiên, các hệ thống QH hiện đại đều xây dựng nguyên tắc kết hợp trên xuống và dưới lên trong quan hệ, tức là tôn trọng cả nguyên tắc từ trên xuống (lợi ích đại cục) và phản hồi từ dưới lên (khác biệt địa phương) trong mối quan hệ giữa các cấp.

Thiết kế hệ thống này phản ánh bản chất QH là sự thỏa thuận, cần linh hoạt và có tính tương đối về giải pháp.

Trong bối cảnh VN, nhiều QH ở cấp “trên” có thể có vấn đề về cả độ tin cậy trong dự báo, tính cập nhật, khả năng phản ánh khác biệt giữa mô hình mong muốn và thực tiễn địa phương.

Nếu chỉ áp dụng nguyên tắc “trên” phủ định dưới một cách máy móc có thể dẫn đến bất cập khi bản thân hệ thống chưa hoàn chỉnh và đồng bộ.

Vì vậy cần làm rõ nguyên tắc trên và “dưới” theo nghĩa dưới tôn trọng và phục tùng lợi ích đại cục chứ không phải nhất nhất tôn trọng giải pháp cụ thể ở trên, bởi QH ở cấp độ không gian lớn như vùng và quốc gia thường chỉ cố định nguyên tắc chung nhưng có thể linh hoạt về giải pháp, nhất là đối với các QH có tính đa ngành. Cần tránh hiểu phục tùng lợi ích quốc gia thành phục tùng lựa chọn duy nhất của giải pháp.

QH dự báo ngắn hạn

- Thế kỷ 21 đánh dấu sự thay đổi lớn về bối cảnh kinh tế thị trường hội nhập, các đối thủ cạnh tranh thích ứng, cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4, biến đổi khí hậu và biến đổi xã hội làm các dự báo ngày càng kém tin cậy khi tương lai ngày càng bất định.

Nhìn chung, các QH dài hạn ngày càng ít được sử dụng và dự thảo rút xuống, chỉ làm cho 10 năm, tầm nhìn 20-30 năm phù hợp với xu hướng thế giới.

Tuy nhiên, QH làm ngắn hạn hơn không có nghĩa là chúng ta không chuẩn bị cho các chiến lược dài hạn đối với một số ngành hạ tầng cần chuẩn bị đầu tư từ xa, hoặc cho các nhiệm vụ đặc thù.

Thông qua xây dựng các kịch bản cùng dự thảo chiến lược dài hạn theo cơ chế thích ứng, các nhà quản lý sẽ chuẩn bị nhiều lựa chọn để chuyển hướng chiến lược khi QH ngắn hạn đã lỗi thời hoặc không còn phát huy tác dụng. Điều này giúp sử dụng QH trung hạn nhưng vẫn đảm bảo định hướng theo chiến lược dài hạn.

QH quá to nhưng thiếu thực tế

- Nhiều bất cập trong QH (xây dựng) đô thị hiện nay liên quan tới cơ sở của việc dự báo, phương pháp dự báo và sự ảnh hưởng của nhân tố khác (thiếu năng lực, bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ...) dẫn tới QH “vẽ” quá to, dự báo quá xa trên nền tảng cơ sở dữ liệu sử dụng nhiều giả định thiếu thực tế hoặc thiếu tin cậy.

QH quá to dẫn tới rất khó phân bổ nguồn lực phù hợp và tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả. Vấn đề nằm trong chất lượng và phương pháp QH đô thị như thiếu tích hợp với chính các ngành hạ tầng, với QH nguồn lực, với quá trình quản lý.

QH tích hợp

- Để tích hợp có hiệu quả, cần tích hợp chính các nội dung chuyên ngành gần nhau trước khi nhắm tới tổng thể. Ví dụ QH giao thông phải tích hợp QH đường bộ, đường sắt, đường thủy, QH giao thông công cộng và giao thông cá nhân.

Ngành nước cần tích hợp quản lý nguồn nước, nước thải, tích hợp quản lý nguồn nước của các ngành nông nghiệp và thủy điện, các bên khác nhau sử dụng nước phải được xem xét đầy đủ...

QH đô thị muốn hiệu quả cần thay đổi cả trong phương pháp lập QH để sử dụng không gian dự báo về nguồn lực thực hiện, dự báo nhu cầu sử dụng các chỉ số phản ánh của thị trường, tích hợp các ngành để đánh giá hiệu quả đa chiều.

Về cơ bản, QH không chỉ tích hợp các hệ thống hạ tầng kỹ thuật mà còn phải đi theo xu hướng chung là tích hợp với quản lý. QH trở thành quá trình theo dõi, đánh giá và điều chỉnh sử dụng các chỉ số chiến lược trên nền tảng tham gia.

Hệ thống QH tổng thể tích hợp chỉ đến cấp tỉnh?

- Tại nước ta, dù chỉ có khoảng 35% dân số sống ở thành thị nhưng trên 70% GDP giá trị sản xuất được tạo ra từ đây. Các TP cũng tiêu thụ trên 70% nhu cầu năng lượng, hàng hóa và xu hướng đô thị hóa, phát triển đô thị ngày càng làm cho đô thị đóng vai trò lớn hơn trong hệ thống tổ chức không gian quốc gia.

Nên chăng Luật QH xác định vai trò và vị trí của QH đô thị trong hệ thống QH tiệm cận với cách thức xây dựng hệ thống QH quốc tế là đưa hệ thống bắt rễ xuống hệ thống QH đô thị và cấp cơ sở, thay vì chỉ tới các TP trực thuộc trung ương hay cấp tỉnh.

Nếu xây dựng nền móng hệ thống QH xuống tới cấp cơ sở là các chính quyền đô thị và đẩy mạnh xây dựng chính quyền đô thị tự chủ cho các đô thị trực thuộc tỉnh là loại 1 (tương lai có thể là loại 2), chúng ta có thể kỳ vọng nhiều TP loại 1, 2 trực thuộc tỉnh cũng sẽ năng động giống như Đà Nẵng khi được trao quyền.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận